Louis Néel

Vietsciences-  Nguyễn Khắc Nhẫn            20/01/2011

 

Những bài cùng tác giả

Magnetism and the local molecular field - Nobel Lecture, December 11, 1970

Louis Néel - Nobel Vật lý - một Giáo sư lý tưởng* Grenoble INP và sự hợp tác với Việt Nam

 

Nhân kỷ niệm 10 năm ngày Thầy của tôi vĩnh viễn ra đi, Giáo sư Louis Néel, Nobel Vật lý 1970, tôi muốn bày tỏ qua bài này sự kính trọng sâu sắc đối với Giáo sư, sự ngưỡng mộ to lớn và lòng biết ơn nặng tình thương tiếc.

Như Giáo sư Philippe Nozières của Collège de France đã nói trong lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Louis Néel hôm 24/11/ 2004 tại Grenoble: «Không ai dám giới thiệu sự nghiệp của một giải Nobel đã ghi dấu ấn quan trọng trong lịch sử khoa học của thế kỷ 20». Đã có rất nhiều nhà khoa học dành vô số lời ca ngợi đối với tài năng kiệt xuất này.

Tôi sẽ cố gắng nhắc lại những công trình nổi bật nhất của Louis Néel trong các lĩnh vực nghiên cứu, giáo dục và công nghiệp. Tôi cũng sẽ nói về Cù lao khoa học Grenoble, cũng như vai trò của Giáo sư trong việc đặt nền móng cho sự hợp tác giữa Đại học bách khoa Grenoble với Việt Nam.  Với tất cả sự dè dặt và khiêm tốn, tôi sẽ giới thiệu vài đặc điểm tính tình của nhân vật lỗi lạc này qua sự nghiệp to lớn của ông.

Louis Eugène Felix Néel, sinh ngày 22 tháng 11 năm 1904 tại Lyon, đã từ giã cuộc đời ngày 17 tháng 11 năm 2000 tại Brive-La-Gaillarde, vào năm 96 tuổi, để lại một sự nghiệp đồ sộ, có một không hai, trọn đời hoàn toàn hiến dâng cho nghiên cứu, giảng dạy, đồng thời là kiến trúc sư của các dự án lớn.

                            Nghiên cứu: CNRS – CEA – IPG

Khi còn là học sinh ở Lycée de Privas (Ardèche), Louis Néel đã giành giải khuyến khích kì thi Vật lý toàn quốc. Sau những lớp học dự bị ở Lycée du Parc Lyon, rồi ở Lycée Saint-Louis Paris, vào năm 20 tuổi, ông thi đậu vào Trường Sư phạm (Ecole Normale Supérieure) nổi tiếng mà từ đó ông đỗ đầu kì thi Thạc sỹ (agrégation) Vật lý. Vào năm 1932, khi ông bảo vệ luận án tiến sỹ về Vật lý tại Đại học Strasbourg (dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Pierre Weiss, người phát minh ra lý thuyết về trường phân tử, nguồn gốc của sắt từ - ferromagnétisme), Louis Néel đã chín muồi cho việc khám phá phản sắt từ (antiferromagnétisme) bằng cách đưa ra những giải thích mới về từ tính của một số chất. Theo ông, trường phân tử là một thực thể cục bộ chứ không phải toàn cục, nó gắn liền với sự sắp xếp giữa các nguyên tử với nhau; và điều này đã đặt câu hỏi về quan điểm của người thầy hướng dẫn mình! Phải đợi đến những năm 50, sự nhiễu xạ từ của neutron mới mang lại bằng chứng xác thực cho lý thuyết của ông!

Nhờ ông mà một lớp mới các vật liệu từ, với những cấu trúc khác nhau và phức tạp, được phát hiện một cách phong phú. Những ứng dụng trực tiếp của công trình nghiên cứu của ông được thể hiện ngày nay qua những băng từ hay điện thoại di động. Nhiều hiệu ứng vật lý được khám phá từ những công trình nghiên cứu của Louis Néel tạo ra cơ sở cho nano từ, cũng như đặt nền tảng cho những công nghệ tương lai với nhiều ứng dụng khác nhau. Ông biết cách mở rộng nghiên cứu về từ cho các lĩnh vực khác như vật lý chất rắn, máy tĩnh điện và nhiệt độ thấp, cũng như năng lượng nguyên tử và vật lý địa cầu. Sau khi biết cách giải thích sự đảo ngược của từ trường trái đất mà Emile Thellier đã quan sát, Louis Néel đã đóng góp vào việc xác nhận tính đúng đắn của lý thuyết kiến tạo địa tầng của Xavier le Pichon.

Chính là những khám phá cơ bản liên quan đến phản sắt từ (antiferromagnetisme, 1936) và ferri từ (ferrimagnétisme, 1947), có vai trò quan trọng đối với vật lý chất rắn, đã mang lại cho Louis Néel giải Nobel Vật lý năm 1970.

Từ năm 1928 đến 1939, Louis Néel nghiên cứu tại phòng thí nghiệm của Giáo sư Pierre Weiss tại Phân khoa Khoa học Strasbourg. Năm 1940, lệnh tổng động viên đưa ông trở về Clermont-Ferrand, cơ sở sơ tán của Phân khoa này. Cùng với Charles Sadron, ông đã dũng cảm đảm nhận việc chuyên chở ba toa tàu lửa chứa thiết bị nặng của phòng thí nghiệm về Meudon.

Trong chiến tranh thế giới thứ 2, Louis Néel, với nhiều năng khiếu, đã thực hiện một công trình xuất sắc trong thời gian ngắn kỉ lục, và được ghi nhận như anh hùng của Hải quân Pháp. Ông đã thành công trong việc chống mìn từ của quân địch. Do trường trái đất gây nên một sự phân cực từ của vỏ tàu thủy, mà điều này có thể bị phát hiện bởi mìn, ông ta đã cho đặt tàu thủy trong một cuộn dây khổng lồ và nhờ sự bù trừ của hai thành phần theo định luật Rayleigh, trường tạo ra, sẽ khử từ trường của vỏ tàu. Không một chiếc tàu nào trong số 640 chiếc được xử lý theo phương pháp này ở các vũng tàu Toulon, Cherbourg, Le Havre, Dunkerque, Brest bị phá hủy! Rất nhiều sinh mạng đã được cứu thoát nhờ Đô đốc Louis Néel. Sau đó, Hải quân Anh cũng đã áp dụng phương pháp đơn giản mà hiệu quả này dưới tên gọi là «flashing». Louis Néel đánh giá rất cao thời kì này, chính nó đã gieo mầm cho những khám phá sau này của ông. Ông nhận xét rằng nghiên cứu ứng dụng, đến một thời điểm nào đó, sẽ kích thích nghiên cứu cơ bản.

Được sự khuyến khích của bạn Félix Esclangon, người đã ca ngợi vẻ đẹp của thủ phủ vùng Alpes, Louis Néel quyết định gắn bó mãi mãi với Grenoble từ năm 1945 vì nhiều lí do: cơ sở rộng rãi và có sẵn (đặc biệt là Viện Fourier) được Chủ nhiệm khoa René Gosse của Phân khoa Khoa học, đồng thời Giám đốc của Viện Bách Khoa Grenoble ( Institut Polytechnique Grenoble - IPG ), cấp để xây dựng các phòng thí nghiệm, môi trường công nghiệp thuận lợi cho việc hợp tác với nghiên cứu và các trường đại học, có thể phát triển đa lĩnh vực, thiên nhiên đẹp với núi sông…

Năm 1946, ông dựng nên Phòng thí nghiệm Tĩnh điện và Vật lý kim loại tại Grenoble (LEPM). Đó là phòng thí nghiệm đầu tiên của CNRS nằm ở tỉnh. Dưới sự lãnh đạo của ông đến tận năm 1970, ông xin được sự chấp thuận của CNRS: thành phần ban lãnh đạo là hỗn hợp và đồng đều, nghĩa là số người đại diện của CNRS bằng số giáo sư đại học. Năm 1948, Louis Néel tổng quát hóa lý thuyết của ông về phản sắt từ bằng cách đưa ra giả thiết về hai lưới từ không cân bằng. Đó chính là lý thuyết về ferri từ.

Sau đó, LEPM tách ra thành bốn phòng thí nghiệm của CNRS, trong đó có phòng thí nghiệm Từ đặt dưới sự lãnh đạo của ông cho đến khi ông nghỉ hưu vào năm 1976. Phòng thí nghiệm này, cũng như các phòng thí nghiệm khác của CNRS tại Polygone khoa học, ngày nay trở thành Viện Néel, được thành lập năm 2007. Viện Néel nổi tiếng thế giới với 19 nhóm nghiên cứu trình độ cao và 350 ấn phẩm xuất bản mỗi năm.

Chính trong nhóm nghiên cứu về Vật lý nano và chất bán dẫn (NPSC) của Viện này, mà bạn tôi, Lê Sĩ Đảng, đã đoạt giải Gentner-Kastler 2010. Giải thưởng này được trao bởi Hội Vật lý Pháp và Đức để vinh danh một cách luân phiên những công trình nghiên cứu được thực hiện ở cả hai nước. Đóng góp của Lê Sĩ Đảng liên quan đến sự phân cực trong các chất bán dẫn kích thước nhỏ và sự làm rõ sự cô đặc Bose-Einstein được dự đoán từ năm 1925 (đó là bằng chứng ấn tượng về sự suy biến lượng tử ở tầm vĩ mô).

Ba năm sau khi thành lập LEPM, Louis Néel mở phòng thí nghiệm Từ tàu thủy (LMN), năm 1949, mà ông điều khiển đến năm 1956. Từ đó, phần lớn các tàu thủy Pháp thiết kế sau những năm 1950 được nghiên cứu về mặt từ tại Grenoble.

Với sự đồng ý của Yves Rocard, năm 1952, Louis Néel tiếp đón về Grenoble nhóm nghiên cứu cộng hưởng từ của Michel Soutif từ Trường Sư phạm. Cộng hưởng từ mang lại cho LEPM một công cụ mới để phân tích các chất rắn ở kích thước vi mô, và đó là một bước tiến quan trọng. Theo Louis Néel, một phòng thí nghiệm tầm cỡ thì không thể thiếu các công cụ đã có trên thế giới.

Năm 1955, với sự hỗ trợ của Francis Perrin, Louis Néel đã chủ trương sự giảm tập trung hóa của CEA để xây dựng Trung tâm nghiên cứu nguyên tử Grenoble (CENG mà nay lấy tên CEA Grenoble). Ban đầu, CENG có mục tiêu thực hiện các nghiên cứu về vật lý chất rắn và từ, trao đổi nhiệt bằng chất lỏng hoặc khí, luyện kim và hạt neutron. Mặc dù có sự cạnh tranh mạnh mẽ của Toulouse muốn xây dựng Trung tâm này, Grenoble đã được chọn, nhờ vào uy tín của Louis Néel, và cũng vì đồng thời, tại IPG đang thành lập Ban kỹ thuật nguyên tử dưới sự lãnh đạo của Michel Soutif. Sự có mặt tại vùng Dauphiné của các công ty lớn như Merlin Gérin, Neyrpic, Sogréah, Ugine, Péchiney, Progyl và SACM cũng ảnh hưởng đến quyết định này.

Để xây dựng CENG, Louis Néel kêu gọi các sĩ quan và kĩ sư của Hải quân bởi ông khâm phục khả năng, sự năng động và tính hiệu quả của họ. Có thể nhắc tên các ông Bernard Delapalme (cựu sinh viên Bách khoa Paris, trở thành trợ lý của ông), Paul Roussillon, Guy Denielou, Michel Cordelle, Robert Gerbier, Robert Mondin và Hubert Dubedout (sau này được bầu làm Thị trưởng Grenoble). Dưới sự thúc đẩy của Louis Néel, CENG phát triển nhanh chóng với việc thành lập các phòng thí nghiệm hỗn hợp CEA-Université (đại diện bởi một giáo sư hoặc một cố vấn khoa học). Năm trong số mười hai phòng thí nghiệm dành cho nghiên cứu vật lý cơ bản: vật lý chất rắn, nhiễu xạ nơtron, nhiệt độ thấp, cộng hưởng từ, máy gia tốc. Những mảng này đều xuất phát trực tiếp từ LEPM. Các phòng thí nghiệm khác đảm trách vật lý hạt nhân, truyền nhiệt, đặc tính hóa học của chất rắn và luyện kim, đặc tính hóa học dưới bức xạ, ứng dụng chất phóng xạ và điện tử.

Chính Erwin Félix Lewy-Bertaut, với một sự thông minh sắc sảo (từ của Louis Néel), đã lãnh đạo phòng thí nghiệm về nhiễu xạ neutron này của CENG, đồng thời làm Giám đốc phòng thí nghiệm tinh thể học của CNRS. Cùng với René Pauthenet và F. Forrat, ông Lewy-Bertaut đã khám phá ra một họ ferrit từ, đó chính là ferrit grenat vô cùng quan trọng.

Vào cuối những năm 1950, lớp mỏng và trường mạnh là hai hướng nghiên cứu mới và quan trọng của LEPM. Louis Néel ủng hộ mạnh mẽ và khuyến khích giáo sư René Pauthenet trong việc tạo ra Cục quốc gia về các trường mạnh (SNCI) mà giáo sư điều khiển từ năm 1968. Tại phòng thí nghiệm này, Giáo sư người Đức, Von Klitzing, đã khám phá ra hiệu ứng Hall lượng tử và đoạt giải Nobel Vật lý năm 1985.

Năm 1967, nhờ những tiến bộ thực hiện bằng kĩ thuật hạt neutron, Louis Néel đề nghị và thành lập được Viện Laue Langevin (ILL - Institut Laue Langevin). Lò phản ứng thông lượng lớn (haut flux) này, tài trợ bởi 11 quốc gia trong đó có Pháp, Đức và Anh, khai thác nguồn neutron mạnh nhất thế giới! Những hạt neutron ở đây cho phép các nhà khoa học khám phá vật chất theo cách không phá hủy (non destructive).

Louis Néel cũng đã dựa vào uy tín của mình để thúc đẩy việc thành lập cơ sở về bức xạ gia tốc của châu Âu ESRF (European Synchrotron Radiation Facility) vào năm 1985 tại Grenoble. Công cụ nghiên cứu mạnh này, bổ sung cho ILL, được tài trợ bởi 18 quốc gia, tạo ra các chùm tia X cực kì mạnh, cho phép hàng nghìn nhà nghiên cứu đến từ khắp nơi trên thế giới hiểu rõ hơn về cấu tạo và đặc tính của vật chất. Hoạt động của ESRF liên quan đến nhiều lĩnh vực như: sinh học, y khoa, hóa học, từ, áp suất cao, khoa học vật liệu, chưa kể hàng loạt ứng dụng công nghiệp khác.

Hiện nay, nằm ở vị trí trung tâm của CEA Grenoble là LETI, phòng thí nghiệm về Điện tử và Công nghệ thông tin được thành lập năm 1967, với khoảng 1000 nhân viên và 500 người hợp tác bên ngoài. Đó là một phòng thí nghiệm có uy tín trên thế giới về công nghệ micro-nano. Nó là thành viên của mạng lưới Institut Carnot mà mục đích chính là nghiên cứu hợp tác với các đối tác kinh tế - xã hội. LETI cũng là một trong những cơ sở  khơi mào chính của MINATEC. Công việc của nó tập trung vào việc thu nhỏ các công nghệ và ứng dụng. Nó có nhiệm vụ nghiên cứu đổi mới và chuyển giao cho công nghiệp. Một trong những ví dụ đó là sự làm chủ về công nghệ mạch tích hợp đã cho phép CEA-LETI triển khai các «start-up» như Soitec, thành lập năm 1992, chuyên về sản xuất các tấm silic trên vật liệu cách ly (SOI).

Tại CEA Grenoble, còn có một phòng thí nghiệm nổi tiếng khác và đang phát triển mạnh mẽ là LITEN (Phòng thí nghiệm canh tân về công nghệ cho năng lượng mới và vật liệu nano). Hoạt động chính của nó liên quan đến năng lượng mặt trời và nhà sử dụng ít năng lượng, giao thông trong tương lai (pin nhiên liệu, hydro) và vật liệu nano cho năng lượng. Với 550 kỹ sư và kỹ thuật viên, LITEN là phòng thí nghiệm của CEA đăng ký nhiều bằng sáng chế nhất hiện nay (96 bằng sáng chế trong năm 2008), chưa kể đến 350 hợp đồng nghiên cứu với các đối tác. INES (Viện quốc gia về năng lượng mặt trời), vừa xây cất tại Bourget du Lac, cũng trực thuộc LITEN.

Từ năm 2002, CEA Grenoble tiến hành tháo gỡ ba lò phản ứng hạt nhân dùng cho thí nghiệm và nghiên cứu : Melusine, Siloé và Siloette. Những lò này đã đóng góp một cách hiệu quả vào việc đào tạo các thế hệ kỹ sư chuyên ngành điện hạt nhân của EDF mà tôi cũng có tham gia.

Nhìn thấy 3 lò phản ứng lần lượt tan rã, tôi nhớ đến các buổi lễ phá hủy Mandala bằng cát Tây Tạng, được dựng một cách công phu, tại Tòa thị chính hay Chùa Hoa Nghiêm Grenoble. Những hạt cát đủ màu sắc ném xuống dòng sông Isère, nhắc cho tôi nhớ : «Vạn vật vẫn vô thường, sinh trụ rồi hoại diệt, nhanh như ánh tà dương».

Vào năm 2012, CEA Grenoble sẽ hoàn toàn phi hạt nhân. Hiện nay, bốn hướng nghiên cứu chính của CEA Grenoble là công nghệ micro-nano, công nghệ mới trong lĩnh vực năng lượng, công nghệ sinh học và nghiên cứu cơ bản.

Bên cạnh ILL và ESRF, Polygone khoa học Grenoble gần đây đón nhận thêm phòng thí nghiệm châu Âu về Sinh học y tế (EMBL). EMBL là thành viên của mạng lưới 5 phòng thí nghiệm triển khai tại bốn nước Đức, Ý, Anh và Pháp. Hoạt động chính của mạng lưới này liên quan đến sự hợp tác giữa các quốc gia châu Âu trong nghiên cứu cơ bản, điều chỉnh thiết bị hiện đại và phát triển đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực sinh học y tế.

                            Giảng dạy: Phân khoa Khoa học – INPG (từ 2008 trở thành Grenoble INP )

Louis Néel bắt đầu sự nghiệp giảng dạy của mình tại Phân khoa Khoa học Strasbourg với tư cách Trợ giảng (1928-1934), Phó Giáo sư ( 1934-1937), rồi Giáo sư ( 1937-1945 ). Ở Grenoble, ông được bổ nhiệm chức giáo sư tạm thời ngày 14 tháng 7 năm 1945 (chức danh tạm thời này ông giữ suốt 31 năm, cho đến ngày nghỉ hưu !). Ông từ chối chức Phó Giáo sư trường Sư phạm. Thật ra, ông không muốn làm việc ở Paris vì thích cuộc sống ở tỉnh hơn. Cuối cùng, Alfred Kastler, Nobel vật lý năm 1966, được bổ nhiệm. Cùng với việc đào tạo kỹ sư, ông dành rất nhiều thời gian để chuẩn bị cho sinh viên trong các kì thi thạc sĩ (agrégation). Đối với ông, Trường đại học không chỉ đảm bảo nguồn lực tài chính và con người để thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu, nó đồng thời phải mở ra thế giới và hợp tác với các doanh nghiệp.

Lo sợ nhân tài bị Paris thu hút, Louis Néel đã biết cách thuyết phục và dần dần lôi cuốn về Grenoble một đội ngũ các nhà nghiên cứu, giáo sư tài năng và năng động mà nhiều người trong số đó đã đến INPG sau khi ông đã nghỉ hưu:  Félix Esclangon, Louis Weil, Noël Félici, Maurice Fallot, André Castex, Jean Claude Barbier, Jean Kuntzman, Emile Pillet, René Fortrat, Pierre Brissonneau, Louis Lliboutry, Maurice Buyle- Bodin, Yves Ayant, Antoine Craya , Julien Kravtchenko, Lucien Santon, Jean Benoit, Lucien Andrieux, Erwin Félix Lewy - Bertaut, Bernard Dreyfus, René Pauthenet, Michel Poloujadoff, Daniel Dautreppe, René Moreau, Philippe Traynard, Daniel Bloch, Georges Lespinard , Maurice Renaud, Yves Brunet, Paul Jacquet, Jacques Mossière,  Robert Perret, Georges Kamarinos, Max Verdone, Gérard Veillon,  Germain Chartier, Pierre Hicter, René Perret, Louis Bolliet, Robert Barjon, Michel Baribaud, Guy Rimet, Jacques Dodu, Roger Moret, Philippe Masset, Jean- Claude Sabonnadière, Bernard Descottes-Genon, Christian Masselot, Pierre Ladet, Albert Foggia, Jean- Louis Kueny, Marcel Ivanès, Claude Gaubert, Charles Deportes, Yves Fautrelle, Felix Darve, Arlette Chéruy, Yves Bréchet, Yves Baudon, Claire Schlenker, Jean- Marc Dolmazon, Jean- Pierre Rognon, Michel Dang, Olivier Métais, Frédéric Wurtz, Anne Guérin-Dugué, Nguyễn Triệu Đồng, René Feuillet, Daniel Roye, Seddik Bacha, Gérard Meunier, Christian Commault, Trần Quốc Tuấn, Nouredine Hadjsaid, Eric Zamaï...

Xin độc giả vui lòng thứ lỗi vì danh sách tuy dài, nhưng vẫn không thể nào đầy đủ. Tôi nhớ lại với tất cả cảm xúc và trân trọng bởi hầu hết trong số đó là thầy cũ hay đồng nghiệp của tôi. Phần lớn cũng từng là giáo sư hay người hướng dẫn luận án tiến sĩ của nhiều sinh viên Việt Nam.

Năm 1954, Louis Néel trở thành giám đốc IPG, thay thế Félix Esclangon được bổ nhiệm làm Giáo sư ở Đại học Sorbonne. Ông đã thành công trong việc xây dựng các “Ban đặc biệt” hoặc các Trường như Kỹ thuật nguyên tử, Toán ứng dụng, Tự động hóa, Kỹ thuật Vật lý.

Nhờ có quan hệ thân thiết với Leopold Escande và Marcel Roubault, những đồng nghiệp ở Toulouse và Nancy, và cũng là thành viên Viện hàn lâm khoa học, ông đã trực tiếp liên lạc với Olivier Guichard, Bộ trưởng Giáo dục và nhận được giấy phép thành lập, vào năm 1970, ba Viện bách khoa quốc gia Grenoble, Toulouse và Nancy với đặc quyền của một đại học. Ông là Hiệu trưởng của INPG (Institut National Polytechnique Grenoble) cho đến năm 1976. Ông cũng nhanh chóng sát nhập các trường vào INPG như: trường hóa và luyện kim (ENSEEG), trường vô tuyến điện và điện tử (ENSERG), trường tin và toán ứng dụng (ENSIMAG). Trường ENSIMAG, nằm trong số các trường được sinh viên Bách khoa Paris lựa chọn, gần đây đã tiếp nhận thêm khoa Viễn thông. Ý thức được sự cần thiết của một hướng tiếp cận đa lĩnh vực cho sự tỏa sáng của đại học Grenoble, Louis Néel khuyến khích INPG hợp tác không chỉ với công nghiệp mà còn cả với các đại học khác, CEA và CNRS, mặc dù quan hệ đôi lúc cũng có phần xung đột.

Nhân nói về giáo dục, cho phép tôi được trân trọng nhắc đến ba Giáo sư nổi tiếng của Pháp vừa mãi mãi ra đi. Vài tính cách của ba Giáo sư này làm chúng ta liên tưởng đến Giáo sư Louis Néel.

Đó là Pierre-Gilles de Gennes (Nobel Vật lý 1991), Georges Charpak (Nobel Vật lý 1992), và Maurice Allais (Nobel Kinh tế 1988).

Pierre-Gilles de Gennes , (24/10/1932, Paris - 18/052007, Orsay, France) nhà vật lý Pháp, lãnh giải  Nobel Vật lý năm 1991

Pierre-Gilles de Gennes, trong thời thơ ấu đã sống ở Villard de Lans, cách Grenoble 30 km, và là người phản đối chính sách của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, có cho tôi hay rằng ông ta sẽ đến thăm Việt Nam bởi sự cuốn hút của nghệ thuật vùng Viễn đông. Bạn của hai chúng tôi, Trần Đăng Nghi, cựu Giáo sư tiếng Pháp ở ĐHBK Hà Nội, chuẩn bị đón tiếp ông thì nhận được tin buồn là ông vừa từ giã cuộc đời.

Georges Charpak, (08/03/1924, Pologne - 29/09/2010, Paris) nhà vật lý Pháp, lãnh giải  Nobel Vật lý năm 1992.

Làm sao chúng ta không thương tiếc một giáo sư tâm huyết thế này, người, cũng như Giáo sư Georges Charpak, luôn luôn muốn truyền sức đam mê khoa học đến các thế hệ trẻ. Nghĩ rằng việc giảng dạy các môn khoa học ở Pháp quá hình thức và khô cứng, ông dành rất nhiều thời gian đến thăm hàng chục trường cấp 2 và cấp 3 để khơi dậy niềm say mê khoa học nơi các em.

Là người không chạy theo thời thế, luôn ủng hộ đa ngành, và luôn nhạy cảm với các ứng dụng công nghiệp như Louis Néel, Pierre-Gilles de Gennes đã trăn trở rất nhiều về vai trò của khoa học đối với xã hội, và khẳng định rằng nhà bác học có năng lực về kỹ thuật nhưng không hẳn có sự thận trọng cần thiết.

Tôi không may mắn, như em tôi Nguyễn Khắc Ứng, được biết Georges Charpak, người đã gây ấn tượng mạnh cho em tôi bằng óc sáng tạo và tình người. Đam mê và dũng cảm như Louis Néel, Georges Charpak, đã tham dự hội nghị quốc tế «Neutral Currents Twenty Years Later» do em tôi chủ tọa tại Trường Bách khoa Paris, từ 6 đến 9/7/1993. Cả hai từng làm việc tại CERN (Genève) trong lĩnh vực Vật lý hạt năng lượng cao.

Tôi thật sự ấn tượng bởi chương trình «Bàn tay nhào nặn» (La main à la pâte) của Georges Charpak khởi xướng năm 2006 tại Pháp cùng với Pierre Léna và Yves Quéré. Được sử dụng tại nhiều nước trên thế giới, phương pháp sư phạm thông minh và hiệu quả của ông, dựa trên thực nghiệm để làm mới công tác giảng dạy các môn khoa học và kỹ thuật ở chương trình tiểu học, cần  được sự chú ý của các giáo viên Vật lý Việt Nam. Tôi cũng ngưỡng mộ thái độ của ông đối với việc giải trừ vũ khí hạt nhân trên thế giới.

Cũng như Giáo sư người Nhật Bản Masatoshi Koshiba (Nobel Vật lý năm 2002), ngay từ đầu, Pierre-Gilles de Gennes đã phản đối dự án điện nhiệt hạch hạt nhân ITER (International Thermonucléar Expérimental Réactor). Trước khi vĩnh viễn ra đi, Georges Charpak, cùng với hai giáo sư khác là Jacques Treiner và Sébastien Balibar, đã lên tiếng đề nghị ngừng việc xây dựng lò phản ứng ITER, mà kinh phí đầu tư đã tăng lên gấp ba, từ 5 lên 15 tỉ euro, điều mà đối với các Giáo sư là không thể chấp nhận được. Tôi cũng đồng ý với những ai phản đối sự lãng phí tiền bạc nhà nước này, cho một công trình khổng lồ mà không có triển vọng. Số tiền này sẽ hữu ích hơn nếu được dùng cho lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Câu nói của Rabelais «Khoa học vô lương tâm là sự băng hoại của tâm hồn» vang vọng đâu đây như lời nhắn nhủ đến các nhà thông thái. Chúng ta phải biết khai thác các kết quả nghiên cứu một cách thông minh và có chọn lọc, cần tính đến khả năng thu lợi của dự án, xem xét ảnh hưởng đến môi trường, khí hậu, lợi ích và sự hưởng ứng của đồng bào. Khoa học sẽ không bao giờ giải quyết được tất cả các vấn đề  kinh tế, xã hội của con người, đừng bao giờ quên điều đó. Mặc dù họ đã có lời khuyên hay cảnh báo, những giải Nobel kinh tế cũng không thể nào dự đoán hay ngăn cản  những cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ.

Maurice Allais , (31/05/1911, Paris - 9/10/2010, Saint-Cloud, France), nhà vật lý Pháp, người Pháp duy nhất được lãnh giải Nobel Kinh tế  năm 1988.

Giáo sư Maurice Allais của Trường hầm mỏ (Ecole des Mines), cựu sinh viên ưu tú của Trường Bách khoa Paris, nhà kinh tế theo chủ nghĩa tự do và xã hội, là một trong những người muốn đưa những lý luận toán học chính xác vào ngành kinh tế. Theo giáo sư Assar Lindbeck, Chủ tịch Ủy ban phụ trách trao giải Nobel Kinh tế, «Maurice Allais là một vị khổng lồ trong lĩnh vực phân tích kinh tế cơ bản mà người ta lại coi thường từ lâu!». Ông không giành được sự quan tâm của các phương tiện thông tin đại chúng vì lý thuyết của ông đi ngược với quan điểm của chủ nghĩa tự do. Ông từ giã cuộc đời vào tháng 10/2010, đúng vào thời điểm mà cơn khủng hoảng cho phép chấp nhận những tiên đoán của ông. Maurice Allais luôn luôn phản đối sự mở cửa thị trường quốc tế. Theo ông, toàn cầu hóa chính là nguyên nhân của sự mất việc làm và giảm tăng trưởng kinh tế. Tôi hòan tòan đồng ý với quan điểm này của ông. Cũng như Louis Néel, Maurice Allais lẽ ra có thể nhận giải Nobel sớm hơn nhiều.

Trước kia, lúc tôi soạn bài giảng về «taux d'actualisation a », cho sinh viên trường ENSIEG, bên cạnh những ấn bản của Marcel Boiteux, tôi đã tham khảo những cuốn sách độc đáo của Maurice Allais, do em tôi, cựu giáo sư Vật lý hạt nhân tại Trường hầm mỏ tặng. Tôi tiếc là ở nước ta hệ số «a» quan trọng này không được chú ý hoặc áp dụng nghiêm túc trong các bài toán kinh tế.

                            Công nghiệp: SECEMAEU – SAMES – AIR  LIQUIDE

Có nhiều kinh nghiệm thành công với Hải quân, Louis Néel chọn một hướng nghiên cứu rất thực tiễn trong quan hệ với các doanh nghiệp. Những người đối thoại với ông đều cảm phục thái độ của một nhà lý thuyết nhưng rất thực tế, luôn quan tâm đến các vấn đề về lợi nhuận và đầu ra.

Từ năm 1941, Louis Néel đã kí thỏa thuận với René Perrin, Giám đốc công ty điện hóa, luyện kim và thép Ugine (SECEMAEU). Năm 1942, một bằng sáng chế được cấp cho việc sản xuất nam châm vĩnh cữu từ bột sắt. Nhà máy quan trọng của Ugine được đặt ở vùng Grenoble tại Fontaine, rồi một cái nữa lớn hơn ở Eaux Claires. Ông đã có những trao đổi hiệu quả giữa kiến thức khoa học về đặc tính từ của hợp kim sắt và năng lực của các nhà công nghiệp luyện kim. Những công trình của Louis Néel và Louis Weil cho phép Pháp bắt kịp trong lĩnh vực nam châm mà tránh sử dụng các vật liệu chiến lược như nickel hay co-ban. Những nhà máy thép của Ugine đã khai thác các phương pháp của họ trong suốt bảy năm trời.

Từ năm 1943, Noël Félici từ bỏ hướng nghiên cứu về lớp mỏng (couches minces) và khởi động nghiên cứu máy tĩnh điện. Bằng sáng chế đầu tiên đến vào cuối năm 1944. EDF và CNRS nằm trong số những khách hàng nổi tiếng. Georges Truffaut, Tổng giám đốc Truffaut, cũng nhờ Louis Néel cung cấp máy tĩnh điện có khả năng cấp điện cho máy phun thuốc nông nghiệp. Máy tĩnh điện đã trở nên quan trọng tại LEPM. Louis Néel và Noël Félici với thỏa thuận của các nhà công nghiệp và sự hỗ trợ quan trọng của  công ty điện lực CGE, quyết định thành lập vào tháng 12/1946 công ty SAMES chuyên về việc chuyển giao máy tĩnh điện từ phòng thí nghiệm ra sản xuất công nghiệp. Ban đầu, «Start-up» này đặt ngay trong cơ sở của IPG để tận dụng xưởng của nó.

Louis Weil kí hợp đồng với Air Liquide đầu năm 1956, sau đó thành lập công ty nghiên cứu và sản xuất các thiết bị ở nhiệt độ rất thấp (TBT). Các máy hóa lỏng bán rất chạy và TBT cũng cung cấp các thiết bị đo lường ở nhiệt độ này. Air Liquide mua lại TBT, và vào năm 1961 quyết định thành lập trung tâm kỹ thuật về ứng dụng nhiệt độ thấp tại Sassenage, ngoại ô Grenoble. Hàng trăm kỹ sư và kỹ thuật viên làm việc tại đây trên các chất siêu dẫn, phóng tên lửa, đông lạnh đồ sống…

Kế nhiệm Félix Esclangon làm Giám đốc Phòng thí nghiệm Thử nghiệm Cơ học (LEM), được thành lập bởi Louis Barbillon, khi đó là Giám đốc IPG, Louis Néel tận dụng vị trí ưu thế này để kết nối những quan hệ hấp dẫn với các nhà công nghiệp trong vùng. Những quan hệ này được củng cố nhờ Hội những người bạn của LEM (Société des Amis de LEM) được thành lập vào năm 1929 và tập hợp các nhà sản xuất xi-măng (Vicat), luyện kim, hóa chất (Kuhlmann, Progyl), các doanh nghiệp cơ khí và thủy điện, các nhà sản xuất giấy. Chính hội này đã cho phép Louis Néel thắt chặt quan hệ với một đồng minh tầm cỡ trong việc phát triển kinh tế của Grenoble, Paul-Louis Merlin (Tổng giám đốc của Merlin Gérin). Năm 1958 Hội những người bạn của LEM được mở rộng cho tất cả các phòng thí nghiệm của đại học và dưới sự hướng dẫn của Paul-Louis Merlin, Hội phát triển nghiên cứu cạnh Đại học Grenoble (ADR) ra đời với nhiệm vụ cung cấp cho đại học cơ sở hạ tầng để quản trị và thực hiện những hợp đồng với các xí nghiệp. Phần lớn các đại học Pháp dần dần theo hình mẫu này của Grenoble.

                   Từ Polygone  đến Cù lao khoa học

Ở Grenoble, mọi người bắt đầu nói đến Cù lao khoa học. Theo Jean Therme, Giám đốc CEA Grenoble, Giám đốc nghiên cứu công nghệ và Giám đốc về năng lượng thay thế của CEA, Grenoble phải là MIT của Pháp, đủ khả năng cạnh tranh với các trung tâm công nghệ lớn của thế giới.

Tiếp bước Louis Néel, người đã đặt nền tảng cho Trung tâm khoa học Grenoble, tám cơ sở nghiên cứu và trường đại học bao gồm CEA, CNRS, EMBL, ILL, ESRF, Université Joseph Fourier, Grenoble INP, Grenoble Ecole de Management, đã xây dựng dự án GIANT (Grenoble Innovation for Advanced New Technologies) từ năm 2006. Mục đích chính là tạo ra sáu trung tâm nghiên cứu chất lượng cao gắn kết với nhau, nhằm đáp ứng các yêu cầu của xã hội như thông tin và truyền thông, năng lượng và y tế, đồng thời nâng cao uy tín đối với quốc tế. Bên cạnh ba trung tâm nghiên cứu đa ngành, còn có ba trung tâm nghiên cứu công nghệ ứng dụng, trong đó có MINATEC. Hai trung tâm khác đang trong quá trình xây dựng là GreEn (năng lượng) và NanoBio (y tế).

Khánh thành năm 2006, MINATEC là Trung tâm hàng đầu của châu Âu và thứ ba trên thế giới trong lĩnh vực công nghệ micro-nano (MIcro et NAnoTECchnologies). Nó bao gồm MINALOGIC có tính cạnh tranh cao. Tuy nhiên, ngay từ lúc sơ khởi, dự án MINATEC đã gặp nhiều phản đối ở địa phương cũng như trên phạm vi cả nước vì sợ ảnh hưởng đến môi trường và tự do cá nhân.

GIANT có tham vọng trở thành trung tâm đi đầu trong việc phát triển bền vững. Với sự ủng hộ của các quan chức nhà nước, vùng, địa phương, và của kiến trúc sư cố vấn nổi tiếng Claude Vasconi, các đối tác của GIANT đã thực hiện một dự án táo bạo nhằm biến Cù lao khoa học Grenoble thành một địa điểm hấp dẫn với ưu thế về khoa học và chất lượng đời sống.

Theo tôi được biết, các chính trị gia ủng hộ dự án GIANT gồm có: Jean- Jacques Queyranne (Chủ tịch Conseil Régional Rhône- Alpes), André Vallini (Chủ tịch Conseil Général de l'Isère), Didier Migaud rồi Marc Baïetto và Geneviève Fioraso (Chủ tịch và phó chủ tịch Communauté d'Agglomération Grenoble Alpes – Métropôle), Michel Destot và Jérôme Safar (Thị trưởng và phó thị trưởng Grenoble).  Kế hoạch này, kết hợp các trường đại học, trường lớn (Grande Ecole), cơ sở nghiên cứu và các công ty, nhằm củng cố cơ sở hạ tầng khoa học Grenoble, cần kinh phí đầu tư lên đến 1,5 tỷ euros trong khoảng thời gian từ 15 đến 20 năm.

Một thành phần quan trọng khác là dự án Université Grenoble de l’Innovation tập trung tất cả các trường đại học Grenoble với số lượng 60.000 sinh viên (15% dân số vùng Grenoble). Được chấp thuận trong kế hoạch Campus của chính phủ nhằm củng cố các trung tâm đại học, dự án này sẽ nhận được sự hỗ trợ tài chính rất lớn. Cù lao khoa học chiếm khoảng 250 hecta, nằm ở phía tây bắc Grenoble, nơi hợp lưu của hai dòng sông Isère và Drac, sẽ kéo dài trung tâm thành phố Grenoble. Làng đại học ở Saint Martin d’Hères, do Louis Weil khởi xướng vào đầu những năm 1960, chỉ cách vài km.

ILL, ESRF, EMBL nổi tiếng thế giới, thu hút về Grenoble mỗi năm hơn 10.000 nhà khoa học, đă kết hợp sức mạnh với bốn trung tâm nghiên cứu lừng danh khác, trong đó có thể kể đến CERN ở Genève của EIROforum. Với sự thành lập gần đây của EPN Science Campus (European Photon and Neutron Science Campus), những viện nghiên cứu châu Âu này sẽ đóng vai trò tối quan trọng trong sự phát triển của Cù lao khoa học và đưa Grenoble vào trọng tâm của nghiên cứu châu Âu.

Nhờ vào MINALOGIC (công nghệ micro-nano, phần mềm nhúng thông minh), Tenerrdis (công nghệ về năng lượng mới và tái tạo), Lyonbiopôle (trung tâm chất lượng cao Lyon-Grenoble về chẩn đoán và vacxin) Grenoble được mệnh danh là «Trung tâm cạnh tranh» (Pôle de compétivité) của Pháp.

                            Grenoble INP và sự hợp tác với Việt Nam

Cho phép tôi nhắc lại ở đây một sự kiện có tính lịch sử đối với sự hợp tác giữa Viện bách khoa Grenoble (IPG) và Việt Nam mà Cha đẻ của nó là giáo sư Louis Néel!

Vừa tốt nghiệp ở Grenoble về, tôi được Bộ trưởng giáo dục Nguyễn Dương Đôn giao phó nhiệm vụ thành lập Trung Tâm quốc gia kỹ thuật Phú Thọ- Sài Gòn, sau khi trải qua một cuộc thi lựa chọn đề án. Đề xuất của tôi dựa trên mô hình của Viện quốc gia về khoa học ứng dụng ở Lyon (INSA) vừa được thành lập. Trung Tâm quốc gia kỹ thuật, lãnh đạo bởi Lê Sĩ Ngạc, ban đầu gồm bốn trường: Trường Cao đẳng Công chánh (do Nguyễn Chánh phụ trách), Trường Kỹ nghệ (do Văn Đình Vinh phụ trách), Trường Hàng hải (do Đặng Văn Châu phụ trách) và Trường Cao đẳng Điện học do tôi phụ trách. Kinh nghiệm còn non nớt của tôi may mắn được bù đắp nhờ sự tận tâm của các giáo sư, lòng nhiệt tình của sinh viên và niềm đam mê giảng dạy của tôi. Mỗi lần nhắc đén Phú Thọ tôi không khỏi nhớ tiếc những bạn Giám đốc, Giáo sư, cựu Sinh viên, Nhân viên đã từ giả cuộc đời.

          Ngay từ lúc đầu, đội ngũ giảng dạy của Trường Cao đẳng điện học gồm khoảng 50 giáo sư và kỹ sư Viet Nam xuất thân ở các đại học hay trường lớn của Pháp. Trong số 12 giáo sư tốt nghiệp  Grenoble có Charles Regnault, Serge Colombo, nhà toán học CNRS và René Benoit, Tiến sĩ đại học khoa học. Hai kỹ sư thủy điện IPG, Charles Gros, Giám đốc kỹ thuật Neyrpic, André Daubert,  Giám đốc  ở  EDF cũng có tham gia giảng dạy.

         Tháng 4 năm 1961, khi tôi đến thăm các trường lớn (Grande Ecole) theo lời mời của Bộ ngoại giao Pháp, Louis Néel, Giám đốc Viện bách khoa Grenoble đã tổ chức buổi chiêu đãi tôi tại dinh thự Baume (Château de la Baume), nhà khách của CENG. Dự tiệc gồm có: Maurice Fallot, Phó Giám đốc IPG và Giám đốc trường Điện, Lucien Santon, Giám đốc trường Thủy điện, Jean Benoit, Giám đốc trường vô tuyến điện, và Emile Pillet, Giáo sư kỹ thuật điện. Trong bữa tiệc, với cương vị là Giám đốc Trường Cao đẳng điện học đầu tiên và Phó Giám đốc Trung tâm quốc gia kỹ thuật Phú Thọ - Sài Gòn (ngày nay là Đại học bách khoa TP Hồ Chí Minh), tôi đứng lên cảm ơn ban lãnh đạo của IPG và kêu gọi Giám đốc Louis Néel: «Trong khuôn khổ hợp tác văn hóa kỹ thuật của hai quốc gia, tôi hi vọng nhiều vào sự cảm thông của quý ông và rất tin tưởng rằng Viện bách khoa Grenoble sẽ mang đến cho chúng tôi những giúp đỡ quý giá và hiệu quả nhất». Louis Néel và Maurice Fallot đã đáp ứng nhiệt tình lời kêu gọi hợp tác của tôi.

Và thế là ngay từ năm 1962, được sự chấp thuận của Giám đốc Louis Néel, Giáo sư René Pauthenet đă đến trường chúng tôi ở Sài Gòn để giảng dạy về Lưới điện và Đường dây truyền tải, và thuyết trình về từ. Trong cuộc triển lãm quốc tế lần thứ nhất ở Việt Nam về dụng cụ, máy móc và tài liệu kỹ thuật điện, điện tử mà chúng tôi tổ chức ở Trường cao đẳng điện học, nhân lễ mãn khóa lớp kỹ sư đầu tiên, người ta chú ý đến sự đóng góp quan trọng của IPG và các xí nghiệp ở Grenoble như Sogreah, Neyrpic, Merlin Gerin..

        .Nhóm Grenoble nòng cốt nêu trên đã cho phép tôi thành lập Hội Houille Blanche ở Việt Nam. Trong buổi lễ đón tiếp tôi ở Paris ngày 24/05/1961, tại trụ sở của Hội cựu sinh viên bách khoa Grenoble, tôi đã trao cho Chủ tịch hội tấm séc thể hiện sự đóng góp khiêm tốn của những bạn Việt Nam cho việc xây dựng Cư xá Houille Blanche tại Grenoble dưới sự điều khiển tận tình từ lâu năm của Yonnel Balez.

Năm 1964, giáo sư Michel Poloujadoff chuẩn bị sang giảng dạy thì vừa lúc tôi trở lại Pháp, vì không muốn chứng kiến cảnh huynh đệ tương tàn. Chiến tranh với Mỹ xảy ra đã làm gián đoạn quan hệ ưu tiên của chúng tôi với Grenoble.

Năm 1972, trong khuôn khổ hợp tác giữa Đại học và Công nghiệp, mà Louis Néel thường khuyến khích, René Pauthenet, Hiệu trưởng ENSIEG, và Jean-Marie Martin, Hiệu trưởng IEPE, đồng ý  với Paul Biju Duval, Giám đốc EDF Grenoble, đã cùng nhau đề nghị với Nha Tổng Giám đốc EDF Paris (Marcel Boiteux và Albert Robin) và nhận được sự chấp thuận biệt phái tôi làm việc bán thời gian, với tư cách là giáo sư - đại diện của EDF tại trường Đại học.

Hầu hết các Tổng Giám đốc, Giám đốc và đồng nghiệp EDF (Marcel Boiteux, Jean Bergougnoux, François Ailleret, Pierre Daurès, Albert Robin, Roger Ginocchio, Lucien Gouni, Claude Destival, Jacques Gallot, Hervé de Maublanc, Fernand Lugiez, Paul Biju Duval, Jean Deroche,  Daniel Pierrard, Marie Claude Henry, Alain Prunier, Gilles Laturnus…) đều gíup đỡ tận tình và khuyến khích tôi trong nhiệm vụ mới này

        Chuyến thăm Grenoble năm 1977 của Trần Trí, Giám đốc quan hệ quốc tế của Ủy ban  khoa học kỹ thuật nhà nước, có ý nghĩa quyết định trong việc thiết lập lại sự hợp tác. Do INPG không nằm trong chương trình chính thức của Trần Trí, được CNRS mời, giáo sư Roger Moret, cùng với giáo sư Michel Poloujadoff, theo lời đề nghị của tôi, đã tiếp đón niềm nở Trần Trí và tôi tại trường điện ENSIEG chiều thứ bảy ấy. Trong bữa ăn tối ở nhà hàng đường Félix Viallet, các dự án hợp tác đã được đề cập một cách nghiêm túc. Năm sau, Michel Poloujadoff được mời sang thăm viếng hai Trường bách khoa Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Có thể nói chuyến công tác quan trọng này của Michel Poloujadoff đă đánh dấu sự hợp tác trở lại giữa Grenoble và Việt Nam.

Năm 1980, trong chuyến công tác đầu tiên của tôi về lại quê hương, tại các Trường bách khoa và các Công ty điện lực (để thúc đẩy việc hợp tác với EDF), Philippe Traynard, Hiệu trưởng INPG, đã giao cho tôi nhiệm vụ đệ trình trực tiếp hợp đồng hợp tác, mà Michel Poloujadof đã cùng tôi soạn thảo, lên Bộ trưởng và Thứ trưởng Giáo dục Việt Nam, Nguyễn Đình Tứ và Đặng Hữu.

Cuối năm 1981, INPG đã cử bốn Giáo sư (Germain Chartier, Pierre Hicter, Jacques Percebois và tôi) sang giảng dạy và tuyển chọn nghiên cứu sinh ở ba Trường bách khoa Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh, theo tinh thần các điều khoản trong thỏa thuận hợp tác mà sau đó được kí tại ENSIEG vào tháng 3 năm 1982 bởi Thứ trưởng Bộ giáo dục Hoàng Xuân Tùy và tân Hiệu trưởng INPG, Daniel Bloch.

Thỏa thuận này dự định hằng năm:

- Cấp 15 học bổng ngắn hạn (1 năm để nâng cao chất lượng giảng dạy) và 10 học bổng dài hạn (DEA + 3 năm tiến sĩ) cho nghiên cứu sinh Việt Nam vào 9 trường thuộc INPG.

Sau đó, chương trình này, do Giám đốc quan hệ quốc tế của INPG, Jean Charles Pariaud phụ trách với sự cộng tác chặt chẽ của tôi, được sự hỗ trợ tài chính lớn của chính phủ Pháp (học bổng, vé máy bay…) và các phương tiện đáng kể của INPG về giáo sư hướng dẫn cũng như phòng thí nghiệm.

Về phía Việt Nam, những nhân vật quan trọng đã có nhiều đóng góp thiết thực vào chương trình là: Nguyễn Ngọc Trân, Thứ trưởng, và Trần Trí, Giám đốc của Ủy ban khoa học kỹ thuật nhà nước, Hà Học Trác và Nguyễn Đình Trí, Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng ĐHBK Hà Nội, Trần Đình Long, giáo sư ĐHBK Hà Nội, Trần Hồng Quân và Huỳnh Văn Hoàng, Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng ĐHBK TP Hồ Chí Minh, Phan Kỳ Phùng, Hiệu trưởng ĐHBK Đà Nẵng.

Đa số các Hiệu trưởng (Louis Néel, Philippe Traynard, Daniel Bloch, Georges Lespinard, Maurice Renaud, Yves Brunet, Paul Jacquet), Phó Hiệu trưởng INPG, Hiệu trưởng các trường thành viên và rất nhiều giáo sư, nhà nghiên cứu đã đến Việt Nam (riêng Jean-Marc Dolmazon đã có 22 lần qua lại !) trong khuôn khổ chương trình hợp tác quan trọng này mà giáo sư Louis Néel và tôi đã cùng nhau gieo mầm từ đầu những năm 1960.

Hàng trăm giáo sư, kỹ sư, nghiên cứu sinh và sinh viên Việt Nam từng học tập, thực tập hay tu nghiệp tại INPG đă trở về nước. Phần đông đã tham gia vào công tác giảng dạy ở các trường Bách khoa. Nhiều người đã hoặc đang giữ những chức vụ quan trọng như:

-      Nguyễn Minh Hiển, cựu Bộ trưởng giáo dục

-      Bùi Văn Ga, Thứ trưởng bộ giáo dục

-      Phan Thanh Bình, Giám đốc Đại học quốc gia tại TP Hồ Chí Minh

-      Nguyễn Trọng Giảng , Hiệu trưởng Bách khoa Hà Nội

-      Trần Văn Tốp và Hà Duyên Tư, Phó Hiệu trưởng Bách khoa Hà Nội

-      Vũ Đình Thành, Hiệu trưởng Bách khoa TP Hồ Chí Minh

-      Lê Kim Hùng, Hiệu trưởng Bách khoa Đà Nẵng

Mặt khác, cũng phải thừa nhận rằng đã có một sự lãng phí lớn khi một số tiến sĩ, kỹ sư không tìm được công việc phù hợp với khả năng khoa học hay kỹ thuật của họ.

Vào cuối những năm 80, nhiều trường đại học (Université) và trường lớn (Grande Ecole) của Pháp, theo hình mẫu của INPG, cũng muốn tham gia vào việc đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam. Để tránh việc hợp tác bị xé lẻ, năm 1997 hai nước đã quyết định triển khai chương trình Kỹ sư chất lượng cao (PFIEV - Programme de Formation des Ingénieurs d'Excellence au Viet Nam). Các đối tác của Pháp trong chương trình này là INPG, Centrale Paris, Ponts Paris, INSA Lyon, Mécanique et Aéronautique Poitiers, INP Toulouse, Telécom Bretagne và Lycée Louis - Le Grand Paris. Cả thảy12 ngành công nghệ được phân bổ trong 3 Trường ĐHBK Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Trường Xây dựng Hà Nội. Chương trình học là 5 năm, sau tú tài, và sau một kì tuyển chọn rất khó khăn. Bằng cấp được thừa nhận bởi Ủy ban cấp bằng kỹ sư Pháp (Commission des Titres d'Ingénieurs ) từ năm 2004. Kể từ năm 1999, khoảng 1000 kỹ sư thuộc 6 khóa đã tốt nghiệp.

Theo Eric Zamaï, phụ trách về chương trình Việt Nam tại INPG: «PFIEV không phải là sự sao chép đơn giản của chương trình đào tạo của Pháp, nó được thiết kế để áp dụng một cách phù hợp mô hình giáo dục kỹ sư Pháp vào nhu cầu và hoàn cảnh của Việt Nam và đó chính là chìa khóa của sự thành công». Từ năm 2007, Việt Nam quản lý trực tiếp chương trình này và tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ các trường lớn trên đây và Bộ ngoại giao Pháp.

Cũng nên biết rằng Trung tâm MICA (Centre Multimédia Information Communication et Applications), khánh thành năm 2002 tại Hà Nội, là kết quả của hợp tác ba bên (Grenoble INP, CNRS và ĐHBK Hà Nội), từ năm 2006 đã trở thành một đơn vị nghiên cứu quốc tế (UMI - Unité Mixte Internationale). Giám đốc và Phó giám đốc của MICA là Phạm Ngọc Yến và Eric Castelli.

Dưới sự thúc đẩy của Jean Therme và Jean-Charles Guibert, MINATEC và CEA – LETI cũng có những đóng góp quý giá vào việc đào tạo các chuyên gia Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ micro-nano. Chương trình hợp tác này có được là nhờ chuyến thăm CEA – LETI vào tháng 10/2001 của Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm.

Tôi có tham dự buổi lễ trọng thể, tổ chức vào ngày 23/06/2010 tại CEA Grenoble. Hôm đó, Phan Thanh Bình, Giám đốc Đại học quốc gia Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh, đã trao bằng tiến sĩ danh dự cho Paul Jacquet, Hiệu trưởng Grenoble INP và Jean Therme, Giám đốc CEA Grenoble. Buổi lễ này thắt chặt mối quan hệ hợp tác tốt đẹp về văn hóa và khoa học đã có từ lâu giữa hai nước ta.

Từ hơn hai chục năm nay, các Trường đại học khác của Grenoble cũng có nhiều chương trình hợp tác với Việt Nam.

Giáo sư Daniel Bloch, Chủ tịch Đại học Joseph Fourier và Jean-Michel Terriez, Giám đốc IUT1 đã sang Việt Nam nhiều lần với mục đích giúp Bộ giáo dục tổ chức các Trường cao đẳng kỹ thuật (IUT). Đại học Pierre-Mendès France bắt đầu sự hợp tác, với sự tham gia của IAE (Viện quản trị xí nghiệp) và IEPE (Viện kinh tế và chính sách năng lượng). Đại học Stendhal với Trung tâm tiếng Pháp (CUEF) đã đón tiếp một số lượng lớn sinh viên, nhà nghiên cứu Việt Nam, nhằm nâng cao khả năng ngoại ngữ. Tất cả các Trường đại học tại Grenoble đều tham gia vào việc đào tạo Tiến sĩ cho Việt Nam (ước lượng khoảng 150 người đã tốt nghiệp). Grenoble Ecole de Management cũng đang lập dự án hợp tác.

Để giúp sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam, ngòai các Giáo sư nêu trên, tôi thường kêu gọi sự đóng góp của các Giáo sư Bernard Descottes- Genon, Jean Paul Ferrieux (IUT1 Génie électrique), Michel Albouy, Edwige Laforet, Hubert Drouvot (IAE), Anne- Marie Spalanzani (IUT2 - GEA), Alain Spalanzani (IUP - Pierre-Mendès France), Claude Comiti (IUFM), Jean-Marie Martin, Jacques Percebois, Dominique Finon, Patrice Ramain, Patrick Criqui, Jacques Girod, Bernard Bourgeois, Bertrand Château, Bruno Lapillonne, Catherine Locatelli, Jean-Pierre Bonaiti, Denise Cavard (IEPE).

         Hiện nay số sinh viên Việt Nam tại Grenoble đã lên đến 300 người (trên tổng số khoảng 7000 sinh viên Việt Nam tại Pháp), phần đông là hội viên của Hội sinh viên Việt Nam tại Grenoble (AEVG), một hội rất năng động. Chủ tịch hội năm học 2010-2011 là Ngô Quốc Dũng.

Với chút kinh nghiệm tích lũy trong quá trình làm việc ở Việt Nam cũng như ở Pháp, cả trong lĩnh vực công nghiệp (Tổng Cục điện lực - Bộ Công chánh Sài Gòn - EDF Paris và Grenoble) và đại học (Trường Cao đẳng điện học Sài Gòn - INPG và IEPE Grenoble),  tôi cố gắng tiếp tục giúp đỡ các sinh viên và nghiên cứu sinh, không phân biệt màu sắc chính trị, với nhiệt tình của thời xưa. Thời gian như không có ảnh hưởng gì đến niềm đam mê của tôi đối với ngành giáo dục và việc đào tạo thế hệ trẻ của nước nhà. Các bạn Jean-Claude Sabonnadière, Felix Darve, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Triệu Đồng, Eric Zamaï và Michel Đặng (nguyên Giám đốc ESISAR) cũng đã dành rất nhiều công sức cho việc hợp tác giữa Grenoble INP  và ba trường ĐHBK. Tôi rất cảm kích sự tận tình quý báu của tòan thể các Giáo sư của các Đại học Grenoble.

Ngày 20-11 vừa qua ở Paris, Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp (AEVF) có tổ chức buổi giao lưu và thảo luận với Giáo sư Ngô Bảo Châu (Huy chương Fields 2010 cho việc chứng minh bổ đề cơ bản). Nhân dịp này, tôi có cho Giáo sư biết là tôi đang viết một bài để tỏ lòng ngưỡng mộ đối với Giáo sư Louis Néel về sự nghiệp vô cùng to lớn.  Tôi có đề xuất với Giáo sư Châu là, cũng như Giáo sư Louis Néel, dựa vào tài năng, uy tín và tuổi trẻ, Giáo sư nên đề nghị với chính phủ xây dựng một số cơ sở nghiên cứu hữu ích, có tầm vóc quốc tế, để nâng cao trình độ khoa học và công nghệ Viet Nam. Giáo sư Châu khiêm tốn mỉm cười, nói nhỏ với tôi là phải từ từ…

                            Nhà kiến thiết: con Người – Công trình khoa học

«Con người chỉ là tổng hợp những hành động», như triết gia Jean-Paul Sartre đã nói, và không thể đạt được một cái gì to lớn nếu thiếu đam mê. Cực kì siêng năng, đam mê và năng động, Giáo sư Louis Néel chiếm được sự kính trọng của tất cả sinh viên bằng kiến thức uyên bác và đức tính giản dị. Ông là một giáo sư kín đáo, nhưng cũng rất nồng nhiệt, đầy tình người, tuy không tham gia vào các vấn đề chính trị, xã hội. Lần đầu tiên tiếp xúc với Louis Néel không thật sự dễ dàng, có lẽ chúng ta rụt rè khi đứng trước một nhân vật quan trọng. Ông thường một mình ra quyết định, nhưng không phải theo kiểu của một ông quan mà như là một ông chủ doanh nghiệp, không muốn lãng phí thời gian của mình. Bị lôi cuốn bởi công nghệ, Louis Néel khiến cho các cộng sự ngưỡng mộ qua cách lựa chọn đúng đắn những người phụ trách và các chủ đề nghiên cứu.

Ngay từ rất sớm ông đã có những tiên đoán và tầm nhìn chiến lược cho Grenoble. Con người trung thực này có khả năng hiện thực hóa những trực giác của mình. Là một nhà khoa học thực tế, một con người ngoại hạng, Louis Néel luôn theo con đường của tư duy sáng tạo và không thích những gì đã sắp sẵn.

Sau luận án tiến sĩ, khác với quan điểm người thầy của mình, ông đã nghiên cứu các vấn đề lớn mà hoàn toàn bỏ qua cơ học lượng tử (mécanique quantique). Cố ý bỏ qua như vậy là một chiến lược thành công cho Louis Néel, bởi nó cho phép ông chọn được con đường đi ngắn hơn. Cách đặt vấn đề của ông về sắt từ đem lại hiệu quả đáng kính phục. Theo Giáo sư René Pauthenet, người đã làm việc ở phòng thí nghiệm IBM tại Poughkeepsie năm 1958, những hiểu biết của các đồng nghiệp người Mỹ về từ không sâu sắc hơn, nhưng họ sử dụng lý thuyết lượng tử chất rắn. Vào những năm đầu của thập niên 1960, Louis Néel đã cố gắng dung hòa khác biệt này bằng cách mời các nhà lý thuyết nước ngoài đến làm việc tại phòng thí nghiệm của ông trong chương trình liên kết các giáo sư.

Giới khoa học thường nhắc lại những dòng hồi kí ghi trong cuốn sách «Một thế kỷ vật lý» của Louis Néel: Tôi không muốn ở lại Grenoble như là giai đoạn chuẩn bị cho sự nghiệp ở Paris, mà ngược lại, tôi muốn xây dựng một Trung tâm nghiên cứu lớn mạnh để giữ chân các nhân tài. Ông lo sợ Paris lôi cuốn các giáo sư, nhưng thật ra, ông đảo ngược được xu thế và đã thành công tạo ra ở Grenoble một mạng lưới đông đảo các nhà nghiên cứu tài năng xuất thân từ trường Sư phạm Paris.

Viện sĩ Gustave Ribaud cũng đã đề nghị ông nhận chức giáo sư vật lý thực nghiệm tại Collège de France nhưng ông đã dứt khoát từ chối, ông không muốn bỏ dỡ phòng thí nghiệm của ông đang trên đà phát triển.

Trong một cuốn kỷ yếu, Louis Néel đề nghị thành lập ở Pháp các phòng thí nghiệm đa ngành với nguồn nhân lực và tài chính dồi dào, bằng việc kết hợp các nghiên cứu cơ bản, ứng dụng và công nghiệp. Ông không đồng ý với mô hình gồm các trường đại học riêng lẻ và các phòng thí nghiệm nhỏ và tách biệt. Theo ông, hội Phát triển nghiên cứu (ADR) cho phép tránh sử dụng nhân viên kế toán của đại học, những người bị kẹt bởi những thủ tục hành chính rườm rà!

Cá nhân tôi may mắn được làm học trò của Giáo sư Louis Néel khi ông dạy môn vật lý nguyên tử cho sinh viên năm thứ 3 của Viện Bách Khoa Grenoble (IPG). Tôi thú thật là không phải lúc nào cũng hiểu hết những gì Giáo sư giảng, mỗi khi mà ông trình bày những điều quá cao siêu. Ông có vẻ luôn luôn đang suy nghĩ, mắt dán chặt vào trần của giảng đường (Barbillion hay Doyen Gosse) trong sự im lặng của cả lớp.

Cũng như hai bạn Nguyễn Văn Đặng và Đỗ Đình Chiểu, tôi rất vinh dự được Giáo sư Louis Néel làm Chủ tịch hội đồng bảo vệ luận án Tiến sĩ của tôi tại Phân khoa Khoa học Grenoble. May mà ông không đặt một câu hỏi khó nào! Chúng tôi thường nhắc đến ông với niềm lưu luyến và kính trọng. Tôi nhận thấy rằng hai Giáo sư Maurice Fallot và Louis Néel có nhiều cảm tình với người Việt Nam. Mỗi lần đi ngang qua nhà của ông tại Ile Verte, Grenoble, nơi mà ông, cùng với vợ, đã đón tiếp thân mật vợ chồng tôi với tất cả sự giản dị, tôi không thể nào không nhớ lại hình ảnh của người thầy quý mến.

Uy tín quốc tế của Louis Néel đã vững chắc từ lâu, trước khi ông được giải Nobel. Ông nhận được rất nhiều huân chương và phần thưởng danh dự từ rất nhiều cường quốc.

Đây là trích đoạn trong bài diễn văn cảm ơn rất khiêm tốn và giản dị của ông tại Stockholm ngày 10/12/1970: «…Những gì chưa hiểu được chỉ là những đặc tính của chất từ đã biết từ thời xưa: đó là magnétite hay đá nam châm đã gây sự tò mò cho thiên hạ  từ 4000 năm qua. Tôi đã may mắn lấp đầy khoảng trống này và giải thích các đặc tính đó bằng khái niệm sắt từ. Nhưng ngay trong lĩnh vực này, tôi cũng chỉ đi sau Pierre de Maricourt, người mà từ thế kỉ thứ 13, năm 1269, đã viết cuốn sách nghiêm túc đầu tiên về nam châm. Trong khoa học, luôn có kẻ đi trước mà thoạt đầu ta thường không nghĩ đến.»

Louis Néel không quên lịch sử, vậy tôi xin phép nhắc lại đây gia đình Nobel. Cha của Alfred Nobel, Immanuel Nobel, đã chế ra ngư lôi để ngăn chặn hải quân Anh trong cuộc chiến Crimée (1853-1856 ). Đó là các thiết bị đơn giản gồm các thùng chứa đầy thuốc nổ.

Alfred Nobel, đam mê hóa học, nhà thầu giỏi và cũng là một thương gia, ban đầu quan tâm đến chất nitroglycérine với thành phần hỗn hợp khác nhau, dùng cho các công trình xây dựng. Sau đó, ông ta trở nên giàu có, nhờ sản xuất hàng loạt thuốc nổ (bằng sáng chế năm 1867) và kíp nổ tại các nhà máy và phòng thí nghiệm thiết lập ở trên hai chục nước.

Khi Louis Néel cứu được vô số người trong chiến tranh thế giới thứ 2 bằng cách vô hiệu hóa mìn từ của Đức, chắc hẳn ông không có ý nghĩ gì về các lọai mìn và thuốc nổ của gia đình Nobel!

Chống lại sự chạy đua vũ trang, bạn của Alfred Nobel, nữ bá tước người Áo, Bertha von Suttner, nổi tiếng với cuốn sách «Lay down your arms» (Hạ vũ khí), chắc đã ảnh hưởng đến ông khi ông viết di chúc cuối cùng vào ngày 27-11-1895.

Năm 1945, sau hai quả bom nguyên tử ném xuống Hirochima và Nagasaki, Albert Einstein, trong bài diễn văn tại Mỹ, cho rằng Alfred Nobel tạo ra giải Nobel hòa bình để khỏi bứt rứt lương tâm. Có lẽ Florence Nightingale, người khởi xướng ý định thành lập giải thưởng này, đã thuyết phục được Alfred Nobel, để hàn gắn những «đau khổ do thuốc nổ của ông gây ra».

Giải Nobel Hòa bình được lựa chọn bởi một Ủy ban nước Na Uy, các giải Nobel khác do Viện hàn lâm Thụy Điển. Hằng năm, giải Nobel Hòa bình thường gây nhiều tranh cãi liên quan đến động cơ chính trị. Ví dụ, năm 1973, giải này được trao cho Henri Kissinger, người Mỹ, và Lê Đức Thọ, người Việt Nam, do Hiệp định hòa bình Paris, trong lúc chiến tranh vẫn còn tiếp diễn. Lê Đức Thọ đã từ chối, không nhận giải thưởng này.

Albert Nobel chắc rất sung sướng khi thấy Aung San Suu Kyi (người Myanmar, Nobel hòa bình 1991) vừa được trả tự do, và vô cùng tức giận trước sự giam tù Liu Xiaobo (người Trung Quốc, Nobel Hòa bình 2010). Trong những ngày nhộn nhịp vui mừng đón Noel này, thật đau xót khi thấy chiến tranh vẫn còn tiếp tục, gây bao tang thương, đau khổ vô ích, bất chấp giải Nobel Hòa bình 2009, đã trao cho Tổng thống Mỹ, Barack Obama. Đó là chưa kể lời kêu gọi độ lượng và phi bạo lực của Đức Dalaï Lama (Nobel Hòa bình 1989) và của Đức giáo hoàng. Phải chăng ngày nào đó, cần cấp giải Nobel chiến tranh để có hòa bình?

Tại hội thảo kỷ niệm 40 năm về giải Nobel của Louis Néel, được tổ chức tại Tòa thị chính Grenoble hai ngày 20-21/10/2010, Thị trưởng Grenoble, Michel Destot, trong bài diễn văn vinh danh Louis Néel (cũng là Chủ tịch hội đồng bảo vệ luận án  tiến sỹ của ông), đã nhắc lại rằng có 3 người đoạt giải Nobel ở Grenoble: Louis Néel và hai người nước ngoài. Đó là Klaus von Klitzing, nhà vật lý người Đức, Nobel Vật lý 1985 và Ada Yonath, nhà hóa học Israel, Nobel Hóa học 2009. Ông cũng nhấn mạnh sự đóng góp quan trọng của Louis Néel trong việc gây dựng danh tiếng quốc tế của Đại học Joseph Fourier, một trong những đại học hàng đầu của Pháp về vật lý.

Louis Néel luôn chủ trương mở rộng và trao đổi. Chính vì thế mà ngay cả trước khi có những thiết bị nghiên cứu mạnh, dưới sự kêu gọi của ông, rất nhiều giáo sư, nhà nghiên cứu và sinh viên nước ngoài đã đến đào tạo hay tu nghiệp tại Grenoble. Mặc dù trách nhiệm nặng nề, ông ta đã nhận bằng Tiến sĩ danh dự (Docteur Honoris Causa) của 8 trường đại học nước ngoài, đồng thời là thành viên của 8 trong số những Viện hàn lâm khoa học uy tín nhất nhì thế giới. Từ năm 1963 đến 1966, ông cũng đã xoay xở để có thì giờ nhận trách nhiệm Chủ tịch Liên minh thế giới về Vật lý lý thuyết và ứng dụng.

Ông luôn biết cách lôi cuốn các nhà công nghiệp thông qua đối thoại và chuyển giao kiến thức, và do đó chứng thực các công trình khoa học trong nhóm của ông bằng các ứng dụng. Với những việc như thế, ông đã truyền cho các nhà nghiên cứu và các giáo sư niềm say mê phát minh và hiện thực hóa. Dựa trên sự kết hợp đa ngành và cởi mở, chiến lược của Louis Néel: Đại học – Nghiên cứu – Công nghiệp đã tỏ ra hết sức hữu hiệu.

Nhờ có ông, ngành vật lý đã cất cánh tại Đại học Grenoble, một đại học tỉnh, đã nổi tiếng trước chiến tranh thế giới thứ hai với những ứng dụng về điện (houille blanche - thủy điện), hóa và luyện kim. Bằng tài năng, uy tín, với tính bạo gan thiện cảm, Louis Néel đã thành công trong việc triển khai và phát triển vượt bậc Trung tâm Âu châu giáo dục và nghiên cứu Grenoble, đồng thời đóng góp vào sự phát triển kinh tế của vùng Dauphiné. Là tác giả của chừng 250 bài báo và bằng sáng chế, Louis Néel, sau Curie, Langevin và Weiss, không những được xem như là một trong các nhà vật lý kiệt xuất, Cha đẻ của từ, mà còn là một trong những nhà kiến thiết nổi bật về giáo dục đại học và nghiên cứu của Pháp.

Giáo sư Louis Néel là một người đa tài. Theo cựu Bộ trưởng Pháp, phụ trách về nghiên cứu, Hubert Curien, ngoài ngành vật lý, Giáo sư Louis Néel còn là một thợ mộc khéo tay và cũng là một đầu bếp giỏi, với món ăn gratin dauphinois.

Bibliographie

    Nguyen Khac Nhan - Réception au Château du Centre d'Etudes Nucleaires de Grenoble. Réception à la Houille Blanche à Paris, Revue IEG- EIH-IRG-MAG, Paris juillet-aout 1961.

Serge Colombo - L'Ecole Supérieure d'Electricité de Saigon et le Centre National Technique de Phu Tho, Revue IEG-EIH-IRG-MAG, Paris mai 1962.

Louis Néel : Discours au banquet de Stockhohm. Cérémonie de remise du Prix Nobel de Physique, 10 decembre 1970.

The Nobel Prize in Physics 1970, Biography Louis Neel , Nobelprize.org.

Louis Néel : carrière , oeuvres et distinctions (bibliographie).

Louis Néel, Oeuvres scientifiques, édition du CNRS, 1978.

J.-F. Picard , E.- Pradoura - Entretien avec Louis Neel, Meudon 4 juin 1986.

Dominique Pestre- LouisNéel et le magnétisme à Grenoble. Récit de la création d'un empire dans la province française 1940-1965. CNRS , avril 1990.

Louis Néel, un siècle de Physique, édition Odile Jacob, Paris 1991.

Louis Neel : Grenoble, Metropole des Sciences- Entretien avec Louis Neel, 1995. Editions Glenat 1997.

     Nguyen Khac Nhan - L'INPG et les Instituts Polytechniques vietnamiens : une coopération exceptionnelle, L'ingénieur moteur de la formation, Les éditions des Vignes et l'éditeur, 2001.

      Bernard Barbara - L'oeuvre de Louis Néel, Hommage à Louis Néel, Grenoble 31 mai -1er juin 2001.

Daniel Bloch- Hommage à Louis Néel, Grenoble 31 mai - 1er juin 2001.

Michel Soutif- Hommage à Louis Néel, Grenoble 31 mai -1er juin 2001.

Eric Robert - Louis Néel et la formation des ingénieurs à Grenoble, Grenoble 31 mai – 1er juin 2001.

Roger Moret , Eric Robert – Louis Néel et les industriels, Grenoble 31 mai-1er juin 2001.

Nguyen Khac Nhan – Coopération scientifique et technique franco-vietnamienne, la formation des ingénieurs et docteurs, Doan ket , Paris septembre 2001.

Hubert Curien - Louis Neel , bâtisseur , Grenoble 24 novembre 2004.

Anne Dalmasso- Le developpement scientifique de Grenoble et son impact, Grenoble 24 novembre 2004.

Ph. Nozieres – Louis Néel, un prix Nobel hors du commun , manifestations du centenaire de la naissance de Louis Néel , Grenoble 24 novembre 2004.

Eric Zamaï- PFIEV, 10 ans dejà. A savoir, Grenoble INP, 11 decembre 2009.

Michel Destot, 40 ans après le prix Nobel de Louis Néel. Colloque en hommage à Louis Néel à l'Hôtel de Ville de Grenoble, 21 octobre 2010.

Historique des Ecoles d'ingénieurs de Grenoble :

       1900 – Institut Electrotechnique de Grenoble ( IEG )

1910 – Institut Polytechnique de Grenoble ( IPG )

1970 – Institut National Polytechnique de Grenoble ( INPG ) ( 9 Ecoles d'ingénieurs et un Département )

2008 - Grenoble INP ( Grand Etablissement de statut public - Regroupement en 6 Ecoles :

Ense3 ( énergie, eau, environnement )

Phelma ( physique , électronique, matériaux )

      Ensimag ( informatique, mathématiques appliquées et télécommunications )

      Génie industriel ( conception de produits ou services, gestion de production et

      logistique)

      Esisar ( systèmes avancés et réseaux )

      Pagora (sciences du papier, de la communication imprimée et des biomatériaux )

 Chiffres clés actuels de Grenoble INP : 5200 étudiants dont environ 800 doctorants, 1100 diplômes d'ingénieurs et 200 docteurs par an, 26 grands laboratoires dont 6 internationaux, 22 filières métiers, 1100 enseignants, chercheurs, administratifs et techniciens.

 

Grenoble, Noël 2010 - 8/1/2011

Nguyễn Khắc Nhẫn,

Nguyên Cố vấn Nha kinh tế, d báo, chiến lược EDF Paris,

 GS Viện kinh tế, chính sách năng lượng Grenoble,

 GS Trường Đại học Bách khoa Grenoble

 

 

Discours d'ouverture par Alain Fontaine
 
Dominique Givord et Alain Fontaine
J.M.D. Coey - Trinity College Dublin
Bernard Dieny - CEA
Françoise Hippert - Grenoble INP
Christian Vettier - ESRF ILL
Christian Vettier - ESRF ILL
Nora Dempsey - Institut Néel
Gilles Cauffet - UJF
Albert Fert - Prix Nobel de physique 2007
Albert Fert - Prix Nobel de physique 2007
Alain Fontaine et Albert Fert
Gérard Marot - AIR LIQUIDE SA
Gérard Marot - AIR LIQUIDE SA
Dominique Givord et Gérard Marot
Bernard Maire-Amiot, Alain Fontaine et Alain Schuhl
Alain Fontaine
Alain Schuhl
Dominique Givord et Alain Schuhl
Extrait de "Goutte de science"
Extrait de "Gouttes de sciences"
Extrait de "Gouttes de sciences"
Claire Schlenker - Grenoble INP
Claire Schlenker - Grenoble INP
Gilbert Reyne - Grenoble INP
Vincent Mazauric - Schneider Electric
Serge Perez - ESRF ILL
Alain Fontaine, Alain Schuhl et J.M.D. Coey
 
 
 
Alain Schuhl
 
Dominique Thomas - ST Microeletronics
Dai Aoki - CEA
Dai Aoki - CEA
 
Le Si Dang - CNRS
Le Si Dang - CNRS
Stéphane Siebert - GIANT
Stéphane Siebert - GIANT
 
Geneviève Fioraso - METRO
 
Dominique Givord et Christian Vettier
Michel Destot
Michel Destot remettant la médaille de la ville de Grenoble à Albert Fert
Michel Destot remettant la médaille de la ville de Grenoble à Albert Fert
Michel Destot remettant la médaille de la ville de Grenoble à Albert Fert
Michel Destot remettant la médaille de la ville de Grenoble à J.M.D. Coey
Michel Destot, Albert Fert, J.M.D Coey et Alain Fontaine
Michel Destot, Albert Fert, J.M.D Coey et Alain Fontaine

 

        ©          http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org