'Bà tổ' Lucy được xuất ngoại

Minh Thi    -   Đoan Trang    
 
   
 

Ethiopia đang chuẩn bị đưa bộ xương hoá thạch nổi tiếng thế giới có niên đại 3,2 triệu năm, được coi là "bà tổ" của nhân loại, đi du ngoại lần đầu tiên. Động thái này nhằm thu hút du khách nước Mỹ vì bộ xương sẽ được trưng bày tại cuộc triển lãm ở Mỹ vào năm 2006

Bộ xương được phát hiện vào năm 1974 là một dấu mốc trong lịch sử khám phá nguồn gốc nhân loại, đại diện cho hoá thạch con người hầu như hoàn chỉnh nhất được tìm thấy từ trước tới nay

Lucy hiện được cất giữ tại bảo tàng Ethiopia, sẽ cùng những tạo vật khác, bao gồm vương miện và vương trượng của những vị vua cổ đại, sẽ được đưa đến trưng bày tại Bảo tàng khoa học tự nhiên Houston ở Texas năm 2006.

 

 

 

Mục tiêu của cuộc triển lãm là thúc đẩy ngành du lịch Ethiopia bằng cách mở ra cho người dân Mỹ cái nhìn về tầm quan trọng lịch sử không đâu sánh bằng của đất nước châu Phi, với vai trò là chiếc nôi của nhân loại và mảnh đất của những khám phá khảo cổ quan trọng", quan chức ngành du lịch Ethiopia Abdullahi Suker phát biểu.

Ethiopia, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, đang tìm cách lôi kéo du khách tới những địa điểm hấp dẫn như các khu khảo cổ, những nhà thờ được khắc trong đá qua hàng thế kỷ và những thành phố cổ như Axum

Bảo tàng quốc gia Addis Ababa ở Ethiopia hiện chỉ trưng bày bản mẫu của Lucy, được các nhà phát hiện lấy tên từ bài hát của Beatles Lucy in the Sky with Diamonds, nhưng bộ xương gốc sẽ được trưng bày tại Texas

13/04/04  (theo Reuters)

 

Khai quật sọ người 3,5 triệu năm tuổi ở Kenya

  Thuyết “Tổ tiên trực hệ của con người hiện đại là Lucy, người Australopithecus” có thể sẽ không còn được công nhận nữa, sau khi các nhà khoa học tìm được một sọ người xấp xỉ niên đại với Lucy nhưng lại mang những đặc điểm hoàn toàn khác của một sinh vật chưa từng được biết đến

Người đã phát hiện ra chiếc sọ, nhà nghiên cứu Meave Leakey, Bảo tàng Tự nhiên Kenya, gọi sinh vật này là Kenyanthropus (Người Mặt phẳng ở Kenya). Theo bà, xác suất Kenyanthropus là tổ tiên của người hiện đại lên tới 50 %

     

Chiếc sọ tương đối nguyên vẹn được khai quật hôm qua, ở vùng Lomekwi, phía tây hồ Turkana. Sọ 3,5 triệu năm tuổi, có vùng mặt to, phẳng, cấu trúc hoàn toàn khác với Lucy. Đặc biệt, răng của nó nhỏ trong khi răng Lucy lại rất lớn. Giải thích sự khác biệt về cấu trúc xương hàm và răng, nhà nhân chủng học Andrew Hill cho biết: “Chế độ ăn, giống như một sự thích nghi với môi trường, có lẽ là nguyên nhân của hiện tượng này”.

Hiện rất khó có thể khẳng định Kenyanthropus đại diện cho một tiểu nhánh (loại) trong gia đình “bà tổ” Lucy, hay là một loài khác cùng thuộc chi Australopitacus. Cũng rất có thể sinh vật giống người này lại thuộc một chi hoàn toàn khác và là tổ tiên thực sự của con người. Đây chính là điểm làm các nhà khoa học đau đầu nhất. Nhà nhân chủng học Tim White nói: “Thông thường chúng ta chỉ nghĩ đến cây gia hệ một thân, nhưng trong trường hợp này lại là cây hai thân”.

Kenyanthropus là sinh vật giống người nhiều tuổi nhất mà khoa học được biết đến nay. Nó ấn định “điểm xuất phát” của loài người chúng ta - xấp xỉ 6 triệu năm về trước

Thách thức đối với khoa học

Năm 1974, giới khảo cổ học đã tìm ra hóa thạch 3,2 triệu năm tuổi của Lucy ở Ethiopia. Rất nhiều người kết luận rằng đây là tổ tiên trực tiếp của con người ngày nay. Giờ đây, phát hiện mới tiếp tục gây tranh cãi về cây tiến hóa của con người, đồng thời cũng cung cấp thêm bằng chứng rằng từ 2 đến 3,5 triệu năm trước, có một số loài sinh vật giống người (gần với người hơn khỉ) tồn tại và thích nghi trong các dạng môi trường khác nhau

Số hóa thạch tìm được trong vòng 15 năm qua đã nâng tổng số sinh vật giống người lên gần gấp đôi. Các nhà khoa học đang cố gắng làm sáng tỏ mối quan hệ giữa các sinh vật này

 13/04/04 vnexpress (theo BBC, AP, 22/3).