Lise Meitner(1878
- 1968), nữ bác học lừng danh thứ hai
Vào thời đại Cổ Hy Lạp, Democritus (460-370 tr. CN) khi khảo sát
sự vật, đã cắt nghĩa nhiều hiện tượng vật lý bằng lý thuyết
nguyên tử. Theo Democritus, vật chất được cấu tạo bởi những phần
tử cực nhỏ không thể phân chia được gọi là “nguyên tử”. Một vật
nặng là do có nhiều nguyên tử cấu kết lại, trong khi ở vật nhẹ,
các nguyên tử được sắp xếp thưa thớt.
Lý thuyết của Democritus đã không tiến triển được xa và bị các
nhà khoa học dần dần quên lãng trong gần 24 thế kỷ cho tới cuối
thế kỷ 19, lý thuyết nguyên tử được các nhà vật lý xét lại. Sau
khi tính phóng xạ của vài vật thể được khám phá, các nhà khoa
học nhận thấy rằng trong nguyên tử còn có nhiều thành phần nhỏ
hơn. Các nhà khoa học đã gặp một lãnh vực mới để khảo cứu: ngành
nguyên tử học
Trong số những nhân vật góp công vào ngành học này, có hai
nữ bác học được toàn thể thế giới biết tên, đó là Marie
Curie và Lise Meitner.
Trong khi bà Marie Curie đã nổi danh trên thế giới khoa học
thì Lise Meitner còn là một cô sinh viên thuộc trường đại
học của thành phố Vienna. Cô thiếu nữ này đã yêu thích toán
học và vật lý ngay từ khi còn nhỏ tuổi.
Cô chào đời ngày
07 thang 11 nam 1878 tại
Vienna và là con của một luật gia. Cũng như 6 anh chị em
kia, Lise Meitner theo dần các lớp ở bậc trung học rồi lên
tới cấp đại học khi còn quá trẻ.
Thật là may mắn cho Lise được theo học môn Vật Lý với Giáo
Sư Ludwig Bolzmann. Vào thời bấy giờ các nhà vật lý chia làm
hai phe, một phe phủ nhận lý thuyết nguyên tử còn phe kia cố
gắng đào sâu các kiến thức về một thế giới cực nhỏ. Giáo Sư
Bolzmann thuộc về phe thứ hai. Ông tin rằng các khám phá về
chất phóng xạ sẽ chứng tỏ sự hiện hữu của nguyên tử.
Sau một thời gian theo học tại trường Đại Học Vienna, Lise
Meitner đậu Tiến Sĩ Vật Lý vào năm 1906 và là phụ nữ thứ hai
có văn bằng cao cấp như vậy. Năm 1907, Lise Meitner tới
Berlin để theo đuổi ngành Vật Lý một cách sâu rộng. Vào thời
kỳ này, trường Đại Học Berlin có một nhà đại bác học giảng
dạy: ông Max Planck (1858-1947, Giải Nobel 1918). Meitner đã
được Max Planck hướng dẫn trong các bài toán và các công
cuộc nghiên cứu. Ngoài ra, vì đã khảo sát chất phóng xạ tại
Vienna, Lise Meitner quyết định tiếp tục con đường này khi
cộng tác với nhà hóa học trẻ tuổi Otto Hahn tại Viện Emil
Fischer ở Berlin.
Vào thời đó, Viện Fischer đã không cho phép phụ nữ bước chân
vào phòng thí nghiệm của Viện. Nhờ lòng tốt của Hahn,
Meitner được tới khảo cứu chất phóng xạ trong một căn phòng
thí nghiệm bằng gỗ của nhà hóa học này. Chính tài năng của
Otto Hahn cũng ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng phát triển
khoa học của Lise Meitner, vì thế hai người đã trở nên đôi
bạn thân.
Trong nhiều năm trường, Lise Meitner đã đo cường độ của các
tia phóng xạ và thực hiện nhiều khảo sát trong căn phòng thí
nghiệm bằng gỗ với các dụng cụ quá thô sơ vì không có ngân
khoản thường niên. Tới khi Otto Hahn được lên làm việc tại
phòng khảo cứu hóa học trên lầu một của Viện Fischer thì
cũng tại nơi đây, Lise Meitner được phép theo đuổi công
trình nghiên cứu.
Qua năm 1912, Otto Hahn sang làm việc tại Viện Hoàng Đế
Wilhelm khi Viện này mới được thành lập và được coi như một
phần của trường Đại Học Berlin. Vào năm này, Lise Meitner
sang giúp Max Planck trong công cuộc tìm hiểu môn Vật Lý Lý
Thuyết.
Năm 1917, một phân khoa Hóa Học được thành lập tại Viện
Wilhelm (The Kaiser Wilhelm Institute of Chemistry, sau đổi
tên là The Max Planck Institute of Chemistry), Lise Meitner
được mời sang làm Khoa Trưởng. Từ nay, bà Meitner có thể làm
nghiên cứu thảnh thơi, không còn e ngại sự cấm đoán của
những người đã quan niệm sai lầm về khả năng phục vụ Khoa
Học của phụ nữ. Tại Viện Hoàng Đế Wilhelm, Lise Meitner đã
theo sát các tiến bộ của ngành Vật Lý Nguyên Tử.
Các công trình của Lise Meitner được giới khoa học biết tới
từ năm 1920 sau khi bà và Otto Hahn cùng khám phá ra chất
phóng xạ đồng vị Protactinium (the isotope
protactinium-231). Tất cả các nhà khoa học đã coi bà là một
nhà bác học có đầy đủ kiến thức sâu rộng về ngành Vật Lý
Nguyên Tử.
Từ năm 1868, nhà hóa học Nga Mendeleev (1834-1907) đã xếp
hạng các đơn chất theo trọng lượng nguyên tử. Tới khi bà
Marie Curie tìm ra được chất Radium thì bảng Mendeleyev lại
có thêm một đơn chất mới với nguyên tử số là 88. Sau đó, thế
giới nguyên tử đã được các khoa học gia biết tới với các
protons và electrons. Tới năm 1932, neutrons được khám phá.
Năm 1934, Enrico Fermi đã dùng neutrons để bắn vào nhân
nguyên tử Uranium, ông ta lấy được một chất mới mà trọng
lượng quá nhỏ, không thể cân đo được. Cuộc thí nghiệm này
của Enrico Fermi đã làm cho nhiều nhà vật lý đương thời chú
ý, trong đó có Lise Meitner. Khi Lise Meitner và Otto Hahn
cùng bắt tay vào việc thực hiện lại thí nghiệm của Enrico
Fermi với một phương pháp hoàn toàn khác lạ thì họ được một
nhà hóa học tới hợp tác: Fritz Strassmann.
Từ khi Hitler lên nắm chính quyền tại nước Đức, dân Do Thái
bị bạc đãi một cách tàn nhẫn. Trong khi các người dân thiểu
số này tìm cách lẩn trốn dần khỏi cảnh áp bức của đảng Quốc
Xã thì từ năm 1934, các nhà bác học Do Thái trong đó có ông
Albert Einstein cũng vắng bóng tại các trường đại học Đức.
Tuy nhiên vì là người Áo nên các luật lệ đối xử kỳ thị với
dân Do Thái đã không được áp dụng cho bà Lise Meitner.
Tới năm 1938, khi quân đội Đức xâm lăng nước Áo và đặt nước
này dưới quyền kiểm soát của họ thì tới lượt người Áo cũng
bị ngược đãi. Vì thế các bạn của Lise Meitner bèn tìm cách
giúp bà trốn ra khỏi nước Đức để tránh gặp phải cảnh khủng
bố của bọn người cuồng tín. Lise Meitner tới Copenhagen, Đan
Mạch. Tại đây, bà có một người cháu là Otto Frisch làm việc
cho phòng nghiên cứu của Niels Bohr.
Niels Bohr (1885-1962) là nhà bác học nguyên tử số một của
nước Đan Mạch. Lý thuyết của Bohr về nguyên tử đã cắt nghĩa
được nhiều hiện tượng vật lý, vì vậy giới khoa học gọi ông
là cha đẻ của môn học nguyên tử.
Sau khi Lise Meitner rời khỏi nước Đức thì tại Berlin, Otto
Hahn và Fritz Strassmann tiếp tục công cuộc tìm kiếm. Hai
nhà hóa học này thấy rằng trong thí nghiệm của Enrico Fermi,
đã sinh ra chất Barium với nguyên tử số là 56. Otto Hahn rất
băn khoăn về sự rắc rối của nền vật lý hạch tâm. Các kết quả
thí nghiệm của Otto Hahn và Fritz Strassmann tới với Lise
Meitner khi bà đã sang Thụy Điển và làm việc trong Viện
Nobel của Hàn Lâm Viện Khoa Học tại Stockholm. Lise Meitner
mang lý thuyết của Bohr áp dụng vào kết quả trên, bà suy
đoán ra rằng nếu chất Barium được sinh ra, thì đồng thời
cũng có khí Krypton với nguyên tử số là 36. Bà cho phổ biến
những nhận xét này trên tờ báo khoa học British Scientific.
Theo bà, trong thí nghiệm trên các nhà khoa học đã tách nhân
nguyên tử (nuclear fission) và cùng vào lúc này, một số lớn
năng lượng đã được sinh ra. Bà cũng đề cập tới sự khả hữu
của các phản ứng dây chuyền (chain reaction).
Sự cắt nghĩa lý thuyết nguyên tử của Lise Meitner đã làm cho
tại Hoa Kỳ, các nhà khoa học vội vã kiểm chứng lại thí
nghiệm của Otto Hahn. Tại Đan Mạch và trong phòng thí nghiệm
của Bohr, Otto Frisch cũng đi đến cùng một kết quả. Công
cuộc khảo cứu của Otto Hahn và Fritz Strassmann đã mang lại
cho hai nhà bác học Đức Giải Thưởng Nobel về Vật Lý vào năm
1944. Thật là đáng tiếc cho Lise Meitner đã phải bỏ dở công
trình nghiên cứu này trước khi thành công.
Lise Meitner sống tại Thụy Điển. Bà được bầu làm hội viên
của Hàn Lâm Viện Khoa Học Stockholm. Bà đã từ chối tham dự
vào chương trình chế tạo bom nguyên tử của Hoa Kỳ.
Sau khi Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt, bà Lise Meitner sang Hoa
Kỳ năm 1946 và là Giáo Sư Thỉnh Giảng tại trường đại học
Catholic và một năm sau, bà trở lại Thụy điển để trở thành
công dân của nước này. Bà tiếp tục công cuộc khảo cứu về
nguyên tử. Danh vọng của bà vang lừng. Bà được tặng giải
thưởng Khoa Học của thành phố Vienna vào năm 1947. Hai năm
sau bà lại nhận được Huy Chương Max Planck. Vào năm 1966, bà
Lise Meitner cũng được trao tặng phần thưởng Enrico Fermi
với Otto Hahn và Fritz Strassmann. Bà về hưu tại nước Anh
vào năm 1960 và qua đời tại Cambridge vào ngày
27 tháng 10
năm 1968.
Sự xuất sắc về Nguyên Tử của hai bà Marie Curie và Lise
Meitner khiến cho mọi người không còn xét đoán sai lầm về
khả năng của phụ nữ trong hai lãnh vực Toán Học và Khoa Học.