 |
Hành tinh mới tìm thấy (trên) và sao mẹ
của nó.
|
Đài thiên văn Hubble vừa thu được
hình ảnh hồng ngoại, có thể là chân dung đầu tiên của một hành tinh
ngoài hệ mặt trời. Mặc dù tới nay chúng ta đã biết đến 120 hành tinh
không thuộc thái dương hệ, song chưa có hành tinh nào trong đó được
chụp trực tiếp.
Nhóm nghiên cứu từ Đại học bang
Pennsylvania, khi phân tích bức ảnh đã phỏng đoán vật thể tròn mờ
nhạt này là một hành tinh. Các quan sát trong vòng 6 tháng tới có
thể xác nhận điều đó, John Debes, thành viên của nhóm cho biết. Các
nhà nghiên cứu không tiết lộ tên hay vị trí chính xác của ngôi sao
mẹ, bởi họ e ngại thành quả này sẽ lọt vào tay các nhà thiên văn
khác.
Song họ cho biết nếu đúng là một
hành tinh, nó sẽ có khối lượng lớn gấp 5-10 lần sao Mộc, và nằm cách
trái đất khoảng 100 năm ánh sáng. Quỹ đạo của nó tương tự như của
sao Hải Vương, cách sao mẹ khoảng 4.500 triệu km.
Trước nay, các hành tinh ngoài hệ
mặt trời thường được xác định gián tiếp, qua sự đảo của sao mẹ, hoặc
qua hiện tượng bẻ cong ánh sáng đến từ sao mẹ (gravitational
microlensing). Hầu như không thể chụp trực tiếp hành tinh vì ánh
sáng của nó bị át đi bởi ánh sáng của ngôi sao (mạnh hơn cả tỷ lần).
Nhóm nghiên cứu tại Pennsylvania
đã nâng cao cơ hội tìm kiếm của mình bằng cách quan sát trong bức xạ
hồng ngoại. Ở bức xạ này, độ tương phản giữa sao mẹ và hành tinh
giảm đi hàng nghìn lần so với trong ánh sáng nhìn thấy, vì thế, hành
tinh đỡ bị "chìm nghỉm" trong biển sáng của ngôi sao. Thêm nữa, nhóm
nghiên cứu chỉ tập trung tìm kiếm hành tinh quanh các ngôi sao lùn
trắng - những quả cầu lửa đã tàn. Vì thế, ánh sáng từ các thiên thể
quanh nó dễ được nhận ra hơn.
Tuy vậy, các nhà nghiên cứu không
dám chắc vật thể tìm thấy là một hành tinh. Vẫn còn khoảng 3% khả
năng nó là một ngôi sao khác ở rất xa trong vũ trụ.
(theo Nature,
15/5/2004, vnexpress) |