Loài người đã đánh đổi sức mạnh hàm nhai lấy bộ não lớn?

Bích Hạnh                           25/03/2004         Nature             vnExpress
 
.
   
 

Một đột biến 2,4 triệu năm trước có thể đã khiến loài người không thể sản xuất ra một trong những protein chính vốn tạo nên sức mạnh của cơ hàm linh trưởng. Do thiếu sức đè của bộ máy nhai cồng kềnh, sọ người có thể đã được tự do phát triển, tạo ra bộ não lớn như ngày nay.

Đó là lời giải mới nhất của các nhà nghiên cứu Mỹ trước nghi vấn lâu nay rằng bằng cách nào con người có bộ não lớn đến vậy. Theo đó, trí thông minh đặc biệt mà con người có được là do "công" của các cơ hàm yếu ớt.

Nancy Minugh-Purvis thuộc Đại học bang Pennsylvania ở Philadelphia, thành viên đội nghiên cứu, cho biết thời điểm xảy ra đột biến trên trùng với giai đoạn tăng trưởng não mãnh liệt quan sát được trên các sọ người khoảng 2 triệu năm trước. "Đúng ở thời điểm họ mất đi lực cơ hàm, quá trình tiến hoá kích cỡ não bắt đầu", Minugh-Purvis nói.

Câu chuyện bắt đầu khi các nhà nghiên cứu kiểm tra mẫu ADN người trên khắp thế giới: họ khám phá thấy tất cả chúng ta đều có một khiếm khuyết trong gene tạo nên protein MYH16 - một thành phần chính của các cơ hàm khỏe mạnh trên nhiều loài linh trưởng (không phải là người) như tinh tinh và gorilla. Sử dụng các ước đoán về tốc độ tiến hóa, họ đã suy ra được tuổi của đột biến.

Nhóm nghiên cứu tiếp đó so sánh các sọ người với sọ của những loài linh trưởng khác, và nhận thấy ngay ở những loài họ hàng xa, như gorilla và khỉ macaque, đều có chung những chỏm xương lớn trên sọ cho phép các cơ hàm lớn gắn vào. Trong khi những cấu trúc như vậy lại vắng mặt trên sọ người, mặc dù về mặt gene chúng ta có họ hàng khá gần với gorilla.

Hansell Stedman, trưởng nhóm nghiên cứu nhận định, tổ tiên của chúng ta có thể đã đánh mất các chỏm xương sọ này khi cơ hàm không còn tạo ra sức căng lớn lên sọ nữa. "Cơ quyết định hình dáng xương. Nói cách khác, cấu trúc xương có thể thay đổi tùy thuộc vào lực tác động lên nó", ông nói.

Bằng việc thoái hóa điểm tựa lớn của các cơ nhai, hộp sọ của chúng ta có thể đã giải phóng mình để phát triển thành hình dạng tròn và hiện đại ngày nay. Các cơ nhai cực khỏe không phù hợp với bộ não tinh thông nữa, Stedman phỏng đoán.

Mặc dù vậy, giả thuyết này vẫn chưa được chấp nhận hoàn toàn. Daniel Lieberman, chuyên gia nghiên cứu sự tiến hóa của loài người tại Đại học Harvard ở Cambridge, Massachusetts, chỉ ra rằng các chỏm xương sọ dường như không cản trở sự tăng trưởng não bộ của các loài linh trưởng khác. Chẳng hạn, não của tinh tinh đã lớn hết cỡ ở tuổi lên 3, trong khi các chỏm xương sọ của nó không phát triển cho đến 8 hoặc 9 tuổi. "Bản thân não bộ có vai trò quyết định chính đối với sự tăng trưởng của mình", ông tranh luận.

Lieberman cũng hoài nghi về việc não bộ của cụ tổ chúng ta nở ra ngay sau khi cơ hàm mất sức mạnh. Một ví dụ là cho mãi đến gần đây, loài người sớm Homo erectus vẫn còn có một bộ não nhỏ.