Constantin Eduard Tsiolkovsky

Vietsciences- Phạm Văn Tuấn     01/02/2007 

 

Robert H. Goddard
Những bài cùng tác giả


Konstantin Eduard Tsiolkovsky (1857-1935) nhà khoa học hỏa tiễn đầu tiên

 


Năm 1898, K.E. Tsiolkovsky đã viết một bài kỹ thuật có tên là “Khám phá không gian bằng phương tiện hỏa tiễn” (Exploration of Cosmic Space by Means of Rocket Devices), trong bài này có một câu tiên đoán như sau: “Nhân loại sẽ không còn bị trói buộc vào trái đất mãi mãi. Trong việc tìm kiếm ánh sáng và không gian, loài người sẽ vượt lên tầng không, lúc đầu còn dè dặt rồi về sau chế ngự được tất cả không gian chung quanh mặt trời”.

 

 


Mặc dù mãi tới năm 1903 mới được phổ biến, nhưng bài kỹ thuật đó vẫn là tài liệu khoa học đầu tiên nói về cách thám hiểu vũ trụ. K.E. Tsiolkovsky còn đề nghị sử dụng các hỏa tiễn nhiều tầng, đẩy mạnh do một bộ máy dùng nhiên liệu lỏng. Nhà bác học người Nga này đã viết : “Tốc độ của hỏa tiễn và tầm bay đều không có giới hạn và tùy thuộc vào sức đẩy cũng như nhiên liệu”. Tsiolkovsky cũng trù liệu về các trạm không gian thiết lập trên không trung để từ đó bắt dầu các chuyến bay đi thám hiểm các hành tinh khác.


Konstantin Eduardovich Tsiolkovsky sinh ngày 17-9-1857 tại làng Izhevkoye, vùng Spassk thuộc miền Ryazan, nước Nga. Konstantin là con của ông Eduard Ignatyevich Tsiolkovsky. Ông này trước kia đã nuôi mộng trở nên một giáo viên nhưng rồi quay sang làm nghề thủy lâm để nuôi sống 17 đứa con. Ông Eduard là người có tính tình hơi lạnh lùng và hơi cách biệt nhưng ông có tư tưởng tự do, lại có óc phát minh. Ông đã hướng dẫn các con yêu thích vật lý cùng các hoạt động có tính cách tự lập. Nhờ cha, Konstantin có được một ý chí cương quyết cùng khả năng làm việc bền bỉ. Còn về tài năng, Konstantin nhờ mẹ, người đã qua đời khi Konstantin còn ở tuổi niên thiếu nhưng vẫn để lại cho các con những hồi tưởng về sự nóng tính cũng như tính khôi hài vui vẻ.
Izhevkoye là một làng nhỏ, chỉ gồm có một đường phố bụi bậm về mùa nắng, bùn lầy về mùa mưa và khi mùa đông tới, các cánh đồng đầy chim muông và các loài thú khác như gấu, hươu, chồn, sói. Chính tại nơi phong cảnh mộc mạc này, Konstantin đã trải qua thời kỳ thơ ấu. Cậu Tsiolkovsky thường xây cất các nhà tranh bé nhỏ bằng đất bùn hay theo chúng bạn trượt tuyết vào mùa đông. Khi hè tới, Konstantin lai ưa thích thả diều, cậu bắt các con dán cho vào trong một chiếc hộp nhỏ rồi buộc ở cánh diều mà thả lên cao.
Năm lên 9 tuổi, Konstantin bị bệnh đau cuống họng rồi bệnh trở thành sốt ban đỏ. Cậu được mẹ tận tình chăm sóc nhưng vì thiếu thuốc men nên khi khỏi bệnh, cậu bị điếc hoàn toàn. Bệnh điếc đã làm cho Konstantin sống trong những năm trường buồn bã, đã ngăn cách cậu với trường học, với bạn bè và cũng làm cậu trở thành đề tài cho những đứa trẻ trong làng chế riễu. Chính trong cảnh cô đơn đó, Konstantin được cha dạy cho học về toán cũng như về các môn học khác. Ông Eduard đã đi mượn thêm các cuốn sách khác ngoài các cuốn sẵn có ở nhà để dùng vào việc giáo dục các con. Càng dạy con học, ông Eduard càng thấy Konstantin là một đứa trẻ thông minh, có óc sáng kiến. Cậu bé này đã làm được nhiều đồ chơi có tính cách khoa học, lại rất ham đọc sách.
Konstantin mất mẹ vào năm 1872. Bà mẹ cậu đã chết trong một kỳ sinh nở. Năm sau, Konstantin được cha gửi đi học tại một trường ở Moscow cách nhà hơn 100 dặm. Thời kỳ học hành này thực là cực khổ đối với Konstantin. Cậu thiếu niên 16 tuổi này thiếu thốn đủ thứ, kể cả các thức ăn uống. Konstantin đã ghi lại như sau: “Tôi còn nhớ rõ tôi chẳng có gì khác để ăn ngoại trừ bánh mì nâu và nước lã. Cứ 3 ngày, tôi tới tiệm bánh mì một lần và chỉ mua có 9 kopecks bánh mì. Dù chỉ có vậy, tôi luôn luôn sung sướng với các ý tưởng của tôi và sự ăn uống “kiêng cữ” như vậy không làm cho tôi nản chí”.
Konstantin đã sung sướng vì đang nuôi dưỡng các ý tưởng về chinh phục không gian và chính sự yêu thích này đã khiến cho cậu tìm học đến nỗi không có thời giờ để đi cắt tóc và một hôm tới trường, khi bạn bè tưởng quần áo của cậu bị chuột cắn vì thủng nhiều lỗ, Konstantin mới biết lý do là các giọt acíd đã ăn thủng quần áo khi cậu mải mê làm các thí nghiệm hóa học.
Năm 1876, sau 3 năm theo đuổi toán học và vật lý, Konstantin rời Moscow về Izhevskoye và dạy học tại nơi này trong 2 năm. Mặc dù bệnh điếc, ông giáo sư này đã thành công trong nghề mô phạm tại Borovsk, một tỉnh cách Izhevskoye vài dậm về phía tây. Chính trong thời gian này, Konstantin Tsiolkovsky đã nghiên cứu về điện học, về động học và khả năng của các loại nhiên liệu. Ông đã dùng tiền túi, xây dựng các hầm gió (wind tunnels) để thử các kiểu mẫu cánh máy bay.
Năm 1881, Konstantin Tsiolkovsky gửi các điều nghiên cứu của mình cho Hội Vật Lý và Hóa Học tại Saint Petersburg. Tài năng của ông đã khiến cho các hội viên của Hội kể trên chú ý. Nhiều người đã trao đổi thư từ với Tsiolkovsky. Bài khảo cứu thứ hai của ông có tên là “Cơ học của một cơ quan sống“ (Mechanics of a Living Organism) đã khiến ông được bầu vào trong Hội Vật Lý và Hóa Học, rồi vào năm 1883, Tsiolkovsky lại viết bài “Không Gian Tự Do” (Free Space), khảo cứu về cơ học trong không gian. Trong khoảng các năm từ 1885 tới 1889, Tsiolkovsky đã nghiên cứu rất nhiều về lý thuyết của khí cầu máy.
Năm 1893, Tsiolkovsky được mời nhận chức Giáo Sư tại Kaluga và ông đã giữ chân này cho tới khi về hưu vào năm 1920. Ngoài khí cầu máy, Tsiokovsky còn khảo sát các loại máy bay. Bài nghiên cứu về thứ máy bay cánh một lớp được ông viết vào năm 1894 tức là đi trước cuộc bay đầu tiên của anh em Wright 9 năm.Trong khi nghiên cứu, Tsiolkovsky đã chú ý đến các vấn đề không gian và quan tâm tới đời sống trên các hành tinh khác. Ông cho xuất bản cuốn sách có tên là “Các Giấc Mơ về Trái Đất và Bầu Trời” (Dreams of Earth and Sky) vào năm 1895. Năm sau, 1896, Tsiolkovsky tìm cách giải quyết các bài toán lý thuyết liên hệ tới việc sử dụng động cơ hỏa tiễn trong không gian. Lúc bấy giờ, các giới khoa học và báo chí ít chú ý tới các ý tưởng và công trình nghiên cứu của ông. Tuy nhiên, Tsiolkovsky cũng được Hàn Lâm Viện Khoa Học Saint Petersburg tặng một số tiền trợ cấp là 475 đồng rúp và các độc giả nhật báo gửi tặng 55 đồng rúp nữa, để ông thực hiện các thí nghiệm về máy bay vào năm 1900.
Các năm từ 1901 tới 1915 mang lại nhiều đau buồn cho Tsiolkovsky. Một người con trai của ông tự sát năm 1902 rồi vào năm 1908, một trận lụt đã làm trôi mất phần lớn các tài liệu nghiên cứu khoa học quý giá. Ba năm sau, 1911, một người con gái khác của Tsiolkovsky bi bắt vì các hoạt động cách mạng trong khi các giới chức khoa học Nga thờ ơ trước các công trình nghiên cứu của ông.
Tới năm 1924, các công cuộc khảo cứu về hỏa tiễn và không gian của Robert H. Goddard, một nhà khoa học người Mỹ, đã làm say mê các giới khoa học trên toàn thế giới. Phong trào học hỏi về cách thám hiểm không gian cũng lan tới nước Nga. Vì thế Tsiolkovsky mới được nhiều người biết tới và tôn sùng. Các bài khảo cứu của ông viết từ năm 1898 về sự thám hiểm không gian ban đầu được in lại. Tsiolkovsky được sự yểm trợ của chính quyền Xô Viết và được bầu vào Hàn Lâm viện Khoa Học Nga năm 1919. Các công trình nghiên cứu của ông đã đóng góp rất nhiều cho việc thám hiểm thượng tầng khí quyển và dùng cho các chuyến bay liên hành tinh. Tsiolkovsky trở nên một anh hùng dân tộc Nga và vào năm 1932, ngày sinh thứ 75 của ông được chính quyền Nga coi là một ngày quốc lễ.

Hình ảnh đầu tiên của mạt trăng vệ tinh Lunik III (Luna 3)


Ngày 4 tháng 10 năm 1959, vệ tinh Lunik III của Liên Xô đã bay vòng đằng sau mặt trăng và đã gửi về địa cầu hính ảnh của phần đất trên mặt trăng mà con người chưa từng nhìn thấy. Trên bản đồ mặt trăng này, người Nga đã dùng tên của Tsiolkovsky để đặt cho một miệng núi lửa.
Konstantin E. Tsiolkovsky qua đời vào ngày 19-9-1935 tại Kaluga. Mặc dù ở sâu trong lục địa và giữa thời đại khoa học còn kém cỏi, Tsiolkovsky đã nhờ vào thiên tài mà tiên đoán được một cách rất chính xác nền khoa học của tương lai. Tsiolkovsky đã dùng các phương trình toán học, vật lý và hóa học để chứng minh lý thuyết của mình. Thật là lạ lùng khi cưú xét về lý thuyết của K. E. Tsiolkovsky và của Robert H. Goddard, mặc dù ở hai nơi cách biệt và không hề liên lạc gì với nhau, lý thuyết của hai nhà khoa học này đã giống nhau rất nhiều, cả về quan niệm lẫn về các kết luận cho công cuộc thám hiểm không gian.
Ngày nay, trên ngôi mộ của Konstantin E. Tsiolkovsky tại tỉnh Kaluga, nước Nga, người ta còn đọc thấy giòng chữ: “Nhân Loại sẽ không còn bị trói buộc vào trái đất mãi mãi"./.



 

           © http://vietsciences.free.fr  http://vietsciences.org Phạm Văn Tuấn.