|
 |
|
Các nhà khoa học Mỹ vừa khám phá ra mẩu
xương tay 365 triệu năm ở Pennsylvania, thuộc về một trong những sinh vật
đầu tiên có khả năng chống đẩy. Phát hiện giúp họ hiểu được điều gì xảy ra
khi các sinh vật dưới nước tiến hoá để chuyển lên sống trên đất liền.
Mẩu xương dài 7,6 cm thuộc về một động vật
nước ngọt, mang những đặc điểm cho thấy đó là một phần của một chi rất khoẻ
- khoẻ hơn nhiều suy đoán trước đây của giới khoa học. Rất có thể động vật
nguyên thủy này đã sử dụng cánh tay để chống đẩy, chứ không chỉ vầy nước
xung quanh.
|
|
|
|
"Các nhà khoa học từng cho rằng
những cái tay đó được dùng để khoả nước, chứ không phải để bước đi",
Jennifer Clack, một nhà động vật học tại Đại học Cambridge, cho
biết. Giờ đây họ tin là động vật này thực hiện một hành động trung
gian giữa bơi và đi bộ ở trong nước.
Chúng có đuôi và mang giống như
cá, nhưng bề ngoài lại hao hao với kỳ giông. Người ta đã tìm thấy
rất nhiều mảnh xương của chúng và định tuổi theo tuổi khối đá bao
quanh. Tuy nhiên, mảnh xương mới có một cấu trúc đặc biệt chưa từng
thấy trên những sinh vật này: một loạt dải xương cho thấy nó từng
gắn vào một bó cơ ngực khoẻ. "Xương cánh tay trên rất quen thuộc ở
cá, nhưng chiếc xương này là độc nhất vô nhị", Neil Shubin, một
chuyên gia về tiến hoá tại Đại học Chicago, tác giả chính của nghiên
cứu, cho biết.
Ngoài việc thể hiện sức mạnh,
hướng của các dải xương cũng cho thấy chuyển động chính của cánh tay
là lên - xuống, chứ không phải là sang ngang, Clack nói.
Sinh vật này có lẽ đã sử dụng
những cánh tay mạnh mẽ của chúng để đẩy mình lên khỏi mặt nước khi
chúng tiến hoá thành động vật sống trên cạn, khoảng 350 triệu năm
trước. Tuy nhiên, chi tiết về lộ trình tiến hoá này rất sơ sài.
Chẳng hạn, chúng ta không biết các sinh vật đã đạt đến ngưỡng nào
trước khi bò lên đất liền. Phát hiện mới có thể bổ sung đường nét
cho "bức tranh" đó.
vnExpress.net 02/04/2004
(theo Nature) |