Christian Dior

Vietsciences-Võ Thị Xuân Sương       06/01/2008

 

Những bài cùng tác giả

 

Christian Dior (21/01/1905-24/10/1957) nhà  tái sinh hình dáng đàn bà  

 

Là một trong những nhà tạo mốt người Pháp nổi tiếng vẫn còn lưu danh đến ngày nay, Christian Dior đặc biệt tiên phong trong việc phát triển hệ thống môn bài cho vớ dài phụ nữ, mỹ phẩm và tất cả các vật dụng phụ tùng như giày, bóp, mũ... của các bộ sưu tập Dior. Ông đã tạo ra hình ảnh đàn bà Pháp là người lịch sự sang trọng, và tiếng tăm đó vẫn còn vang đến bây giờ. Xuất hiện năm 1947, rất nhanh chóng, “logo” hai chữ “CD” nằm trên mề đai kiểu thời vua Louis XVI đã vượt khỏi ranh giới nước Pháp và hoàn toàn chinh phục con tim thế giới.

 

 

 

 

 

Tuổi trẻ

 

Con trai một gia đình kỹ nghệ  nổi tiếng sáng tạo với bột giặt «Saint-Marc», Chistian   chào đời vào đầu thế kỷ 20, lúc cuộc sống Âu Châu đang bơi lội trong thời kỳ  Vàng on (Belle époque:1914), thời kỳ người ta sống an nhàn, vô ưu trong đất nước thanh bình sung túc với công nghệ mới đã bắt đầu đi vào đời sống và các sản phẩm  mỹ thuật mang hình thức tân kỳ . Như tất cả tuổi thơ nhung lụa,  Dior  bị lôi kéo tức thì vào âm nhạc, hội hoạ và đặc biệt nơi ông là sáng tạo trang phục. Có giai thoại cho rằng trong một hội chợ ở Normandie (nơi sinh trưởng, vùng bắc nước Pháp), một bà xem chỉ tay tiên đoán «quý bà sẽ làm lợi cho ông, và chính nhờ quý bà mà ông sẽ thành công». Cuộc đời ông đã chứng minh khoa chỉ tay rất lợi hại.

 

Ngay sau chiến tranh thứ nhất, ông lên Paris và kết thân với vài nghệ sĩ. Chìu lòng mẹ muốn ông theo ngành ngoại giao, ông ghi tên vào trường  Chính trị để rồi không ngần ngại bỏ học vào năm 1926, chẳng bằng cấp gì. Chính trị khô khan giấy tờ trong khi năng khiếu của ông phải trải lên vải vóc, chính trị dùng lời thì ông sử dụng kim chỉ, chính trị phải nhìn toàn bộ thế giới trong khi ông chỉ  chú tâm vẻ đẹp đàn bà...

 

 

Vào nghề

 

 Bảo tàng viện Christian Dior ở Granville

 

Năm 1928 Dior mở phòng triển lãm các hoạ phẩm của Pablo Picasso, Henri Matisse, Jean Cocteau hay cả Salvador Dali..., nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm sau đã nhanh chóng kết thúc cuộc phiêu lưu đầu đời này. Mẹ mất vào năm 1931 và bố bị sạt nghiệp vì đầu cơ nên biệt thự Granville (ngày nay là bảo tàng viện) đã phải bán cho thành phố. Riêng ông phải bỏ phòng triển lãm vì bịnh lao để rồi trong suốt 10 năm khó khăn hầu như bị bỏ bê quên lãng, Dior chỉ sống nhờ vào lòng hảo tâm của bạn bè hoặc tống tháo vài bức tranh.  Rồi ông bán vài phác hoạ đầu tiên vẽ mũ, áo sau khi đi quân dịch về vào năm 1935, và được báo  Figaro Illustré thâu dụng làm hoạ sĩ minh hoạ.   Nhờ bạn bè khuyến khích nâng đỡ, ông đã tạo mốt cho một số áo quần xi nê, sân khấu với tài năng và sáng tạo. Ông cũng thường tới lui các nhà may tiếng tăm thời ấy, bán được nhiều ký hoạ cho Nina Ricci, Balenciaga hay ngay cả cho Claude Saint-Cyr. Năm 1938, ông được một nhà Thụy sĩ thâu dụng với tính cách người tạo mốt và ký tên vào 3 bộ sưu tập. Kiểu may vải chéo lòng đôi trắng-đen là bộ tailleur  best-seller đầu tiên của Dior. Người ta bắt đầu nhắc nhiều đến tên ông thì chiến tranh thứ hai bùng nổ. Sự nghiệp của Dior có nợ với chiến tranh và chính nó đã phần nào làm chậm con đường tiến thân trong ngành ông mơ ước. Ông đầu quân dưới cờ một năm rồi giải ngủ, theo bố và em gái về miền Nam nước Pháp.  

Năm 1941 Dior trở lại Paris làm việc với Lucien Lelong, một trong những nhà may lớn nhất thời bấy giờ để rồi 4 năm sau làm quen với Marcel Boussac được mệnh danh vua vải. Ông này với bao nhiêu năm lăn lộn trong nghề và cặp mắt tinh đời đã nhìn thấy tài của Dior và tin cậy tức thì. Cũng là giai thoại, người ta cho rằng hơi dị đoan, Dior đi bói bài, bà thầy bói nói ngay «Nhận lời đi, nhận đi, ông sẽ thành lập nhà Christian Dior. Dù  điều kiện lúc đầu thế nào». Ông vua vải đầu tư 60 triệu quan, một số tiền khổng lồ vào thời ấy, và thuận lòng mở một nhà may mang tên Christian Dior, số 30 đại lộ Montaigne  gần  Champs-Elysées, khu thượng lưu trứ danh. Bằng dịp may này, Dior xả thân vào mốt và thời trang cao cấp, tha hồ để đầu óc sáng tạo tung hoành. Người ta có thể nói chính ông vua vải đã góp phần vào việc khai sinh cho ngành may mặc Pháp một tài năng hiếm hoi còn đang lận đận.  

Thành công

 

1947

 

1950

 

1950

 

           1954                             1955                      2007

Hình trích từ boomer-cafe.net

 

Và ông vua vải đã chọn đúng gà nòi : từ 3 mét cho cái robe trước kia, đến 20 mét cho một robe Christian Dior! Với chừng này vải để phần váy lớp lớp phồng phồng  chồng lên nhau, mũ sụp xuống mắt, bước đi khoan thai hờ hững... khi nó xuất hiện vào tháng 2-1947 thì không còn là giấc mơ nữa, mà thực sự là một bức tranh phúng dụ của Paris với nữ tính thể hiện tối đa, duyên dáng, quyến rũ và gợi cảm... Dior bừng lửa cho mốt thời hậu chiến với cuộc trình diễn thời trang đầu tiên đó, kết quả của lao động cật lực khẩn trương với nhóm làm việc của ông mà Pierre Cardin là thợ may đứng đầu ê kíp. Thượng đế đã sinh người đàn bà trần truồng, Dior tái sinh một người đàn bà khác hoàn toàn mới mẻ với áo quần cực kỳ lạ lẫm trong bộ sưu tập tên  Ligne Carolle ấy : eo nịt thật chặt, ngực nẩy cao tròn trịa, vai hẹp thanh nhã..., cũng phát minh chiếc váy hở đùi cách mặt đất đến 30  phân.  Một phát minh bất ngờ, táo bạo đúng là cách mạng vào thời điểm quý bà hãy còn bận váy dài sát gót. Nhìn thấy những mẫu mới này, bà Carmel Show tổng biên tập báo Harper’s Bazaar đẽ kêu lên «Christian thân mến, các kiểu áo của anh có vẻ thật là mới! »(*). Từ đó Dior đặc biệt nổi danh với style «New look» và Paris  tức thì  được xem  là thành phố của thời trang.

   Ngay khi Pháp bị Đức chiếm đóng, Dior đã thực hiện một phần giấc mơ mình vào áo quần phụ nữ và đặt người đàn bà vào trọng tâm mọi chú ý.  Ông đã cho họ có niềm vui trở lại sau những ngày tháng sống buồn bã chiến tranh và tạo cho họ vẻ khêu gợi, lôi cuốn. Quan niệm và hình ảnh liên quan đến sự xa hoa sang trọng đã huy hoàng trở lại sân khấu cuộc đời sau một thời kỳ dài bất an, lo âu và sợ hãi.  Nhãn hiệu Christian Dior được rất nhiều nhân vật tiếng tăm và trong giới truyền thông chương ra. Ông nổi danh đến nỗi được giải ««Neiman Marcus Award» (**),  là giải Oscar của Mỹ cho mốt thời trang. Nhưng Dior không ngừng đổi mới và không ngần ngại tự cho mình lỗi thời nên vào năm 1954, ông giải phóng vòng eo đàn bà với bộ sưu tập  Ligne H  bằng kiểu áo thẳng tưng không thắt nữa, cực kỳ thoải mái, xoá bỏ hết các kiểu từ trước.   Cũng theo lời khuyên của bạn bè, cùng lúc với nhà may và bộ sưu tập đầu tiên, Dior thành lập  xí nghiệp nước hoa. Đối với ông, nước hoa là «món bổ khuyết không thể thiếu cho tính cách đàn bà, là nét điểm xuyết cuối cùng của chiếc áo».  Miss Dior chào đời, thơm phức, trang trọng và sống dai dẳng đến giờ.   Là người nhìn trước thời cuộc, mở cửa hàng chưa đầy năm Dior đã ngược xuôi qua Mỹ và chinh phục thị trường ngay như bom nổ. Ông thiết lập chính sáchquảng bá tên hiệu Dior và chuyển nhượng môn bài. Với sự trợ giúp quý báu và đắc lực của giám đốc tài chính của mình, Dior đặt nền tảng cho một đế quốc thực sự. Ông định chế hoá sự trao đổi thẳng thắn và  việc cầu chứng  thương hiệu tại toà bằng cách cho thuê tên mình gắn lên những sản phẩm do các nhà kỹ nghệ khác sản xuất hàng loạt, và họ trả tiền hoa hồng theo số hàng bán được cho ông. Có phải vì vậy mà cho đến giờ Dior thường có nhiều hàng «thật giả», khác với hàng «giả-thật» của các nước Á Châu?; đây là sản phẩm về phương diện công khai thì đúng phép, thì thật, nhưng không phải từ các bộ sưu tập của nhà Dior chính cống.  Ông cũng mở nhiều văn phòng liên lạc rộng rãi với công chúng khắp thế giới, tổ chức những cuộc trình diễn thời trang  mức độ toàn cầu, ông để truyền thanh có vai trò trong các sinh hoạt ấy...    Năm 1957, nhà may Dior bảo đảm phân nửa số hàng xuất khẩu của ngành may mặc  Pháp và Time Magazine để ông chễm chệ lên trang nhất. Chỉ trong 11 năm, hoạt động của ông trải rộng trong 15 quốc gia và tạo công ăn việc làm bảo đảm cho hơn hai ngàn công nhân. Tháng 10, ông bị sét đánh khi đi nghỉ ngơi ít ngày bên Ý, mang xuống mồ niềm hối tiếc duy nhất là không thiết kế quần jean .  Người ta kháo nhau «Chúa triệu ông lên trời để may mặc lại cho các thiên thần». Từ 1955 như có sự sắp đặt của định mạng, Dior đã lưu ý và chọn Yves Saint Laurent làm phụ tá tạo mẫu, để rồi khi cái chết thình lình của Dior làm bàng hoàng tầng lớp thượng lưu thế giới thì Yves chưa tròn 21 tuổi đã bỡ ngỡ đảm đương cơ nghiệp Dior, trẻ trung táo bạo.  

Là người kín đáo, cô đơn và nhút nhát với tài năng ngoại hạng, Dior cũng là người hào hiệp và vui tính. Từ giã cuộc đời ở tuổi 52 lúc sức sáng tạo còn sung mãn, Dior không những đã để lại tiếng tăm cho giòng họ và để lại sau lưng mình một  thương hiệu thực sự trong lịch sử thời trang cao cấp Pháp, mà còn tạo công ăn việc làm cho không biết bao người từ đó đến giờ, bởi vì dù thân xác Dior đã mục rữa dưới lòng đất với thời gian, linh hồn Dior vẫn còn ngự trị trong 160 cửa tiệm và lòng người tiêu dùng khắp thế giới.  Christian Dior cũng không chỉ là tên của một nhà tạo mốt nữa, mà là một xí nghiệp quốc tế dùng đến 56 000 nhân công với thương số hằng năm gần hai mươi triệu đô-la. Và con số này mỗi ngày một tăng không ngừng nghỉ.     Xuân Sương Paris, juin 2007

Đã đăng trên AMVC

 

(*)

(**) giải này thành lập năm 1938

Xem sưu tập  hàng Dior:

http://fashion.dior.com/dior-shopping.html

 

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Võ Thị Xuân Sương