Người cổ đại cũng xem sao để xây dựng

Bích Hạnh                                              
 
   
 

Mặt trời và các vì sao thường xuyên được dùng làm mốc trong những bia tưởng niệm thời kỳ đồ đồng của cư dân châu Âu và châu Phi cổ đại. Khảo sát 2.000 ngôi mộ, một nhà lịch sử thiên văn Anh đã tìm thấy rất nhiều trong số chúng hướng mặt về phía mặt trời mọc - một biểu tượng của thế giới bên kia

Một cuộc nghiên cứu thứ hai về cấu trúc đá ở Menorca còn tiết lộ rằng những ngôi mộ cổ trông về chòm sao Nhân Mã.

 

 

 

 

Tiến sĩ Michael Hoskin, từ Đại học Cambridge, đã thảo luận công trình của mình tại cuộc họp của Hiệp hội thiên văn quốc gia, đang diễn ra ở Milton Keyes.

Nghiên cứu ở Menorcan tập trung vào "taulas" - tiếng Catalan chỉ cái bàn - là những khối đá hình chữ nhật ở đáy, bên trên là một phiến đá phẳng, tạo nên hình dạng gần giống chữ "T". Những cấu trúc này được xây dựng trên nền đất cao, xung quanh là các bức tường hầu như đều mở về phía nam.  

"Sự trùng lặp đó không thể do tình cờ. Hẳn nó có ý nghĩa quan trọng đến mức những người thờ cúng tại nơi tôn nghiêm này phải tạo ra một tầm nhìn hoàn hảo về chân trời phía nam", Hoskin nhận định.

Điều thú vị là ngày nay, ở chính vị trí đó - thấp xuống phía nam bầu trời - không có gì đặc biệt cả. Nhưng vào năm 1.000 trước Công nguyên, nơi những chiếc bàn đá này được xây dựng, người Menorcan có lẽ đã quan sát thấy chòm sao Thánh giá phía nam, và những ngôi sao sáng rực của chòm Nhân Mã cũng mọc lên và lặn đi ở hướng đó.

Trong một điều tra độc lập, Hoskin cho biết ông đã dành hơn 1 thập kỷ để viếng thăm khoảng 2.000 ngôi mộ thời kỳ đồ Đá mới ở châu Âu và Bắc Phi. Ông phát hiện thấy cổng của phần lớn các công trình này đều hướng mặt về phía mặt trời mọc.

"Điều đáng kinh ngạc là những cộng đồng phân bố trên một vùng rộng lớn như vậy đều chọn hướng mặt trời mọc làm mặt tiền. Có lẽ nguyên cớ để họ làm vậy là vì mặt trời là biểu tượng của hy vọng và của cõi âm", Hoskin nhận xét.

4/4/2004 - vnexpress.net (BBC)