Vasco da Gama

Vietsciences-Phạm Văn Tuấn & Võ Thị Diệu Hằng   12/09/2005 

                                                                

 Vasco da Gama  (1460-1524) người đầu tiên tìm ra con đường đến Ấn độ bằng cách vòng qua Phi châu

Vasco da Gama (1460-1524) là nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha (Portugal) đã khám phá ra con đường đại dương từ Portugal tới miền Đông. Ông sinh trong một gia đình quý tộc tại Sines, Portugal. Cha của Da Gama là Estavao, cũng  là một nhà thám hiểm. Da Gama học ngành thiên văn và hàng hải và trở thành sĩ quan hải quân năm 1492

 Thời đó người ta  nghĩ là cuộc du thuyền của Gama không thể thực hiện được vì họ nghĩ là Ấn độ dương không  liền với các biển khác. Năm 1497, vua Manuel I của nước Portugal bảo Gama tìm con đường biển đi đến Ấn độ bằng cách đi vòng quanh châu Phi. Cha của Gama được chọn để dẫn đầu cuộc hành trình, nhưng  ông  đã chết trước  khi hoàn tất.

 Da Gama được lệnh điều kiển bốn con tầu trong đó ba chiếc được đóng dưới sự giám sát của Bartholomeu Dias, là tầu chỉ huy Sao Gabriel, tầu Sao Raphael, còn tầu thứ ba có tên gọi không còn được ghi lại và Berio là con tầu thứ tư.

 Đoàn tầu của ông có cả thảy 170 người. Ông  mang theo rất nhiều thiết bị cho việc vận tải.   
 Ngày 8 tháng 7 năm 1497, Vasco da Gama đã cho tầu rời hải cảng Lisbon tiến về hướng Đông. Có lẽ do lời khuyên của Dias, hải trình kỳ này đã không theo sát bờ biển của miền tây châu Phi mà vòng ra xa để tránh các giòng nước không thuận tiện và các bãi đất ngầm. Da Gama đã lợi dụng được luồng gió mùa và sau ba tháng, vượt hơn 4,000 dặm, đoàn tầu đã tới được bờ biển châu Phi tại vịnh St. Helena, phía bắc của Cape Town. Sau đó đoàn thám hiểm tiếp tục đi qua Cape Agulhas, tới vịnh Mossel. Tại vịnh này, Da Gama cho đóng một cột ghi dấu rồi lại tiếp tục giương buồm về hướng đông. Trên đường đi, Da Gama đã đặt tên cho các địa điểm như Natal với ý nghĩa là Ngày Sinh của Chúa, hay giòng sông "Các Điềm Lành" (the River of Good Omens).  Khi tới hải cảng Mozambique, Da Gama đã gặp các thương nhân có hình dáng kỳ dị, các người Ả Rập và thổ dân buôn bán trên bến cảng. Sau đó, đoàn thám hiểm tới Mombasa, một hải cảng Ả Rập sầm uất rồi tới Malindi, nơi đã có một cộng đồng người Ấn Độ cư ngụ. Một số người theo Thiên Chúa giáo tại nơi này đã khiến cho Da Gama tin rằng Vua Giáo Sĩ Prester John ở không xa đó, sâu vào trong đất liền. Những thương gia Hồi giáo A Rập tại Moçambique (Mozambique) và Mombasa thù ghét người Bồ đào nha, vì họ không muốn  chia con đường thương  mãi đầy lợi nhuận này nên cố bắt giữ tàu thuyền của họ, nhưng những  người dân ở Malindi thân với họ hơn nên tìm cách hướng dẫn họ tới Ấn độ. Vasco da Gama thuê được một thủy thủ lái tầu tài giỏi tên là Gujarati của miền tây Ấn Độ, đoàn tầu của ông đã vượt qua eo biển Ả Rập, tới được hải cảng Calicut, nơi mà trước kia Covilha đã báo cáo vào năm 1490. Ngày 20 tháng Năm, 1498, Da Gama tới Calicut, India.
 Đầu tiên Gama và những người trong ngành thương mại được tiếp đón nồng hậu, nhưng  không bao lâu sau, ông bị bắt đóng thuế nặng và bị bó buộc phải để hàng hóa của ông  lại. Gama rời Ấn độ ngày 29 tháng 8 năm 1498, mang theo hết tất cả hàng hóa của mình và vài người Ấn độ để  làm con tin.  Hải trình qua Ấn Độ Dương mất ba tháng và nhiều thủy thủ đã mắc bệnh hoại huyết (scorbut, thiếu vitamin C). Vì không đủ người, Da Gama đành phải hủy bỏ con tầu Sao Raphael gần Mombasa, rồi cuộc trở về đã không gặp khó khăn.

Đ>Đoàn tầu của Da Gama trở về Lisbon, Portugal tháng 9 năm 1499 sau hơn hai năm đi biển, vượt qua được 24,000 hải lý với 44 thủy thủ sống sót trong số 170 người đã ra đi.  Sau khi trở về, ông được tiếp đãi như một vị anh hùng và được nhà vua thưởng. 

Vua Portugal là Manuel I gởi Gama, lúc bấy giờ là Admiral (Đô đốc hải quân, vào một cuộc thám hiểm khác tại Ấn độ (1502-1503). Trong chuyến đi này, Gama dẫn 20 chiếc thuyền có võ trang để ngừa trước các  vấn đề với thương gia hồi giáo. Trong  chuyến đi này, ông đã giết hàng trăm người hồi giáo, thường  là rất hung bạo, để tỏ quyền năng của mình


 Vasco da Gama đã mang lại cho người châu Âu các quan niệm mới về thế giới, một nơi không còn bị giới hạn bởi bốn lục địa. Thế Giới từ nay đã được  mở rộng cho nhiều người khác thám hiểm và khai thác

 

© http://vietsciences.free.fr http://vietsciences.net Phạm Văn Tuấn và Võ Thị Diệu Hằng