Đã có 'thuốc' trị bệnh lười?

B.H.      13/08/2004                   vnexpress.net
   

 

Các nhà khoa học Mỹ vừa biến những con khỉ biếng nhác thành những kẻ siêng năng, nhờ một liệu pháp gene để khóa một hợp chất chủ đạo trên não.

Giống như nhiều người trong chúng ta, khỉ thường uể oải khi thực hiện những việc có mục tiêu ở xa. Chúng chỉ hăng hái khi biết chắc sắp nhận được phần thưởng,

"Thông thường người và khỉ đều làm việc theo kiểu đối phó - nghĩa là chần chừ nếu còn nhiều thời gian cho việc đó, và sẽ nhanh nhẹn hơn nếu sắp nhận được phần thưởng. Tuy nhiên, những con khỉ trải qua liệu pháp gene mới đều trở nên chăm chỉ hơn", tiến sĩ Barry Richmond, thuộc Viện sức khỏe tâm thần quốc gia, cho biết.

Richmond và cộng sự đã sử dụng một kỹ thuật mới để khóa gene D2 của khỉ. Gene này có vai trò tạo ra một thụ quan để tiếp nhận dopamine - chất mang thông tin quan trọng của não, thường đi kèm với việc nhận phần thưởng, sự di chuyển và nhiều chức năng quan trọng khác. Sau khi được khóa gene D2, khỉ không còn tiếp nhận được dopamine nữa.

Thí nghiệm được thực hiện với 7 con khỉ nâu. Chúng phải đẩy một cái cần theo tín hiệu chỉ dẫn trên một màn hình, và sẽ nhận được phần thưởng là một giọt nước.

"Kết quả là nếu như trước đó, chúng chỉ làm việc hiệu quả - mắc ít lỗi hơn - khi sắp được nhận phần thưởng, thì sau khi không còn thụ quan dopamin, chúng liên tục làm việc hăng hái và mắc ít lỗi. Đó là vì chúng không cần phải căn cứ vào tín hiệu trên màn hình để đoán xem khi nào sắp được nhận phần thưởng nữa", Richmond cho biết. "Việc khóa gene này đã làm kích hoạt sự thay đổi trong quan điểm làm việc của khỉ".

Tiến sĩ Richmond tin rằng liệu pháp này một ngày nào đó có thể đem lại lợi ích cho con người, chẳng hạn như khi họ rơi vào trạng thái phiền muộn, u uất, khi mà sự hăng hái gần như biến mất khỏi tâm trí. Nhưng với hầu hết chúng ta, ngày mà liệu pháp đó rơi vào tay các ông chủ có thể cũng là ngày mà chúng ta vứt bỏ nó.

B.H. (theo BBC, Reuters)