Joseph Henry

Vietsciences- Phạm Văn Tuấn      21/02/2007

 

Những bài cùng tác giả

Joseph Henry (1797 – 1878) Nhà Khoa Học  Mỹ Tìm Ra Hiện Tượng Từ Cảm

                                                                                   

            Joseph Henry chào đời tại Albany, tiểu bang New York, ngày 17 tháng 12 năm 1797, sau Michael Faraday 6 năm. Giống như Faraday, Henry sinh trưởng trong một gia đình nghèo khó nên vào thuở thiếu thời, không được theo học lâu dài mà sớm phải ra đời kiếm sống. Năm 13 tuổi, Henry theo học nghề thợ đồng hồ nhưng khác với Faraday học nghề đóng sách nên đã quan tâm tới sách vở, trong khi Henry không có được may mắn này.

            Vào năm 16 tuổi và trong một dịp nghỉ hè, Henry về thăm một nông trại của một người quen. Một hôm nhân cuộc đuổi bắt các con thỏ chạy trốn vào trong một ngôi nhà thờ, Henry không tìm thấy con mồi nên bỏ dở cuộc chơi, rồi lân la vào bên trong tòa nhà. Bỗng chàng thiếu niên này gặp một kệ sách. Henry xem dần các cuốn sách và đặc biệt ưa thích cuốn vạn vật học. Từ sự ưa thích này, Henry xin phép cha cho đi học trở lại.

            Joseph Henry vừa đi học, vừa đi làm rồi tốt nghiệp từ trường trung học Albany. Henry đã theo học ngành Y khoa một thời gian nhưng cuối cùng chuyển sang ngành kỹ sư. Vào năm 1826, Henry trở thành giáo sư toán học và khoa học của trường trung học Albany. Từ thời gian này, Joseph Henry bắt đầu nghiên cứu điện học và từ học và cũng vì vậy, các công trình khoa học của Henry luôn luôn tiến song hành với các khảo cứu của Faraday. Henry đã khám phá ra hiện tượng từ cảm (self-induction) có lẽ trước Faraday một năm nhưng Faraday là người phổ biến điều tìm thấy trước tiên vào năm 1831 nên được coi là nhà phát minh.

 

           Trước kia vào năm 1820, Oersted đã khám phá thấy từ tính của một đường dây có giòng điện chạy qua. Năm năm sau, một bác thợ giầy người Anh tên là William Sturgeon, trong một trò chơi về điện, đã dùng các sợi dây dẫn điện quấn chung quanh một thanh sắt non hình móng ngựa, rồi cho giòng điện chạy qua đường dây. Bằng cách này, Sturgeon đã phát minh ra nam châm điện.

            Năm 1829, Joseph Henry được nghe nói về nam châm điện của Sturgeon. Henry đã biến đổi món đồ chơi này thành một dụng cụ hữu ích. Ông quấn thanh sắt hình móng ngựa bằng rất nhiều vòng dây có bọc chất cách điện bên ngoài. Bằng phương pháp này, Henry đã làm tăng sức mạnh của nam châm điện. Qua năm 1831 tại Princeton, Henry đã dùng giòng điện của một bình điện thông thường và một nan châm điện để nhấc bổng một khối 400 kilô sắt rồi vài tháng sau, ông biểu diễn dùng nam châm điện để kéo lên một trọng lượng sắt 2,086 pounds tại trường đại học Yale. Đây là một kỷ lục vào thời gian này.

            Nhưng không phải Henry chỉ làm ra các nam châm điện có sức mạnh lớn, ông cũng chế tạo thứ nam châm nhỏ rồi sau đó nghĩ ra máy điện tín. Ông đã tìm ra nhiều phát minh và cho rằng các lợi ích khoa học phải thuộc về toàn thể nhân loại mà không nên dùng để làm giàu cho một cá nhân. Sự tìm kiếm về nam châm điện của Joseph Henry đã giúp ích cho Samuel Morse thành công về máy điện báo và Alexander Graham Bell về máy điện thoại.

            Vào năm 1831, Henry phổ biến thí nghiệm dùng hai cực của một  nam châm điện làm quay một đĩa tròn ở giữa, như vậy ông đã phát minh ra động cơ điện đầu tiên. Bộ máy của Henry đã biến đổi điện năng thành cơ năng, trái ngược với chiêc máy phát điện của Faraday biến cơ năng thành điện năng. Ngày nay, cả hai phát minh về nam châm điện và động cơ điện của Joseph Henry còn được mọi người xử dụng trong khi nguyên tắc không bị thay đổi nhiều.

            Cũng vào năm 1831, Henry đã làm xong và thành công về một máy điện tín có thể gửi tín hiệu đi xa một dặm (1.6 km) rồi năm sau, ông trở thành giáo sư của trường đại học New Jersey và đại học này về sau đổi tên là đại học Princeton.

            Tháng 12 năm 1846, Joseph Henry trở nên thư ký thứ nhất của Viện Kỹ Thuật Smithsonian (the Smithsonian Institute) vừa được thành lập tại thủ đô Washington. Henry đã khuyến khích sự phát triển của nền khoa học mới, hô hào công việc thông tin khoa học giữa các quốc gia và đã làm cho Viện Smithsonian trở nên một lâu đài của kiến thức khoa học. Đây cũng là cơ hội khiến cho Joseph Henry trở thành nhà khoa học danh tiếng trên thế giới.

            Joseph Henry cũng quan tâm tới ngành khí tượng học. Ông dùng tiền của Viện Smithsonian để lập ra một công sở thu thập các báo cáo khí tượng từ khắp nơi trong nước. Do sáng kiến này mà Cleveland Abbe đã thành lập Sở Khí Tượng Mỹ Quốc (the United States Weather Bureau).

            Trong cuộc Nội Chiến Hoa Kỳ, Joseph Henry là một trong các cố vấn kỹ thuật chính của Tổng Thống Lincoln, ông cũng là một trong những người đầu tiên thành lập Hàn Lâm Viện Khoa Học Hoa Kỳ (the National Academy of Science) và về sau trở thành vị chủ tịch thứ hai.

            Joseph Henry qua đời vào ngày 13 tháng 5 năm 1878. Khi đám tang của ông được cử hành, nhiều nhân vật cao cấp của chính quyền đã tham dự, kể cả Tổng Thống Rutherford B. Hayes.

            Vào năm 1893, Hội Nghị Điện Học Quốc Tế (The International Electrical Congress) đã họp tại thành phố Chicago và các nhà khoa học đồng ý chọn danh từ “henry” làm đơn vị từ cảm (inductance) để ghi nhớ công trình nghiên cứu của nhà vật lý tài giỏi Joseph Henry./.

           

           © http://vietsciences.free.fr  http://vietsciences.org  Phạm Văn Tuấn.