Nguyễn Huệ Chi
còn có bút hiệu Phương Tri, Cánh
Hồng, Hy Tuệ
Sinh ngày
14 tháng 7 năm 1938 tại xã Ích Hậu, huyện Can Lộc,
tỉnh Hà Tĩnh
Giáo sư văn học ở Viện Văn học, đã về hưu từ cuối năm 2003
Chuyên nghiên cứu văn học cổ và văn hóa cổ cận đại Việt Nam và Trung Quốc,
ủy
viên Hội đồng khoa học Viện Văn học, trưởng ban Ban văn học Cổ cận đại Viện Văn
học, ủy viên biên tập Tạp chí văn học, hội
viên Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Văn học, Hội
đồng chức danh nhà nước ngành ngữ văn
Tác phẩm chính đã xuất bản:
- Mấy vấn đề về sự nghiệp và thơ văn Nguyễn Trãi; Nxb. Khoa học,
1963
- Mấy vẻ mặt thi ca Việt Nam; Nxb. Tác phẩm mới, 1983
- Hoàng Ngọc Phách đường đời và đường văn; Nxb.
Văn học, 1996
- Thơ văn Lý Trần, 3 tập (Chủ biên); Nxb. Khoa học xã
hội, 1977-2004
- Nguyễn Trãi - khí phách và tinh hoa của dân tộc (Chủ
biên); Nxb. Khoa học xã hội, 1982
- Văn học Việt Nam trên những chặng đường chống phong kiến
Trung quốc xâm lược (Chủ biên); Nxb. Khoa học xã hội, 1982
- Thi hào Nguyễn Khuyến - đời và thơ (Chủ biên); Nxb.
Văn học in hai lần, 1900-1993
- Nguyễn Bỉnh Khiêm - Danh nhân văn hóa (Chủ biên); Bộ
Văn hóa Thông tin xuất bản, 1991
- Suy nghĩ mới về “Nhật ký trong tù” (Chủ biên); Nxb.
Giáo dục in 6 lần, 1993-2003
- Hoàng đế Lê Thánh Tông - nhà chính trị, nhà văn hóa, nhà
thơ (Chủ biên); Nxb. Khoa học xã hội, 1999
- Từ điển văn học bộ cũ (đồng Ủy viên thường trực);
Nxb. Khoa học xã hội 1983-1984
- Từ điển văn học bộ mới (đồng Chủ biên); Nxb. Thế
giới, 2004
Giải
thưởng văn học:
- Giải thưởng của Công đoàn ngành khoa học trung ương về cuốn Thơ
văn Lý-Trần tập I năm 1977
- giải A về lý luận phê bình của hội Nhà văn về cuốn Văn học
Việt Nam trên những chặng đường chống xâm lược phương Bắc, 1980-1984
- Giải nhất của Nxb. Giáo dục về cuốn Suy nghĩ mới về “Nhật
ký trong tù” năm 1993
Suy nghĩ về bước đường khoa học của bản thân:
Tôi sinh ra giữa thời
thực dân nửa phong kiến. Những năm đèn sách ở trung học sống trọn vẹn trong 9
năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp. Đến khi vào đời lại gặp cuộc chiến phía
Nam, phía Bắc… Thế là hết một đời chiêm nghiệm trong chiến tranh loạn lạc, cải
cách ruộng đất, thời buổi hợp tác xã và chế độ tem phiếu. Vì thế, ngẫm lại, thấy
con đường văn chương vừa có điều gì thật gắn bó, “giai do tiền định”; vừa có gì
như ngẫu nhiên, rồi thành "đã mang lấy nghiệp vào thân"…
Nói là tất yếu vì tôi sớm
được làm quen với sách. Gia đình tôi có cả một "Mộng Thương thư trai" nổi tiếng
xứ Nghệ.
Nói là ngẫu nhiên, vì mọi
định hướng quan trọng của cuộc đời đều chẳng do ý mình. Học trung học rất giỏi
toán, nhưng thi vào đại học, vào phút cuối lại được xếp sang văn. Đọc sách từ
nhỏ, ước mơ nghiên cứu văn học 1932–1945, nhất là Tự lực văn đoàn, nhưng về
Viện, Giáo sư Đặng Thai Mai và nhà phê bình Hoài Thanh lại quyết định “lót tổ”
cho ở văn học cổ. Tôi cứ thế xoay vần, quên đi tất cả, để trở thành người mải mê
đắm đuối văn học cổ từ đó đến nay.
Để làm văn học cổ thì một
yếu tố tiên quyết là phải nắm được cổ Hán ngữ và Pháp ngữ. Tôi lao vào học những
môn này. Với vốn liếng Trung văn trong ba năm đại học, tôi phải nhận một thử
thách đầu tiên: thu thập tư liệu bằng Hán văn cho lễ kỷ niệm của Nhà nước về 520
năm ngày mất Nguyễn Trãi (19-9-1962). Một năm trời vào thư viện mầy mò sách vở
rất vất vả, tôi hầu như đã lục tìm bằng hết những tài liệu về Nguyễn Trãi trong
quá khứ, cất công chép lại và với sự giúp đỡ dịch thuật của cụ Nguyễn Văn Huyến,
tôi đã chú giải thật kỹ lưỡng để có một tập tư liệu hệ thống, đặt nền móng cho
việc nghiên cứu Nguyễn Trãi ở Việt Nam. Năm 1963, tập tài liệu được in thành
sách lấy tên Mấy vấn đề về sự nghiệp và thơ văn Nguyễn Trãi, có tiếng
vang ở trong nước và cả nước ngoài. Thế là tôi đã thật sự vượt qua kỳ thi "nhập
môn" văn học cổ dân tộc.
Nghiên cứu văn học cổ là
cả một quy trình gồm nhiều thao tác gian nan vất vả, đòi hỏi phải giải quyết
cùng lúc nhiều bộ môn khoa học khác nhau, có tính chất liên ngành, vượt quá sức
một người. Vì thế, từ năm 1968, khi được viện Văn học giao cho chủ trì công
trình Thơ văn Lý-Trần, nhằm lấp đầy một khoảng trống 5 thế kỷ văn hóa và
văn học dân tộc (từ thế kỷ X đến đầu thế kỷ XV) vốn bị giặc Minh chủ tâm hủy
hoại, chúng tôi thành lập Nhóm Lý-Trần gồm 10 anh chị em và lao vào công việc mê
mải, nào đi điền dã, dập bia, sưu tầm sách vở trong dân chúng và trong các thư
viện, khảo chứng văn bản, phiên âm, dịch nghĩa, chú giải tường tận mọi loại điển
cố Phật, Nho, Đạo, lịch sử, địa danh, nhân danh, dịch thơ... Trong gần 40 năm
miệt mài với bấy nhiêu việc, cho đến nay đầu đã bạc mà bộ sách vẫn chỉ mới công
bố được 3 tập, còn một tập cuối cùng đang trên đường hoàn thành. Cái công việc
tạm gọi là “trăm thứ bà dằn” ấy đã lấy đi hầu như trọn vẹn tuổi trẻ của chúng
tôi.
Trên thực tế, trong
những năm còn đi học và sau khi ra trường, tôi có viết một số bài phê bình, đọc
sách về văn học hiện đại, như Nam Cao, Nguyễn Khải, Nguyễn Công Hoan, Nguyên
Ngọc, Vũ Tú Nam… Có lẽ chính cái nhìn của đương đại, chính các giá trị hôm nay
đã không ngớt soi minh vào quá khứ, đã tạo cho tôi hứng thú đi sâu vào nền văn
hoá - văn học truyền thống. Ở đây không những có bao nhiêu "ẩn số" trong quy
luật của đời sống tâm hồn dân tộc cần được “giải mã", bao nhiêu chân lý sống
thâm thúy làm chúng ta như được thức tỉnh, tự nghiệm sinh về mình về đời, mà còn
có không ít số phận riêng, những thân thế nổi chìm trong lịch sử – họ như là sự
hội tụ của cái đẹp một thời không trở lại, nhưng cũng như đang hiện diện cho đến
hôm nay với tâm sự “bất mãn hoài" của loài người muôn thuở, với chỗ mạnh chỗ
yếu, cái hay cái dở cố hữu của con người Việt Nam.
Quả thật, cùng với thời gian và
kiến thức tích lũy được, những gương mặt nhà văn xa xưa như Trần Quang Khải,
Nguyễn Trãi, Lê Hữu Trác, Lê Quý Đôn, Nguyễn Du, Cao Bá Quát… ngày càng trở nên
gần gũi và hấp dẫn với tôi hơn. Việc định vị những tác giả này thể hiện như là
những nhân cách lịch sử tiêu biểu cho từng giai đoạn, vừa bộc lộ bản lĩnh sáng
tạo riêng vừa phản ánh những đặc điểm chung của đời sống xã hội đương thời, trở
thành mối quan tâm chủ yếu của tôi trong nhiều năm. Sau hơn hai chục năm suy
ngẫm xoay quanh việc xây dựng chân dung các nhà văn quá khứ, cuối cùng đã đưa
đến kết quả là viêc hoàn thành tập sách Mấy vẻ mặt thi ca Việt Nam – thời kỳ
cổ cận đại (1983)và Hoàng Ngọc Phách đường đời và đường văn
(1996) cùng khá nhiều bài viết chuyên sâu về các tác giả như Trần Tung, Cao Bá
Quát, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Hữu Trác, Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn
Gia Thiều, Nguyễn Văn Giai...
Đồng thời với hứng thú khám phá
chiều sâu đời sống tinh thần danh nhân quá khứ, những giá trị thẩm mỹ – nhân
văn, một nhiệm vụ quan trọng của tôi là hướng tới tổ chức nghiên cứu và biên
soạn các công trình có tính chất tổng kết về từng tác giả, từng giai đoạn và
hiện tượng văn học. Những bước tổng kết này được thực hiện từ văn học Lý – Trần
(thế kỷ X – XIV), Nguyễn Trãi, Nguyễn Du cho tới Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Huy
Tự, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Quang Bích, Hoàng Ngọc Phách, Hồ Chí Minh, Lê Thánh
Tông… Trong xu thế chung, nghiên cứu văn học không phải là cái nhìn tĩnh tại, cô
lập, mà cần thiết phải lưu ý tới các mối liên hệ văn hóa - lịch sử. Trên cương
vị cụ thể, tôi đã chỉ đạo và thực hiện quan niệm nghiên cứu trên với việc tìm
hiểu các tác giả trong tương quan địa – văn hóa, nhà văn và môi trường thời đại,
ngôn ngữ nghệ thuật và quá trình tiếp nhận, tìm hiểu các vùng văn hóa như Thăng
Long, Hà Bắc, Hà Tĩnh, Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng – trong đó mỗi vùng quê
đều gắn với tên tuổi danh nhân, những dấu ấn nhân cách riêng không dễ trộn lẫn;
tiến tới tìm hiểu các giai đoạn văn học, các loại hình sáng tác như thơ văn Lý –
Trần và các loại hình thể loại của nó, thể loại truyền kỳ, tiếp xúc văn học Việt
– Trung, Việt – Pháp… Đó là cả một quá trình tiếp nối, mở rộng nâng cấp nhận
thức về đối tượng nghiên cứu, không thể là bước đi dễ dãi, một sớm một chiều.
Dần dần, cùng với thời gian và
công việc của người khai thác vốn văn hoá cổ, tôi càng nhận thức rõ hơn tầm quan
trọng của khoa văn bản học. Nó là một thao tác không thể thiếu của nghiên cứu
văn học với tư cách một sự mở tung văn bản. Nó đòi hỏi không chỉ việc đưa đến
văn bản đúng, chính xác, sát hợp với cổ mẫu, tránh được những lầm lẫn đáng
tiếc, mà chủ yếu còn là công việc chuyển ngữ, đưa đến cho người đọc hiện đại một
văn bản mới tương ứng bằng tiếng Việt – chữ quốc ngữ. Phải nói công việc “đồng
sáng tạo” này là cả một quá trình lao tâm khổ tứ, yêu cầu sự hiểu biết sâu sắc
giá trị nội dung, nghệ thuật, thể loại, cấu trúc văn bản, câu chữ, âm điệu của
nguyên tác, cho đến khả năng chuyển dịch, nhập thần, “sáng tác lại” và đưa đến
một văn bản nghệ thuật mới cho người tiếp nhận đương đại. Quá trình dịch các tác
phẩm thời Lý – Trần, thơ chữ Hán, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh, văn bản “Hý trường tùy
bút”, bản dịch Liêu trai chí dị và một số thơ văn Trung Quốc, Việt Nam
khác … là những tìm tòi không ngừng nghỉ, là niềm vui sáng tạo và giúp tôi tích
lũy được vốn liếng dịch thuật phong phú.
Suy nghĩ về nghề văn:
Có lẽ
phải nghĩ lại câu nói của người xưa: văn chương chính là cái nghiệp, dính vào
rứt không ra. Một sự đam mê và ít nhiều một tài năng thiên phú, đó là nghiệp dĩ
của người làm văn. Không có hai cái đó mà cứ ảo vọng về mình, nhiều khi mình sẽ
tự làm khổ mình và làm khổ người khác. Nhưng văn chương cũng lại là lĩnh vực của
tri thức. Một học vấn sâu rộng là điều kiện thiết yếu làm cho năng khiếu nẩy nở
và cũng làm cho “trữ lượng” của mạch cảm hứng không vơi cạn. Nhiều nhà thơ, nhà
văn, nhà nghiên cứu lý luận phê bình ở nước ta hiện giờ hình như hiểu chưa thấu
đáo những nhân tố có quan hệ mật thiết này, nên cầm bút quá dễ dàng. Tuy nhiên,
trong cơ chế của xã hội chúng ta nhiều thập kỷ nay, một yếu tố có vẻ nằm ngoài
mà lại là yếu tố quyết định đối với bước chuyển thật sự của văn chương nghệ
thuật: đó là sự tự do sáng tạo. Tự do như một bản năng sống còn để cảm hứng có
thể vùng vẫy, ngôn từ có thể bứt phá khỏi những vòng vây cố hữu. Xin chớ viện ra
ở đây một mệnh đề triết học đã mòn sáo mà ai cũng đã nhiều lần tự nhắc: “Tự do
là tất yếu được nhận thức”. Bởi xét cho đến cùng, tất yếu là cái gì ở giữa đời
sống? Chính là những ràng buộc “nhân vi” mà con người tự tạo ra và cấp cho chúng
những siêu quyền lực nào đấy. Cho nên, khi thình lình bức tường Berlin sụp đổ,
thì cái tưởng là tất yếu với người dân Đông Đức hóa ra không là tất yếu nữa. Bị
trói buộc trong những “tất yếu” như thế, dù nhận thức như thế nào nhà văn vẫn
không thể tìm được mảnh đất tự do, và văn học của dân tộc sẽ mãi mãi lẹt đẹt.