NASA từ chối kéo dài thời hạn tạm trú trên ISS

B.H.                           
 
.
   

Tàu con thoi ngừng hoạt động, Mỹ phải phụ thuộc vào Nga để đưa người lên vũ trụ

 

Nga sẽ phải tìm cửa khác để xếp chỗ cho khách du lịch không gian, bởi Cơ quan Vũ trụ Mỹ vừa tuyên bố họ vẫn muốn các phi hành gia trở về sau 6 tháng ở trên quỹ đạo.

Nga từng đề xuất với Mỹ kéo dài thời hạn làm việc của các phi hành đoàn trên Trạm quốc tế từ 6 tháng hiện nay lên 1 năm, và dành một chuyến bay dôi ra để chở 2 khách du lịch lên vũ trụ.  

Cho tới nay, bằng các tàu Soyuz, Nga đã bán được 2 vé du lịch như vậy và người thứ 3 đang được huấn luyện để bay vào tháng 4/2005. Cơ quan vũ trụ châu Âu cũng đều đặn trả phí cho Nga để các nhà du hành của họ được tham gia những chương trình nghiên cứu ngắn hạn trên trạm (mới đây nhất là nhà nghiên cứu người Hà Lan Andre Kuipers).

Mặc dù tới nay đã có 4 phi hành gia vượt qua mốc 1 năm trong không gian, song NASA cho biết họ chưa sẵn sàng để cho các nhà du hành ở lâu trong vũ trụ như thế.

"Chúng tôi không nói là không, mà là không phải bây giờ", phát ngôn viên của NASA Allard Beutel nói.

21/04/004 (theo Discovery)

 

 Các nhà du hành có thể ở trên ISS lâu hơn

Thứ hai, 12/4/2004, 07:30 GMT+7

 

Trạm không gian Quốc tế.

Cơ quan vũ trụ Mỹ đang xem xét một kế hoạch của Nga, theo đó mỗi lần thay ca, phi hành đoàn sẽ sống 1 năm trên Trạm Không gian quốc tế thay vì 6 tháng như hiện nay.

Thay đổi này sẽ cho phép Nga dành chỗ trống trên các chuyến bay cho những hành khách sẵn lòng trả tiền để lên vũ trụ - cả khách du lịch lẫn các nhà du hành châu Âu.

Hiện tại, hai tàu chuyên dụng Soyuz vẫn luân phiên cất cánh 6 tháng một lần. Song nếu tương lai, Nga chỉ gửi một phi hành đoàn lên ISS 1 lần mỗi năm, họ sẽ dành ra được 1 chuyến bay (với 2 chỗ ngồi) cho hai khách du lịch. Và với mỗi hành khách như vậy, chương trình vũ trụ Nga nhận được khoảng 20 triệu đôla.

NASA cho biết họ có thể ra quyết định trong một vài tuần tới.

Phi đoàn trên ISS đã bị rút xuống còn 2 người từ năm ngoái, sau khi tất cả các chuyến bay của tàu con thoi phải ngừng lại vì tai nạn của tàu Columbia. Sự cố khiến cho tàu Soyuz của Nga trở thành phương tiện duy nhất chuyên trở được người lên Trạm vũ trụ, làm giảm khả năng kinh doanh du lịch của Nga trong lĩnh vực này.

B.H. (theo BBC)

 

Thay ca phi hành đoàn trên Trạm Quốc tế

Thứ hai, 19/4/2004, 14:07 GMT+7

 

Tên lửa Soyuz TMA-4 rời bệ phóng.

Sáng nay, tên lửa Soyuz TMA-4 của Nga đã cất cánh từ căn cứ Baikonur, Kazakhstan, mang theo một nhà du hành Mỹ, một phi hành gia Nga và một người Hà Lan tới Trạm Không gian Quốc tế.

Michael Fincke (Mỹ), Gennady Padalka (Nga) và Andre Kuipers người Hà Lan (đại diện cho Cơ quan Vũ trụ châu Âu) sẽ có mặt trên ISS trong hai ngày tới.

Đây là chuyến bay có người lái thứ ba tới Trạm kể từ khi các tàu con thoi của Mỹ phải tạm thời ngừng hoạt động. Padalka và Fincke, ban đầu được huấn luyện để bay trên một tàu con thoi của Mỹ, sẽ dành 183 ngày trên Trạm vũ trụ. Kuipers sẽ trở về trái đất sau 10 ngày tới cùng với phi đoàn hiện tại của ISS là Michael Foale và Alexander Kaleri (hai người đã có mặt trên tổ hợp vũ trụ từ tháng 10 năm ngoái).

Click vào ảnh
Từ trên xuống dưới, Gennady Padalka (Nga), Michael Fincke (Mỹ), và Andre Kuipers.

Trong khoang tàu, bộ ba vẫy tay và gửi những nụ hôn gió tới các đồng nghiệp trước khi khởi hành. Với Fincke, chuyến bay này đã biến ước mơ từ lâu của anh thành sự thật. Fincke - một trung tá của không lực Mỹ, cử nhân về khoa học hàng không, vật lý và du hành vũ trụ - đã có hơn 800 giờ bay trên hơn 30 loại phương tiện không gian khác nhau.

Tuy nhiên, chuyến bay suôn sẻ không có nghĩa là mọi căng thẳng đã được giải tỏa. Nga muốn có sự thừa nhận rõ ràng hơn của NASA về những cố gắng của họ trong việc duy trì hoạt động của trạm mà không có hỗ trợ của Mỹ. Kể từ sau tai nạn của tàu Columbia khiến đội tàu con thoi của Mỹ phải nằm yên trong nhà kho, Nga đã phải đóng băng một số dự án nâng cấp phần tổ hợp của họ trên ISS và một số dự án thương mại (trong đó có cả việc bán vé du lịch vũ trụ) để tập trung ổn định những nguồn tài nguyên hạn chế, nhằm duy trì tình trạng lơ lửng của ISS hiện nay.

Phía Nga cũng muốn NASA đồng ý với kế hoạch kéo dài thời gian thay ca trên ISS từ 6 tháng hiện nay lên 1 năm, để chừa 1 chuyến bay cho các khách du lịch vũ trụ. "Họ sẽ phải đồng ý với đề nghị này. Chúng tôi không yêu cầu điều gì là không thể cả", Sergei Gorbunov, phát ngôn viên của Cơ quan vũ trụ Nga cho biết.

Trong khi đó, phát ngôn viên Rob Navias của Mỹ thì thông báo các chuyến bay của tàu con thoi có thể bắt đầu lại vào "khoảng thời gian này năm tới".

B.H. (theo AP)