Khai quật cung điện Thành Cát Tư Hãn |
Bài đọc thêm: Đại thắng quân Mông Cổ (Thành cát tư Hãn)
Các nhà khảo cổ vừa phát hiện thấy dấu tích cung điện của chiến binh vĩ đại Thành Cát Tư Hãn. Họ tin rằng, ngôi mộ của vị hoàng đế Mông Cổ thế kỷ 13 này cũng nằm ở quanh đó. Một nhóm gồm các nhà nghiên cứu Nhật Bản và Mông Cổ đã tìm thấy công trình nằm trên một thảo nguyên rợp cỏ, cách thủ đô Ulan Bator của Mông Cổ 241 km về phía đông. Thành Cát Tư Hãn (1162-1227), đã thống nhất các bộ tộc và trở thành hoàng đế Mông Cổ vào năm 1206. Sau khi chết, các hậu duệ của ông đã mở rộng đế chế từ Trung Quốc sang tận Hungary. Năm 1200, vị hoàng đế đã cho xây dựng cung điện của mình theo hình một chiếc lều vuông đơn giản, gắn với các cột trụ bằng gỗ bao quanh. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy những mảnh sứ chôn vùi trong đống đổ nát được xác định thuộc giai đoạn của Thành Cát Tư Hãn. Một bản phác họa quang cảnh xung quanh cung điện có từ thời nhà Tống vào năm 1232 cũng khớp với hiện trường khu vực. Lăng mộ của Thành Cát Tư Hãn được cho là nằm gần đó bởi những văn bản xưa viết rằng các thày tu thường đi từ cung điện tới khu chôn cất để thực hiện các nghi lễ cho người chết. "Thành Cát Tư Hãn đã chinh phục Á Âu và xây dựng nên một đế chế hùng mạnh. Đã có một sự tương giao lớn giữa đông và tây vào thời đó, trên lĩnh vực văn hoá và trao đổi hàng hoá. Nếu chúng tôi tìm được những đồ vật chôn cất cùng ông, chúng tôi có thể viết nên trang sử mới cho lịch sử thế giới", giáo sư danh dự Shinpei Kato tại Đại học Kokugakuin của Nhật phát biểu. Khu vực lăng mộ của Thành Cát Tư Hãn là một trong những bí ẩn lâu đời của ngành khảo cổ. Theo truyền thuyết, để giữ bí mật, đội ngũ chôn cất hùng hậu của ông giết bất cứ ai nhìn thấy họ trên đường đi vào, và tất cả binh lính, tuỳ tùng tham dự lễ tang đều bị hành quyết. Một tài liệu cổ Trung Quốc còn viết rằng một con lạc đà con được chôn cất trong mộ ngay trước mặt mẹ nó để con lạc đà mẹ này có thể dẫn gia tộc hoàng đế tới ngôi mộ khi cần thiết. Nếu các nhà nghiên cứu tìm thấy lăng mộ, họ có thể sẽ tìm ra cả mộ của Hốt Tất Liệt - cháu của Thành Cát Tư Hãn, người đã mở rộng đế chế xuống đông nam châu Á và trở thành vị hoàng đế đầu tiên của thời nhà Nguyên. Minh Thi (theo AP
Tìm thấy mộ của Thành Cát Tư Hãn?
Cuộc tìm kiếm ròng rã về lăng mộ của chiến binh vĩ đại Thành Cát Tư Hãn và kho báu của ông có thể đã đến hồi kết thúc. Hôm nay (17/8/2001), một nhóm thám hiểm Mỹ - Mông Cổ công bố đã tìm ra một khu nghĩa địa có tường đá bao quanh, trên một sườn đồi cách Ulan Bator, thủ đô của Mông Cổ, 200 dặm về phía đông bắc. Trong báo cáo được đưa ra cùng ngày tại Đại học Chicago và ở Ulan Bator, các nhà thám hiểm không khẳng định đã thực sự tìm thấy mộ của Thành Cát Tư Hãn, vì đến nay, họ chưa nhận được giấy phép khai quật bất kỳ ngôi mộ nào. Nhưng phát biểu của họ hết sức lạc quan. Truyền thuyết kể lại rằng, khi người chinh phục Thành Cát Tư Hãn được mai táng năm 1227, tất cả tuỳ tùng và những người lính tham dự đám tang của ông đều bị giết ngay sau đó vì người ta muốn giữa bí mật nơi chôn giấu ngôi mộ. Và bí mật này vẫn còn được chôn chặt trong hàng ngàn năm qua, trở thành một trong những tâm điểm khêu gợi trí tò mò nhất trong lịch sử. Mộ nằm gần nơi sinh? Khu mộ được tìm thấy cách nơi Thành Cát Tư Hãn ra đời (năm 1162) chỉ vài dặm, cũng rất gần với địa điểm vị thủ lĩnh này lên ngôi hoàng đế Mông Cổ, năm 1206. Người ta cho rằng ông chết do ngã ngựa, hoặc bị thương, hoặc vì cả hai nguyên nhân. Cho tới lúc mất, lãnh thổ chinh phạt của Thành Cát Tư Hãn đã bành trướng từ Trung Quốc tới tận biển Caspia. Những người kế vị ông, trong đó có người cháu danh tiếng Hốt Tất Liệt, đã mở rộng biên giới của Mông Cổ xuyên qua Trung Á, Nga và Trung Đông, hoàn thành việc hợp nhất các quốc gia láng giềng rộng nhất trong lịch sử. Khu mộ nằm gần thị trấn Batshireet, phía bắc tỉnh Hentii. Một bức tường đá cao từ 2,7-3,6 mét, với chu vi khoảng 3 km, bao quanh một cụm có ít nhất 20 lăng mộ chưa mở nắp nằm gần đỉnh đồi. Người ta cho rằng chúng thuộc về “những người ở tầng lớp trên”. Thấp hơn một chút, là khu vực có tới hơn 40 ngôi mộ khác. Tuy nhiên, những phát hiện đi kèm đã làm dấy lên nghi ngờ về xuất xứ của những người trong mộ. Người ta tìm thấy nhiều mảnh gốm trên bề mặt của khu vực này, nhưng niên đại lại cổ hơn thời kỳ của Thành Cát Tư Hãn. “Chúng tôi cần điều tra kỹ khu vực này về mặt khảo cổ học, trước khi có được xác nhận chính thức”, Tiến sĩ John Woods, Giáo sư lịch sử Đại học Chicago, Trưởng đoàn thám hiểm, cho biết. Bước tiếp theo của đoàn thám hiểm là xin giấy phép khai quật khu mộ. Chính phủ Mông Cổ có lẽ sẽ khó chấp nhận đề nghị này, vì theo tập quán nơi đây, đụng chạm đến người đã chết là điều cấm kỵ. Bích Hạnh (Theo vnexpress.net, The New York Times) |
||||