Michael Faraday chào đời vào
ngày 22 tháng 9 năm 1791 trong làng Newington, Surrey, ngày nay thuộc
phía nam của thành phố London. Cha của Faraday là một người thợ rèn, đã
di chuyển tới miền bắc của nước Anh vào đầu năm 1791 để kiếm sống còn bà
mẹ là một người miền quê kiên nhẫn và khôn ngoan, đã giúp đỡ và an ủi
các con trong các hoàn cảnh khó khăn. Faraday là một trong bốn người
con, thuộc gia đình nghèo khó, không đủ ăn bởi vì người cha thường xuyên
đau bệnh, không làm việc liên tục. Về sau này, Faraday đã có lần nhớ lại
rằng vào thuở thiếu thời, có khi phải ăn một ổ bánh mì dần dần trong một
tuần lễ.
Michael Faraday chỉ được học hành sơ
sài, gồm có tập đọc và tập viết tại lớp học của nhà thờ vào ngày chủ
nhật. Từ khi còn nhỏ, Michael đi giao báo cho một hiệu sách rồi vào tuổi
14, học nghề đóng sách. Thật là may mắn cho Michael bởi vì nhờ nghề
nghiệp này mà cậu được làm quen với các sách vở. Không giống các người
thợ trẻ khác, Michael Faraday đã lợi dụng cơ hội này để đọc thêm các
cuốn sách mà khách hàng mang tới đóng. Các bài viết về điện học in trong
ấn bản thứ ba của bộ từ điển Bách Khoa Britannica đã đặc biệt hấp dẫn
cậu Michael. Cậu đã dùng các chai lọ cũ để thực hành các thí nghiệm đơn
giản về pin điện và về hóa học điện giải.
Michael Faraday lại gặp một điều may
mắn thứ hai. Ông chủ tiệm đóng sách đã khuyến khích cậu đi dự các buổi
thuyết trình về khoa học. Tại giảng đường, cậu thanh niên hiếu học này
đã ghi chép từng chi tiết rồi về nhà viết thành bài học và còn thêm vào
đó các giản đồ để làm sáng tỏ vấn đề.
Faraday đặc biệt ưa thích các buổi diễn
thuyết của Humphrey Davy. Vào thời đó, Davy là một nhà hóa học danh
tiếng thuộc Viện Khoa Học Hoàng Gia (the Royal Institution). Faraday đã
tìm gặp Davy và đưa cho nhà hóa học một tập bài ghi chép trong các buổi
diễn thuyết để xin một chân phụ việc. Khi đọc các bài viết này, nhà hóa
học Davy cảm thấy rất vui lòng và cũng không khỏi sửng sốt. Khi có chỗ
làm việc trống, Faraday bắt đầu được làm công việc phụ tá phòng thí
nghiệm tại Viện Hoàng Gia vào năm 22 tuổi với số lương bổng nhỏ hơn
lương của người thợ đóng sách, đây là một điều may mắn nhờ vậy Michael
Faraday có được cơ hội học hỏi môn hóa học với một trong các nhà thực
nghiệm tài giỏi nhất của thời bấy giờ.
Humphrey Davy là nhà hóa học đã tìm ra
được nhiều hóa chất mới, kể cả 8 đơn chất. Ông đã phát minh ra chiếc đèn
an toàn dùng dưới hầm mỏ và đèn hồ quang nhưng có lẽ khám phá lớn lao
nhất của ông Davy là sự tìm thấy Faraday!
Faraday đã làm việc cần cù trong phòng
thí nghiệm và tỏ ra xứng đáng với sự tin tưởng của Thầy Davy về mọi mặt.
Trong thập niên 1820, Faraday đã có quá nhiều cơ hội để thực hành các
phân tích hóa học, hiểu rõ các kỹ thuật phòng thí nghiệm và đã làm phát
triển các lý thuyết cần thiết cho công việc nghiên cứu. Faraday đã sớm
trở nên một nhà hóa học danh tiếng. Ông đã tạo được hai hợp chất của
carbon và chlorine, điều chế được benzene, khảo cứu các hợp kim thép
(steel alloys) và đặt nền móng cho ngành luyện kim (metallurgy) và ngành
kim loại học (metallography).
Cũng từ năm 1921, Michael Faraday bắt
đầu một loạt các công trình nghiên cứu về điện học và từ học
(magnetism). Nhờ đầu óc sáng tạo và tài thí nghiệm khéo léo, Faraday đã
tạo nên được một bộ máy chuyển điện năng thành cơ năng, đây là thứ động
cơ điện đầu tiên. Sau khi ông Davy qua đời vào năm 1829, Faraday tiếp
tục các công cuộc nghiên cứu danh tiếng của Davy rồi từ năm 1831, ông
được chỉ định làm Giáo Sư Hóa Học.
Davy đã phân tích các hợp chất bằng
dòng điện và lấy ra các đơn chất. Faraday khám phá thấy rằng khi muốn
phóng thích một hóa trị gram của một đơn chất, người ta cần dùng một số
điện lượng, nghĩa là cùng một số lượng điện đã phóng thích cùng một số
nguyên tử. Các việc khảo cứu của Faraday đã dẫn tới các quan niệm mới về
điện tử (electron).
Nhưng Faraday lại bị ám
ảnh bởi từ trường. Ông rắc các vụn sắt lên một tờ giấy đặt trên các cực
của một nam châm rồi quan sát các lực tuyến (ligne de force). Vào năm
1820, Hans Christian Oersted đã khám phá thấy rằng một đường dây dẫn
điện có từ tính. Sự việc này khiến cho Faraday lý luận: nếu
dòng điện sinh ra từ trường thì tại sao từ
trường lại không thể sinh ra dòng điện? Ông
bèn làm các thí nghiệm để kiểm chứng câu hỏi này rồi tìm ra sự cảm ứng
điện (electrical induction). Sau đó, Faraday tiến thêm một bước nữa, ông
đã dùng nam châm để chế tạo một dòng điện liên tục. Faraday là nhà khoa
học đầu tiên đã phát minh ra chiếc máy phát điện và bộ biến điện
(transformer).
Faraday qua đời vào ngày
25 tháng 8 năm 1867, để lại nhiều tác phẩm khoa học, danh tiếng nhất là
bộ sách gồm 3 cuốn có nhan đề là “Các Khảo Cứu Thực Nghiệm”
(Experimental Researches). Ông đã đóng góp rất nhiều công lao cho Khoa
Học và sự khám phá lớn lao nhất của ông là về dòng điện cảm ứng và các
máy điện liên quan.
Michael Faraday là nhà bác
học đã để lại nhiều công trình khám phá, các phương pháp thực nghiệm hữu
ích và các lý thuyết tân tiến về hóa học và điện học./. |