'Nhìn' màu bằng ngón tay

Minh Thi                      
 
   

Giờ đây, những người khiếm thị có thể "nhìn" được một loại hình ảnh đặc biệt do một chương trình máy tính tạo ra. Chương trình này có khả năng biến những hình ảnh màu thành các đồ hoạ có bề nổi

Chương trình máy tính, do Artur Rataj tại Viện khoa học máy tính ứng dụng và lý thuyết ở Ba Lan sáng tạo, được coi là công trình đầu tiên biến màu sắc thành thứ sờ mó được, nhờ đó người mù có thể đọc được bằng xúc giác. Đã có một số cách dịch hình ảnh cho người mù giống như cách chữ viết được biến thành chữ nổi. Hình ảnh được chuyển thành hình nổi bằng cách sử dụng những dòng kẻ và dấu gạch nổi để tượng trưng cho bức hình. Thông qua ngón tay, người mù hoặc khiếm thị có thể cảm nhận được chi tiết của hình ảnh. Tuy vậy đến nay, những hình ảnh đó vẫn chỉ là đen trắng

Rataj tuyên bố chương trình máy tính của ông có thể bổ sung màu sắc cho những hình ảnh đó. Chương trình xác định đường nét của các vật thể trong bức ảnh và phân phối màu cơ bản cho từng phần khác nhau của bức ảnh. Mỗi màu được đại diện bởi một dãy các dấu gạch bố trí tại các góc khác nhau. Chẳng hạn, màu vàng được thể hiện bằng một dãy chấm thẳng đứng và màu xanh da trời là một hàng chấm nằm ngang. Màu sắc được đơn giản hoá nên chỉ có một màu xanh chứ không có các sắc thái xanh khác nhau. Sự kết hợp màu như da cam được tạo ra bằng những chấm đặt tại góc nửa đỏ nửa vàng. Độ đậm sáng của màu phụ thuộc vào mật độ của các dấu gạch. Càng nhiều gạch tức là màu càng sáng

Tim Connell, Giám đốc điều hành công ty Quantum Technology ở Australia, nơi cung cấp máy in để biến hình ảnh thành hình nổi, nhận định: "Nhiều thông tin quá có nghĩa là sẽ càng khó để hiểu được bức ảnh. Càng ít càng nhiều. Những người đã mù cả đời thì với họ màu sắc chẳng có ý nghĩa gì. Nếu màu bổ sung thêm ý nghĩa thì nó quan trọng, còn không nó chỉ mang tính thẩm mỹ chứ chẳng có tính thực tiễn"

04/04/04 vnexpress(theo ABC Online)