Julius Caesar

Vietsciences-Phạm Văn Tuấn            12/02/2005 
 

Julius Caesar (102-44 trước TL) Danh Tướng của La Mã

Cuộc Chiến Tranh Thứ Ba giữa thành Rome và thành Carthage được gọi là cuộc Chiến Tranh Punic Thứ Ba (the Third Punic War), đã chấm dứt vào năm 146 trước Tây Lịch (TL). Từ năm này cho tới năm 30 trước TL là giai đoạn với rất nhiều xáo trộn trên bán đảo Ý và trong xứ La Mã. Đã xẩy ra nhiều vụ xung đột xã hội, ám sát, tương tranh giữa các nhà độc tài cũng như các vụ nổi dậy của dân nô lệ. Vào năm 134 trước TL, 70,000 dân nô lệ đã đánh thắng đạo quân La Mã trên hòn đảo Sicily, cuộc nổi dậy này về sau thất bại do quân La Mã được tăng cường nhưng các người nô lệ lại tàn phá đảo Sicily vào năm 104. Cuộc nổi dậy đáng kể nhất của sắc dân này được chỉ huy bởi một người nô lệ tên là Spartacus, diễn ra từ năm 73 tới năm 71 trước TL. Spartacus được huấn luyện theo nghề giác đấu, đã cùng một nhóm nô lệ trốn lên miền núi Vesuvius gần kinh thành Naples, lập nên một căn cứ gồm toàn các kẻ nô lệ. Trong hai năm trường, dưới sự lãnh đạo của Sapartacus, các người nô lệ đã chống cự được các đạo quân La Mã và chiếm đóng một phần miền nam nước Ý cho tới khi họ bị thất bại và Spartacus bị giết trong khi giao tranh. 6,000 người nô lệ nổi dậy này đã bị bắt, bị đóng đinh trên các cây chữ thập dọc theo con đường dài 150 dậm kéo dài từ Capua tới kinh thành Rome.

            Trong khi đó kể từ năm 133 trước TL, đã có các tranh chấp nội bộ giữa các giai cấp cai trị xứ La Mã với mục tiêu cải tổ xã hội và kinh tế, do hai anh em Gracchi. Hai người này thuộc giới quý tộc, muốn chia bớt đất công cho các kẻ chưa có đất đai canh tác. Vào năm 133, Tiberius Gracchus là một pháp quan (tribune), đã đề nghị một đạo luật giới hạn các chủ đất ở tầm 300 mẫu mỗi người cộng với 150 mẫu cho mỗi đứa con trong gia đình. Phần đất còn dư sẽ được chia thành các lô nhỏ cho các người nghèo. Trước đề nghị này, các nhà quý tộc bảo thủ đã phản đối và vận động vị pháp quan đồng nghiệp là Octavius bác bỏ. Vì vậy Tiberius đã cách chức Octavius và khi nhiệm kỳ cai trị sắp hết, ông ta tìm cách tái cử. Hành động này bị các nghị sĩ bảo thủ chống đối vì họ cho rằng sẽ đưa tới nền độc tài. Trong một cuộc phá phách nhân mùa bầu cử, các kẻ bảo thủ đã giết chết Tiberius cùng các người trong nhóm.

            9 năm sau, người em của Tiberius là Gaius Gracchus tìm cách phục hồi cuộc tranh đấu. Mặc dù đạo luật về đất đai của Tiberius đã được thi hành nhưng Gaius còn muốn công cuộc cải tổ này tiến xa hơn. Được bầu làm pháp quan năm 123 và tái bầu năm 122, Gaius đã cho thi hành nhiều đạo luật khác làm lợi cho lớp dân nghèo. Một đạo luật làm ổn định giá ngũ cốc tại kinh thành Rome và vì mục đích này, nhiều vựa lúa công được xây dựng dọc theo giòng sông Tiber. Một đạo luật khác kiểm soát các quan cai trị tại các tỉnh bị nghi ngờ khai thác vì tư lợi. Các biện pháp này đã khiến cho các kẻ trục lợi tìm cách loại Gaius ra khỏi quyền lực, họ vận động Thượng Viện La Mã trục xuất Gaius và kêu gọi các tổng tài bảo vệ nền cộng hòa rồi trong các biến động phục thù, Gaius và 3,000 người ủng hộ đã bị giết chết.

            Sau thời kỳ thất bại của anh em Gracchi, quyền lực tại La Mã về tay hai nhà lãnh đạo quân sự nổi danh vì công trạng chinh chiến bên ngoài xứ sở. Nhân vật thứ nhất là Marius, được giới bình dân bầu làm tổng tài (consul) vào năm 107 trước TL rồi sau đó được bầu lại 6 lần nhưng Marius đã không lập được thành tích gì trong thời kỳ cai trị. Khi ông ta qua đời vào năm 82 trước TL, giới quý tộc đã chiếm được quyền hành bằng sức mạnh, đứng đầu là Lucius Sulla, một viên tướng đã từng đoạt nhiều chiến thắng. Được bầu làm nhà độc tài (dictator) vào năm 82 trước TL, Lucius Sulla đã tìm cách tiêu diệt các đối thủ, thêm quyền hành cho thượng viện quý tộc, giảm bớt quyền lực của các pháp quan. Sau 3 năm tại chức, Lucius Sulla về hưu để sống cuộc đời xa xỉ nơi miền đất tư hữu.

            Các đạo luật do Lucius Sulla ban ra đã làm lợi cho các nhà quý tộc ích kỷ, vì thế vài lãnh tụ mới đã xuất hiện để tranh đấu cho đa số dân chúng. Hai người xuất sắc nhất trong số các lãnh tụ mới này là Gnaeus Pompey (106-48 trước TL) và Julius Caesar (102-44 trước TL). Đã có thời kỳ cả hai nhân vật này cộng tác với nhau trong âm mưu kiểm soát chính quyền nhưng sau đó, họ đã chống đối nhau để giành sự ủng hộ của dân chúng. Pompey nổi danh vì là nhà chinh phục hai xứ Syria và Palestine trong khi Caesar thành công do chiến thắng xứ Gauls, sát nhập vào đế quốc La Mã các miền đất mà ngày nay là các nước Pháp, Bỉ và Đức nằm tại phía tây của giòng sông Rhine.

            Sau nhiều cuộc xáo trộn kéo dài tại Rome, Thượng Viện La Mã vào năm 52 trước TL đã trao quyền cho Pompey và bầu ông ta làm tổng tài duy nhất. Caesar khi đó đang ở xứ Gauls, bị gán cho là kẻ thù của xứ sở và Pompey đã âm mưu với một nhóm trong Thượng Viện để truất đi quyền lực chính trị của Caesar, vì vậy đã diễn ra cuộc chiến sống còn giữa hai nhân vật kể trên. Vào năm 49 trước TL, Caesar dẫn quân đội vượt qua giòng sông Rubicon vào đất Ý và tiến về kinh thành Rome. Pompey bỏ chạy về hướng đông với ý muốn tập hợp quân lực để chiếm lại quyền thế sau này. Vào năm 48 trước TL, cả hai lực lượng này đối đầu nhau tại Pharsalus, xứ Hy Lạp. Pompey bị đánh bại rồi về sau bị giết do các kẻ lập mưu theo phe Caesar.

 

1/ Thời kỳ ban đầu của Julius Caesar.

 

            Julius Caesar là một vĩ nhân trong lịch sử La Mã. Nhiều nhà sử học còn cho rằng Caesar là nhân vật còn lớn lao hơn nhiều so với các vua chúa, các hoàng đế của thời cổ xưa bởi vì tuy từ chối làm vua nhưng danh từ Caesar đã tượng trưng cho vương quyền và phong cách uy nghi. Julius Caesar vừa là một danh tướng, một nhà chính trị có tài, một chính khách nhìn xa trông rộng, một văn nhân và đồng thời cũng là một nhà hùng biện, hay nói theo cách mô tả trong vở kịch của đại văn hào William Shakespeare, Cassius đã phải thú nhận rằng “Caesar như người khổng lồ đứng giạng hai chân ở dưới là thế giới nhỏ hẹp”.

            Julius chào đời vào năm 102 trước TL hoặc một hai năm gần đó, với tên thật là Gaius Julius Caesar, thuộc một gia đình quý tộc lâu đời. Người đời còn cho rằng ông ta không những từ  giòng dõi hoàng gia mà còn có nguồn gốc thần linh bởi vì theo truyền thuyết, Venus là nữ thần của tình yêu, đã kết hôn với một hoàng tử thành Troy nằm trong miền Tiểu Á, là người khởi đầu gia đình Julian này. Julius Caesar có một người cô làvợ của Gaius Marius, là nhà lãnh đạo đảng Populares còn chính Julius lập gia đình với Cornelia, con gái 17 tuổi của Lucius Cornelius Cinna, lãnh tụ của một đảng phái chống lại đảng quý tộc của Lucius Sulla. Bà vợ Cornelia này qua đời vào năm 68 trước TL. Cũng vì gia đình và hoàn cảnh mà Julius Caesar thiên về đảng dân chủ Popular. Không rõ Julius Caesar chống đối ra sao mà đã bị Sulla trù dập, bị coi là người nguy hiểm hơn các người theo phe của Marius. Để được an toàn, Julius phải lẩn tránh cho tới khi tìm được cách vượt sang miền Tiểu Á (Asia Minor), rồi đầu quân vào lực lượng chống lại Mithridates, vua của xứ Pontus. Trong trận vây thành Mitylene vào năm 80 trước TL, Julius Caesar đã tỏ ra là một chiến sĩ can đảm khi cứu sống được một đồng ngũ trong cơn nguy hiểm.

            Hai năm sau khi Lucius Sulla qua đời, Julius Caesar trở về thành Rome, đã làm công tố viên trong vụ kết tội một quan chức thuộc hạ của Sulla vì các tội tống tiền và tàn ác khi quan chức này làm thống đốc của một tỉnh trong vùng Macedonia. Để trau dồi tài năng nói trước công chúng, Julius Caesar đã qua dảo Rhodes, theo học một bậc thầy về nghệ thuật hùng biện và có lẽ trong dịp này con tầu của ông đã  bị các kẻ cướp biển trong vùng Địa Trung Hải bắt, ông bị giam giữ chờ tiền chuộc. Trong khi người nhà trở về xứ lấy tiền, Julius Caesar đã làm quen với bọn cướp, kể chuyện vui cho chúng nghe tới khi đã thanh toán xong tiền chuộc, ông được trả tự do nên trở về miền Miletus, thuê vài con tầu chiến khác cùng các binh sĩ, quay lại tấn công bất ngờ sào huyệt của bọn cướp, bắt tất cả và đóng đinh chúng sau khi lấy lại đầy đủ tiền chuộc đã trả khi trước.

            Vào thời gian này Julius Caesar chưa tham gia vào chính trị mà sinh sống như một người sa hoa, theo đuổi phụ nữ, với các món tiền vay mượn cho tới năm 68 trước TL, ông được chính quyền bổ nhiệm làm pháp quan (quaestor), có chân trong Thượng Viện, rồi tới năm 63 trước TL, lãnh chức Pontifex maximus, một địa vị quan trọng, uy tín trong một tổ chức tôn giáo thuộc xứ sở La Mã. Khi qua Tây Ban Nha làm quan cai trị của một tỉnh, Julius đã thành công nên vào năm 60, được Gnaeus Pompey khi đó là thủ lãnh của kinh thành Rome, chọn làm một trong ba Tam Đầu Chế (Triumvirate) cùng với Marcus Licinius Crassus. Sau một năm làm Tổng Tài (consul), Julius Caesar xin làm quan cai trị xứ Gaul và xứ Illyricum, vùng đất trải dài từ miền nam nước Pháp tới bờ biển Adriatic. Các kẻ thù của Caesar rất hài lòng khi thấy đối thủ này ra khỏi kinh thành Rome để rồi sẽ chôn vùi danh tiếng. Nhưng chính tại nơi miền đất còn hoang dã này mà Julius Caesar đã bộc lộ thiên tài quân sự. Julius Caesar biết rõ con đường phải theo, bởi vì các vinh quang quân sự sẽ dẫn tới quyền hành của La Mã. Qua năm 59, Caesar kết hôn với Calpurnia, người con gái của Lucius Piso sống tại Rome còn Pompey cưới con gái của Caesar là nàng Julia.

            Caesar là một danh tướng bách thắng, quân sĩ dưới quyền đã sợ hãi ông và tôn thờ ông nhưng ông không phải là vị tướng đi sau hàng quân mà luôn luôn đi sát với họ, dạy bảo họ, phóng ngựa tiến tới trước, ăn cùng thứ thực phẩm giống như binh lính, uống cùng thứ rượu chua và từ chối ngủ trong lều khi binh lính còn nằm trong giá lạnh. Trong nhiều vụ đụng độ với quân Gauls, binh lính La Mã đã vui mừng khi thấy chủ tướng Caesar của họ xuất hiện, vung kiếm lên và hô lớn lời khuyến khích, như Shakespeare kể lại trong vở kịch: “Kẻ hèn nhát chết nhiều lần trước khi chết thực sự, người dũng cảm chỉ nếm một lần chết mà thôi” (Cowards die many times before their deaths, the valiant taste of death but once).

            Julius Caesar đã ghi lại trong cuốn “Bình Luận” (Commentaries) các chiến dịch liên tục từ năm 58 tới năm 49 trước TL, đây là một trong các tác phẩm văn chương viết bằng tiếng La Tinh, hấp dẫn nhất là các chương mô tả hai cuộc xâm lăng hải đảo Anh, cuộc chinh phục thứ nhất vào năm 55 khi lực lượng viễn chinh La Mã xuống tầu từ Boulogne và đổ bộ lên bờ biển Deal. Sau lần thám thính thứ nhất, ba tuần lễ sau tướng Caesar đã băng qua eo biển Channel rồi qua năm sau, viên tướng này đã tới tận Middlesex thuộc thung lũng của giòng sông Thames. Sau các trận giao tranh ác liệt, quân Britons dưới quyền tướng Cassivellaunus phải xin dàn hòa, trao trả các tù binh và đóng tiền triều cống.

            Trong nhiều năm chinh phục xứ Gaul, Caesar gặp nhiều thất bại trước tướng trẻ Vercingetorix nhưng rồi đã tập hợp được lực lượng, đè bẹp được quân Gauls tại Alesia vào năm 52 trước TL khiến cho Vercingetorix phải xin quy hàng, đây là chiến thắng cuối cùng. Sau nhiều năm và sau một loạt các chiến dịch, Julius Caesar đã liên tiếp báo tin về Rome các thành quả rực rỡ, đã chinh phục được miền đất Gaul thuộc nước Pháp ngày nay, chiếm cả phần đất thuộc phía đông của giòng sông Rhine và nới rộng vùng cai trị của đế quốc La Mã tới tận eo biển Channel.

 

 

 

2/ Các chinh phục và cải cách.

            Tại kinh thành Rome, Tam Đầu Chế bắt đầu chia rẽ, các biến động khiến cho Julius Caesar phải chú tâm tới tình hình trong xứ. Tổng Tài Crassus đã qua miền đông, gặp thất bại trước quân Parthians và tử trận. Pompey không thiện cảm với Caesar trong khi thời hạn chức vụ tổng tài của ông sắp hết, các kẻ thù của Caesar tại Rome đang bàn tính sẽ phải làm gì khi ông trở về đời sống dân sự. Họ than phiền rằng Caesar đã lấn quyền, đối xử tàn ác đối với các dân tộc nghèo hèn còn bán khai và đang dự tính các chinh phục lớn lao khác. Vào lúc này Caesar chỉ có một quân đoàn trong khi Pompey tuyên bố rằng nếu hạ lệnh, các người lính trong quân đoàn này sẽ nổi lên chống lại Caesar. Các báo cáo bất lợi từ Rome trở về khiến cho Caesar quyết định phải ra tay. Vào khoảng đầu tháng 1 năm 49 trước TL, Julius Caesar hạ lệnh cho 5,000 quân sĩ vượt qua giòng sông nhỏ Rubicon, là địa giới ngăn cách quyền chỉ huy của ông, và ông đã nhủ thầm “cây lao đã phóng đi” (Jacta alea est = the die is cast). Không rõ đây có phải là lời nói thực sự của Julius Caesar hay không, nhưng đây chắc chắn là một hành động thách đố đối với chính quyền của Pompey, một việc làm không thể trở ngược được và sẽ gây nên cuộc nội chiến. Quân sĩ của Caesar tiến nhanh về phía nam, gặp rất ít chống cự do đa số binh lính của Pompey đầu hàng, khiến cho Tổng Tài Gnaeus Pompey phải bỏ chạy qua miền Balkans. Julius Caesar tiến vào kinh thành Rome trong khung cảnh vinh quang rực rỡ.

            Sau 60 ngày, Caesar không có đối thủ tại kinh thành Rome. Vào năm 49 trước TL, Caesar tự nhận là nhà độc tài và tổng tài (dictator & consul) nhưng Pompey và các người chống đối đã liên kết lại khiến cho Caesar phải đánh dẹp trong 5 năm trường, thắng Pompey vào năm 48 tại Parsalia thuộc xứ Hy Lạp. Pompey trốn thoát qua xứ Ai Cập khiến cho Caesar tiến quân sang đó và được biết rằng kẻ thù kể trên đã bị các thuộc hạ giết chết. Trong chiến dịch tại Ai Cập, Caesar đã tư tình với nữ hoàng trẻ Cleopatra và đã có một đứa con đặt tên là Caesarion, có nghĩa là “Caesar Nhỏ”. Caesar đã giúp cho Cleopatra trở thành vua của xứ Ai Cập. Trong chiến dịch kế tiếp tại miền Tiểu Á, Caesar đánh thắng Pharnaces II và đã báo cáo về La Mã thắng lợi tại Zela, ngày nay thuộc miền tây bắc xứ Thổ Nhĩ Ky, bằng thông điệp ngắn gọn “Veni, vidi, vici” có nghĩa là “Tôi đã tới, đã nhìn thấy, đã chinh phục” (I came, I saw, I conquered).

            Sau khi Pompey bị giết, các lực lượng theo viên tổng tài này đã tổ chức lại lực lượng. Vào năm 46 trước TL, Caesar đã đánh thắng họ vào năm 46 tại Thapsus thuộc miền bắc châu Phi. Cato Trẻ (Cato the Younger) phải tự sát sau khi nghe được tin chiến bại. Qua năm 45 tại Munda thuộc xứ Tây Ban Nha, hai người con của Pompey cũng thua trận trước Caesar. Đây là trận chiến sau cùng. Caesar trở về kinh thành Rome. Các đám đông đứng hai bên đường chào mừng Caesar diễn hành trên chiếc xe ngựa, tiến về Điện Capitol. Mọi người La Mã đã tung hô lời chào vị “Imperator”, có nghĩa là vị “Hoàng Đế” đầu tiên trong lịch sử của phương tây.

            Tới lúc này Julius Caesar trở nên nhà lãnh tụ toàn quyền của thế giới La Mã. Dân chúng đã tôn sùng Caesar vì  các chiến công và tài thao lược, đã đồng ý để Caesar nắm quyền độc tài trong 10 năm, rồi về sau trở thành nhà độc tài suốt đời. Trong một đại hội, Mark Antony đã thử lòng Caesar bằng cách đề nghị đổi nhà độc tài thành nhà vua nhưng vì dân chúng La Mã không ưa thích vua, nên Caesar đã từ chối ngai vàng.

            Julius Caesar xử dụng quyền lực một cách khôn khéo và đã thi hành được nhiều cải tổ quan trọng vì ông nhận thấy cần một chính quyền trung ương mạnh để tránh cho xứ sở La Mã không bị suy đồi. Nhà độc tài này đã tìm cách kiểm  soát các công việc thiếu minh bạch của các chính quyền trung ương và địa phương, trù liệu việc soạn thành sách các luật lệ La Mã, không cho phép các người cho vay tiền ăn lời cao, làm nhẹ thuế vụ đánh lên mọi công dân, đặt ra loại hội đồng địa phương gọi tên là “municipal” tại các tỉnh, hạ lệnh giải tán các băng đảng chính trị đã cản trở nền cộng hòa, lập ra cơ quan đo đạc toàn lãnh thổ La Mã, đề nghị làm thoát nước vùng đầm lầy Pontine, canh tân hải cảng Ostia và làm kế hoạch đào một con sông đào ngang qua eo đất Corinth. Caesar còn trù tính lập ra các thư viện công lập, đã cải tổ lịch, khiến cho việc tính niên biểu và thời gian không bị nhầm lẫn và cải cách quan trọng này còn được duy trì cho tới ngày nay. Các tháng của người La Mã đã được đặt tên lại, với tháng thứ bẩy được gọi là July để ghi nhớ công trạng của Julius Caesar. Ngoài ra một loại tiền vàng thời đó được đúc mang hình của Caesar, đây là một vinh dự đặc biệt chưa dành cho ai. Julius Caesar đã vui mừng khi được mặc áo gấm thêu rực rỡ, trên đầu đội vòng hoa nguyệt quế (laurel wreath), đây là biểu tượng của các vị danh tướng đã mang về chiến thắng, nhưng đối với Caesar, vòng hoa này có thể là thứ mũ nón che chiếc đầu hói mà viên tổng tài không muốn cho nhiều người nhìn thấy.

            Julius Caesar đã tìm cách hòa giải với các đối thủ, bổ nhiệm họ vào các chức vụ công, tha thứ các kẻ theo Pompey trước kia, chấp nhận các người dân sống trong các tỉnh có quyền công dân La Mã, giúp các người nghèo thực phẩm trợ cấp và khiến họ di cư sang sinh sống trong các xứ thuộc địa như Carthage và Corinth.

            Các cải cách của Julius Caesar đã khiến cho một số người còn luyến tiếc loại chính quyền cũ, một số người khác cho rằng Caesar sẽ làm vua trong tương lai. Thượng Viện bị coi như một hội đồng cố vấn nên các thượng nghị sĩ không bằng lòng về cách cai trị này. Trong số 50 kẻ âm mưu có Marcus Junius Brutus và Gaius Cassius là hai người trẻ trước kia đã từng chống lại Caesar và được Caesar ân xá sau trận Pharsalus. Đã có nhiều huyền thoại kể về vụ ám muội này. Trước đó một thời gian, Spurinna là mụ thầy bói đã bảo Caesar phải cẩn thận vào các ngày giữa tháng 3. Nàng Calpurnia là vợ của nhà độc tài kể rằng đã gặp một cơn ác mộng và bộ áo giáp treo trong nhà bỗng nhiên sụp đổ từ bức tường treo. Nhiều người thân trong gia đình đã khuyên Julius Caesar không nên tới Tòa Nhà Thượng Viện vào ngày 15 tháng 3 năm 44 trước TL trong khi các kẻ âm mưu đã phái Brutus đi mời Caesar và mặc dù các điềm xấu, viên tổng tài vẫn nhận lời. Tại phòng lớn, các kẻ âm mưu đã đứng thành nửa vòng tròn, làm ra vẻ cầu xin vài ân huệ rồi sau một dấu hiệu, họ đều rút dao dấu trong áo, nhào tới đâm viên tổng tài 23 nhát. Julius Caesar khi gục ngã còn nhận ra trong số các kẻ sát nhân có Brutus, đã thốt lên câu: "Và cả mi nữa sao, Brutus?” (What, you too, Brutus?)

            Ngoài các tài năng là một danh tướng trăm trận trăm thắng, một nhà quản trị xứ sở thiên tài, Julius Caesar còn là một nhà hùng biện chỉ đứng sau Cicero, một chính khách kiêm nhà triết học La Mã rất danh tiếng. Julius Caesar còn là một nhà văn với tác phẩm xuất sắc “Bình Luận về cuộc Chiến Tranh tại xứ Gaul” (Commentaries on the Gaulic War) trong đó có mô tả các công cuộc chinh phục, với văn phong rõ ràng của tác phẩm được dùng làm mẫu mực trong cách viết sử.

            Vài nhà sử học coi Julius Caesar là thiên tài bậc nhất của xứ sở La Mã. Các cải cách của Julius Caesar đã là nền móng của một trật tự xã hội mới, khiến cho đế quốc La Mã ổn định và tồn tại hơn 200 năm. Ảnh hưởng của nền văn minh La Mã đã lan rộng sang xứ Gaul ở phương bắc, trở thành đế quốc Byzantine ở phương Đông và tràn lan khắp miền Địa Trung Hải./.

 

 

© http://vietsciences.free.fr Phạm Văn Tuấn.