|
 |
|
Các nhà khoa học Mỹ vừa phát hiện
ra cách não bộ gợi lại kỷ niệm từ quá khứ xa xôi, nhờ một vùng não
được gọi là bó liên hợp khứu hải mã trước. Phát hiện sẽ là nền tảng
cho sự ra đời hàng loạt liệu pháp điều trị căn bệnh Alzheimer và các
dạng mất trí khác. Khoa học từ lâu
đã biết đến một cấu trúc não được gọi là chân hải mã, chuyên xử lý
trí nhớ gần. Đây cũng là nơi lưu trữ thông tin vĩnh viễn. Tuy nhiên,
khả năng não bộ phục hồi những ký ức xa vời cho đến nay vẫn còn là
ẩn số. |
Mới đây, trên tạp chí Science danh
tiếng, các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Tổng hợp California Los
Angeles (UCLA), Mỹ, đã trình bày về một công trình thử nghiệm, trong
đó hé mở nhiều điểm nghi vấn về mối liên quan giữa trí nhớ xa và một
vùng não gọi là bó liên hợp khứu hải mã trước. Đây có thể là con
đường phục hồi ký ức của não bộ.
Trong thí nghiệm thứ nhất, nhóm đã
làm cho một số con chuột mất đi khả năng hồi tưởng, bằng cách biến
đổi một gene có tên là kinase II. Tiếp đó, họ huấn luyện
cho số chuột này nhận dạng một cái chuồng, rồi kiểm tra trí nhớ của
chúng về vật thể này sau 1, 3, 18, 36 ngày. Kết quả cho thấy, số
chuột trên đã nhận ra cái chuồng trong vòng 3 ngày kể từ thời điểm
huấn luyện, song lại không hề có phản ứng vào những ngày sau đó.
Điều này chứng tỏ gene kinase II đóng vai trò quan trọng
trong việc nuôi dưỡng thông tin một thời gian dài.
Trong thử nghiệm thứ hai, nhóm đã
tiến hành kiểm chứng một luận điểm trước đây, rằng lớp vỏ não trực
tiếp tham gia vào quá trình lưu trữ và phục hồi ký ức. Họ đã sử dụng
phương pháp hình ảnh để theo dõi hoạt động của lớp vỏ não ở một con
chuột bình thường trong quá trình kiểm tra trí nhớ tương tự như thí
nghiệm thứ nhất. Kết quả là không có phần vỏ não nào loé sáng khi
con vật tiếp cận với cái chuồng sau thời điểm huấn luyện 1 ngày. Tuy
nhiên, vào 36 ngày sau đó, bó liên hợp khứu hải mã trước trên vỏ não
hoạt động tích cực khi con chuột nhìn thấy cái chuồng. Hiện tượng
này chưa bao giờ xuất hiện ở những con bị biến đổi gene (những con
chuột mà vùng não trên không hề hoạt động trong toàn bộ quá trình xử
lý trí nhớ xa). Kết quả này đã cho thấy có mối liên hệ giữa bó liên
hợp khứu hải mã trước và khả năng lấy lại ký ức.
Trong thử nghiệm thứ 3, các nhà
khoa học đã tiêm cho một số con chuột bình thường loại thuốc làm tê
liệt tạm thời bó liên hợp khứu hải mã trước. Việc này đã không ảnh
hưởng đến trí nhớ của số chuột trên về cái chuồng trong 1 tới 3 ngày
sau thời điểm huấn luyện, song lại làm gián đoạn trí nhớ từ 18 đến
36 ngày sau đó.
"Thí nghiệm chứng tỏ bó liên hợp
khứu hải mã trước đóng vai trò mấu chốt trong việc duy trì ký ức
xa", trưởng nhóm nghiên cứu Alcino Silva kết luận. Vùng não này còn
làm nhiệm vụ thu thập và lắp ráp các tín hiệu về một thông tin lâu
ngày từ các phần khác nhau của não bộ. Quá trình tập hợp này có thể
bị gián đoạn do chứng mất trí, làm suy chức năng của bó hợp khứu hải
mã trước. Khi đó, trí nhớ trở nên vụn vặt, không thể hợp thành một
thông tin ý nghĩa.
"Tuổi già, bệnh Alzheimer và các
dạng mất trí khác như sự lo âu, suy nhược, sự lãnh cảm và mất tập
trung - tất cả đều liên quan đến hiện tượng suy chức năng của bó
liên hợp khứu hải mã trước", tiến sĩ Harriet Millward đến từ Viện
nghiên cứu bệnh Alzheimer nhận định. Theo giới chuyên môn, nghiên
cứu của nhóm UCLA đã giúp phân biệt chính xác trí nhớ ngắn và dài,
đồng thời mô tả chi tiết mối liên qua giữa ký ức với bó liên hợp
khứu hải mã trước. Tuy nhiên, công trình này mới chỉ dừng trên phạm
vi động vật. Nếu kết quả tương tự cũng được ghi nhận trên người, thì
khoa học sẽ sớm hiểu được sâu sắc căn bệnh Alzheimer và những chứng
mất trí khác, đồng thời tìm ra cách điều trị hiệu quả. |