Paulo Freire (1921-1997),
nhà giáo dục
Brésil xóa nạn mù chữ
I. Cuộc đời
Paulo Freire sinh năm 1921, tại
Recife, một thành phố cảng ở miền Ðông Bắc xứ Ba Tây
(Brésil), trong một gia đình trung lưu. Ông học
luật nhưng rất thích triết lý và môn tâm lý ngôn ngữ
học. Ông lập gia đình với bà Elza Maria Costa
Olivera vào năm 1944, hai ông bà có ba gái và hai
trai. Sau khi có
gia đình, ông không hành nghề luật mà làm việc cho
Bộ
Xã
hội với chức vụ chánh sở giáo dục và văn hóa. Trong
khi làm việc, ông vẫn tiếp tục theo học và đạt học
vị tiến sĩ do Viện đại học Recife cấp năm 1959. Năm
sau đó ông cùng nhiều bạn hữu thành lập Phong trào
Văn hóa Bình dân (Mouvement de Culture Populaire
viết tắt là MCP) và năm sau tổ chức các lớp học nhằm
xóa nạn mù chữ ở Natal (Ba Tây) trong chương trình
"Những người đi chân đất cũng học đọc," và Phong
trào Giáo dục căn bản (Mouvement d'Éducation de
Base, dịch từ chữ Movimento de Educação de Base,
viết tắt là MEB). Qua phương pháp làm việc của ông
, Paulo Freire đã có một ảnh hưởng đáng kể trong các
phong trào này.
Bản đồ Ba Tây
Năm 1962, Paulo Freire
thành lập Sở Phát triển Văn hóa (Service d'Extension
Culturel viết tắt là SEC) ngay trong Viện đại học
Recife (giờ là UFPE). Phong trào MCP đã có kinh
nghiệm sử
dụng phương pháp dạy học của Paulo Freire này vào
tháng 5, 1961 tại trung tâm văn hóa Dona Olegarinha,
ở Recife và rất nhiệt tình hỗ trợ phương pháp này.
Tại SEC, một số cộng sự viên của ông, có trình độ
đại học, đã thực tập lý thuyết căn bản của phương
pháp và lấy tên "hệ thống Paulo Freire" đặt cho toàn
bộ phương pháp này. Nhiều nơi khác cũng áp dụng hệ
thống giáo dục mới này, nhất là ở João Pessoa (tiểu
bang Paraíba, Ba tây) và ở Angicos (tiểu bang Rio
Grande do Norte, Ba Tây).
Sự thành công vượt bực
của phương pháp Paulo Freire tại Angicos đã được
chính quyền nhìn nhận, và Bộ trưởng Giáo dục và Văn
hóa Ba Tây, ông Paulo de Tarso Santos đã mời Paulo
Freire đứng ra điều hợp "Chương trình Quốc gia xóa
nạn mù chữ" ứng dụng phương pháp dạy học của ông
trong hai năm 1963-64. Năm 1964, phe quân nhân đảo
chánh, và Paulo Freire, sau khi bị giam giữ một thời
gian ngắn, đã phải rời nước, lưu vong sang Chí lợi
(Chili, Chile).
Ông đã làm việc 5 năm ở Viện Cải tiến canh nông nước
này. Trong thời gian này, ông đã kiện toàn phương
pháp "conscientization," (viết theo tiếng Anh) và
đưa ra làm quốc sách cho chính phủ đảng Dân chủ
Thiên chúa giáo của Chí lợi. Quyển Pedagogy of the
oppressed (Pedagogía del oprimodo = Nền giáo dục của
những người bị kềm kẹp = Pédagogie des opprimés)
viết vào năm 1969 (bản tiếng Anh được xuất bản năm
1970) là kết quả của những năm làm việc tại Chí
lợi. Trong thời gian này, vào năm 1968, ông có nhận
làm tham vấn viên cho tổ chức UNESCO, nhưng ông
không chia sẻ quan điểm về cách xóa nạn mù chữ của
tổ chức này.
Paulo Freire sang dạy ở
Ðại học Harvard năm 1969, và phương pháp của ông đã
được nhiều giới chức đại học cùng các nhóm dân thiểu
số ở Hoa kỳ hưởng ứng. Sau đó ông làm Giám đốc Sở
giáo dục của Hội đồng các giáo hội ở Genève, áp dụng
phương pháp "conscientization" trong giáo dục cũng
như trong các thay đổi xã hội. Ông cũng tham gia
nhiều công tác giáo dục ở Pháp, tuy các sách khảo
cứu về giáo dục viết ở Pháp ít khi nhắc đến tên ông.
1
Sau năm 1975, Paulo
Freire cố gắng áp dụng phương pháp của ông trong các
chương trình xóa nạn mù chữ ở Guinée-Bissau, São
Tomé và Principe,
Nicaragua, Angola, và
Mozambique. Ðến năm 1989, khi đảng Lao động thắng
cử ở Ba tây, ông chấm dứt
quãng đời lưu vong, và trở về
nước, làm Ủy viên giáo dục thành phố São Paulo.
Viện nghiên cứu Paulo Freire được thành lập vào năm
1991 ở São Paulo và trở thành nơi gặp gỡ của những
nhà chuyên môn về giáo dục. Ông mất năm 1997, để
lại cho hậu thế một số tác phẩm về giáo dục rất có
giá trị (Phụ bản 1).
II. Lý thuyết
của Paulo Freire
a) Nền "văn hóa
thầm lặng"
Paulo Freire dựa vào các quan sát
của ông trên chính sách thuộc địa mà Tây ban nha và
Bồ đào nha đã áp đặt tại Châu Mỹ La-tinh, để đưa ra
những điểm chính trong thuyết của ông. Cách đối xử
bất công của các đại điền chủ đối với nông dân đã
lưu lại nhiều vết hằn sâu đậm trong xã hội Ba tây.
Nông dân bị chà đạp và đè nén liên tục trong nhiều
thế kỷ, qua bao nhiêu đời nên cuối cùng đã cúi đầu
cam chịu số phận của mình và mặc nhiên công nhận sự
thống trị của giai cấp giàu có. Nông dân đã chấp
nhận sống lặng lẽ với lương tri và lương tâm của
người bị trị ("conscience de dominé".
2)
Nông dân tiêm nhiễm lần
lần các huyền thoại do giai cấp thống trị tạo nên,
và bị nhồi nhét mãi, mà đâm ra tin một cách tuyệt
đối vào sức mạnh của giai cấp giàu có, và đưa đến
việc cam chịu số phận cũng như nhìn nhận trật tự xã
hội do giai cấp thống trị tạo dựng ra. Nông dân
nghèo không nhận thức được các bất công của sự bóc
lột mà tự an ủi là "chuyện đương nhiên phải như
thế," hay nói một cách khác "Chúa đã định như vậy."
3 Rồi nông dân trở nên thụ động, ép
mình vào cái trật tự xã hội đó và mất đi sức đề
kháng, không thấy được các bất công xã hội. Họ còn
cho rằng việc họ bị bóc lột, không ngóc đầu lên
được, chỉ là số phận mà Thiên chúa đã dành cho họ.
Tuy là người công giáo, Paulo Freire vẫn nói một
cách tách bạch điều này, và viết là nông dân chịu
chấp nhận ý thức huyền bí (magical consciousness) mà
không có tầm nhìn khái quát hay một tổng quan thực
tế.
Under the sway of magic and myth,
the oppressed (especially the peasants, who are
almost submerged in nature) see their suffering, the
fruit of exploitation, as the will of God--as if God
was the creator of this "organised disorder."
(Freire 1970, trang 48)
Dưới ảnh hưởng của ma thuật và
thần thoại, những người bị đàn áp (nhất là nông dân,
lúc nào cũng đẫm mình trong thiên nhiên) thấy nỗi
đau khổ của họ, kết tinh của sự bóc lột, như là ý
muốn của Thiên Chúa, như Chúa chính là đấng đã tạo
nên sự "mất trật tự có tổ chức này."
b) Bình luận về
nền giáo dục theo quy ước xã hội thời
đó
Một nền giáo dục đã có truyền thống
thường là nền giáo dục của giai cấp thống trị. Giai
cấp này đã đặc biệt dùng giáo dục để làm công cụ gìn
giữ hệ thống đã được xây dựng, và để duy trì quyền
lợi cho giai cấp của họ. Thành ra họ tạo dựng nền
giáo dục này nhằm làm cho giai cấp nông dân cảm thấy
rõ rệt hơn sự yếu kém về tri thức và hiểu biết của
nông dân hay của những người cùng khổ. Từ đó họ làm
cho giới nông dân phải chấp nhận các hiểu biết của
giới lãnh đạo và phục tùng sự chỉ huy của giai cấp
thống trị. Cho nên bất cứ
chương
trình giáo dục
nào mà không đề cập đến các vấn đề
kỳ thị chủng tộc, kỳ thị phái tính, các vấn đề khai
thác và bóc lột nông dân, hay các bất công khác đều
nhằm bảo vệ và duy trì tình trạng đương thời.
Trong cách giảng dạy
(giáo dục) cổ điển, sự hiểu biết được truyền từ trên
xuống dưới. Người chuyển giao sự hiểu biết (cô hay
thầy giáo, người dạy học) có đầy quyền lực, là kho
chứa tri thức, và là người ban bố, phân phối số vốn
hiểu biết của mình cho người theo học. Giáo dục
theo lối này dựa trên căn bản xem con người là một
sinh vật có thể uốn nắn được và cần được duy trì
trong trạng thái "tâm thức thần linh" hay trong "tâm
thức ngây thơ."
( a ) the teacher teaches and the
students are taught;
( b ) the teacher knows everything
and the students know nothing;
...
( j ) the teacher is the Subject of
the learning process, while the pupils are mere
objects.
(Freire, 1970, trang 59)
(a) nhà giáo dạy dỗ và học trò
được dạy dỗ;
(b) nhà giáo biết tất cả và học
trò không biết gì cả
...
(j) nhà giáo là người
Chủ động trong phương thức
học tập, trong khi học trò chỉ thuần là thụ động.
c) Nền giáo dục
mới dựa trên sự khai phóng và trao trả tự do lại cho
con người
Thành ra khi nền giáo dục cũ xem con
người là sinh vật có thể thích ứng và uốn nắn được
(men as adaptable and manageable beings - Freire
1970, trang 60), Freire lại xem mỗi người là một
bản thể tự do, có khả năng tinh tiến, đi lên, và có
sức tái tạo thế giới quanh mình. Theo Freire, việc
giáo dục những người bị áp bức phải do chính họ tự
khởi xướng, phát động, chứ không thể do bên ngoài áp
đặt lên họ. Chính những người bị áp bức phải nhận
thức là họ có khả năng đi tìm tri thức, và có khả
năng hành động để thay đổi cuộc đời và môi trường họ
đang sinh sống.
Nền giáo dục này sẽ giúp
cho người học biết cách tự giải thoát mình ra khỏi
tình trạng nô lệ tâm trí, và tự tạo lấy một quan
niệm nhân bản và khai phóng của giáo dục. Xóa nạn
mù chữ, giúp cho những người chưa được học, biết
đọc, biết viết đương nhiên trở thành một hành động
chính trị cần thiết. Vì để cho một người phải bị mù
chữ là tước đoạt đi một trong những nhân quyền căn
bản của người đó, và ngăn chận không cho người đó
hòa nhập một cách trọn vẹn vào thế giới xung quanh.
Dạy cho người mù chữ
biết đọc là một một bước tiến đưa đến việc hòa nhập
trọn vẹn vào xã hội, một xã hội mới, công bằng và
hiểu biết, một xã hội trong đó mọi thành viên đều
"biết chữ". Ðiều này rất quan trọng đối với
Freire, vì khi trong xã hội có người không biết chữ,
bất công sẽ nảy sinh, và mọi sinh hoạt xã hội, dù có
ý hướng tốt đẹp cũng có thể trở thành áp bức đối với
những người không biết chữ. Giúp cho mọi người
trong xã hội đều
biết chữ là giúp cho xã hội trở nên
công bằng và bình đẳng hơn,
là giúp
cho mọi người đều có cơ hội thăng tiến, đi lên, và
có cơ hội đồng đều để đóng góp công sức trong việc
xây dựng một xã hội nhân bản. Giáo dục do đó trở
thành công cụ khai phóng và trao trả lại nhân tính
cho mọi người trong xã hội.
Người phụ trách việc
giáo dục trong một xã hội như thế sẽ là người điều
hợp, hướng dẫn, không còn là người ban phát hay phân
phối sự hiểu biết như là một ân huệ. Chính họ, qua
những quan hệ hỗ tương với người học, cũng trở thành
học viên. Trong lớp, không còn ai hơn, ai kém,
không có ai chỉ huy, áp đặt hay ban bố mệnh lệnh, mà
mọi người đều tham gia vào việc học, trao đổi hiểu
biết để cùng đi lên. Khi đó mọi người sẽ đạt được
"ý thức (của thời) trưởng thành" (mature
consciousness), biết suy nghĩ, biết phân biệt, và
nhất là biết lựa chọn. Như thế, những người trước
đây bị áp bức sẽ thấy rõ các bất công xã hội, và
biết rõ là họ chính là những nhân tố có khả năng phá
bỏ các bất công đó và tự khai phóng để mình không
còn là những người bị áp bức nữa (conscientization).
Việc học và việc dạy học sẽ mất đi tính cách ban
phát cũ (có cách biệt trên dưới giữa người cho và
người nhận) mà thay tính cách đó bằng sự trao đổi
bình đẳng và hợp lý giữa những người ngang hàng với
nhau.
Mahatma Gandhi cũng có
những ý nghĩ tương tự khi ông giảng về thuyết bất
bạo động. Ðối với Gandhi, chánh quyền luôn luôn
muốn duy trì sự ổn định xã hội (mà
họ thường hiểu là duy trì sự
kiểm soát của chánh quyền trên toàn bộ xã hội) vì
thế mà những người bị áp bức luôn luôn bị giữ trong
những vòng rào do chánh quyền đặt ra nhằm kiểm soát
họ. Do đó, muốn xóa bỏ bất công, phải tạo điều kiện
để những người bị áp bức hòa nhập vào việc tự giải
phóng họ. Ðiều này chỉ có thể xảy ra khi nền giáo
dục tốt đẹp nhất nghĩa là
: "... the best education
is practical, with understanding motivated by a
determination to reform effectively." Ray,
1994, trang 31 (nền giáo dục hay nhất vừa thực tiễn,
vừa khuyến khích sự hiểu biết
với quyết tâm thực hiện các thay đổi một cách có
hiệu quả).
III. Phương pháp
của Paulo Freire
a) "Ðánh thức Ý
thức"
Từ 1945 người ta đã áp dụng những
cách thức giảng dạy đôi khi còn rời rạc, nhưng đã
được thực hành có kết quả ở thành thị cũng như thôn
quê Nam Mỹ. Paulo Freire đã hệ thống hóa và kết
hợp những phương pháp này theo một thứ tự tự nhiên,
và chứng tỏ là cách giảng dạy như thế là hợp lý và
sẽ giúp đạt được kết quả mong muốn. Phương pháp dạy
đọc và viết để xóa nạn mù chữ của Paulo Freire đáp
ứng được nhu cầu giải quyết các vấn đề thực tiễn của
những người không biết chữ, đồng thời giúp họ nhận
thức được khả năng cải thiện xã hội của chính họ, để
họ ý thức được con người của họ trong sự tự do trọn
vẹn.
Phương pháp này đòi hỏi
phải tổ chức các nhóm học thành những trung tâm văn
hóa, và dành cho những người theo học quyền quyết
định lựa chọn những gì cần học, dựa trên nhu cầu địa
phương và dựa trên thực tế của chính họ. Nhờ đó,
người học cũng như người phụ trách lớp học, đều tận
dụng được kinh nghiệm sống của nhau. Trong lịch sử
giáo dục các nước, tại nhiều nơi, người ta cũng có
tổ chức những nhóm
văn hóa tương tự, năm 1820 ở Anh, 1887 ở Nga (Saint
Petersbourg), 1900 ở Thụy điển và 1927 ở Hoa kỳ. (
Taylor, 1993)
Paulo Freire đã khéo léo thay đổi và
cải tiến cách thức hoạt động của các trung tâm này,
và uyển chuyển áp dụng các mô hình theo nhu cầu và
trình độ ở Nam Mỹ. Ðiều quan trọng trong phương
pháp của Paulo Freire là tạo điều kiện thuận lợi để
người học "ý thức được" hoàn cảnh bị bóc lột của họ
cùng khả năng của chính họ để tự giúp cho họ thoát
ra khỏi hoàn cảnh bị bóc lột đó.
b) "Giải mã các
chữ tạo nghĩa"
Tại các "trung tâm văn hóa" theo lối
Paulo Freire, khóa học thường bắt đầu bằng vài cuộc
họp mặt giữa những người học và các người phụ trách
lớp, mỗi lớp như một nhóm. Qua các buổi họp này,
tất cả thành viên trong nhóm trao đổi quan điễm và
nhờ đó tất cả sẽ hiểu rõ hơn nhu cầu thực tế của
người học, và số vốn ngôn ngữ sẵn có của họ. Dựa
trên số vốn này, các người phụ trách lớp học sẽ tìm
ra những từ mới, các chữ tạo nghĩa, có liên quan đến
các chữ mà người học đã biết dùng để làm tăng thêm
ngữ vựng. Với số ngữ vựng mới tạo được, cả nhóm
văn hoá sẽ tập đọc, tập viết và tập cách làm câu, để
hiểu rõ nghĩa hơn, và để biết cách cấu tạo những câu
thông thường. Những chữ tạo nghĩa sẽ được chọn để
giúp cả nhóm biết rõ hơn về xã hội của họ, và giúp
họ thâu nhận được được dữ kiện để đánh thức ý thức
của họ.
Các người phụ trách lớp
sẽ tượng hình các chữ tạo nghĩa (dùng tranh,
hình vẽ,
âm bản ...) rồi đưa ra cho cả nhóm tìm cách "giải
mã" các hình ảnh đó. Việc tìm kiếm, và tìm hiểu ý
nghĩa thực tế của các hình tượng trưng cho chữ tạo
nghĩa giúp cả nhóm tập trao đổi ý kiến, và cho thấy
khả năng sáng tạo thiên phú của mỗi người. Thành
quả đạt được là việc tạo lập không khí đối thoại tự
do và cỡi mở trong nhóm, các người phụ trách thường
như là những người quản trò, đặt câu hỏi, hay lái
cuộc đối thoại về đúng trọng tâm các chữ tạo nghĩa.
Các câu hỏi cũng nhằm nhắc nhở
cả nhóm đi sâu hơn vào thực tế hiện tại, thấy xa hơn
bề mặt của sự kiện, nghĩa là giúp cho nhóm thực hiện
một sự đối thoại có suy nghĩ và có phân tách đúng
đắn. Người học sẽ cảm nhận được vì sao "người ta"
đã kềm giữ họ trong sự mù chữ (để họ không thấy được
mặt thật các bất công xã hội). Họ sẽ ý thức được
sự cần thiết của việc biết đọc, biết viết, và nhất
là họ sẽ ý thức được khả năng có thể cải tạo hay
cải tiến xã hội của chính họ. (Vì lẽ này mà khi
phe quân nhân độc tài, độc đảng lên cầm quyền ở Ba
tây, Paulo Freire đã bị bắt giam ngay).
Phương pháp này đặc biệt
ở chỗ, là theo Paulo Freire, chỉ cần "17 chữ tạo
nghĩa" là có thể dạy người mù chữ biết đọc và biết
viết tiếng Bồ đào nha, hay tiếng Tây ban nha.
Chỉ
cần độ ba mươi giờ đồng hồ để hướng dẫn một nhóm
văn hóa từ
hai mươi đến hai mươi lăm người
từ mù chữ
đến biết đọc và biết viết, như trong chiến dịch xóa
nạn mù chữ ở Cuba. (Brown, 1975)
Paulo Freire
dùng thí
dụ chữ favela (khu nhà lá, khu nhà nghèo,
tiếng Anh là slump). Hình vẽ khu nhà nghèo, được
diễn tả, định nghĩa, và phân tách. Ðối thoại sẽ
xoay quanh vấn đề nhà ở, nước uống, sức khỏe ... Sau
đó chữ tạo nghĩa được chia ra thành âm,
rồi thay đổi mỗi
âm bằng cách thay thế
nguyên âm trong đó để làm thành
một nhóm âm tương tự.
Ba
âm của chữ fa - ve - la sẽ cho các âm fa fe fi
fo fu; va ve vi vo vu; la le li lo lu.
Sau đó cả
nhóm học
sẽ kết hợp những âm tương tự để tạo
thành những chữ mới, có nghĩa, và đưa các chữ này
vào cuộc đàm thoại, tập đặt câu, tập diễn đạt ý
nghĩ. (Phương pháp này tiếng Anh còn gọi là
Snowballing, giống như cho một nắm tuyết lăn đi sẽ
nối với tuyết khác, tăng lượng lên rất
nhanh và nhiều). 4
IV. Các giới hạn
a) Chưa thực sự
phơi trần sự bóc lột
Paulo Freire chịu ảnh hưởng tư tưởng
Karl Marx khi đề nghị khai phóng những người bị áp
bức bằng cách xóa nạn mù chữ. Paulo Freire tin là
có một sự áp bức nguyên thủy (oppression
originelle), nên ông đã không tìm
hiểu cặn kẽ sự áp bức này, mà
chỉ nói theo những nhận định tổng quát và thông
thường. Thành ra trong những sách của ông, ông chỉ
nói đến sự trực diện giữa những người bóc lột và
những người bị bóc lột,
một sự trực diện hơi đơn giản trong tình hình thế
giới ngày nay.
Ông không để ý đến những bất công
khác đã có
ở trong giai cấp những người bóc
lột, và ở trong giai cấp những người bị bóc lột.
Mãi về gần cuối đời, ông mới nói đến sự bất công vì
phái tính (nam/nữ) trong cùng một giai cấp. Cho đến
lúc đó, ông vẫn nghĩ là giai cấp bị bóc lột là thuần
nhất (homogène) và những người trong giai cấp này
chỉ phải chống chọi với giai cấp bóc lột để tự khai
phóng. Ông không thấy (giống như nhiều lý thuyết
gia khác theo chủ nghĩa xã hội cũng không thấy) cái
bản tính căn bản của con người đã không hề thay đổi,
từ trước đến giờ. Thành ra trong giai cấp cầm
quyền, bóc lột cũng có thành phần bị kèn cựa, bị bóc
lột, và trong giai cấp những người bị bóc lột, vẫn
có những người, bằng cách này, cách nọ, áp bức và
bóc lột thẳng tay người cùng giai cấp với mình.5
Ông hơn được các lý
thuyết gia phe tả trước ông khi ông nhắc nhở những
người bị áp bức phải tránh tự biến mình thành người
đi áp bức sau khi khai phóng. Ông viết "... the
oppressed, instead of striving for liberation, tend
themselves to become oppressors."
(Freire, 1970, trang 29) ... những người bị áp
bức, thay vì cố gắng để tự khai phóng, lại muốn biến
mình thành những kẻ áp bức.
b) Một phương
pháp đòi hỏi quá nhiều nơi những người phụ trách
giảng dạy
Khó mà thấy được sự bình đẳng chân
thật, không gượng ép trong mối liên hệ giữa người
học và người phụ trách lớp hay khóa học. Paulo
Freire đòi hỏi người đi học phải ý thức được là họ
thật sự bình đẳng với người phụ trách lớp học. Ðiều
này rất khó có thể xảy ra trong các xã hội vốn có sự
trọng nễ người có học. Khi người ta xóa bỏ sự trọng
nễ cố hữu đó (và chỉ có thể làm được bằng cách hạ
phẩm giá những người có học) thì người ta cũng xóa
luôn lòng ham học của mọi người trong xã hội.
Trong khi đó Paulo
Freire lại đòi hỏi những người phụ trách các lớp,
khóa học, một lý tưởng thật cao. Theo ông
"... the
task of the teacher, who is also a learner, is both
joyful and rigorous. It demands seriousness and
scientific, physical, emotional, and affective
preparation. It is a task that requires that those
who commit themselves to teaching develop a certain
love not only of others but also of the very process
implied in teaching."
(Freire,
1998a, trang 3)
(...
phận sự của người dạy học, và
người đó cũng là một người học, vừa vui vẻ, vừa rất
chính xác. Cần phải có một sự nghiêm chỉnh, một sự
chuẩn bị vừa có tính cách khoa học,
vừa bao gồm
cả thể
chất, cảm xúc và tình nhân ái. Ðó là một phận sự
đòi hỏi những người dấn thân dạy học phải có được
một sự yêu thương không phải chỉ dành riêng cho
người khác, mà phải bao gồm đến cả phương thức ẩn
tàng trong việc dạy học.)
Paulo Freire còn muốn
các sinh viên chọn khoa sư phạm phải thấu rõ chức
năng của mình, một chức năng vừa có khuynh hướng xã
hội, vừa có khuynh hướng chính trị. Theo ông, nếu
sinh viên chọn ngành sư phạm chỉ vì lương bổng
cao, hay vì không còn ngành
nào khá hơn, họ sẽ không có lý do gì để dấn thân
trong việc
cải tạo xã hội
hay cải tiến giáo dục. Nhưng
Paulo Freire không có nói đến sự đãi ngộ thích đáng
dành cho những người yêu nghề dạy học và tận tâm với
chức năng của họ. Không hiểu những người trẻ có
chia sẻ quan niệm dấn thân và hầu như bất vụ lợi đó
không ?
c. Cái khó khi
đọc Paulo Freire
Phần lớn các tác phẩm của Paulo
Freire được viết bằng tiếng Bồ đào nha. Những bản
dịch tác phẩm của ông ra tiếng Anh hoặc tiếng Tây
ban nha, rất chính xác, đầy đủ, kỹ
lưỡng và rõ nghĩa. Ðôi khi, những người dịch hiểu
tác phẩm rất rõ đến độ họ có thể dịch tựa sách không
theo nguyên tác mà theo ý chính của sách. Như
nguyên tác A sombra desta mangueira,
theo nguyên văn phải là "Dưới bóng cây xoài này" đã
được dịch là Pedagogy of the Heart có nghĩa
là "Nền giáo dục của trái tim," hay là của tấm
lòng. Phần đầu tựa sách Professora Sim, Tia Não:
Cartas a Quem Ousa Ensinar
có nghĩa "Cô
giáo, không phải là Cô, Dì"
theo tiếng Anh phải là (Professor, not Aunt: Letters
to those who dare teach) thì được đổi lại là
Teachers as cultural workers
(Cô, thầy giáo như những
công nhân viên văn hóa)
Nhưng đôi khi
cách dùng chữ Anh trong các bản dịch
cũng có thể gây ra hiểu lầm. Paulo Freire xem người
đi học là "subject" không phải là "object." Theo ý
của ông, subject phải được dịch và hiểu là chủ từ
hay là người chủ động và chữ object là người bị động
hay là người thụ động. Subject của Paulo Freire
không thể hiểu là thần dân, công dân một nước, và
object không thể hiểu là vật thể.
Ngoài ra, các thí dụ
trong sách của ông viết theo tiếng Bồ đào nha, nên
chỉ thích hợp khi áp dụng trong tiếng đó. Dịch và
đem qua áp dụng trong tiếng Anh, hay tiếng Việt, các
thí dụ đó sẽ không còn rõ ràng, hay không tạo được
hiệu quả của phương pháp giảng dạy. Như trong thí
dụ giảng những chữ cận kề nhau, Paulo Freire ghi ra
cặp chữ "tijolo" (gạch) và "tirania" (độc tài),
vốn có thể ở chung trong một trang của tự điển Bồ
Ðào nha, nhưng sẽ ở hai phần khác nhau (một thuộc
vần đ và một, vần g) trong tự điển Việt. 6
Trong tiếng Anh lại còn
cách xa nhau hơn nữa (brick và tyranny). Paulo
Freire có thấy được những điều đó,
nên đã ân cần dặn dò:
"..
Donaldo, I don't want to be imported or exported.
It is impossible to export pedagogical practices
without reinventing them. Please tell your fellow
American educators not to import me. Ask them to
re-create and rewrite my ideas.
"(Freire,
1998a, XI)
(Donaldo,
tôi không muốn người ta chỉ xuất hay nhập tư tưởng
của tôi. Không thể nào nhập các phương thức giáo
dục mà không chế biến chúng lại. Xin hãy nhắc các
nhà giáo dục ở Hoa kỳ của anh là không nên chỉ du
nhập các phương thức đó. Xin họ hãy tân tạo và viết
lại các tư tưởng của tôi.)
Ngoài các điều trên,
đôi lúc Paulo Freire cũng dường như đi ngược lại
những gì ông giảng. Taylor, (1993) cho biết trong
thực tế, phương pháp của Paulo Freire cũng nặng về
phần trang bị kiến thức cho người học, thành ra chỉ
khác phần nào về mức độ đối với hệ thống giáo dục
"nhồi nhét" (Banking System of education) mà Freire
đã cố tình loại bỏ.
d) Tính cách
khả thi của phương pháp do Paulo Freire đề xướng
Khi đã ghi nhận phương pháp của
Paulo Freire có ba điểm khó khăn trên, những nhà
giáo dục đều đồng ý là phương pháp này rất có hiệu
lực để giúp người lớn học đọc, học viết. Paulo
Freire đã nhấn mạnh đến sự tôn trọng người học và
phải tận dụng những kiến thức thực tế mà người học
đã thu đạt được. Theo ông, việc xóa nạn mù chữ
phải hướng về người học, để đáp ứng nhu cầu thực tế
của họ. Khi người học thấy được là việc học này
hoàn toàn nhắm vào phúc lợi của họ, họ sẽ tận lực
học và không tiếc đóng góp công sức vào việc học.
Sau đó, người học sẽ có thể áp dụng ngay những gì
vừa học vào đời sống hằng ngày của họ. Họ sẽ dễ
nhớ hơn, và sẽ lâu quên hơn. Và điều người phụ
trách lớp hay khóa học cần nhớ, là giữ cái căn bản
thực tế, không nhắm vào những hiểu biết mông lung,
phù phiếm, hay quá trừu tượng, hoặc giáo điều.
Áp dụng phương pháp của
Paulo Freire không đòi hỏi những người phụ trách lớp
hay khóa học phải giữ đúng từng phần của hệ thống,
hay phải theo sát từng bước một của phương pháp.
Trái lại, Paulo Freire luôn luôn nhắc nhở là phải
thay đổi, phải sáng tạo để phương pháp dạy phù hợp
và nhất là thích ứng với thực tế, thích hợp với môi
trường của người học. Thành ra người muốn áp dụng
phương pháp của Paulo Freire phải hiểu thật rõ các
nguyên tắc của phương pháp, rồi sửa đổi chi tiết để
khi áp dụng đáp ứng được nhu cầu của người học.
Chính vì thế mà Paulo Freire đã ân cần căn dặn, phải
biết phân biệt cách nói cho người học, như giảng
(talk to the learners) và cách nói với người học,
như chia sẻ (talk with the learners). Mark Gerzon
đã dựa vào lời khuyên này và đưa ra một chương trình
học hoàn toàn dựa trên một phương cách hết sức
bình đẳng và
dân chủ. (Gerzon, 1997)
Ở Ba tây,
Paulo Freire
là người đầu tiên sử dụng triệt
để các trợ huấn cụ tối tân (vào thời điểm đó) như
máy phóng ảnh, máy chiếu phim, và truyền hình trong
các khóa học xóa nạn mù chữ. Ông nhìn nhận là các
phương tiện đó còn quá giới hạn trong xã hội và chỉ
có thể được tận dụng ở thành phố mà chưa được phổ
biến rộng rãi ở thôn quê. Ðó là điều thiệt thòi cho
đa số nông dân ở vùng quê, nhất là ở những nước còn
đang tấp tểnh trên đường mở mang, khi điện và các
tiện nghi khác cho đời sống chưa được thực hiện rộng
rãi trong cả nước.
Cái hay của Paulo
Freire là trong suốt cuộc đời, ông vẫn tìm tòi, suy
xét thêm. Ðọctác phẫm của ông theo thứ tự thời gian
viết người ta thấy rõ hình thành đi lên trong suy tư
của ông. Ông vẫn chịu ảnh hưởng của Marx, nhưng
ông có được cái hy vọng đẹp hơn các nhà bình luận
quá khích thuộc phe tả như Giroux đã viết trong lời
tựa "…Freire fashions a
powerful theoretical antidote to the cynicism and
despair of many left radical critics." (Freire,
1985, trang xvii)
"... Freire đã tạo được một liều thuốc giải rất
công hiệu chống lại sự chua chát và vô hy vọng của
những nhà phê bình cực đoan phái tả.
V. Thay lời kết
Paulo Freire đã đề ra một phương
pháp dạy đọc và dạy viết rất hiệu quả và đã giúp
nông dân thoát khỏi nạn mù chữ chỉ trong vòng ba
mươi giờ đồng hồ. Tuy ông ngừng lại ở đây và không
cho biết là sau khi biết đọc rồi, người học sẽ đọc
tiếp những gì, nhưng sau đó,
có thể,
người học sẽ ý thức được khả năng của chính họ, và
nhận thức được thực trạng của họ mà tìm cách tiếp
tục học và đi lên. Họ sẽ đóng vai chủ động trong
việc cải tạo xã hội, cải tiến đời sống của họ, và
góp phần xây dựng một thế giới mới, thực sự tự do,
dân chủ, và bình đẳng. Ðó là sự đóng góp quý báu
của ông cho nhân loại.
VI
Ghi chú:
1.
Ngay như trong hai quyển Philosophie de
l'éducation (2000) và Modèles et méthodes en
pédagogie 1997, Giảng sư Franc Morandi đã viết về
Bergson, Bourdieu, Comenius, Dewey, Foucault,
Freinet, Fröebel, Montessori, Peirce, Popper,
Rabelais, Rousseau ... và hàng trăm người có đóng
góp ít nhiều vào giáo dục và sư phạm mà không hề
nhắc đến Freire.
2.
Thật ra Nhất Linh đã nói lên ý nghĩa này trong Ðôi
bạn. Dũng, con ông Tuần đã nhận xét: "Có lẽ cha
mình không độc ác. Có lẽ vì quen tay, thấy dễ tức
thì cứ tức, dễ đánh thì cứ đánh." (Văn chương Tự
Lực Văn Ðoàn, trang 320) Và còn nghiệm rằng "cha
chàng dễ đánh người ta vì đã biết chắc người dưới sẽ
yên lặng chịu đòn."
3.
Người Việt ngày trước có thể đã nói "Ông Trời muốn
như vậy." Các tiểu thuyết Ðồng quê
(giải nhất văn chương Hội Khuyến học năm 1943),
Tình quê, và Cô gái quê
của Phi Vân trong những năm 1943
- 50,
cũng nói lên phần nào sự thầm lặng chịu đựng của
nông dân và tá điền, chỉ có thầy giáo và vài thanh
niên nam nữ có học mới nhận thức được các bất công
xã hội.
4.
Tiếng Việt đơn âm nên không thể làm giống như thế.
Nhưng vì cấu trúc đặc biệt của tiếng Việt, người phụ
trách nhóm có thể đưa ra thí dụ ba chữ : mua, mới,
và xe. Rồi kết hợp ba chữ này thành bốn câu đều có
nghĩa: mới mua xe; mua xe mới; xe mới mua; xe mua
mới. Sau đó có thể nói về luật cấu tạo câu, vì hai
câu sau này: mới xe mua; và mua mới xe không có
nghĩa. Các nguyên âm Việt lại còn giàu hơn nữa.
Chữ "A" đã có a, ă, và â, và khi thêm vào năm dấu
sắc, huyền, hỏi, ngã và nặng thì tổng cộng có 18 âm
(các chữ o, ô và ơ cũng thế) thành ra dạy cho biết
viết và biết đọc tiếng Việt có lẽ phải lâu hơn ba
mươi giờ đồng hồ. Dường như trong một bản phúc
trình lâu rồi, Hội Truyền bá Quốc ngữ có cho biết
là cần khoảng ba tháng, học ba buổi một tuần, mới
biết viết và biết đọc chữ Quốc ngữ, nhưng chưa tìm
lại được tài liệu đó, xin chỉ ghi ra đây với tính
cách thông tin để độc giả tra cứu thêm.
5.
Lê văn Siêu có nêu một thí dụ như thế khi nói về vai
trò "thằng Mõ" trong làng. "Cái loại 'bần cố nông'
hay 'tam, tứ đại bần cố nông' này, cũng khôn lọt
vành ra, và kinh khủng lắm khi nó biết lợi dụng cái
thế hèn hạ của nó để bắt nạt kẻ khác." (trang 202)
6
. Tại Việt nam, ở
các vùng thôn quê hẽo lánh hay ở miền thượng du, sơn
cước, chắc khó đưa thí dụ gạch, ngói ... ra làm các
chữ tạo nghĩa, khi chung quanh chỉ toàn là nhà
tranh, vách đất, hay nhà sàn làm bằng cây ván.
Phụ bản :
Một số tác phẩm của Paulo Freire
Phần lớn các sách của ông được viết
bằng tiếng Bồ đào nha (số đầu chỉ năm nguyên tác
xuất bản, số sau chỉ năm được dịch ra tiếng Anh hay
tiếng Tây ban nha)
|
Tựa
sách |
|
Educação e atualidade brasileira |
|
1958/2001* |
Educação como prática da liberdade |
Education as a practice of freedom |
1968/1970 |
Ação cultural para a liberdade
|
Cultural action for freedom |
1968/1970 |
Pedagogía del oprimodo |
Pedagogy of the oppressed |
1968/1970 |
Extensão ou Comunicação? |
Extension or communication? |
1969/1973 |
|
The
political literacy process |
1970 |
|
Witness to liberation, in Seeing
education whole |
1970 |
Educacão como prática da liberdade |
Education for critical consciousness |
1973 |
Cartas à Guiné-Bissau |
Pedagogy in process: The letters to
Guinea Bissau |
1977/1978 |
A
importância do ato de ler |
The
importance of the act of reading |
1982/1983 |
|
The
politics of education: culture, power
and liberation |
1985 |
Educação na cidade |
Pedagogy of the city |
1991/1992 |
Pedagogía da esperança |
Pedagogy of hope |
1992/1993 |
Professora Sim, Tia Não: Cartas a Quem
Ousa Ensinar |
Teachers as cultural workers: Letters to
those who dare teach |
1993/1998a |
|
Letters to Cristina: reflections on my
life and work |
1994/1995 |
Pedagogía da Autonomia |
Pedagogy of freedom : ethics, democracy,
and civic courage. |
1997/1998b |
A
sombra desta mangueira |
Pedagogy of the Heart |
1997 |
Pedagogia da indignação : Cartas
Pedagogicas |
|
2000/2004* |
* Chỉ dịch ra
tiếng Tây ban nha.
Tài liệu trích dẫn hay tham
khảo
Brown, Cynthia. 1975. Literacy
in Thirty Hours: Paulo Freire's Literacy Process in
North East Brazil. London: Writers and Readers
Publishing Cooperative.
Freire, Paulo. 1998a. Teachers as
cultural workers: Letters to those who dare teach
(Translated by Donaldo Macedo, Dale Koike and
Alexandre Oliveira). Boulder, CO: Westview Press.
---------------- 1998b. Pedagogy
of freedom : ethics, democracy, and civic courage
(Translated by Patrick Clarke) Lanham : Rowman &
Littlefield Publishers, Inc.
---------------- 1989.
Learning to question: A
pedagogy of liberation.
(Transalted by Tony Coates) New York: Continuum
Press.
---------------- 1985.
The Politics of Education:
Culture, Power and Liberation.
(Translated
by Donaldo Macedo).
South Hadley, MA:
Bergin & Garvey Publishers, Inc.
---------------- 1973. Education for critical
consciousness. NewYork: Seabury Press.
---------------- 1970. Pedagogy
of the oppressed. (Translated by Myra Bergman
Ramos). New York: The Seabury Press (A Continuum
Book)
Freire, Paul & Donaldo Macedo.
1990. Literacy. Reading the Word & the World.
South Hadley, MA: Bergin & Garvey Publishers, Inc.
Gerzon, Mark. 1997. "Teaching
Democracy By Doing It" Educational Leadership
54:5. Feb. 1997
Giroux, H., Freire, P. & P. McLaren.
1988. Teachers As Intellectuals: Toward a
Critical Pedagogy of Learning. Critical Studies in
Education. South Hadley, MA: Bergin & Garvey
Publishers, Inc.
Horton, Myles & Paulo Freire.
1990. We Make the Road by Walking.
Philadelphia: Temple University Press.
Lê văn Siêu.
1964. Văn minh Việt nam. Los Alamitos, CA:
Xuân Thu in lại, không đề năm.
Ray, Douglas et al. 1994.
Education for Human Rights: An International
Perspective. Paris: UNESCO, International
Bureau of Education.
Schugurensky,
Daniel. (OISE/UT) Website với rất nhiều bài về
Paulo Freire:
http://fcis.oise.utoronto.ca/~daniel_schugurensky/freire/freirebooks.html
Tài liệu của UNESCO về Paulo Freire
(Pháp văn)
[http://portal.unesco.org/education/fr/ev.php-URL_ID=11819&URL_DO=DO_TOPIC&URL_SECTION=201.html]
Taylor, Paul
V.
1993.
The
Texts of Paulo Freire.
Buckingham: Open University Press.
Dien
Tran, Ph.D.
|