Ô nhiễm tạo ra hành vi kỳ quặc ở động vật |
Lũ cá hiếu động thái quá, những con ếch ngu
ngốc, chuột không biết sợ và bầy mòng biển ngã bổ
chửng. Nghe như thể bạn đang ở trong rạp xiếc! Nhưng đó
hoàn toàn là sự thật, và thủ phạm của những cách xử
sự lạ lùng này là ô nhiễm môi trường.
Từ lâu, các nhà khoa học đã nói đến những hoá chất có thể gây bệnh và làm rối loạn hành vi cho động vật hoang dã, bằng cách phá huỷ tuyến nội tiết của chúng. Những chất này bao gồm kim loại nặng như chì, các chất PCBs và những loại phụ gia như bisphenol A. Trong những năm gần đây, ngày càng có thêm bằng chứng cho thấy các chất ô nhiễm có thể gây ra những hiệu ứng chuyển giới, bằng cách thay đổi sinh lý, đặc biệt là cơ quan sinh dục của động vật.
Vừa qua, hai nghiên cứu lớn đã tiết lộ rằng ảnh hưởng xấu của các hoá chất độc hại lên hành vi động vật lớn hơn nhiều so với những lo ngại trước đây. Ở nồng độ thấp, chúng làm thay đổi cả hành vi giao phối và xã hội của một số lớn các loài. Chúng thậm chí còn đe doạ sự sống của động vật trong tương lai không xa, do làm giảm số lượng tinh trùng.
Hai nhóm nghiên cứu độc lập đã thu thập bằng chứng về sự tác động của chất ô nhiễm lên hành vi của diệc bạch, mòng biển, ốc sên, chim cút, chuột và khỉ, cá tuế, cá muỗi, chim ưng. Hành vi ở đây bao gồm kết đôi, làm cha mẹ, xây tổ, học cách sống, trốn tránh kẻ thù, tìm thức ăn, mức độ hoạt động và thậm chí khả năng thăng bằng.
Trong một nghiên cứu, người ta tìm thấy những con sáo đá đực tiếp xúc với thuốc diệt côn trùng dicrotophos bị suy giảm hoạt động hát, nô giỡn, bay và tìm thức ăn tới 50%. Những con sa giông tiếp xúc với thuốc trừ sâu endosulfan hàm lượng thấp thì khó khăn hơn trong việc đánh hơi các chất pheromone của bạn tình tiềm năng. Ngoài ra, số mòng biển đực nở từ những quả trứng tiếp xúc với DDT có hành vi giao phối đồng tính tăng lên.
Những năm gần đây, các nhà khoa học cũng tìm thấy chì có ảnh hưởng đến sự thăng bằng của mòng biển, trong khi chất atrazine khiến cho cá vàng trở nên hiếu động thái quá, còn chất TCDD khiến cho hành vi nô giỡn ở khỉ trở nên thô bạo hơn.
"Chúng ta không chỉ thất bại trong việc nhận ra quy mô của vấn đề do những chất phá huỷ tuyến nội tiết gây ra, mà chúng ta đã bỏ qua một bí quyết nhận biết quan trọng: thay đổi trong hành vi động vật có thể là sự cảnh báo sớm cho thấy những hoá chất nào đó là độc hại", Ethan Clotfelter thuộc Đại học Amherst ở Massachusetts, trưởng một nhóm nghiên cứu, nhận xét. "Bạn có thể quan sát thấy hiệu ứng hành vi này rất lâu trước khi thấy sự sụp đổ của một quần thể", Ethan nói.
Cả hai nhóm nghiên cứu đều cho rằng các nhà sinh học cần thức tỉnh trước thực tế là các chất phá huỷ nội tiết có thể là nguyên nhân gây ra hành vi kỳ quặc ở động vật hoang dã. Và nồng độ hoá chất khác nhau sẽ gây ra những hiệu quả khác nhau. Chẳng hạn, nếu tiếp xúc với thuốc trừ sâu ở nồng độ thấp, chuột có thể tăng hành vi đánh dấu bằng mùi, nhưng nếu nồng độ thuốc tăng, hành vi kia lại giảm đi.
"Các chất ô nhiễm được xem là an toàn khi thử nghiệm ở hàm lượng vừa lại có thể có tác dụng phá huỷ ở nồng độ thấp hơn", Dustin Penn và Sarah Zala, thuộc Viện so sánh phong tục Konrad Lorenz tại Viện hàn lâm khoa học Áo ở Vienna, tác giả của nghiên cứu thứ hai, cảnh báo.
Thuận An (vnexpress.net, theo NewScientist)