Đọc sách Einstein của Nguyễn Xuân Xanh

Vietsciences-Phạm Xuân Yêm         01/08/2007
 

Những bài cùng tác giả

Không những là một cuốn sách hay nhất bằng tiếng Việt, ngay cả so với một số sách báo Pháp và Anh mà tôi đọc gần đây nhân dịp 2005 là năm vật lý toàn cầu để kỷ niệm đúng một thế kỷ sự ra đời của hai thuyết tương đối hẹp và lượng tử, chưa thấy quyển nào đã viết về Einstein cho đại chúng có nội dung phong phú với một ngôn từ sáng sủa đến thế. Tác giả đưa bạn đọc đến với nhân vật siêu việt ấy để tự mình tìm hiểu rồi dần dần cảm thấy quý mến ông, không phải chỉ vì công trình khoa học có một không hai trong lịch sử đã làm thay đổi nhận thức và đời sống con người, mà hơn nữa còn vì nhân sinh quan và thế giới quan của ông, vì thái độ dũng cảm chống chủ nghĩa quốc gia dân tộc hẹp hòi, ngay từ cuộc đệ nhất thế chiến đã nhìn xa mà đề xướng một liên hiệp châu Âu hoà hợp, mãi đến cuối đời vẫn tiếp tục tranh đấu cho thế giới hòa bình. Bạn đọc sẽ xúc cảm và ngưỡng mộ con người của lương tâm và trí tuệ, của bao dung nhân hậu, của tự do và công lý.

Về công trình khoa học, có lẽ không gì hơn là trích lại vài dòng ở trang đầu cuốn sách: Trước đây người ta đã tin rằng nếu mọi vật biến mất khỏi thế giới thì vẫn còn lại không gian và thời gian, nhưng theo lý thuyết tương đối, không gian và thời gian cũng sẽ  biến mất theo cùng mọi vật. Ý nghĩa câu này lấy trong một bức thư đề ngày 16 tháng giêng năm 1916 mà Albert Einstein gửi cho Karl Schwarzschild (nhà vật lý thiên văn Đức đang hành quân ở mặt trận Nga- Đức trong cuộc chiến 14-18, vào những giờ phút ngừng bắn đã đầu tiên giải được chính xác phương trình của thuyết tương đối rộng -tức định luật vạn vật hấp dẫn- mà Einstein vừa công bố tháng trước !). Bức thư đại khái: cái đặc điểm của lý thuyết mới này là Không gian và Thời gian tự chúng chẳng có tính chất vật lý gì cả. Nói đùa thôi, giả thử mọi vật trên đời biến mất, thì theo Newton ta hãy còn cái không gian rỗng tuếch phẳng lặng mênh mang và mũi tên thời gian vẫn lặng lẽ trôi, nhưng theo tôi thì tuyệt nhiên chẳng còn chi hết, cả không gian lẫn thời gian và vật chất !

Sâu sắc mà dễ hiểu thay, câu này tóm tắt thuyết tương đối rộng -một trong bốn công trình thần kỳ mà Einstein tặng cho hậu thế- theo đó những khái niệm quen thuộc với cảm quan và lý trí con người như Không Gian, Thời Gian, Vật Chất, Năng Lượng mà ta tưởng như riêng lẻ độc lập với nhau, đúng ra chỉ là những khía cạnh của một thực thể duy nhất bất khả phân, chúng gắn quyện với nhau, không có cái này thì cũng chẳng có cái kia. Chính vật chất, trong đó có da thịt tâm tư con người, tạo nên một không gian cong xoắn để vạn vật rơi tìm nhau, chứ chẳng có trọng lực hút nhau nào cả. Cái không-thời gian này chẳng còn là một khung sân khấu bàng quan trong đó vật chất vận hành một cách độc lập như mọi người lầm tưởng, kể cả Newton. Nhưng với Einstein, không có diễn viên thì sân khấu cũng chẳng còn. Nhà vật lý trứ danh Nhật Yoichiro Nambu minh họa ý tưởng này bằng bức tranh mà vế trái phương trình Einstein là mái chùa Kim Các Tự cong uốn tuyệt vời đối xứng (tượng trưng cho không gian, hình học toàn mỹ), vế phải là một nhà máy than nhả khói (tượng trưng vật chất phức tạp). Khi vế phải chẳng còn thì vế trái cũng biến theo. Có lẽ cũng không thừa khi biết rằng thuyết tương đối rộng (tương đối hẹp) theo thứ tự bảo cho ta thời gian trôi nhanh hơn (chậm đi) trên các vệ tinh của hệ thống định vị toàn cầu GPS (global positioning system) trang bị các phương tiện vận tải trên trời dưới biển, mà sự chính xác cực kỳ của nhịp độ đồng hồ là điều kiện quan trọng nhất cho GPS thành công.

Ba công trình khoa học vĩ đại khác của Einstein được tác giả Nguyễn Xuân Xanh diễn giải rất linh động ở chương 3, 4, 7, chấm phá bởi nhiều tình tiết ở chương 5, 6 lúc lý thú, khi cảm động dễ làm miên man người đọc. Nó không khô khan gai góc chút nào mà thi vị lạ lùng. Đó là : (a) thuyết tương đối hẹp (với E = mc2 mà đâu đâu cũng thấy, ai ai cũng nghe và nói đến, nó liên kết năng lượng khổng lồ với khối lượng nhỏ xíu, với ấn tượng thảm khốc của hai trái bom hạt nhân trên Hiroshima và Nagasaki), (b) lưỡng tính vừa sóng vừa hạt của ánh sáng và của vật thể vi mô qua hiệu ứng quang điện, mở đầu cho cơ học lượng tử (nguyên tử Bohr, nguyên lý bất định Heisenberg, các nhân vật lịch sử như de Broglie, Schroedinger, Dirac …) và sau hết (c) qua một ‘’thí nghiệm trừu tượng thuần ý tưởng’’, Einstein, Podolsky và Rosen (EPR) muốn chứng tỏ rằng cách lý giải theo xác suất của trường phái Copenhagen về cơ học lượng tử là thiếu sót, và đề nghị thay thế nó bằng một cách diễn tả khác chứa những ẩn số. Nối tiếp bởi một khám phá cực kỳ độc đáo trong lịch sử khoa học gọi là định lý Bell; định lý này cho ta một phương cách để đưa nghiên cứu trừu tượng EPR thành một dự trình có thể kiểm chứng được bằng đo lường cụ thể. Và thực nghiệm của Aspect, Gisin, Zeilinger cùng các đồng nghiệp của họ đã chứng tỏ rằng cách diễn tả chứa những ẩn số của EPR là sai, thừa nhận cách diễn tả cơ học lượng tử theo lối xác suất của Bohr-Heisenberg là đúng. Do đó EPR và Bell đã vô hình trung mở cánh cửa xác nhận cái huyền bí liên thông, phi cục bộ của thiên nhiên (theo đó mỗi thành phần đều chứa đựng cái tổng thể, và mỗi bộ phận đều nương tựa vào tất cả các bộ phận khác) để thấy nó phong phú sâu thẳm thêm. Trớ trêu thay, cái sai trong cách diễn giảng EPR đã mở đầu cuộc cách mạng thứ hai trong vật lý, kèm theo không kém cuộc cách mạng công nghiệp của thế  kỷ  21 với các tên gọi như thông tin lượng tử, máy tính lượng tử, mã hóa lượng tử, viễn tải lượng tử, không kể đến sự cảm thông gần gũi với tôn giáo và triết học phương Đông. Đối với người viết bài này, cái đỉnh cao trong cuốn sách của Nguyễn Xuân Xanh là ở hai chương 7 và 9 tuyệt vời mà bạn đọc sẽ suy ngẫm nhiều. Phải thấu triệt đến thế nào một số vấn đề gai góc trong khoa học và triết học, mang sẵn văn khiếu hồn nhiên mới có thể viết được những dòng thanh thoát như vậy.

Mấy chương cuối 8, 10 mời bạn đọc làm quen lại với con người Einstein đa dạng đầy cá tính ngay từ nhỏ, không ưa mọi sự gò bó của xã hội, nhân bản, vừa đùa cợt gần gũi, vừa dấn thân sống hết mình, vừa hiền triết cô đơn và cuốn sách khi khép lại không khỏi đưa ta đôi lúc ngậm ngùi suy tư như tác giả viết: Cuộc đời của Einstein hơn là một tấm gương, có lẽ là một sự khải thị và một ’’tin lành’’ cho nhân loại. Kỷ niệm Einstein là để nhớ và suy ngẫm về tin lành ấy. Cuốn sách được minh họa bởi gần trăm bức ảnh hiếm thấy, mỗi chương là một truyện ngắn có thể tuỳ hứng đọc riêng biệt, mặc dầu dĩ nhiên có nhiều liên kết, và bạn đọc sẽ cảm ơn tác giả đã sưu tầm giúp mình ở phụ lục (trang 300-327) nhiều bài học đáng suy ngẫm trong kho tàng ý tưởng sâu sắc của Einstein về nhân sinh quan, về giáo dục, xã hội, văn hóa, tín ngưỡng. Tài liệu tham khảo phong phú, bản trích dẫn đầy đủ chi tiết. Tất cả nói lên cái nghiêm túc và tấm lòng của tác giả khi soạn một công trình công phu như thế để chia sẻ với bạn đọc đủ mọi lứa tuổi: sinh viên, giảng viên trung và đại học, nhà nghiên cứu, nhà trách nhiệm văn hóa, giáo dục, xã hội, kinh tế…để tất cả cùng nhau trau dồi kiến thức, thỏa mãn khát vọng hướng thượng chung của con nguời muốn vươn lên khỏi cái tầm thường. Thực là một cuốn sách cho tất cả những ai cầu tiến, những con người trung thực, ‘’đích thực là người’’ theo cái nghĩa  ‘’honnête homme’’ của Pháp. Cá nhân người viết bài này học được ở đấy nhiều điều.

 Xin kết thúc bằng đôi điều tản mạn hơi chút lạc đề. Cách đây ba năm, tôi có dịp qua chơi và vào thăm một lớp học cử nhân toán-lý của đại học Melbourne. Trong giảng đường khoảng gần hai trăm sinh viên, ngạc nhiên thấy tuyệt đại đa số là người châu Á, chỉ có lơ thơ chừng chục người da trắng, giáo sư cũng là người gốc Á. Ngoài ra từ lâu ai cũng biết số sinh viên ngành khoa học tự nhiên gốc Á ở  đại học Berkeley chiếm một tỷ lệ khá cao, nhiều khi đa số. Mặt khác, các đại học bên Âu Mỹ từ nhiều năm nay số sinh viên theo học vật lý (và một số ngành khoa học cơ bản) giảm đi, và Unesco khi lấy năm 2005 kỷ niệm Einstein cũng hàm ý báo động sự việc này. Ba câu chuyện lẻ tẻ không đầu đuôi trên có ăn nhằm gì đến bài này, cái đó để bạn đọc tự trả lời, chắc mỗi người một ý. Thôi thì tùy theo hoàn cảnh phát triển của từng nước, không sao bàn hết, nhưng phải thừa nhận là tinh thần yêu mến khoa học, tư duy độc lập và sáng tạo hãy còn lận đận với người Việt mình, ấy thế mà theo thống kê của nhà phát hành Fahasa, cuốn Einstein lại là sách được độc giả đón mua nhiều nhất trong tháng 05/ 2007. Biết đâu đó chẳng là tín hiệu một chuyển đổi đáng mừng và xin cảm ơn tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh đã đóng góp tích cực cho sự nghiệp ‘’chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh’’ mà nhà sĩ phu Phan Châu Trinh có tầm nhìn vượt xa thời đại đã cổ súy cả trăm năm rồi.

                                                                                                                  

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Phạm Xuân Yêm