|
Khu vực hạ cánh của tàu thăm dò sao Hỏa là một biển cổ
 |
|
Tàu Opportunity của NASA đã tiếp đất
trên bờ một biển cổ nông - địa điểm mà ở đó sự sống không những có
thể phát triển mà còn được bảo tồn, các nhà khoa học cho biết.
Hai tuần trước, NASA thông báo
rằng tàu Opportunity, hạ cánh trên một vùng gần xích đạo có tên gọi
Meridiani Planum,
tìm thấy những dấu hiệu chứng tỏ nước đã để lại dấu vết của nó
(cả hóa học và địa chất) trên một khối đá trồi lên mặt đất. |
Bức ảnh chụp gần nơi Opportunity hạ cánh. Trầm
tích thành lớp, cộng thêm các hạt hình cầu phân bố cho thấy nó được
hình thành trong một vùng giàu nước, có lẽ là một vùng biển. |
|
Điều họ chưa rõ là liệu khối
đá này có phải hình thành trong nước (như là hệ quả của quá trình
trầm tích) hay đơn giản là nó chỉ tiếp xúc với nước mặt sau khi đã
hình thành. |
|
Những cuộc điều tra tiếp theo sử
dụng hàng loạt công cụ trên tàu Opportunity đã đưa nhóm nghiên cứu
tới một kết luận ấn tượng: Khối đá,
với những vết lồi lõm rõ nét tương tự như đá hình thành trong nước
trên trái đất, quả thực đã hình thành trong một biển mặn.
"Các khối đá lỗ chỗ trên sao Hỏa
là những cấu trúc trầm tích giống như ta nhìn thấy trên trái đất",
Dave Rubin, một nhà nghiên cứu tại Tổ chức khảo sát địa chất Mỹ ở
Santa Cruz, California, cho biết.
Bằng chứng chắc chắn nhất về đại
dương trên Hỏa tinh là một kết cấu độc đáo tìm thấy trên đá - biểu
thị từng có một dòng chảy qua, tạo nên các lớp. Tuy nhiên, có những
khác biệt tinh tế giữa dòng chảy do gió và dòng chảy của nước. Vì
thế, nhóm nghiên cứu đã hướng tàu thăm dò chụp một loạt ảnh cận
cảnh, nhờ đó họ có thể đánh giá những vân đá lồi lõm này.
"Một số dạng khắc trên đá có thể
là kết quả của gió, nhưng những dạng khác rõ ràng là bằng chứng của
dòng nước", John Grotzinger, thành viên nhóm khoa học tại Viện Công
nghệ Massachusetts, cho biết.
Opportunity đang trên đường tới
một miệng hố khác nhằm tìm kiếm thêm bằng chứng cho việc phân tích.
Các nhà khoa học hy vọng có thể phóng một tàu thăm dò mạnh hơn lên
Hỏa tinh vào năm tới để tìm kiếm những dấu hiệu của muối sunphát
trên bề mặt thiên thể này.
B.H. (theo
Discovery) 24/3/2004
Đá sao Hỏa từng 'sũng nước'
3/3/2004
 |
|
Cẩn thận lắp ghép từng manh
mối thu thập được từ tàu thăm dò Opportunity, các nhà khoa
học hôm qua tuyên bố, ít nhất một phần của hành tinh thứ tư
trong hệ mặt trời đã hoàn toàn chìm trong nước trong quá
khứ.
Điều kiện này từng tồn tại
trong bao lâu, hoặc nó đã từng xảy ra cách chúng ta bao xa
đến nay vẫn còn là dấu chấm hỏi. |
Những vân sóng trên đá chứng tỏ dấu hiệu của
nước. |
|
|
Song, bằng chứng đã chỉ ra rằng, đồng bằng
Meridiani, nơi Opportunity hạ cánh xuống 5 tuần trước, cũng có thể
hỗ trợ sự sống. Những nghiên cứu xa hơn sẽ làm sáng tỏ liệu sao Hỏa
có thực làm việc đó hay không.
"NASA phóng tàu thăm dò sao Hỏa với sứ mệnh đặc
biệt là thẩm tra xem liệu ít nhất một vùng của hành tinh đỏ từng có
môi trường ẩm ướt là cái nôi cho sự sống hay không. Hôm nay, chúng
ta đã có bằng chứng mạnh mẽ cho câu trả lời: có", James Garvin,
trưởng nhóm khoa học trong dự án thám hiểm này của NASA, tuyên bố.
Phân tích dữ liệu từ các lớp đá
nằm không xa khu vực tàu hạ cánh, các nhà khoa học kinh ngạc nhận
thấy đá ở đây từng ngâm mình trong nước lỏng. Trong cuộc họp báo
ngắn diễn ra hôm qua, Steve Squyres, thuộc Đại học Cornell, người
đứng đầu đoàn điều tra các thiết bị khoa học trên tàu thăm dò, đã mô
tả chi tiết 4 phát hiện dẫn nhóm đến kết luận bước ngoặt này. Trong
đó, dấu vết ấn tượng nhất là sự phong phú của sunfua trong đá, tạo
nên các dạng muối magie, muối sắt hoặc các muối sunfat khác. Thêm
vào đó, máy đo phổ Moessbauer của tàu thăm dò còn tìm thấy một lượng
lớn loại khoáng sulfat bất thường gọi là jarosite.
"Phải có môi trường nước xung
quanh để tạo nên jarosite", Squyres nói.
Ngoài ra, Opportunity cũng tìm
thấy hai dấu hiệu vật chất của nước trong quá khứ. Đầu tiên là
các vật thể nhỏ, hình cầu, có thể là sản phẩm của quá trình tích
tụ khoáng chất rỉ ra từ những khối đá xốp, sũng nước. Bằng chứng
cuối cùng là những bức ảnh từ một camera siêu nhỏ cho thấy những vết
lồi lõm ngẫu nhiên dài khoảng 1 cm và rộng khoảng 1 mm trên đá.
"Những viên đá chi chít các lỗ
rỗng rất khó hiểu", Squyres nói. Trên trái đất, những đặc điểm tương
tự thường thấy trong các tầng đá mặn ngập nước - nơi các tinh thể
muối khoáng được tạo thành rồi biến mất, do sự xói mòn hoặc bị hoà
tan trong môi trường nước nhạt hơn.
"Từng có những tinh thể giống y
như vậy tại đây", Squyres giải thích. Mục tiêu tiếp theo của các nhà
khoa học là tìm hiểu xem những viên đá này được hình thành do quá
trình lắng đọng hoá học từ một dung dịch tại đáy một hồ hoặc biển,
hay đơn giản là nó chỉ tiếp xúc với nước mặt sau khi hình thành.
B.H. (theo
Discovery)
Những khối cầu tròn trịa trên đất sao Hỏa
 |
|
Tàu thăm dò hành tinh Đỏ
Opportunity đã quan sát thấy hàng nghìn khối cầu tròn
xoe, bé xíu trên nền đất tối sẫm xung quanh nó. Trong số
những bức ảnh có độ phân giải cao do Opportunity gửi về, có
hình ảnh của hai hạt đất như vậy được phóng to.
"Những khối cầu này không giống
với bất cứ thứ gì chúng tôi từng thấy trên Hỏa tinh", trưởng nhóm
nghiên cứu Steven Squyres khẳng định. Và điều gợi trí tò mò là chỉ
có một số cách thức nhất định mới tạo nên những giọt đất như vậy.
|
Những hình cầu hoàn hảo trên đất sao Hoả. |
|
|
Chúng có thể là các giọt dung nham
đông lạnh, thoát lên từ một vụ phun trào núi lửa (lapillae), hoặc
các giọt đá nóng chảy bị đóng băng, và bắn tung lên sau một vụ va
chạm với thiên thạch (tektite), hoặc hấp dẫn nhất là giả thuyết cho
rằng chúng được hình thành qua quá trình tích lũy hóa học chậm chạp
trong một cơ thể có nước (oolite).
Việc điều tra cận cảnh hơn bằng
các thiết bị phù hợp của con tàu sẽ giúp chỉ ra cơ chế của quá trình
thành tạo này. Chẳng hạn, nếu Opportunity tìm thấy một giọt cầu bị
vỡ và quan sát được trong có các lớp đồng tâm giống như ở ngọc trai,
thì hạt đất này có thể là oolite. Tuy nhiên, một số giọt cầu dường
như có các lỗ rỗng, chứng tỏ đã có sự thoát hơi khí khỏi các giọt
nóng chảy này. Và nếu điều đó là đúng, nguồn gốc của chúng phải từ
núi lửa hoặc tác động của thiên thạch.
Ngoài những giọt đất hình cầu, bề
mặt sao Hỏa còn có những hòn sỏi phớt đỏ. Trong khi hầu hết bề mặt
Hỏa tinh được bao phủ bằng lớp bụi đỏ sẫm, thì những lớp đá ở bên
dưới đa phần lại tối sẫm, khiến những hòn sỏi này trở nên bất
thường.
Những ngày tới, tàu Opportunity
vẫn sẽ di chuyển, chụp ảnh và gửi về trái đất. Một bức ảnh được
truyền về trước đó cho thấy miệng hố rộng 22m nơi con tàu hạ cánh
rất giàu hematite, trong khi các vùng khác hầu như không thấy có
thành phần này. Sự có mặt của khoáng sắt ôxit, thường được hình
thành trong nước lỏng, là lý do chính khiến các nhà khoa học chọn
đây là nơi tiếp đất cho Opportunity.
B.H. (theo
NewScientist)
Những khối cầu tròn trịa trên đất sao Hỏa
 |
|
Robot tự hành Opportunity hôm qua đã gửi
về bức ảnh toàn cảnh 360 độ đầu tiên chụp bề mặt sao Hoả,
đồng thời mở rộng một cánh tay robot có thể chạm tới bề mặt
hành tinh đỏ. Bức ảnh cung cấp tầm nhìn rộng hơn về bề mặt
đất đỏ và cái rìa mấp mô của cái hố nơi con tàu đỗ xuống.
"Nó mang đến cảm giác như
chính bạn ở đó", Jeff Johnson tại Viện khảo sát địa lý Mỹ
nhận xét.
Cánh tay robot của
Opportunity bao gồm một số công cụ có thể nghiên cứu vật
chất tìm thấy trên bề mặt hành tinh. Kỹ sư Joe Melko cho
biết các bức ảnh cho thấy mọi phần của cánh tay đã vào đúng
vị trí. |
Cánh tay robot của Opportunity |
|
|
Opportunity đã khám phá ra một
khoáng chất gọi là hematite xám trong đất tại nơi nó đỗ. Bằng chứng
ban đầu cho thấy khoáng chất giàu sắt này thuộc một dạng có trong
nước lỏng, cung cấp bằng chứng rằng khu vực này ẩm ướt hơn nhiều và
có thể hỗ trợ sự sống từ rất lâu.
Trong khi đó, anh em sinh đôi của
Opportunity, robot tự hành Spirit, đã 1 tuần nay không đi lại trên
sao Hoả vì một trục trặc phần mềm. Các kỹ sư đã trì hoãn việc format
lại toàn bộ chiếc máy vào cuối tuần qua để dành thêm thời gian phân
tích trục trặc của robot, giám đốc dự án Mark Adler cho biết.
Các kỹ sư tin rằng ít nhất một
hoặc cả hai robot sẽ kéo dài gấp đôi thời gian dự định là 90 ngày.
Khi đã lên đường, 2 chiếc robot 6 bánh sẽ lướt qua hàng nghìn mét,
từ mục tiêu này đến mục tiêu khác, không giống như những sứ mệnh nào
trên sao Hoả trước đó. Các nhà khoa học NASA cho biết hai chiếc tàu
chạy bằng năng lượng mặt trời này có dư thừa thời gian để rà soát
khắp những vị trí khó khăn.
"Với khoảng thời gian mà những con
tàu này sẽ thực hiện sứ mệnh, với lượng thông tin khoa học phong phú
tại khu vực, chúng ta sẽ còn được đón nhận những điều thú vị trước
mắt", nhà thiên văn học Steve Squyres tại Đại học Cornell phát biểu.
Minh Thi (theo
Reuters
|