Cuộc sống tình cảm qua thơ ca Ai Cập cổ

Minh Thi                           
 
.
   
Bức hoạ trên tường trong lăng mộ của Tutankhamun tại Thung lũng các ông hoàng.

Kim tự tháp, xác ướp, hầm mộ và những hiện vật tượng trưng cho tầng lớp quý tộc và thế giới bên kia thống trị hình ảnh của chúng ta về Ai Cập cổ đại. Nhưng những bài thơ được sáng tác cách đây hàng nghìn năm có thể mang tới một cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc sống thường ngày của người Ai Cập xưa.

"Thơ ca có thể là tài sản bị lãng quên lớn nhất trong thế giới Ai Cập cổ đại", Richard Parkinson, chuyên gia văn học Ai Cập cổ tại Bảo tàng Anh, phát biểu.

Trong khi những ghi chép lịch sử và các tác phẩm được miêu tả bên trong các ngôi mộ thường đưa ra những giải thích mang tính lý tưởng hoá về cuộc sống Ai Cập thời xưa, thì thơ ca mang đến một cái nhìn thực tế về bản chất con người và những khiếm khuyết của họ.

Một tập thơ tình vừa được phát hiện trong ngôi làng Deir el-Medina, từng là nơi sinh sống của các thợ xây lăng mộ, bên ngoài Thung lũng các ông hoàng. Những áng thơ này cho phép người yêu thơ và say mê Ai Cập thâm nhập vào cuộc sống tình cảm của những người dân bình thường nhất.

"Mọi người thường cho rằng tất cả những tác phẩm của Ai Cập cổ đều mang tính tôn giáo, nên tính chất đời thường của những bản tình ca này không ngừng làm ngạc nhiên các độc giả", Parkinson cho biết.

Được viết vào thời kỳ New Kingdom (1539-1075 trước Công nguyên), những bản tình ca này ca ngợi tình yêu và sự lãng mạn, với cách sử dụng đầy bất ngờ thuật ẩn dụ, lặp từ và những kỹ thuật khác, tương tự nền thơ văn ngày nay.

The Flower Song (Excerpt) 

To hear your voice is pomegranate wine to me: 
I draw life from hearing it. 
Could I see you with every glance, 
It would be better for me 
Than to eat or to drink. 

Bài ca loài hoa (trích)

Giọng nói em ngọt ngào như rượu lựu
Tôi có thêm sinh lực khi nghe giọng nói ấy
Được nhìn thấy em thoáng qua thôi
Cũng là tuyệt vời rồi
Chẳng cần ăn hay uống.

(tạm dịch)

Theo Jacco Dieleman, nhà Ai Cập học tại Đại học California, nền thơ ca sơ khai tại Ai Cập có thể là một phần của nền văn nói truyền thống. Các bài thánh ca, câu chuyện và lời cầu nguyện được truyền từ người này sang người khác. Thời đó, có thể chỉ một trong một trăm người biết đọc và viết.

Hệ thống chữ viết tượng hình của Ai Cập (Hieroglyph) có thể đã được sáng tạo để giúp những nhà buôn ghi chép hàng hoá và tính toán tiền nong. Sau này, chữ tượng hình được khắc trên các ngôi mộ hoàng gia để ghi lại tiểu sử chủ nhân của ngôi mộ. Qua nhiều thời gian, những bản tiểu sử dài hơn, các bài thơ và bài hát cũng dần xuất hiện.

Để đọc được những áng văn thơ của người Ai Cập xưa, phải trải qua một quá trình gồm 2 bước. Hầu hết những tác phẩm được viết bằng chữ thầy tu (hieratic) - một dạng viết tắt của hieroglyph. "Để viết ra tất cả những chữ hieroglyph đẹp đẽ về chim chóc, đàn ông, đàn bà, bạn sẽ mất vài ngày để hoàn thành bức thư", Dieleman cho biết.

Để giải mã chữ viết cổ, Dieleman nghiên cứu kỹ lưỡng những bức chụp chi tiết về các tác phẩm được khai quật, cùng với sự quan sát hiện vật thực, nếu có thể. Sau đó, ông dịch từ hieratic sang hieroglyph. Tại giai đoạn này, ông bổ sung âm thanh cho các chữ cái và nhặt ra các từ, câu và cả đoạn.

Những giai thoại lịch sử và các bài thánh ca thường được khắc trên tường trong mộ, viết trên giấy cói hoặc được vẽ nguệch ngoạc lên các mảnh gốm. "Những mảnh gốm này được coi là giấy nháp của người Ai Cập xưa", Terry Wilfong, nhà Ai Cập học tại Đại học Michigan, cho biết.

Những tác phẩm được tìm thấy tại ngôi làng Deir el-Medina chứng tỏ người dân thời đó khá hay chữ. Những bài thơ tình thường mang tính nhạc và sử dụng các sự kiện trong cuộc sống thường nhật, như trồng lúa, bắt chim, đánh cá bên dòng sông Nile, như một ẩn dụ về tình yêu.

The Crossing (Excerpt) 

I'll go down to the water with you, 
and come out to you carrying a red fish, 
which is just right in my fingers. 

Qua sông (trích)

Tôi sẽ bước xuống nước cùng em
và mang tới cho em một con cá đỏ
chìa ngay ra trên những ngón tay.

(tạm dịch)

Tiếng nói của phụ nữ khá mạnh mẽ trong thơ ca Ai Cập cổ - như trong vai người kể chuyện hoặc người lựa chọn bạn tình. Điều này chứng tỏ phái yếu có vị trí cao hơn trong nền văn hoá Ai Cập xưa. Phụ nữ cũng có thể là tác giả của một số bài thơ.

Một trong những tác phẩm yêu thích của nhà khảo cổ Wilfong là bài thơ ca tụng một người chơi đàn hạc. Có từ năm 1160 trước Công nguyên, bài thơ này được tìm thấy trên ngôi mộ của Inherkhawy, người giám sát công nhân tại khu mộ hoàng gia ở thành phố Thebes cổ.

The Harper's Song for Inherkhawy (Excerpt) 

So seize the day! hold holiday! 
Be unwearied, unceasing, alive 
you and your own true love; 
Let not the heart be troubled during your 
sojourn on Earth, 
but seize the day as it passes! 

Bài ca đàn hạc dành cho Inherkhawy (trích)

Hãy nắm lấy ngày hôm nay, giữ trọn ngày lễ này
Đừng mệt mỏi, đừng dừng lại, hãy sống
anh và tình yêu đích thực của anh
Đừng để trái tim phải muộn phiền
khi anh lưu lại trên trái đất
mà hãy nắm lấy ngày hôm nay khi nó đang trôi qua!

(tạm dịch)

 21/4/2004, vnexpress(theo National Geographic)