Các
nhà khoa học Nhật Bản và Hàn Quốc đã tạo ra hai con chuột
cái từ những quả trứng không thụ tinh. Chúng nhận được hai
bộ nhiễm sắc thể từ hai bà mẹ, thay vì từ 1 ông bố và 1 bà
mẹ như phôi thông thường.
Hiện tượng sinh sản này - sinh sản đơn
tính - không phải là hiếm với ong, kiến, rệp vừng và một số
loài cá hay bò sát, song chưa từng diễn ra với các loài thú
trong tự nhiên. Thông thường, con thú được thừa hưởng một bộ
nhiễm sắc thể từ mẹ, và một từ bố. Các phôi chỉ chứa nhiễm
sắc thể của mẹ thường chết ngay trong tử cung, còn những
phôi chỉ chứa vật liệu gene của bố thì phát triển bất
thường.
Tomohiro Kono, thuộc Đại học Nông nghiệp
Tokyo, Nhật Bản và cộng sự đã vượt qua trở ngại này bằng
việc trộn lẫn trứng của hai con cái, sau khi đã "khoá" một
gene chủ chốt trong trứng hiến, vốn là trở ngại cho quá
trình sinh sản đơn tính.
"Côn trùng có thể sinh sản theo phương
pháp này. Ngay cả gà cũng có thể được tạo ra từ sinh sản đơn
tính. Chúng tôi muốn biết tại sao đối với thú lại khó khăn
đến vậy", Kono nói.
Thực tế, một trong hai bà mẹ là một con
chuột sơ sinh bị đột biến gene - ADN của nó đã được thay đổi
để hoạt động giống như vai trò của con đực. Tiếp đó, nhóm
nghiên cứu cấy gene từ trứng của "ông bố" chưa trưởng thành
này vào trứng của một bà mẹ trưởng thành khác. Sau đó, họ
"kích hoạt" để chúng phát triển thành phôi.
Quy trình cụ thể như sau: Trước tiên, nhóm
nghiên cứu "khoá" gene có tên gọi H19 trong trứng của chuột
non. Nhờ đó, họ đã làm tăng hoạt động của một gene khác, gọi
là Igf2. Gene này sản xuất ra một protein chịu trách nhiệm
điều chỉnh sự tăng trưởng ở bào thai. H19 và Igf2 còn được
gọi là gene đánh dấu, nghĩa là chúng chỉ hoạt động trên ADN
của con cái và "ngủ yên" trên ADN của con đực, hoặc ngược
lại. Thao tác trong thí nghiệm đã cho phép nhóm nghiên cứu
tạo ra trứng hiến có đặc tính của con đực.
Trứng sau khi đã có hai loại vật liệu di
truyền sẽ phát triển thành phôi, và được cấy vào tử cung của
chuột. Tuy nhiên, hiệu quả của quá trình cấy ghép này rất
thấp. Chỉ có 2 trong tổng số 598 phôi chuột phát triển đến
giai đoạn cuối cùng.
"Hiệu quả của kỹ thuật này hiện khá thấp.
Vì thế, nó chưa sẵn sàng để áp dụng rộng rãi trong thực tế",
giáo sư Azim Surani, một chuyên gia về gene đánh dấu tại Đại
học Cambridge, Anh, nhận xét.
Một trong hai con chuột sống sót được nhóm
nghiên cứu đưa vào thử nghiệm, con còn lại (có tên gọi
Kaguya) được nuôi lớn đến tuổi trưởng thành và sinh sản.
Kono cho biết kết quả của ông chứng tỏ
rằng hiện tượng đánh dấu gene theo dòng cha đã ngăn cản quá
trình sinh sản đơn tính ở thú, và đảm bảo vai trò của con
đực trong thiên chức sinh sản.
Một số chuyên gia tin rằng quy trình này
có thể được áp dụng trong các nghiên cứu về tế bào gốc,
nhưng các tác giả của công trình khẳng định nó sẽ không được
áp dụng cho người, ít nhất vì những thách thức về mặt đạo
đức mà kỹ thuật này sẽ vấp phải.
22/4/2004
vnexpress (theo BBC, Reuters) |