 |
Sao Kim (Venus) đi ngang qua giữa
mặt trời và trái đất vào thứ ba, ngày 8/6 tới. |
Châu Âu, Trung Đông và phần
lớn châu Á, Phi sẽ là địa điểm quan sát lý tưởng trong tháng
tới với sự kiện chưa từng diễn ra trong 122 năm qua - sao
Kim đi qua giữa mặt trời và trái đất.
Nếu thời tiết cho phép,
trong vòng 6 giờ ngày 8/6, các nhà thiên văn và công chúng
có thể nhìn thấy hành tinh mang tên nữ thần tình yêu và sắc
đẹp (Venus) đi ngang qua mặt trời. Sau lần gặp gỡ này, sự
kiện tương tự chỉ diễn ra vào ngày 6/6 năm 2012, nhưng khi
đó Anh và nhiều vùng khác của châu Âu sẽ không có cơ hội
chiêm ngưỡng.
"Đây là một sự kiện thiên
văn cực kỳ hiếm hoi", Gordon Bromage, giáo sư thiên văn học
tại Đại học Central Lancashire của Anh, nhận định.
Trong khoảnh khắc trên
cùng đường thẳng này, sao Kim sẽ xuất hiện dưới hình dạng
một nốt đen với kích cỡ 1/30 đường kính mặt trời. Tại Anh,
phần lớn châu Âu và châu Phi sẽ quan sát được hiện tượng vào
buổi sáng, còn tại Trung Đông, Nga và Ấn Độ là buổi chiều,
muộn nữa là vùng Cận Đông với góc quan sát rất hẹp.
Các nhà khoa học cũng cảnh
báo người dân không nên nhìn trực tiếp vào mặt trời hoặc qua
camera hay kính thiên văn vì có thể bị mù mắt. Nên dùng kính
lọc để quan sát nhật thực và chỉ nên dùng trong một lúc rất
ngắn.
Sao Kim và Trái đất bay
quanh mặt trời trên hai quỹ đạo khác nhau, lệch nhau một góc
nhỏ. Thời điểm thẳng hàng là khi hai quỹ đạo này trùng lên
nhau. Nó xảy ra 4 lần trong chu kỳ 243 năm. Trong số này có
2 lần vào tháng 12, diễn ra cách nhau 8 năm. Và sau 121,5
năm là hai lần nữa diễn ra vào tháng 6, mỗi lần cũng cách
nhau 8 năm. Tiếp đó 105,5 năm, chu kỳ mới sẽ bắt đầu.
Hiện tượng các hành tinh
xếp thẳng hàng với mặt trời thường là cơ hội rất tốt cho
giới thiên văn đo đạc các khoảng cách trong vũ trụ, hoặc tạo
cơ sở để tìm kiếm các hệ hành tinh ngoài mặt trời.
B.H. (theo
Reuters, 12/05/04) |