Khẳng định sự tồn tại một dạng sống mới

Bích Hạnh                         
 

"nanobacteria"

Các "vi khuẩn nano" tìm thấy trong động mạch bị vôi hóa.

Sự tồn tại của "" - vi khuẩn nano - lâu nay vẫn là một trong những nghi vấn khoa học gây tranh cãi nhất. Theo vài chuyên gia, chúng quá nhỏ để được coi là dạng sống. Song một nhóm khoa học Mỹ mới đây khẳng định chúng là sinh vật sống thực, và có thể là thủ phạm gây nhiều loại bệnh ở người.  

Nhóm nghiên cứu, dẫn đầu bởi tiến sĩ John Lieske tại phòng khám bệnh Mayo ở Rochester, đã phân lập được những cấu trúc giống tế bào này từ mô động mạch của người bị bệnh. Nhóm đã phân tích những động mạch bị vôi hóa và không bị vôi hóa, các mảng động mạch và các van tim thu thập được từ những mẫu bệnh phẩm bỏ đi tại hai bệnh viện Mỹ. Họ nhuộm màu các mẫu này và kiểm tra chúng dưới kính hiển vi điện tử cực mạnh. Kết quả là trong những động mạch bị vôi hóa xuất hiện các khối cầu nhỏ xíu, có kích cỡ từ 30 đến 100 nanomét (1 nanomét bằng 1 phần tỷ mét), nghĩa là là nhỏ hơn cả nhiều loại virus.

Lieske tiếp tục thí nghiệm bằng cách phá vỡ những khối mô bệnh và lọc bỏ các hạt có kích cỡ lớn hơn 200 nanomét cũng như những hạt có kích cỡ trung bình. Vài tuần sau đó, những hạt tí hon đã nhân lên gấp đôi, chứng tỏ chúng có thể tự phân chia. Còn khi "trồng" những hạt này trong đĩa thí nghiệm, chúng đã hấp thụ uridine - một trong những vật liệu cơ bản xây dựng nên phân tử di truyền ARN. Theo nhóm nghiên cứu, điều đó chứng tỏ ARN đang được tạo ra trong cơ thể các hạt này (mặc dù các tinh thể khoáng hóa đôi khi cũng hấp thụ một ít uridine). Ngoài ra, khi quan sát dưới kính hiển vi điện tử, các nanobacteria dường như cũng có các vách tế bào.

"Chúng tôi đã thực hiện một cách tiếp cận có hệ thống để đánh giá sự tham gia của những hạt nano tiềm năng này - những vi khuẩn nano nếu bạn muốn gọi thế - trong quá trình gây bệnh cho người", đồng tác giả, tiến sĩ Virginia Miller thông báo.

Trước công trình này, một số nhà khoa học cũng cho biết đã tìm thấy vi khuẩn nano trong sỏi thận và các cấu trúc bị khoáng hóa trong khối u buồng trứng.

Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu khác không tin rằng các hạt tí hon trên thực sự là một dạng sống. Có người cho rằng đó chỉ là các siêu vi khuẩn bị lọt từ môi trường vào, và quá trình "phân chia" mà người ta quan sát thấy chỉ là quá trình khoáng hóa bất thường.

"Nếu quả thực đang thao tác trên một cơ thể sống, ta có thể áp dụng kỹ thuật nhuộm màu. Chúng tôi đã thử kỹ thuật này, nhưng chỉ cho ra kết quả dương tính giả", tiến sĩ John Cisar, thuộc Viện Y tế quốc gia ở Bethesda, Mỹ lập luận. Trong nghiên cứu mà Cisar thực hiện, các hạt nano này cho kết quả nhuộm màu dương tính với axit nucleic. Nhưng khi ông và nhóm cố chiết xuất các axit nucleic từ các hạt, họ đã không tìm thấy gì.

Một công trình trước kia do Jack Maniloff thuộc Đại học Rochester ở New York thực hiện cũng đã chỉ ra rằng, để chứa được ADN và các phân tử protein hoạt động, một tế bào tối thiểu phải có kích thước 140 nanomét.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu Mỹ cương quyết bảo vệ lập luận của mình. "Một trong những nghi vấn chúng tôi luôn tự đặt ra là: Làm sao anh biết nó sống trong khi nó chẳng có một trình tự ADN nào?", Milller giải thích. "Nhưng chúng tôi còn căn cứ vào một tiêu chuẩn khác, đó là vật có thể tự sao chép trong môi trường dưỡng chất sẽ là sinh vật sống. Mà đây chính là thứ chúng tôi tìm thấy", ông nói. Một số nhà khoa học ủng hộ Miller đang cố gắng chiết xuất ADN từ cái mà họ gọi là nanobacteria. Ngoài ra theo Miller, chuyện quan trọng nữa là tìm hiểu vai trò của chúng đối với các bệnh tật của con người.

(20/5/2004, theo NewScientist, BBC)