NASA sẽ thử nghiệm máy bay siêu âm

                        Thứ sáu, 19/3/2004            vnExpress 
 
.
   
 

Chiếc phi cơ không người lái được thiết kế bay tới tốc độ 10.000 km/giờ, gần gấp 3 lần kỷ lục máy bay phản lực đang giữ, sẽ trở lại bầu trời vào ngày 27/3 tới, thay thế nguyên mẫu của nó bị buộc phải cho nổ trong thử nghiệm năm 2001.

Cơ quan Vũ trụ Mỹ thông báo chiếc X-43A sẽ được phóng tại Căn cứ không quân Edwards ở California.

Kỷ lục về tốc độ hàng không hiện là 3.529 km/giờ (Mach 3,2) được chiếc máy bay do thám "Chim đen" SR-71 lập năm 1964. Một máy bay thử nghiệm khác, chiếc X-15 cũng đã đạt tới tốc độ Mach 6,7 nhưng là nhờ động cơ tên lửa.

X-43A có dáng thuôn, dẹt và nhỏ, chỉ dài 3,6 mét với sải cánh dài 1,5 mét. NASA hy vọng trong lần thử nghiệm tới nó sẽ đạt tốc độ Mach 5 (hay 6.000 km/giờ), nhỉnh hơn một nửa năng lực thiết kế.

Nguyên mẫu máy bay siêu âm này là kết quả nghiên cứu 20 năm thuộc dự án Công nghệ Scramjet, trong đó động cơ sẽ lấy oxy trực tiếp từ khí quyển để đốt cháy hydro nhiên liệu, mà không cần “bê” nguyên cả bể oxy lỏng vừa đắt tiền vừa nặng như các phi cơ khác.

B.H. (theo AFP)

 

Chủ nhật, 3/6/2001, 08:40 (GMT+7)

Máy bay siêu âm của NASA không bay được

Chỉ vài giây sau khi rời khỏi phản lực siêu âm X-43A, tên lửa đẩy Pegasus đã gặp trục trặc, không sao điều khiển được nữa. NASA đành phải cho nổ cả tên lửa lẫn X-43A, chiếc phi cơ không người lái có tốc độ gấp 7 lần âm thanh.

Sự cố xảy ra cách mặt biển Thái Bình Dương khoảng 13 km. Theo kế hoạch, ở lần bay thử hôm qua (2/6), X-43A sẽ phải vận hành ở độ cao 30 km. Nhưng các hình ảnh NASA thu được qua camera đặt trên 2 máy bay F-18 đã cho thấy tên lửa đẩy Pegasus thình lình xoay nghiêng, rồi rơi thẳng từ trên trời xuống. Nhóm kỹ sư dưới mặt đất buộc phải bấm nút cho nổ cả tên lửa lẫn máy bay. Lúc đó là 20h45’ GMT (3h sáng 3/6 Hà Nội).

Mảnh vụn của Pegasus và X-43A, “đứa con cưng” của NASA, rơi ầm ầm xuống biển.

Các kỹ sư NASA rất thất vọng. Tuy nhiên, họ cho biết sẽ thành lập một tổ điều tra để tìm hiểu nguyên nhân sự cố, sửa chữa và tiếp tục thử nghiệm. Họ thề không để dự án X-43A trị giá 185 triệu USD thất bại. Theo NASA, phản lực siêu âm thế hệ mới là một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử hàng không, có ý nghĩa ngang tầm chuyến bay đầu tiên của anh em nhà Wright (hai người chế tạo ra chiếc máy bay đầu tiên của nhân loại).

Đoan Trang (theo BBC, Reuters, 3/6

 

Thứ bảy, 2/6/2001, 12:51 (GMT+7)

Hôm nay, Mỹ thử nghiệm máy bay nhanh nhất thế giới

Nếu không có gì thay đổi, hôm nay (2/6), X-43A, chiếc phản lực siêu âm có tốc độ cao gấp 7 lần âm thanh, không người lái, sẽ cất cánh từ căn cứ không quân Edwards, California. Vào lúc này, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đang tiến hành những bài kiểm tra cuối cùng.

Dự kiến X-43A sẽ bay cách mặt biển Thái Bình Dương 30 km. Nó được gắn liền với tên lửa đẩy và một máy bay B-52. Sau khi cất mình lên không trung, chiếc B-52 sẽ thả tên lửa xuống, tên lửa bùng cháy và đẩy máy bay X-43A vào quỹ đạo cao hơn.

Rời khỏi tên lửa đẩy, X-43A sẽ bay một mình, sử dụng động cơ phản lực khí đốt chuyên biệt. Động cơ này chỉ mang theo hydro, không có ôxy. Khi lên cao, máy bay sẽ hút ôxy từ khí quyển vào để đốt cháy hydro làm nhiên liệu. Điều này khiến nó không phải “bê” nguyên cả bể ôxy lỏng vừa đắt tiền vừa nặng như các phi cơ khác.

X-43A được thiết kế nhằm mục đích đạt tốc độ gấp 7-10 lần âm thanh. Hiện dự án trị giá 185 triệu USD này vẫn còn trong giai đoạn thử nghiệm. Trong 18 tháng tới, NASA sẽ tiếp tục thử 3 máy bay siêu âm khác để từ đó, chế tạo những chiếc phi cơ lớn hơn, có khả năng mang theo phi công.

Đoan Trang (theo BBC, 2/6)