Một vài giai thoại về Einstein 
 

Vietsciences- Nguyễn thế tài            25/06/2007
 

Những bài cùng tác giả

Chúng ta thừa hiểu một danh nhân như Einstein, với bộ óc kỳ tài, tinh thần nhân bản, cá tính lãng mạn và đam mê nghệ sĩ, cộng thêm tính hài hước, châm biếm, chắc chắn phải có rất nhiều giai thoại. Dĩ nhiên khó ai có thể sưu tầm toàn bộ tất cả những giai thoại đó. Sau đây chỉ là một vài giai thoại được chọn lọc một cách chủ quan. 
 
 

  • Lúc mới đặt chân đến Princeton, khi được hỏi ông cần gì cho phòng làm việc, Einstein trả lời : ‘‘một cái bàn, tập giấy, cây viết và … một thùng rác thật to để chứa những sai lầm của tôi ’’.
 
  • Năm 1921, khi đến viếng một kibboutz tại Palestine, Einstein hỏi người nữ trách nhiệm : ‘‘ở đây sự tương quan giữa đàn ông và đàn bà như thế nào ?’’. Cô gái có vẻ lúng túng vì nghĩ rằng Einstein, giống nhiều người khác, hiểu sai lầm về vai trò phụ nữ trong những kibboutz, nơi mà mọi vật sản xuất đều là của chung. Cô trả lời : ‘‘thưa giáo sư, ở đây đàn ông, mỗi người chỉ có … một vợ thôi ’’. Einstein nháy mắt tinh nghịch, nắm tay cô gái : ‘‘đừng hốt hoảng trước câu hỏi của tôi. Chữ « tương quan » đối với những nhà vật lý chỉ có nghĩa hết sức đơn giản là «có bao nhiêu đàn ông và đàn bà» mà thôi.
 
  • Có một phụ nữ xin Einstein giải thích thuyết Tương Đối của mình. Ông trả lời : ‘‘Cô tưởng tượng cảnh sau đây : tôi nói với anh bạn mù là tôi muốn uống sữa. Anh ta hỏi :

    ‘‘sữa là gì ?’’

    ‘‘là một thứ nước trắng’’

    ‘‘nước thì tôi biết nhưng trắng là gì ?’’

    ‘‘trắng là cái gì giống như lông con thiên nga’’

    ‘‘lông thì tôi biết nhưng con thiên nga thì không’’

    ‘‘con thiên nga là con chim có cái cổ cong’’

    ‘‘cổ thì tôi biết nhưng cong thì không’’

    Sau cùng, tôi cầm tay anh ta, kéo thẳng ra : ‘‘đây là thẳng’’, rồi gập lại : ‘‘cái này là cong’’.

    Anh mù mừng rỡ : ‘‘thế là tôi biết sữa là gì rồi, nó là nước có cánh tay có thể duỗi ra và gập vào được ! ’’.

    Và Einstein kết luận : ‘‘thuyết Tương Đối của tôi được nhiều người hiểu như anh mù hiểu sữa’’.  
     

  • Einstein giảng nghĩa việc nghiên cứu của mình cho con là Eduard, 9 tuổi : ‘‘khi con bọ hung bò trên một cành cây cong, nó không biết là cành cây bị cong. Ba may mắn hơn nó : ba thấy được điều mà con bọ hung không thấy ’’. 
 
  • Einstein không thích mang vớ (bít tất). Ông từng nói : ‘‘Khi còn bé, tôi phát hiện ngón chân cái là thủ phạm đâm thủng vớ. Từ đó, tôi quyết định không mang vớ nữa ’’.
 
  • Einstein đã dí dỏm kể chuyện luộc trứng : ‘‘sáng kiến to lớn của tôi sau thuyết Tương Đối là nên luộc trứng cùng lúc với súp, như thế trứng sẽ không bị luộc chín quá, và ta sẽ khỏi phải rửa thêm một cái nồi.’’

 

  • Einstein rất lơ là trong việc mặc quần áo, đôi khi có thể gây ra hoàn cảnh ‘‘khó xử’’ cho người khác. Chuyện sau đây được Hertha Waldow, nữ quản gia của gia đình Einstein kể lại. Einstein rất “thoải mái’’ mỗi khi ông mặc áo choàng ngủ của ông, nghĩa là ông thường không đóng lại. Ngày kia, cô em họ của Hertha ghé thăm tại Caputh. Einstein đang nằm trên ghế vải nơi sân thượng. Ông đứng dậy để bắt tay cô và quên khép chiếc áo choàng ngủ. Dĩ nhiên ông không mặc gì bên dưới.  Cô khách bẽn lẽn, đỏ mặt.                
    Einstein hỏi : “cô đã có chồng từ bao nhiêu năm ?’’. 

    “thưa 10 năm’’

    “cô đã có bao nhiêu con ?’’

    “thưa 3 con’’

    Einstein phì cuời, dí dỏm :

    “thế mà cô còn đỏ mặt à ?’’ 
     

  • Sau khi tìm ra thuyết Tương Đối và đạt được vinh quang khoa học, Einstein và Mileva tiếp tục sống rất giản dị tại Zurich. Có lần ông nói : “Trong Thuyết Tương Đối của tôi, tôi đã đặt rất nhiều đồng hồ khắp nơi trong Vũ Trụ nhưng thực ra, tôi cảm thấy mình không đủ tiền mua nổi một chiếc để đặt ngay trong phòng của chính mình”.

 

  • Năm 1922, Einstein và Elsa viếng thăm Shangai. Tại đây, ông từ chối leo lên chiếc xe kéo vì ông không thể nào chấp nhận được kéo bởi một người khác. Cũng tại Shangai, trong lúc đi dạo với Elsa, Einstein bị đuổi kịp bởi viên lãnh sự Đức, tay cầm điện tín báo tin ông đoạt giải Nobel Vật Lý 1921. Viên lãnh sự ngợi khen thuyết Tương Đối của Einstein. Einstein đọc nhiều lần bức điện tín, chắc chắn là mình không lầm, rồi cười trao cho Elsa. Trước vẻ ngạc nhiên của viên lãnh sự, ông giải thích: “tôi tìm ra chuyện này đã lâu lắm rồi, từ năm 1905, mà lại không phải thuyết Tương Đối đâu !’’.

 

  • Khi một nhà thờ tại Manhattan có ý tạc tượng của 8 khoa học gia nổi tiếng, hiện còn sống, Einstein được chọn. Khi được hỏi ý kiến về việc này, ông trả lời : ‘‘thế là từ nay cho đến hết đời, tôi phải rất thận trọng không được gây một vụ tai tiếng nào’’.

 

  • Năm 1931, Einstein được bạn là Charlie Chaplin mời đến Hollywood để dự buổi chiếu ra mắt cuốn phim City Lights. Sau đó, Einstein ngỏ lời khen Chaplin : ‘‘Ông diễn câm mà mọi người đều vỗ tay tán thưởng,  quả thật tài tình’’. Chaplin dí dỏm trả lời : ‘‘tôi được vỗ tay vì mọi người hiểu tôi, còn ông, ông được vỗ tay vì chẳng ai hiểu thuyết của ông’’. 
 
 
  • Einstein đã có trao đổi nhiều thư với nhà tâm lý học Freud, bàn về chuyện chiến tranh và tính ác của con người. Freud cho rằng chiến tranh phát sinh từ tính  "thương-ghét" là tính bẩm sinh của con người và ước mơ một thế giới không có chiến tranh của Einstein là một ý tưởng viễn vông.
 
 
  • Có một lần Einstein mời Marie Curie đi dạo thuyền buồm trên hồ Genève. Curie nói : “tôi không biết là ông lái thuyền buồm giỏi’’. Einstein thản nhiên : “tôi cũng vậy‚ tôi cũng không biết’’. Lát sau, Marie Curie bắt đầu lo khi thấy cách lái thuyền của Einstein : “trường hợp thuyền bị lật thì chúng ta phải làm sao? tôi không biết bơi’’. Einstein vẫn tỉnh bơ : “tôi cũng vậy, tôi không biết bơi !’’. Quả thật, tuy thích chơi thuyền buồm, nhưng Einstein không hề biết bơi.

 

  • Năm 1924, trong nhiều bài viết của mình, Einstein nói đến những thí nghiệm của nhà vật lý người Pháp Louis de Broglie về tính chất sóng của những âm điện tử. Paul Ehrenfest, sau khi đọc xong, viết cho Einstein : “nếu những gì Louis de Broglie nói là đúng thì quả tình tôi chẳng hiểu gì nữa về vật lý !’’. Einstein liền trả lời : “ Không đâu, vật lý thì anh hiểu rất rõ, anh chỉ không hiểu thế nào là thiên tài !’’. 
 
 
  • Ngày kia, tại Viện Nghiên Cứu Cao Cấp Princeton, Einstein ra đề thi cho sinh viên. Một anh phụ giáo hớt hãi chạy đến báo ông biết : ‘‘thưa giáo sư, đề thi năm nay giống y như năm rồi, chắc là giáo sư quên không để ý ’’. Einstein mỉm cười : ‘‘đề thi thì giống nhưng đáp số thì đã khác !’’.
 
 

© http://vietsciences.org   và  http://vietsciences.free.fr  Nguyễn Thế Tài