Tấn công sao chổi để khám phá hệ mặt trời |
Minh Thi 12/01/05 |
Trong nỗ lực tìm hiểu những bí ẩn còn giấu kín về sự hình thành hệ mặt trời, NASA đang chuẩn bị phóng con tàu thăm dò Deep Impact để tạo ra vụ va chạm dữ dội với một sao chổi cách trái đất 82 triệu dặm, nhằm tìm kiếm thông tin dưới bề mặt thiên thạch. NASA dự định sắp đặt cuộc va chạm giữa sao chổi Tempel 1 và tàu Deep Impact vào ngày 4/7, và để cho vật phóng lên đúng vị trí giao nhau, Deep Impact cần phải được phóng trước ngày 28/1. Lần phóng đầu tiên được thực hiện vào lúc 13h48 EST hôm nay, 12/1, tại Trạm không lực Cape Canaveral ở Florida, Mỹ. Các nhà khoa học không biết chính xác điều gì sẽ xảy ra khi sao chổi va vào vật phóng ra từ Deep Impact, được gọi là Impactor, nặng 372 kg, có mũi bằng đồng, bay với tốc độ 37.000km/h. Khối thiên thạch lao nhanh dự tính sẽ cách trái đất 82 triệu dặm khi vụ va chạm xảy ra. Tuy nhiên, họ hy vọng vụ bùng nổ khổng lồ - tương ứng với năng lượng tạo ra bởi 4,5 tấn thuốc nổ - sẽ khoét vào bề mặt sao chổi một diện tích rộng như sân bóng và sâu như toà nhà 14 tầng.
"Chúng tôi sẽ sắp đặt sao cho Impactor lao vào giữa đường đi của sao chổi, khiến nó không thể tránh khỏi. Giống như khi bạn đang ở giữa một con đường và một cái xe tải đâm bổ xuống đầu", Rick Grammier, Giám đốc dự án tại phòng thí nghiệm tên lửa đẩy của NASA ở Pasadena, California, cho biết. "Cũng có khả năng chúng ta làm sao chổi vỡ tan. Nhưng tôi không tin điều đó sẽ xảy ra", nhà thiên văn học tại Đại học Maryland, Michael A'Hearn, bổ sung. Sao chổi to hơn Impactor rất nhiều. Tempel 1 có đường kính khoảng 3 km, trong khi Impactor có kích cỡ của một chiếc máy giặt. Trong khi vụ va chạm dự tính sẽ làm phá huỷ hoàn toàn máy phóng, 2 chiếc kính viễn vọng đặt trên tàu mẹ Flyby của Deep Impact sẽ quan sát vụ nổ rồi sau đó bay tới gần sao chổi để kiểm tra bề mặt. Bằng cách thăm dò phía dưới bề mặt sao chổi, các nhà khoa học hy vọng sẽ tìm hiểu được điều kiện tồn tại hơn 4 tỷ năm trước, khi mà hệ mặt trời được hình thành. Sao chổi được cho là chứa những dữ liệu về thời kỳ đầu của hệ mặt trời. "Niềm đam mê của tôi đối với sao chổi từ bấy lâu nay vẫn là cố gắng tìm hiểu hợp chất hoá học của nó", A'Hearn cho biết. "Những gì chúng ta nhìn thấy bay ra từ sao chổi như bụi và khí là những thứ đã bị biến đổi rất nhiều. Mỗi khi sao chổi đi quanh mặt trời, bề mặt bị hâm nóng lên. Vì vậy đã có rất nhiều thay đổi ở những lớp bên trên. Điều tôi thực sự muốn là tìm ra bề mặt của nó khác với bên trong như thế nào". Các nhà thiên văn học sẽ tổ chức một buổi theo dõi toàn cầu để thu thập càng nhiều thông tin càng tốt trong cuộc va chạm. NASA cũng sẽ chĩa các kính viễn vọng Hubble, Spitzer and Chandra về sao chổi trong vụ va chạm. Minh Thi (theo Reuters, vnexpress.net)
|
|||||