Sau Lan Wu

Vietsciences-Phạm Việt Hưng        05/08/2008

 

Những bài cùng tác giả

 Sau Lan Wu, người phụ nữ đi tiên phong trong cuộc săn lùng “Hạt Thần Thánh”: 

Chúng ta chưa biết người đó là ai, nhưng chúng ta biết chắc chắn rằng trong số những nhà vật lý đi tiên phong trong lĩnh vực này, có một phụ nữ xinh đẹp, tươi tắn, đang làm cho toàn thế giới hồi hộp theo dõi từng bước đi của bà, vì dường như bà đang tiến gần tới đích hơn ai hết!

Người đó là Sau Lan Wu, một nhà vật lý người Mỹ gốc Hong-Kong, hiện là Giáo Sư Vật Lý Ưu Tú được phong danh hiệu Enrico Fermi (Enrico Fermi Distinguished Professor of Physics) của Đại Học Wisconsin ở Madison, Mỹ. 

 
 

 

Sau Lan Wu, giáo sư Ưu Tú được phong danh hiệu Enrico Fermi của Đại Học Wisconsin, người đang săn tìm Hạt Thần Thánh, được liệt vào danh sách những phụ nữ có đóng góp lớn nhất trong vật lý thế kỷ 20 

Tin tức cho hay: Sau Lan Wu và các đồng nghiệp trong nhóm vật lý do bà lãnh đạo đã tiến sát tới việc khám phá ra Higgs boson! Dường như đã xuất hiện thấp thoáng những dấu vết của Higgs boson và nhóm của Sau Lan Wu đang đuổi theo những dấu vết đó!

Khi những tin tức đó được loan ra, cuộc chạy đua tìm kiếm “Hạt Thần Thánh” lại càng trở nên khẩn trương hơn, toàn thế giới đang nín thở hướng mắt về Sau Lan Wu.

Sau Lan Wu năm nay 63 tuổi. Bà sinh ở Hong Kong, tên khai sinh là Sau Lan Yu, nhưng sau khi sang Mỹ lấy chồng họ Wu, bà lấy họ chồng và tên đầy đủ là Sau Lan Yu Wu, nhưng thường gọi là Sau Lan Wu.

Thủa nhỏ Sau Lan Wu mê hội hoạ, nhưng sau khi đọc tiểu sử Marie Curie, cô học sinh Sau Lan Yu đã bị choáng nhợp trước tài năng và nghị lực của người đàn bà phi thường này, từ đó cô thay đổi ý hướng nghề nghiệp: “Tôi mơ trở thành một hoạ sĩ, nhưng tiểu sử Marie Curie đã gây cảm hứng cho tôi mạnh đến nỗi tôi quyết định hiến dâng đời mình cho vật lý”, Sau Lan Wu tâm sự.

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Sau Lan Wu lập tức lên đường sang Mỹ, nơi bà nghĩ là một thiên đường của khoa học. Mọi niềm vui và nỗ lực của bà dồn hết vào học tập và nghiên cứu:

● Năm 1963, bà lấy bằng cử nhân tại Học Viện Vassar,

● Ngay năm sau bà hoàn thành luận án thạc sĩ tại Đại Học Harvard,

● Năm 1970 bà hoàn thành luận án tiến sĩ cũng tại Harvard.

● Ngay sau khi có bằng tiến sĩ, bà được Khoa Vật Lý của Đại Học Công Nghệ Massachusetts (MIT) bổ nhiệm làm trợ lý nghiên cứu. Tài năng của bà sớm lộ rõ, vì thế chỉ 2 năm sau, bà được cất nhắc lên vị trí nghiên cứu chính thức tại MIT, đồng thời được rất nhiều đại học và trung tâm nghiên cứu khác ở Mỹ và trên thế giới mời chào cộng tác.

● Năm 1977, bà được Đại Học Wisconsin ở Madison bổ nhiệm làm Trợ Lý Giáo Sư,

● Năm 1980, được nâng lên thành Phó Giáo Sư,

● Từ 1983 đến nay bà được bổ nhiệm chức giáo sư chính thức,

● Đặc biệt từ 1990 đến nay, bà được Đại Học Wisconsin phong danh hiệu cao quý bậc nhất: Giáo Sư Vật Lý Ưu Tú Mang Danh Hiệu Enrico Fermi (Enrico Fermi Distinguished Professor of Physics).

● Bà được đưa vào danh sách những phụ nữ có đóng góp lớn nhất cho vật lý thế kỷ 20, bên cạnh những tên tuổi vĩ đại như Marie Curie và những phụ nữ từng đoạt Giải Nobel vật lý như Maria Goeppert Mayer, v.v.

Mặc dù công việc ngập ngụa tại Mỹ nhưng bà vẫn cộng tác chặt chẽ với CERN – Trung Tâm Nghiên Cứu Hạt Nhân Âu Châu – đặt tại Geneve, Thụy Sĩ. Chính tại đây bà đã có những khám phá làm sửng sốt giới vật lý hạt nhân.

Nếu cần phải nói thật ngắn gọn để giới thiệu tài năng và công lao của Sau Lan Wu, thì chỉ xin nói như sau:

Trong số 17 hạt hạ nguyên tử của MHTC, Sau Lan Wu là người đã khám phá ra 2 hạt: Hạt J, còn gọi là Charm Quark (hạt Quark Quyến Rũ), và hạt Gluon.

Có lẽ chỉ chừng ấy cũng đã quá đủ để thấy tầm vóc khoa học của Sau Lan Wu lớn đến chừng nào. Nhưng khát vọng của bà không dừng lại ở đó. Bà đang tấn công vào thành luỹ cuối cùng của MHTC, như bài báo “Going after the God Particle2 (Săn đuổi Hạt Thần Thánh) cho biết: mặc dù việc tìm kiếm Higgs boson đã diễn ra 20 năm nay, nhưng vẫn chưa có ai tìm ra bằng chứng để khẳng định sự tồn tại của nó. Tuy nhiên, Sau Lan Wu và nhóm của bà đã tiến gần tới đích nhất.

Ngày 20-09-2000, trong bài báo nhan đề “Wisconsin team narrows search for Higgs boson” (Nhóm Đại Học Wisconsin thu hẹp diện nghiên cứu tìm kiếm Higgs Boson)1, tạp chí Science Daily (Tin Khoa Học Hàng Ngày) đưa tin:

Sau một thời gian thí nghiệm trên máy gia tốc hạt lớn nhất Âu Châu, một nhóm các nhà vật lý thuộc Đại Học Wisconsin của Mỹ có thể sắp trở thành một trong số những người đầu tiên nhìn thấy Higgs boson – hạt hạ nguyên tử chịu trách nhiệm cung cấp khối lượng cho mọi vật chất.

Tại cuộc họp ngày 05-09-2000, một nhóm các nhà khoa học quốc tế cộng tác với nhau đã trình bầy kết quả thí nghiệm ALEPH, một trong 4 thí nghiệm lớn trên máy gia tốc LEP của Trung Tâm Nghiên Cứu Hạt Nhân Âu Châu CERN. Nhóm này đã đưa ra những kết quả quan sát có thể coi là bằng chứng đầu tiên của Higgs boson, một loại hạt vô cùng quan trọng trong việc hiểu biết tự nhiên mà nhiều khi được gọi là Hạt Thần Thánh.

Giáo sư Sau Lan Wu, người lãnh đạo nhóm Đại Học Wisconsin trong thí nghiệm ALEPH, nhận định:

Khám phá về Higgs boson sẽ đánh dấu một cột mốc vô cùng quan trọng trong lịch sử khoa học. Higgs boson có lẽ là hạt cơ bản quan trọng và khác thường nhất. Đúng là không có một loại hạt nào khác giống như nó, và không có nó thì toàn bộ hiểu biết của chúng ta về cách ứng xử của vật chất và năng lượng ở tầng đáy sâu nhất của vật chất sẽ bị đổ vỡ”.

Nhóm của bà Wu là những người đi tiên phong trong thí nghiệm ALEPH.  Họ đã “tóm” được một số “ứng cử viên” của Higgs boson (Higgs boson candidates) mà khối lượng vào khoảng 114 GeV, nặng gấp  122 lần so với một proton.

“Nếu những ứng cử viên này chứng tỏ những dấu hiệu của Higgs boson thì cuối cùng chúng ta sẽ có một bức tranh hoàn chỉnh về hành tung của vật chất và năng lượng ở tầng sâu nhất mà hiện nay có thể thâm nhập bằng thực nghiệm”, bà Wu nói.

Để thám hiểm thế giới hạ nguyên tử, các nhà khoa học phải tạo ra những va đập của các hạt thông thường như protons và electrons và quan sát thăm dò kết quả của các va đập này. Công trình nghiên cứu của bà Wu được thực hiện trên máy gia tốc lớn mang tên LEP tại CERN, đặt dưới một đường hầm dài 17 dặm dưới lòng đất ở Geneve, Thụy Sĩ (để tránh bị nhiễu loạn bởi các hạt từ các tia vũ trụ).

Lúc đầu, do vấn đề phức tạp của Higgs boson, CERN dự định cho LEP ngừng hoạt động để thiết kế một máy gia tốc mạnh hơn mang tên LHC (Large Hadron Collider). Nhưng những dấu hiệu về các “ứng cử viên” của Higgs boson do nhóm bà Wu thu được đã làm cho CERN thay đổi kế hoạch: Họ quyết định kéo dài tuổi thọ của LEP với hy vọng nó sẽ tiếp tục củng cố các quan sát đối với các “ứng cử viên” đó.

Bà Wu cho biết:

Nhóm ALEPH đã quan sát hàng nghìn va đập tại CERN, nhưng chỉ có 3 quan sát đem lại kết quả đầy hưng phấn, trong đó chứa đựng tất cả những dấu hiệu đặc trưng về Higgs boson. Đây là kết quả cực kỳ hiếm hoi sau nhiều năm săn lùng Higgs boson. Mặc dù chưa có kết luận nhưng những bằng chứng mới nhận được rất hấp dẫn và có sức thuyết phục. Việc giải thích bằng thống kê là cực kỳ phức tạp. Làm sao từ một đống dữ kiện hỗn tạp có thể nhặt ra những sự kiện có ý nghĩa như thế này là cả một công trình khổng lồ như công việc của Hercules4. Tuy nhiên trong thí nghiệm của chúng tôi, những ứng cử viên của Higgs boson đã co cụm lại với một khối lượng vào khoảng 114 GeV, bằng khoảng 122 lần so với một proton. Trong vùng này, chúng tôi dự đoán một vài sự kiện ẩn chứa những thông tin có ý nghĩa, …”.

Tuy nhiên, kết quả mới chỉ ở mức phát hiện thấy dấu vết của các “ứng cử viên” của Higgs boson mà thôi, chưa đến lúc có thể tuyên bố đã “tóm” được Higgs boson. Nói một cách dễ hiểu: Nhóm của bà Wu mới trông thấy dấu vết của một số “kẻ lạ mặt” bị tình nghi là “thủ phạm”, chúng mang những dấu hiệu của “thủ phm”, tuy nhiên chưa đủ bằng chứng để khẳng định đó chính là “thủ phạm”.

Peter McNamara, một cộng sự của Wu, nói: “Mặc dù kết quả rất lý thú, hấp dẫn và thuyết phục, nhưng cần có thêm nhiều dữ liệu hơn nữa mới có thể tuyến bố chắc chắn cho việc khám phá ra Higgs boson”.

Nhưng người ta tin rằng trước sau rồi cũng sẽ đến lúc Higgs boson được khám phá. Con đường mà Sau Lan Wu đang đi là con đường đúng hướng, đầy lạc quan và triển vọng. Cả thế giới vẫn đang dõi theo từng bước chân của bà, đơn giản vì bà đã chinh phục được niềm tin và sự kính trọng của toàn bộ thế giới vật lý hạt nhân.

Bà Wu từng được mọi người biết đến vì những khám phá mang tính đột phá. Năm 1979, khi mới là trợ lý giáo sư tại Đại Học Wisconsin, bà đã là một gương mặt hàng đầu trong công trình khám phá ra hạt Gluon. Năm 1984, khi đã là một nhà nghiên cứu ở bậc hậu tiến sĩ, bà đã cùng các cộng sự khám phá ra hạt Charm Quark. Năm 1995, bà đã được trao tặng Giải Thưởng của Hội Vật Lý Âu Châu. Bà cũng đã được bầu làm viện sĩ của Viện Hàn Lâm Khoa Học và Nghệ Thuật Mỹ. Nếu khám phá ra Higgs boson, bà sẽ trở thành một huyền thoại của thế kỷ 21.

Tuy nhiên, dường như LEP vẫn không đủ mạnh để giúp cho các nhà khoa học “tóm” được “Hạt Thần Thánh”. Trong những năm qua, CERN lao vào thiết kế một máy gia tốc mạnh hơn, được gọi là LHC (Large Hadron Collider). Theo dự kiến, máy này sẽ sớm hoàn thành vào dịp đầu năm 2009 sắp tới, hứa hẹn sẽ đưa cuộc săn lùng “Hạt Thần Thánh” tới đích. Đó chính là nội dung bản tin của CERN ngày 04-07-2008 vừa qua.  

[1] http://www.sciencedaily.com

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Phạm Việt Hưng