Adolf Hitler

Vietsciences- Phạm Văn Tuấn          15/10/2009

 

Những bài cùng tác giả

Adolf Hitler (1889 - 1945) nhà độc tài Ðức Quốc Xã

1/ Nước Đức sau Thế Chiến Thứ Nhất.

Từ ngày 26 tháng 9 năm 1918, các nước Đồng Minh đã phản công lần thứ hai chống lại nước Đức. 220 sư đoàn đã đồng loạt tấn công dọc theo trận tuyến từ bờ biển nước Bỉ kéo dài tới thị trấn St. Mihiel, bắt đầu bằng lực lượng Pháp – Hoa Kỳ đánh vào vùng hai con sông Meuse – Argonne. Ngày hôm sau, 40 sư đoàn quân Anh phối hợp với 2 sư đoàn quân Hoa Kỳ tấn công vào phòng tuyến Hindenburg rồi vào ngày kế tiếp, 28 sư đoàn của Vua Albert, gồm các đạo quân Bỉ, Pháp, Anh và Hoa Kỳ đánh vào miền Flanders. Tất cả những đợt tấn công này đã bắt buộc quân đội Đức phải rút lui về phía sau sông Scheld tại phía bắc và thành phố Sedan tại phía nam.

Nhìn thấy cảnh thất trận tới gần, Tướng Ludendorff đã thông báo cho Hội Đồng Chiến Tranh Hoàng Gia Đức (the Imperial Council of War) vào ngày 29 – 2 – 1918 rằng nước Đức phải tìm kiếm một cuộc đình chiến đặt trên căn bản 14 điểm của Tổng Thống Hoa Kỳ Woodrow Wilson. Ngày 03 – 10 – 1918, Hoàng Đế Đức (Kaiser) đã chỉ định ông Hoàng Max von Baden làm Chưởng Ấn (Chancellor = Thủ Tướng) với hy vọng tạo được một chính phủ ổn định theo Hiến Pháp, nhưng tình trạng trong nước Đức đã trở nên quá rối ren. Đã có các cuộc nổi loạn tại khắp nơi, các hội đồng công nhân và quân nhân xuất hiện tại mỗi thành phố, lính thủy làm loạn tại Kiel, miền Bavaria tuyên bố thành lập một nước cộng hòa xã hội vào ngày 07 – 11 – 1918. Sau đó 2 ngày, ông Hoàng Max von Baden công bố sự thoái vị của Vua Wilhelm II và việc thành lập chính phủ lâm thời bởi ông Friedrich Ebert, một nhà dân chủ xã hội. Vào ngày 10 tháng 11, Hoàng Đế Wilhelm II lên một toa xe lửa, rời nước Đức đi tị nạn tại Hoà Lan.

Sáng ngày 11 – 11 – 1918, các đại diện của nước Đức và các nước Đồng Minh đã ký một bản đình chiến trên một toa tầu nằm trong rừng Compiègne, phía bắc của thành phố Paris, nước Pháp. Từ đây, nước Đức đồng ý từ bỏ tất cả các miền đất đã chiếm được, chấp nhận lui quân đội về phía tây giòng sông Rhine, tháo gỡ các công sự chiến đấu trong miền Rhineland và miền này bị chiếm đóng trong 15 năm, đầu hàng toàn thể bộ máy chiến tranh và hạm đội, và quân đội Đức bị giới hạn ở quân số 100 ngàn người.

Đúng 11 giờ sáng ngày 11 tháng 11 năm 1918, Thế Chiến Thứ Nhất đã chấm dứt. Trên toàn thế giới và châu Âu, mọi người đã reo mừng. Tuy nhiên, vết thương chiến tranh còn in hằn trên lục địa châu Âu trong nhiều thập niên.

Vào năm 1919, đất nước Đức nằm trong hoàn cảnh tang thương của thời kỳ hậu chiến. Sự thất trận làm tổn thương tinh thần của người dân Đức, nền kinh tế bị kiệt quệ vì thiếu thốn đủ thứ, hàng triệu người lính Đức trở về nhà, về đời sống dân sự mà không thể kiếm ra được công ăn việc làm. Tại nhiều thành phố đã xẩy ra các cuộc xáo trộn xách động bởi các người Cộng Sản. Nhiều quân nhân cũ do thất nghiệp, không thể hội nhập vào đời sống dân sự nên đã tham gia vào đoàn quân Freikorps (đoàn quân tự do), là một loại băng đảng bán quân sự, thường chống lại các người Cộng Sản, thường đi ăn cướp hay phá hoại.

Sau Thế Chiến Thứ Nhất, chính phủ của nước Đức được bầu lên vào ngày 19 – 1 – 1919 và dẫn đầu bởi 3 đảng phái thiên cộng hòa. Chính phủ này đã họp lần đầu tiên tại thành phố Weimar để tránh sự xáo trộn của thành phố Berlin. Weimar là nơi tượng trưng cho hòa bình và triết lý của nước Đức thời bấy giờ. Hiến Pháp Weimar cũng cởi mở, có mục đích thay thế cách độc đoán của Vua Wilhelm II với các nghị viên chỉ biết vâng lời. Đất nước Đức vào thời gian này đang cần tới sự đại diện dân chủ. Trong cuộc bầu cử lần thứ nhất, 3 đảng phái ôn hòa đã nhận được ba phần tư phiếu bầu. Thời đó phe Cộng Sản đã tẩy chay cuộc bầu cử và đảng Quốc Xã chưa thành hình. Nhưng các điều kiện nghiêm khắc của Hòa Ước Versailles áp đặt lên nước Đức thất trận đã khiến cho Chưởng Ấn Phillip Scheideman từ chức vào tháng 6 năm 1919 vì không chịu chấp nhận các điều kiện đó. Trước sự đe dọa của phe Đồng Minh là sẽ xâm lăng hay phong tỏa các miền kỹ nghệ trù phú, chính phủ mới của nước Đức hậu chiến bị khuất phục và phải ký Hòa Ước Versailles vào ngày 28 – 6 – 1919.

Tình trạng chính trị của nước Đức lại rối tung thêm khi Tướng Erich von Ludendorff tuyên bố rằng quân đội Đức chưa thua trận và Bộ Tham Mưu Đức bị đâm sau lưng. Vị trí của chính phủ dân sự vì thế càng trở nên yếu kém hơn. Các nhà lãnh đạo mới của Cộng Hòa Weimar non nớt đã không quen cách dùng quyền lực. Họ đã không biết đoàn kết để bảo vệ chính nghĩa, họ thường tranh cãi nhau trong suốt các năm từ 1918 tới 1933 và đã vụng về trao nền trật tự công cộng cho nhóm Freikorps tàn bạo, cho quân đội còn lại hay cho nhóm Nazi bán quân sự. Các nhà chính trị dân chủ này đã thương thảo với các kẻ cực đoan, với hy vọng là có thể thuần hóa được chúng trong đường lối đấu tranh dân chủ khi cho chúng tham gia vào chính quyền.

Hiến Pháp mới của nước Đức vào các năm sau Thế Chiến Thứ Nhất đã không thể huấn luyện tinh thần và tập quán dân chủ cho một dân tộc hiếu chiến, qua một thế kỷ đã biết rất ít về thể chế dân chủ! Mặt khác, các vị khoa bảng, các giáo sư danh tiếng vào thời kỳ đó vẫn còn tuyên truyền cho chủ nghĩa quyền lực và sự vượt trội của Dân Tộc Đức và những nhà lãnh đạo đương thời thì bị coi là ôn hòa, bảo thủ, thường thiên vị các kẻ cánh hữu thích âm mưu khủng bố, hơn là các kẻ chống đối cánh tả. Trong khi đó người dân Đức lại đem lòng nhớ tiếc các kỷ niệm huy hoàng của thời chiến tranh, chán nản trước các xáo trộn kinh tế hiện đang diễn ra và các cuộc cãi cọ chính trị thường xẩy ra giữa các đảng phái. Dĩ nhiên là dân chúng Đức mong mỏi tình trạng kỷ luật, trông đợi sự đoàn kết và những điều này đã khiến cho Đảng Quốc Xã sau này nắm quyền và đưa đất nước Đức vào nơi thảm khốc.

2/ Thiếu thời của Hitler.

Adolf Hitler sinh ngày 20 tháng 4 năm 1889 tại Braunau, một tỉnh nhỏ trên bờ sông Inn, biên giới Đức – Áo, về phía nước Áo. Adolf là người con thứ tư của lần lập gia đình thứ ba của ông Alois Hitler, một nhân viên quan thuế. Khi Adolf chào đời, ông Alois đã 51 tuổi và mẹ của Adolf là Klara Poelzl, thời đó 28 tuổi, con gái một nông dân. Mẹ của ông Alois Hitler là Anna Maria Schicklgruber, đã ăn ở không giá thú với một người thợ xay lúa sống lang thang tên là Johan Georg Hiedler khi Alois lên 5 tuổi và ông Johan này đã không nhìn nhận Alois làm con cho đến khi ông ta qua đời vào năm 1856. Một người em của ông Johan đã xếp đặt để cho Alois được ghi danh là con chính thức của ông Johan Georg Hiedler rồi vị tu sĩ khi ghi tên đã viết sai chữ Hiedler thành “Hitler”. Cũng vì thế khi Adolf Hitler lên nắm chính quyền, các đối thủ đã nhục mạ và gọi nhà độc tài này bằng tên Schicklgruber. Trong số 8 người con của ông Alois, chỉ có 4 người sống sót tới tuổi trưởng thành. Adolf có một người chị tên là Paula, 2 người anh em cùng cha khác mẹ là Alois và Angela.

Sau khi Adolf được 6 tuổi, ông Alois về hưu và dời cư về gần Linz, nước Áo. Tại bậc tiểu học, Adolf học giỏi nhưng lên bậc trung học lại học kém, nên đã làm phật lòng người cha nóng tính và bất thường. Ông Alois muốn con trai trở thành một công chức nhưng Adolf lại muốn là một nghệ sĩ. Ông Alois Hitler chết vào năm 1903 và hai năm rưỡi sau đó, Adolf bỏ học khi 16 tuổi. Bà mẹ của Adolf lúc này sống nhờ tiền trợ cấp và một số tài sản còn lại, vì thế Adolf đã không đi kiếm việc mà cả ngày ngồi vẽ, đọc sách hay mơ mộng.

Vào năm 1907, Adolf Hitler tới thành phố Vienna là thủ đô của nước Áo – Hung. Adolf muốn theo học trường Mỹ Thuật nhưng đã thi rớt 2 lần trong kỳ thi nhập học. Cũng vào năm 1907, mẹ của Adolf qua đời, để lại cho chàng một số tài sản. Adolf sống nhờ tiền trợ cấp mồ côi. Trong thời gian này, chàng Adolf sống thoải mái như một nghệ sĩ, đôi khi cũng bán được vài tấm tranh. Ngoài nghệ thuật Hội Họa, Adolf Hitler cũng đọc sách và quan tâm tới các sinh hoạt chính trị, thán phục cách tổ chức và đường lối lãnh đạo hữu hiệu của đảng Dân Chủ Xã Hội (the Social Democratic Party) của thành phố Vienna. Tại thành phố này vào thời bấy giờ thường có các cuộc chống đối người Do Thái, một dân tộc bị làm dê tế thần của châu Âu qua nhiều thế kỷ. Cũng vì thế trong tâm hồn Adolf Hitler đã sinh ra sự căm thù hai giống dân Do Thái và Slav. Giống như các người Áo nói tiếng Đức, Adolf Hitler có đầu óc quốc gia cực đoan và đã có lần nói “Tôi ghê tởm tập hợp nhiều giống dân đang sống tại thành phố Vienna, ghê tởm sự pha trộn các người Tiệp, Hung, Ba Lan, Ruthenian, Serbs và Croats... “. Hitler tin tưởng rằng người Do Thái và các giống dân thấp hèn khác đã tìm cách phá hủy nước Đức và Hitler rất ghét chủ nghĩa Bôn-Xê-Vích (bolshevism), e ngại về chính thể Dân Chủ. Hitler có tham vọng về giấc mơ của Hoàng Đế Đức, tức là nền thống trị của người Đức trên toàn lục địa châu Âu, nhưng các kiến thức chính trị và kinh tế của Hitler còn mơ hồ và nông cạn.

Vào năm 1913, Hitler dọn về Munich thuộc nước Đức và đã tình nguyện đầu quân nhưng quân đội đã không chấp nhận vì không đủ sức khỏe. Tháng 8 năm 1918, Thế Chiến Thứ Nhất bùng nổ. Adolf Hitler lại xin phục vụ quân đội và lần này được chấp nhận trong một trung đoàn bộ binh, đóng tại miền Bavaria. Hitler đã làm chân giao liên (dispatch runner) tại mặt trận phía tây, đã bị thương, được huy chương hai lần vì cam đảm và được thăng cấp hạ sĩ.

Khi nước Đức đầu hàng sau Thế Chiến Thứ Nhất, Hitler đang nằm trong bệnh viện vì bị thương do hơi mù tạc (mustard gas). Hitler còn phục vụ quân đội tới tháng 4 năm 1920, đầu tiên làm lính gác tù binh, rồi làm huấn luyện viên cho binh sĩ giải ngũ và cuối cùng lãnh chân “chính trị viên” (political agent) của Bộ Chỉ Huy Khu Munich. Sau Thế Chiến Thứ Nhất, Munich là thành phố rất xáo trộn bởi các người Cộng Sản và bọn Freikorps, nhờ vậy mà Adolf Hitler có được cơ hội hiểu rõ các ưu khuyết điểm của hai nhóm người này. Hitler bị xuống tinh thần rất nhiều do tin thất trận và cho rằng chủ quyền của nước Đức đang bị đe dọa, cần phải chính mình cứu lấy nước Đức.

3/ Sự đi lên của Đảng Quốc Xã.

Khi còn phục vụ quân đội, Hitler đã tham gia đảng Công Nhân Đức (the German Workers’ Party). Đây là một đảng nhỏ của một nhóm người quốc gia (a nationalist group) có đường lối chối bỏ chính quyền Berlin, vì vậy đã thu hút được nhiều cựu quân nhân. Hitler là đảng viên thứ 55 và là nhân vật thứ 7 trong ủy ban điều hành. Hitler là một nhà hùng biện có tài nên vào giữa thập niên 1920, đã trở nên người phát ngôn chính cho Đảng và cũng là nhà ý thức hệ. Sau đó đảng Công Nhân đổi tên là Đảng Công Nhân Quốc Gia Xã Hội Đức (the National Socialist German Workers’ Party), gọi tắt là Đảng Nazi hay Đảng Quốc Xã. Đảng này chủ trương đặc tính thuần quốc gia Đức (pan-German nationalism), lập chương trình đoàn kết vào một quốc gia toàn thể người Đức bao gồm cả các người Áo và các nhóm dân thiểu số Đức sống trên những miền đất khác như Tiệp Khắc, Hungary. Đảng này có các tư tưởng cấp tiến về kinh tế, kêu gọi phải tước bỏ quốc tịch Đức khỏi các sắc dân Do Thái hay không phải là Đức, và Đảng cũng kêu gọi sự hủy bỏ Hiệp Ước Versailles. Dần dần về sau, đảng Quốc Xã đã mang cá tính và lòng hận thù của Hitler. Quyền hành của đảng được chỉ thị từ trên xuống còn trách nhiệm lại phải đi từ dưới lên trên, với lòng tin tưởng tuyệt đối là vị lãnh tụ không bao giờ nhầm lẫn cả, luôn luôn anh minh và sáng suốt.

Adolf Hitler là một nhà chính trị khéo léo và một người tổ chức có tài. Ông ta đã trở nên nhân vật lãnh đạo Đảng và xây dựng Đảng với một số lớn đảng viên trong một thời gian ngắn, một phần nhờ tài hùng biện, biết xách động quần chúng bằng những bài diễn văn giật gân, nẩy lửa. Hitler đã công kích chính phủ và công bố rằng chỉ có Đảng Quốc Xã là có thể phục hồi nền kinh tế, mang lại công việc làm ăn cho mọi người và lại đưa nước Đức tới cảnh hùng vĩ.

Hitler cũng tổ chức một đội quân tinh nhuệ riêng có tên là “đội quân Vũ Bão S.A.” (Sturmabteilung). Các đảng viên Quốc Xã mặc đồng phục gồm áo sơ mi màu nâu, mang huy hiệu chữ “Vạn” (swastika emblem). Vào năm 1922, đảng Quốc Xã đã có 10,000 đảng viên rồi tới tháng 10 – 1923, quân số của đội S.A. lên tới 15 ngàn người, được trang bị súng trường và súng máy.

Mùa đông năm 1923, quân đội Pháp và Bỉ đã tiến vào miền kỹ nghệ Rhur để bắt buộc nước Đức phải bồi thường chiến tranh. Khi đó chính phủ Weimar chỉ biết kháng cự thụ động còn các công nhân chống đối bằng các cuộc đình công và phá hoại. Sự tê liệt sản xuất về than và thép tại miền Rhur đã làm cho nạn lạm phát gia tăng. Giá trị đồng Mark giảm xuống từ 400 xuống 1 vào giữa năm 1922, rồi sau đó từ 7,000 xuống 1 vào cuối năm 1923. Các cuộc nổi loạn Cộng Sản và quốc gia đã xẩy ra trên toàn nước Đức. Nước Cộng Hòa Đức đang trên bờ tan rã. Tiểu bang Bavaria khi đó là nơi công khai chống lại chính quyền trung ương tại Berlin. Hitler đã nhìn thấy một cơ hội để lật đổ chính quyền địa phương lẫn chính phủ trung ương. Vào ngày 8 – 11 – 1923, tại một buổi tụ họp trong Phòng Uống Bia ở Munich, Hitler đã cố gắng cướp chính quyền địa phương Bavaria. Thời đó Hitler đã có được sự ủng hộ của Tướng Erich von Ludendorff, đã dẫn đầu đội quân S.A. 2,000 người trong một cuộc biểu dương lực lượng chống lại quân đội của chính phủ sở tại. Nhưng cảnh sát tiểu bang đã nổ súng, giết chết 16 người tuần hành và làm ngừng cuộc diễn hành. Âm mưu đảo chánh thất bại. Hitler bị bắt, bị kết tội phản bội và bị kết án 5 năm tù.

4/ Cuốn sách “Cuộc Tranh Đấu của Tôi”.

Chính phủ Weimar thời đó đã quá nhân từ đối với các kẻ quá khích. Đây là những người đã khéo léo khoác ra ngoài chủ nghĩa quốc gia yêu nước. Đồng thời, trong phiên tòa xét xử Hitler với tội đảo chánh, các quan tòa lại nhân nhượng Hitler và đã để cho phe báo chí biến cuộc xét xử này thành một diễn đàn chống chính phủ. Hitler lại được giam cầm trong nhà tù đầy tiện nghi Landsberg và chỉ chịu ở tù 9 tháng rồi được trả tự do với điều kiện.

Trong thời gian nằm tù, Hitler đã lợi dụng thời gian này để đọc sách và soạn thảo cuốn “Cuộc Tranh Đấu của Tôi” (Mein Kampf). Trong cuốn sách này, Hitler mô tả các ý tưởng và niềm tin về một nước Đức tương lai, với chương trình chinh phục phần lớn đất đai của châu Âu, bao gồm các miền đất đã mất vì Thế Chiến Thứ Nhất, gồm nước Áo và các miền của Tiệp Khắc có dân Đức sinh sống. Đế Quốc Đức theo mô tả đó sẽ trải dài từ một phần Liên Xô tại phía đông, qua Ba Lan tới các quốc gia ở phía tây.

Theo Hitler, nước Đức tượng trưng cho một giống dân ưu việt và sự thuần chủng đòi hỏi người dân Đức tránh kết hôn với các giống dân Do Thái và Slav. Hitler cho rằng những điều xấu xa đều do loại người Do Thái và đã tố cáo họ làm hư hỏng các giá trị đạo đức và quốc gia. Hitler đã tuyên bố : “bằng cách bảo vệ chính tôi đối với các người Do Thái, tôi đã làm công việc của Thượng Đế” (by defending myself against the Jews, I am doing the Lord’s work). Hitler cũng cho rằng chế độ Dân Chủ (democracy) chỉ dẫn đến chủ nghĩa Cộng Sản và chế độ độc tài là cách duy nhất để cứu giúp nước Đức ra khỏi mối đe dọa của chế độ Cộng Sản và sự phản bội của các người Do Thái.

Hitler được thả khỏi nhà tù vào tháng 12 năm 1924, trở lại Munich và thấy đảng Quốc Xã đang ở trong tình trạng hỗn loạn. Đảng này cũng bị chính phủ Đức đặt ra ngoài vòng pháp luật, nhiều đảng viên chạy qua các đảng phái khác. Vì bị cấm nói chuyện tại nơi công cộng, Hitler dồn thời giờ vào việc tổ chức và củng cố đảng Quốc Xã. Hitler cũng dần dần thuyết phục được chính phủ Đức rằng đảng này sẽ hoạt động hợp pháp để rồi chính phủ hủy bỏ lệnh cấm. Đồng thời Hitler cũng có thêm được một số bạn bè nơi các tỉnh nhỏ, trong các công đoàn lao động, một số nông dân, thương gia và kỹ nghệ gia...

Vào năm 1924, tình trạng nước Đức cũng khả quan hơn về nhiều mặt. Nạn lạm phát đã được giảm bớt vì các cải cách tài chính và các bạo động chính trị cũng giảm đi. Các tiểu bang Đức và chính phủ liên bang đã hòa giải được một số bất đồng, trong khi đó Bộ Trưởng Ngoại Giao Đức là ông Gustav Streseman đã cải thiện được vị trí của nước Đức trên trường quốc tế và làm cho nước này gia nhập được vào Hội Quốc Liên (the League of Nations) vào năm 1926. Từ năm 1925, Tổng Thống của nước Đức là Friedlich Ebert qua đời và được thay thế bởi Thống Chế Paul von Hindenburg, 77 tuổi, một vị anh hùng dân tộc. Uy tín của ông Hindenburg đã làm yên lòng người dân rằng Đức Quốc sẽ trở nên một nước dân chủ. Tại mọi nơi trong nước, đã có dấu hiệu của cảnh phục hồi sau chiến tranh. Phần lớn người dân Đức đã có công việc làm ăn, nhà ở, thực phẩm và mọi người hy vọng ở tương lai.

Sau khi trở lại đảng Quốc Xã, Hitler nắm quyền lãnh đạo và chuẩn bị một cuộc đấu tranh mới, lần này bằng các phương tiện hợp pháp. Ông ta bắt đầu thanh lọc đảng, cố gắng lấy được cảm tình của Quân Đội và sự ủng hộ tài chính của các giai cấp bảo thủ. Để làm quân bình đội S.A., Hitler cho thành lập một đội bảo vệ tinh nhuệ, lấy tên là S.S. (Schutzstaffel = đội bảo vệ), gồm các vệ sĩ chỉ biết trung thành với lãnh tụ. Hitler cũng tập hợp quanh mình một số nhân vật mà sau này sẽ đưa ông ta lên nắm chính quyền, bao gồm : Joseph Goebbels, nhà tuyên truyền Quốc Xã hàng đầu, Hermann Goering, người lãnh tụ hàng thứ nhì sau Hitler, Rudolf Hess, một thư ký riêng trung thành, Heinrich Himmler, lãnh đạo đội quân S.S.; Ernst Roehm, lãnh đạo đội quân S.A. và Alfred Rosenberg, nhà triết lý của Đảng. Joseph Goebbels cũng là chủ nhiệm một tờ báo Quốc Xã và sau này là nhà tâm lý quần chúng tài giỏi nhất của thế kỷ. Đảng viên Quốc Xã vào năm 1928 đã lên tới 60,000 người và đã chiếm được 2.6% phiếu bầu trong các cuộc tranh cử Reichstag.

5/ Cuộc khủng hoảng kinh tế và hậu quả.

Vào tháng 10 năm 1929, Bộ Trưởng Ngoại Giao Đức Gustav Streseman chết. Vào thời kỳ này, sự thịnh vượng của nước Đức tùy thuộc vào nền giao thương quốc tế và tín khoản của Hoa Kỳ. Khi thị trường chứng khoán của Hoa Kỳ sụp đổ, cả hai điều kiện kể trên đã ảnh hưởng mạnh đến nước Đức. Cũng vào năm này, nước Đức đồng ý về kế hoạch Young là hoạch định lại việc bồi thường chiến tranh.

Kinh tế đi xuống, nạn thất nghiệp gia tăng hơn 20 phần trăm, người dân Đức mất tin tưởng vào các nhân vật ôn hòa đã tạo ra nền Cộng Hòa Weimar, vì thế các lực lượng Cộng Sản và Quốc Xã gia tăng rất nhanh.

Từ tháng 3 – 1930 tới tháng 5 – 1932 là thời gian của chính phủ do Chưởng Ấn Heinrich Bruning lãnh đạo. Ông Bruning là một nhân vật theo đạo Thiên Chúa La Mã, thuộc đảng Trung Tâm (Center party), đã xử dụng quyền lực Hiến Pháp của Tổng Thống Von Hindenburg để điều hành Quốc Hội (Reichstag) và cai trị đất nước bằng các nghị định (decrees). Vào năm 1932, Quốc Hội Đức đã chỉ thông qua 5 đạo luật nhưng đã ban hành 60 nghị định. Các nghị định của Chưởng Ấn Bruning ban ra là để đối phó với lương bổng và giá hàng chống lại nạn lạm phát, đối phó với các cuộc bảo động quá khích ... Giống như các đối thủ khác của Hitler, ông Bruning đã đánh giá quá thấp hiểm họa do đảng Quốc Xã sẽ gây ra, khiến cho khi đã nhận chân được sự thực thì mọi việc đã quá trễ, không cứu vãn nổi!

Việc công bố chương trình Young về bồi thường chiến tranh đã bị Hitler phản đối kịch liệt từ năm 1929. Hitler đã tạo ra một phong trào chống đối toàn quốc và cách vận động đó đã khiến cho đảng Quốc Xã trở nên một sức mạnh chính trị chính yếu trong nước. Hitler đã dẫn đầu các cuộc tuần hành, tổ chức nhiều cuộc mít tinh đông đảo và đọc diễn văn kêu gọi tại rất nhiều nơi trên nước Đức. Hitler cũng hạ bớt giọng kết án người Do Thái, hứa hẹn sẽ loại trừ bọn Cộng Sản và các kẻ thù khác và tuyên bố sẽ đoàn kết lại nước Đức cùng với các phần đất nói tiếng Đức. Đồng thời đảng Quốc Xã đã vận động được sự ủng hộ của Quân Đội, Cảnh Sát và các nhà kỹ nghệ, hai đội quân S.A. và S.S. tuy là các đơn vị quân sự không thuộc chính quyền, nhưng lại được võ trang đầy đủ.

Vào đầu năm 1932, thời kỳ 7 năm tại chức của Tổng Thống Hindenburg đã hết. Ông Hindenburg lại ra tranh cử để chống lại Hitler và vài lãnh tụ thiểu số khác. Kết quả sau bầu cử là Thống Chế Hindenburg được 53% số phiếu, 35% thuộc về Hitler và 10% là của ông Ernst Thalman, một ứng viên Cộng Sản. Tới lúc này, Chưởng Ấn Bruning mới nhận thấy sự đe dọa của các hành động bạo lực của các đoàn quân S.A. và S.S. của đảng Quốc Xã trong thời gian tranh cử và đã khuyên Thống Chế Hindenburg ra sắc lệnh dẹp bỏ hai tổ chức quân sự này. Tuy nhiên quân đội Đức thời bấy giờ đã từ chối thi hành sắc lệnh. Sau đó nhiều áp lực đã làm từ chức ông Bộ Trưởng Quốc Phòng của Chưởng Ấn Bruning và cả chính ông Bruning nữa.

Do chính phủ sụp đổ, Thống Chế Hindenburg liền mời một nhà quý tộc và cũng là một nhân vật chính trị mới học hỏi, có tên là Franz von Papen. Ông Von Papen kêu gọi một cuộc bầu cử mới vào ngày 31 – 7 – 1932 và tự phong mình là Ủy Viên Reich trên toàn nước Phổ (Reich Commissioner for Prussia). Nhưng các cuộc rối loạn ngoài đường phố vẫn xẩy ra hàng ngày và lệnh thiết quân luật được áp dụng tại thành phố Berlin cũng như tại vài thành phố khác.

Ông Von Papen đã làm Chưởng Ấn tới ngày 17 – 11 năm đó. Trong thời kỳ này, Thống Chế Hindenburg đã đề nghị giao cho Hitler chức vụ Phó Chưởng Ấn dưới quyền ông Papen nhưng Hitler đã từ chối. Vì thế chức vụ trên về tay Tướng Kurt von Schleicher, một cố vấn chính trị của ông Hindenburg trong nhiều năm. Ông Schleicher đã giữ được chức vụ chỉ trong 57 ngày trước khi bị các âm mưu khác lật đổ, trong khi đó đảng Quốc Xã dần dần trở nên một đảng phái chính trị mạnh nhất và Hitler đã không nhận bất cứ một chức vụ nào, ngoài chức Chưởng Ấn (Thủ Tướng) của nước Đức.

Các nhà chính trị hàng đầu và dân chúng Đức thời bấy giờ đã không muốn giao chức vụ quan trọng cho Hitler vì họ hiểu rằng Hitler sẽ trở nên độc tài, toàn quyền thao túng nước Đức. Nhưng cuối cùng, vì tình hình rối ren trong nước, vì các lời khuyên của bạn bè và của người con trai Oskar, Thống Chế Von Hindenburg, 85 tuổi, đã chấp nhận lời hứa của Hitler là sẽ hành động hợp pháp nếu Hitler được đứng ra tổ chức chính phủ.

6/ Nhà độc tài của nước Đức.

Vào ngày 30 tháng 1 năm 1933, Thống Chế Hindenburg đã chỉ định Hitler làm Chưởng Ấn, đứng đầu Nội Các gồm 11 nhân vật ôn hòa và 2 bộ trưởng Quốc Xã là Hermann Goering và Wilhelm Frick. Nhiều người đã tin rằng cách xếp đặt này sẽ giới hạn quyền lực của Hitler nhưng thực ra, Hitler luôn luôn muốn nắm trọn mọi quyền hành trong tay.

Đảng Quốc Xã vào thời đó đã có Wilhelm Frick làm Bộ Trưởng Nội Vụ, kiểm soát toàn thể lực lượng cảnh sát. Một nghị định khẩn cấp ký bởi Thống Chế Hindenburg vào ngày 4 – 2 – 1933 đã chấp nhận đảng Quốc Xã hợp pháp, cấm chỉ hội họp và đặt ra ngoài vòng pháp luật đảng Cộng Sản và các đảng Xã Hội khác, xác nhận quyền kiểm duyệt báo chí và quyền bắt người vì nghi ngờ phạm tội phản bội. Goering cũng cho thành lập một lực lượng cảnh sát phụ gồm hàng ngàn nhân viên S.A. và những nhân viên này được lệnh bắn thẳng vào các “kẻ thù”.

Với cảnh sát, báo chí và truyền thông trong tay, đảng Quốc Xã có thể dẹp tan mọi chống đối và đòi hỏi một cuộc bầu cử mới sẽ tổ chức vào ngày 5 tháng 3 năm 1933. Vào đêm hôm 27 – 2 – 1933, vài ngày trước khi người dân Đức đi bầu chính phủ mới, tòa Dinh Thự Reichstag là trụ sở của Quốc Hội Lập Hiến Đức trong thành phố Berlin đã bị đốt cháy và chịu thiệt hại nặng nề. Kẻ phá hoại là một người Hòa Lan vô chính phủ, thiên Cộng Sản, đã bị bắt và thú nhận tội phạm. Về sau, nhiều sử gia tin rằng chính đảng Quốc Xã đã bày ra mưu kế này.

Ngay trước khi kẻ phạm tội bị hỏi cung, Hitler đã soạn thảo một bản tuyên bố, kết tội vụ đốt phá là dấu hiệu của một cuộc Cách Mạng Cộng Sản và hứa hẹn với dân chúng Đức rằng sẽ hành động nhanh chóng. Trước ngày 28 – 2 năm đó, cảnh sát Đức đã bắt giữ hơn 4,000 người bị coi là chống đối Hitler rồi sau đó, Thống Chế Hindenburg lại ký một nghị định khẩn cấp khác trao quyền hành không giới hạn cho chính phủ. Mặc dù thế, cuộc bầu cử vào ngày 5 tháng 3 đã chỉ mang lại cho đảng Quốc Xã 43.9% phiếu bầu, dù cho đã có nhiều vụ khủng bố các phe đối lập. Sau cuộc bầu cử, các dại diện của đảng Cộng Sản, một số bị bắt, một số không được phép tham gia Quốc Hội, nhờ vậy đảng Quốc Xã đã nắm đa số. Ngày 23 tháng 3 năm 1933, Quốc Hội do đảng Quốc Xã chiếm đa số thông qua một đạo luật cho phép chính phủ toàn quyền và ngưng lại trong 4 năm mọi Nhân Quyền và các quyền căn bản khác. Tới giữa tháng 7 năm 1933, chính phủ do Hitler cầm đầu lại cấm đoán hẳn các đảng phái chính trị, các nghiệp đoàn lao động, cấm chỉ mọi tự do ngôn luận, báo chí và hội họp, kiểm duyệt tất cả các thư từ và nói chuyện điện thoại, cho quyền Cảnh Sát khám nhà hay tịch thu tài sản mà không cần trát tòa ... và tất cả các quyền lợi của người dân Đức bị “tạm ngưng cho đến khi có lệnh mới”. Án tử hình cũng được dùng cho nhiều loại tội phạm.

Hitler và Goebbels đã nói chuyện tại nhiều cuộc mít tinh tổ chức tại nhiều nơi trong nước Đức, loan báo rằng chỉ có đảng Quốc Xã mới có thể cứu giúp đất nước ra khỏi tình trạng vô chính phủ của các người Cộng Sản. Đảng Cộng Sản bị đặt ra ngoài vòng pháp luật và một số nhà xã hội khác bị bắt bớ, bị buộc vào các tội danh giả. Các công đoàn bị giải tán. Các đội quân S.A. và S.S. bắt đầu lập ra các trại tập trung giam nhốt các tù nhân chính trị, đồng thời Cơ Quan Gestapo (mật vụ Đức) săn lùng các kẻ đối lập.

Đảng Quốc Xã đã dùng báo chí, truyền thanh và phim ảnh để nhồi nhét dân chúng Đức những lời tuyên truyền về một “trật tự mới”, về kế hoạch của Hitler tổ chức lại xã hội Đức và một phần của châu Âu. Chính phủ Quốc Xã cũng đề cao niềm hãnh diện quốc gia, việc huấn luyện quân sự , việc tái võ trang nước Đức và cách phát triển kỹ nghệ. Cũng vào thời gian này, các người Do Thái bị đẩy ra khỏi các công sở, trường học, đại học và các chức vụ điều hành. Hàng ngàn người loại này đã rời bỏ nước Đức, một số lớn khác bị gửi đi các trại tập trung cùng với hàng trăm ngàn những người bị nghi ngờ chống đối chính trị. Mỗi người dân trong xứ phải có giấy phép mới được làm việc hay thay đổi công việc làm, di chuyển hay ra nước ngoài. Chính phủ Quốc Xã cũng quản lý chặt chẽ lương bổng, nhà ở và thực phẩm. Các công nhân và chủ nhân phải thuộc về Mặt Trận Lao Động Đức (the German Labor Front) và mặt trận này cũng quản lý mọi sản phẩm, giờ làm việc, lương bổng và các hoạt động giải trí.

Hitler cũng cho thiết lập các đoàn thể thiếu nhi và thanh niên Đức. Đoàn thanh niên Hitler (Hitler Youth) thâu nhận các em trai từ 14 tuổi trở lên và Xã Hội Thiếu Nữ Đức (the Society of German Maidens) bao gồm các em gái có cùng giới hạn tuổi. Mục đích của các tổ chức này là huấn luyện cho giới trẻ Đức kỷ luật quân đội và lòng tuyệt đối trung thành với Lãnh Tụ Quốc Xã. Họ được mặc đồng phục, đi đều bước trong đội ngũ, thao dượt và học tập các giáo điều Quốc Xã. Đảng Quốc Xã cũng dạy cho trẻ em phải do thám gia đình và quần chúng và báo cáo cho Đảng các chống đối mà chúng nghe thấy.

Từ nay, hệ thống cảnh sát và mật vụ Quốc Xã Đức đã nhốt giữ toàn thể dân chúng Đức trong một bầu không khí đe dọa, khủng bố. Dân chúng chỉ được nghe các bài diễn văn hùng hồn và hứa hẹn của Hitler.

Vào tháng 8 năm 1934, Thống Chế Hindenburg qua đời. Adolf Hitler nắm trọn quyền cai trị nước Đức và lãnh hai chức vụ, vừa là Chưởng Ấn, vừa là Lãnh Tụ (Fuhrer).

 

Phụ lục:

  • Có thể Hitler đã không tự sát
  • Những bức ảnh chưa từng công bố về Hitler
  • Bệnh Parkinson đã góp phần đánh bại Hitler

 

Có thể Hitler đã không tự sát

Một nghiên cứu cho thấy rất có thể quốc trưởng Đức không tự bắn vào đầu trong ngày 30/4/1945 và không chết trong hầm ngầm tại Berlin.
 

Hộp sọ có vết thủng của đạn được cho là của Adolf Hitler. Ảnh: Reuters.
Hộp sọ có vết thủng của đạn được cho là của trùm phát xít Adolf Hitler. Ảnh: Reuters.

Từ trước tới nay giới khoa học và sử học luôn cho rằng Adolf Hitler đã tự sát trong hầm ngầm Fuhrer tại Berlin bằng súng lục sau khi uống một viên xyanua vào ngày 30/4/1945 để khỏi bị rơi vào tay Hồng quân Liên Xô. Eva Braun, cô vợ mới cưới của trùm phát xít, cũng chết cùng ông ta. Sau đó xác của hai người được hỏa thiêu bằng xăng trong một vườn gần đó.

Theo AP, vài tháng sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc, cơ quan tình báo Liên Xô đã thu thập những đồ vật thuộc về Hitler, trong đó có mảnh xương sọ với một lỗ thủng do đạn xuyên qua ở bên ngoài hầm ngầm Fuhrer. Bộ sưu tập đó hiện được bảo quản tại Cục lưu trữ quốc gia Nga. Trong bộ sưu tập còn có những mảnh ghế sofa dính máu. Theo lời kể của nhiều nhân chứng thì Hitler đã tự bắn vào đầu bằng súng lục trên chiếc ghế sofa đó. Những kỷ vật của trùm phát xít được trưng bày trước công chúng vào năm 2000.

Mặc dù một số sử gia nghi rằng chuyện Hitler tự sát chỉ là kịch bản do bộ máy tuyên truyền của phát xít Đức để biến ông ta thành anh hùng. Tuy nhiên, mối nghi ngờ của họ dường như lắng xuống khi hộp sọ có lỗ thủng của đạn được trưng bày.

Kênh truyền hình quốc tế History (trụ sở tại Canada) muốn sản xuất một phim tài liệu về cái chết của Hitler để phát sóng vào tháng này. Họ thuê Nick Bellantoni, một nhà khảo cổ của Đại học Connecticut (Mỹ) kiểm tra mảnh sọ và những vết máu.

Nhận được sự cho phép của chính phủ Nga, Bellantoni bay tới Matxcơva để kiểm tra mảnh sọ và những vết máu. Ông nói rằng kết quả kiểm tra sơ bộ cho thấy mảnh sọ không phù hợp với Hitler.

“Mảnh sọ rất nhỏ và mỏng, trong khi xương sọ nam giới to và dày hơn nhiều. Tôi nghĩ nó có thể thuộc về một phụ nữ hoặc nam giới trẻ hơn Hitler”, ông nói.

Hitler và
Hitler và Eva Braun. Người phụ nữ này chết khi mới 33 tuổi. Mảnh xương sọ có lỗ thủng thuộc về một phụ nữ dưới 40 tuổi. Ảnh: AP.

Bellantoni đem nhiều mảnh vỡ nhỏ của hộp sọ và các vết máu về Đại học Connecticut để phân tích. Ông nhờ Linda Strausbaugh, một giáo sư sinh học phân tử và tế bào của trường lấy đủ ADN từ những mẩu xương sọ để phân tích. Bà kết luận rằng đó là ADN của một phụ nữ từ 20 tới 40 tuổi. Mảnh xương có thể là của Eva Braun. Nhưng để xác minh điều đó, các nhà nghiên cứu cần mẫu ADN của người phụ nữ này.

Các nhân chứng có mặt trong hầm ngầm Fuhrer vào ngày 30/4/1945 chưa bao giờ nói Eva Braun bị bắn vào đầu. Họ nghĩ cô chết vì uống thuốc độc xyanua.

“Người này, với một lỗ đạn xuyên từ trước ra sau, có thể đã bị bắn vào miệng hoặc dưới cằm”, Bellantoni nói.

Strausbaugh cho biết, ADN trong các vệt máu trên ghế sofa thuộc về đàn ông.

“ADN gần như bị phân hủy hoàn toàn nên chúng tôi không thể xác định chính xác đó có phải là ADN của Hitler hay không”, Bellantoni thừa nhận.

Các quan chức Nga nói rằng thi thể của Hitler và Braun được tìm thấy dưới một hố bom bên ngoài hầm ngầm tại Berlin. Các nhân chứng cũng kể rằng thi thể của Hitler và Braun được cuốn vào các tấm chăn và ném xuống một hố bom. Người ta tưới xăng lên hai cái xác và đốt.

Một cuộc khám nghiệm cho thấy tử thi của Hitler mất một phần hộp sọ. Một nhóm người của Liên Xô quay trở lại hố bom vào năm 1946 và tìm thấy mảnh xương sọ mà các nhà khoa học Mỹ đang nghiên cứu.

Theo giới chức Nga thì phần còn lại của thi thể Hitler được chôn bên dưới một thao trường của Hồng quân Liên Xô ở thành phố Magdeburg thuộc Đông Đức cũ. Họ nói rằng thi thể được khai quật vào năm 1970 để hỏa táng. Người ta ném tro cốt vào hệ thống thoát nước của thành phố.

 

Những bức ảnh chưa từng công bố về Hitler

Một bộ các tấm hình ghi lại cuộc sống riêng tư của độc tài phát xít khét tiếng Adolf Hitler lần đầu tiên được công bố.

Những bức ảnh màu đến từ bộ sưu tập của Hugo Jaeger, phóng viên ảnh riêng của Hiler. Ông đã chụp cho thủ lĩnh đảng Quốc xã Đức từ năm 1936 đến những ngày cuối cùng Hitler cầm quyền năm 1945.

Jaeger giấu hàng nghìn bức ảnh trong một valy da vào cuối cuộc chiến tranh. Chiếc valy này đã được các lính Mỹ tìm thấy khi họ lục soát ngôi nhà ở Munich nơi Jaeger từng ở.

Phần 1: Các hoạt động quân sự của Hitler

Hitler giơ tay chào quân đội Đức trong cuộc duyệt binh vào ngày 1/9/1938. "Điều tiên quyết dẫn đến thành công là sự áp dụng không ngừng và liên tục bạo lực", Hitler từng nói.
Thủ tướng Anh Neville Chamberlain (hàng đầu, thứ 2 bên tay phải) duyệt đội quân danh dự của phát xít Đức trước khi đến gặp Adolf Hitler vào ngày 28/9/1938.
Hitler phát biểu tại Munich, Đức, ngày 8/11/1938, trong lễ kỷ niệm lần thứ 15 sự kiện Beer Hall Putsch, trong đó Hitler và các thành viên đảng Quốc xã đã tìm cách lật đổ chính quyền Đức nhưng không thành.
Hitler tham quan cuộc triển lãm Ôtô quốc tế tại Berlin, ngày 17/2/1939.
Julius Schaub, trợ thủ thân tín của Hitler, quan sát những người xung quanh tại một bữa tiệc vào ngày 25/2/1939.
Hitler tham dự cuộc hạ thủy tàu chiến Tirpitz ngày 1/4/1939.
Hitler và các quan chức đảng Quốc xã tham dự bữa tiệc Giáng sinh năm 1941, lúc đỉnh điểm của Chiến tranh thế giới lần thứ 2.
Hitler trò chuyện với các cô gái trẻ trên chiếc tàu Robert Ley của Đức trong ngày khởi hành đầu tiên của con tàu, hôm 1/4/1939. Tên tàu được lấy từ một thủ lĩnh cấp cao trong quân đội phát xít.
Phòng khám bệnh trên tàu Robert Ley - một trong những tàu đầu tiên được chế tạo phục vụ riêng mục đích du ngoạn cho quân đội Đức.
 

2- Văn phòng và nhà ở của Hitler

Căn phòng bên trong Phủ thủ tướng Đức, chứa một số món quà sinh nhật tặng Hitler nhân ngày sinh nhật lần thứ 50, hôm 20/4/1939.
Mô hình lâu đài làm bằng tay gắn những viên đá quý - món quà tặng Hitler nhân ngày sinh nhật tròn 50 tuổi.
Nữ diễn viên người Đức Marieluise Claudius ngồi dựa trên một chiếc ghế trong văn phòng làm việc của Hitler, trong buổi chiêu đãi các nghệ sĩ hôm 1/1/1940. Nữ diễn viên nổi tiếng chết vì suy tim vào năm 1941, khi mới 29 tuổi.
Nội thất bên trong nhà riêng tại Berghof thể hiện quan niệm của Hitler về "phong cách Đức".
Hình ảnh hiếm thấy bên trong căn hộ của Hitler tại Berlin.
Các đồ vật bên trong văn phòng của Hitler tại Phủ thủ tướng ở Berlin.
Lính gác bảo vệ trước cửa ra vào văn phòng của Hitler trong Phủ thủ tướng. Hitler bị ám ảnh bởi kiểu kiến trúc đồ sộ và những công trình hoành tráng khiến bất kỳ vị khách nào cũng phải choáng ngợp và e sợ.
Văn phòng làm việc của Hitler tại Munich. Tại nơi này năm 1938, Hiệp định Munich được thủ tướng Anh Neville Chamberlain ký nhằm trao cho Đức một phần của Czechoslovakia.

Diệu Minh (theo Telegraph)

vnExpress

 

 

Bệnh Parkinson đã góp phần đánh bại Hitler

Trùm phát xít Hitler (20/4/1889 - 30/4/1945).

Theo nghiên cứu của một chuyên gia về bệnh thần kinh thuộc Đại học Dekalb (Mỹ), do mắc bệnh Parkinson nên về sau tư duy của Hitler trở nên chậm chạp, không thể đưa ra những phán đoán kịp thời chính xác. Căn bệnh này là một trong những nguyên nhân thúc đẩy nhanh sự sụp đổ của trùm phát xít.

Nghiên cứu trên được trình bày tại hội nghị Trao đổi học thuật quốc tế về bệnh Parkinson năm 2000. Theo đó, Hitler mắc bệnh Parkinson từ năm 1934, triệu chứng lúc đó là chân tay run rẩy và cử động chậm chạp. Cho rằng có thể dùng thuốc để che giấu được bệnh trạng, Hitler đã cùng một số trợ thủ thân tín tìm cách bịt kín việc này. Tuy vậy, căn bệnh ngày một phát triển nặng hơn.

Đến năm 1945, bệnh của Hitler đã bước vào thời kỳ cuối với các triệu chứng: tư duy trì trệ, phản ứng chậm chạp, khó ngủ.... Mỗi khi bị kích động, bệnh càng nặng hơn. Lúc này, thuốc uống hầu như không còn tác dụng. Hitler không còn đủ sức xử lý những tình huống phức tạp, và rất ít khi công khai xuất hiện.

Bệnh Parkinson

Đây là một loại bệnh hệ thống thần kinh mạn tính, thường thấy ở lớp người trung niên và già. Nguyên nhân gây bệnh đến nay vẫn chưa được làm rõ. Theo nhiều nghiên cứu, bệnh có thể liên quan tới tình trạng trúng độc, viêm não, xơ cứng động mạch, chấn thương... hoặc có yếu tố di truyền.

Biểu hiện chủ yếu của Parkinson là: Chân tay rung động một cách không tự chủ, cơ bắp bị cứng hóa, hành động chậm chạp... Những trạng thái trên có thể tồn tại đơn độc hoặc đồng thời xuất hiện. Vào thời kỳ cuối, thân thể người bệnh hoàn toàn cứng nhắc. Họ không đứng dậy nổi, sức khỏe ngày một suy giảm.

Tác dụng của thuốc đối với phần lớn người mắc bệnh ở thời kỳ cuối là rất hạn chế, kể cả trường hợp tăng liều. Khi dùng thuốc lâu dài, người bệnh thường gặp những tác dụng phụ nghiêm trọng. Do mắc bệnh này nên ở thời kỳ cuối, Hitler đã thua nhiều trận và phải tự sát vì tuyệt vọng. 

Sức Khỏe & Đời Sống (theo tạp chí Y học đại chúng - TQ)

Lần đầu: 22/08/2008

Cập nhật 15/10/2009

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Phạm Văn Tuấn