"Modern Times" và Charlie Chaplin
Cách đây 70 năm, vào ngày 5 tháng 2 năm 1936
cuốn phim "Modern Times" của Charlie Chaplin được
ra mắt công chúng lần đầu tiên tại New York (tên Việt ngày
xưa là "Thời đại tân kỳ"). Hình ảnh của vua hề Charlot mà chắc ai có coi qua
cũng còn nhớ là hình ảnh của một anh chàng lang thang, để kiếm ăn phải vào làm
việc trong một cơ xưởng máy móc tối tân và cứ phải quần quật xiết hết con ốc này
đến con ốc khác đến mức phát khùng. Trong cuốn phim này Chaplin châm biếm xã hội
kỹ nghệ, lột ra những mặt trái chua chát của "thế giới tân kỳ" mà máy móc gần
như chế ngự con người. "Thời đại tân kỳ" cũng là cuốn phim câm cuối cùng của
Chaplin và của kỹ nghệ điện ảnh. Thật ra thì 1936 loại phim "có lời" đã xuất
hiện được gần 10 năm rồi, nhưng Chaplin vẫn không đem đối thoại vào vì muốn bảo
tồn kịch tính của vai trò anh chàng lang thang của mình - với bộ mặt ngớ ngẩn và
đốm ria mép tiêu biểu, với dáng vẻ lạch bạch như con chim cánh cụt trong bộ áo
đuôi tôm, với chiếc nón quả dưa, ống quần thùng thình và cây gậy lắc lửng trên tay. Sau này ông kể
lại: "Tôi sớm hiểu là lời nói sẽ làm cho tôi đánh mất sự hùng biện của vai trò
này".
Charlie Chaplin là một nghệ sĩ đa diện đa tài. Ông viết kịch bản, làm đạo diễn,
viết nhạc phim, điều hành sản xuất và phát hành phim, cùng lúc lại là diễn viên chính trong các cuốn phim của mình (và
còn đóng nhiều vai trong hàng trăm phim khác nữa). Ông là chân tài diễn xuất,
nhất là vai hài, cả đến các thế hệ nghệ sĩ ngày nay người ta vẫn kính phục và
học hỏi bắt chước. Mặt khác ông lại rất chi li, làm gì cũng muốn tuyệt bích,
cộng tác làm phim với ông có khi là cả một sự khổ sở chịu đựng. Lúc thì ông làm
ẩn sĩ để miệt mài trau chuốt vai trò và truyện phim, lúc thì tên tuổi ông đầy
giẩy trên các báo lá cải vì chuyện ái tình lăng nhăng. Khi thì ông là thần tượng
của công chúng, khi thì bị xã hội Mỹ xua đuổi phải trở về Âu châu lánh cư. Cuốn
phim "Thời đại tân kỳ" là một trong những cuốn phim thành công nhất của Chaplin,
nó diễn tả được tâm tư của ông trong bối cảnh xã hội Mỹ thời những năm 1920-30:
kinh tế suy sụp, thất nghiệp, nghèo đói, trong các hãng xưởng máy móc ngày càng
nhiều, chiếm lĩnh cơ hội làm việc của thợ thuyền hay làm cho họ biến thành thứ
cấp.
"Thời đại tân kỳ" cũng là cuốn phim cuối với vai trò anh chàng lang thang
của Chaplin, một thanh niên dễ thương nhưng vụng về, xui xẻo, cứ hết tai này thì
đến họa khác. Xiết ốc quần quật cả buổi đến nhập tâm, lại bị đem ra thí nghiệm
với cái máy đút ăn, anh công nhân đáng thương cuối cùng cũng phát khùng. Vừa ra
khỏi nhà thương điên, thấy chiếc xe tải chạy ngang văng mất chiếc khăn đỏ để cột
làm dấu hiệu cho đồ chuyên chở cồng kềnh, anh ta lượm lên chạy theo thì bị cảnh
sát ập đến bắt vì tình nghi là tay hoạt động cộng sản!
Nhưng cạnh đó "Thời đại tân kỳ" còn kể lại chuyện tình giữa anh chàng lang thang
Chaplin và một cô bé vất vưởng không nhà Paulette Goddard. Cùng cảnh túng quẩn
như nhau, hai người yêu nhau, chia sẻ với nhau từng bữa đói no, kéo nhau đứng
dậy sau những lần té ngã, hay giúp nhau trốn chạy khỏi sự truy lùng của cảnh
sát. Tuy vậy họ hoàn toàn không đóng vai trò nạn nhân của xã hội mà ngược lại là
biểu tượng cho những tâm hồn tự do cuối cùng khi mà máy móc bắt đầu chế ngự cuộc
sống con người. Và anh chàng lang thang cô độc cuối cùng đã có bạn đồng hành,
trong cảnh cuối của phim họ nắm tay nhau cùng đi ra khỏi "Thời đại tân kỳ"...
Ngoài đời Paulette Goddard cũng trở thành người yêu của Charlie Chaplin và sau
khi công chiếu "Thời đại tân kỳ" trở thành người vợ thứ ba của ông. Cuộc hôn
nhân này tuy khá hạnh phúc nhưng không bền lâu, chỉ vài năm sau hai người đã ly
dị, song vẫn còn là bạn thân rất lâu. (Paulette Goddard còn đóng nhiều phim nổi
tiếng khác và về sau trở thành vợ của Erich Maria Remarque, nhà văn Đức viết tác
phẩm "Im Westen nichts Neues" - "Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh".)
Charlie Chaplin (hay còn được biết đến dưới tên Charlot, sau này còn được phong
Sir Charles Chaplin) tên thật là Charles Spencer Chaplin, sinh ngày 16 tháng 4
năm 1889 tại London, Anh quốc. Cha mẹ ông, Charles và Hannah
Chaplin, là ca sĩ nhạc thính phòng ở Music Hall
nhưng không mấy nổi tiếng và đã thôi nhau vài năm sau sinh ra ông. Charlie Chaplin
lớn lên cùng người anh cùng mẹ khác cha
là Sydney J. Hill (sau cũng đổi họ thành Chaplin). Ở với mẹ hai anh em Chaplin
đã nếm qua cảnh túng quẩn rất sớm, năm 5 tuổi Charlie đã có lần phải lên hát thế mẹ vì bà
lâm bệnh. Năm 9 tuổi cậu bé Charlie đã nhập nhóm "The Eight Lancashire Lads" lên sân khấu London
rồi từ đó cùng đi theo các đoàn hát lưu diễn khắp nơi. Sidney vì muốn đùm bọc em nên cũng đi theo con đường kịch nghệ và
gia nhập đoàn hát Fred Karno, là một trong những đoàn kịch thành công nhất Anh quốc thời đó.
Vài năm sau Sidney đã trở thành nghệ sĩ chính của đoàn và tìm cách đưa em mình vào cùng cộng tác.
Mùa thu 1912, trong đợt lưu diễn tại Mỹ (đi cùng còn có Stan Laurel sau này
cũng rất nổi tiếng về phim giễu), Charlie Chaplin được hãng phim Keystone mời ở lại cộng tác và chỉ
một thời gian ngắn sau đã thành danh và được các hãng phim khác đua nhau mời cộng tác.
Năm 1915 Charlie đổi sang hãng Essanay và giới thiệu Sidney ở lại cộng tác với Keystone.
Chỉ từ khoảng 1913 đến 1916 Chaplin đã đóng gần
50 phim và dần đần nổi tiếng khắp thế giới, nhất là với hình ảnh kẻ lang thang
bất tử của ông xuất hiện đầu tiên trong phim "The Tramp". Từ đó Chaplin được
phép tự dàn dựng và thủ diễn các cuốn phim mới. Ông là diễn viên đầu tiên trong
lịch sử điện ảnh được trả tiền đến cả triệu đô la (năm 1917!). Năm 1919 ông cùng Mary Pickford và hai
đồng nghiệp khác đứng ra lập hãng phim United Artists để tạo điều kiện cho nghệ sĩ có thể tự đứng ra thực hiện
phim mà không phải chịu ảnh hưởng của các hãng phim tên tuổi. Đây là cũng là một đóng góp không nhỏ
của Chaplin cho sự phát triển
của kỹ nghệ điện ảnh Mỹ.
Phim của Chaplin rất đơn giản, thường chỉ xoay quanh cuộc sống của những con người bình thường, nhỏ bé, nhưng cả những
lúc khốn khổ hay sa cơ thất thế vẫn giữ con tim đôn hậu, nồng ấm. "The Kid" (Gà trống nuôi con) đề cao tình người
trong chốn cùng khó, anh chàng lang thang tảo tần nuôi nấng cho đứa bé bị người khác bỏ rơi để rồi sau đó bị quyền lực
của đồng tiền giành lại. Trong "City Lights" (Ánh sáng thị thành) Chaplin kể lại tấm lòng chân thật của
anh chàng lang thang với cô gái mù bán hoa, mối tình nghèo nhưng vẫn đẹp hơn những bao nhiêu chuyện tình hào nhoáng khác
của Hollywood (năm 1998 "Ánh sáng thị thành" được American Film Institute tuyển chọn vào số 100 phim Mỹ hay nhất cổ kim).
Tuy Chaplin lấy chủ đề xã hội, nhưng phim của ông lúc nào cũng bừng lên niềm yêu đời lạc quan, anh chàng lang thang dù
có vấp ngã bao nhiêu thì cũng vẫn đứng dậy, phủi chiếc nón quả dưa và lạch bạch bước đi cho đến lần cuối trong
"Thời đại tân kỳ".
"Thời đại tân kỳ" đánh dấu bước ngoặc trong sự nghiệp phim ảnh của Chaplin
vì sau phim này ông chuyển qua làm phim có lời. Năm 1939 Chaplin thực hiện
cuốn phim "The Great Dictator", trong đó ông vạch rõ và chế nhạo tham vọng điên
rồ của Adolf Hitler (người sinh gần như cùng ngày với Chaplin và mang bộ râu
mép giống hệt chàng Charlie lang thang trong phim). Cũng vì cuốn phim này mà
Chaplin bắt đầu gặp khó khăn với chính quyền và xã hội Mỹ, lúc bấy giờ vốn vẫn
thân thiện với Hitler và muốn kiểm duyệt không cho trình chiếu phim này. Các
hãng xưởng lớn của Mỹ lúc đó vẫn sản xuất và cung cấp cho Đức Quốc Xã - đứng đầu
là General Motors - ngay cả khi phần lớn Âu châu đã bị xâm chiếm. Những kỹ nghệ
gia hàng đầu như Henry Ford hay những nhân vật tên tuổi của Hollywood như Walt
Disney đều công khai tán thưởng chính sách bài Do Thái của Hitler, ủng hộ ra mặt
Đức Quốc Xã và - ngược lại với Chaplin - vận động hết sức để ngăn cản chính phủ
Mỹ tham chiến. Tuy "The Great Dictator" được quần chúng Mỹ nồng nhiệt đón nhận
và đạt được số thu lớn nhất trong các phim của Chaplin, nhưng phải đợi đến vụ
Trân Châu Cảng (Pearl Harbor) Hoa Kỳ mới thật sự quyết tâm nhảy vào vòng chiến.
Lời sau cùng của anh thợ cạo Do thái (bị
nhận lầm là tên độc tài Adenoid Hynkel)
trong phim "The Great Dictator"
(Chaplin, 1940)[...] Chúng ta đều muốn giúp đỡ lẫn nhau, bản
chất con người vốn là như vậy. Chúng ta đều muốn sống bên hạnh phúc của
mỗi người chứ không trên sự đau khổ của kẻ khác. Thế giới này có đủ chỗ
cho mọi người và trái đất này thừa sức nuôi sống mọi người.
Cuộc sống có thể tự do và đẹp đẽ biết bao.
Nhưng chúng ta đã đi lạc đường. Sự tham lam đã đầu độc đầu óc con người,
đã đem thù hận rào cản thế giới, đã đẩy chúng ta vào nghèo khó và giết
chóc với từng gót giầy rầm rập của binh lính. Chúng ta tạo ra phương
tiện di chuyển ngày càng nhanh nhưng trong tâm khảm lại đứng yên một
chỗ. Chúng ta có máy móc để sản xuất thừa mứa nhưng vẫn chưa thấy thỏa
mãn. Chúng ta hiểu biết nhiều nhưng vẫn cay độc, chúng ta khôn khéo
nhiều cũng chỉ để đè ép nhau. Chúng ta nghĩ nhiều nhưng cảm quá ít. Máy
móc để làm gì trong khi chúng ta cần tình người nhiều hơn. Khôn khéo để
làm gì trong lúc chúng ta cần cảm thông nhiều hơn. Nếu không cuộc sống
này sẽ đầy bạo lực và rồi mọi thứ sẽ bị hủy diệt. [...]
(dịch từ:
http://www.americanrhetoric.com/MovieSpeeches/moviespeechthegreatdictator.html)
Thực ra Chaplin đã trở thành cái gai trong mắt chính quyền Mỹ từ lâu vì các phim
trước của ông ("Thời đại tân kỳ" cũng trong số đó) đã châm biếm hệ thống xã hội
Mỹ rất nhiều. Từ năm 1947 Chaplin liên tục bị HUAC (House of Un-American
Activities Committee) thẩm vấn và chính J. Edgar Hoover, người đứng đầu FBI, tìm
mọi cách rút quyền cư trú ở Mỹ của ông. Trong khi đó Chaplin chưa bao giờ hoạt
động chính trị hay tham gia bất cứ đảng phái hay tổ chức nào. Chỉ vì từng trải qua tuổi thơ nghèo khổ - cả khi nổi tiếng và
trở thành triệu phú ông vẫn giữ cách sống rất đơn giản - nên bối cảnh và nhân
vật trong phim ảnh của ông thường in đậm các vấn đề xã hội. Thêm vào đó Chaplin,
với tâm hồn nghệ sĩ yêu chuộng tự do, không hề đặt nặng tinh thần quốc gia như
số đông người Mỹ, cho nên dù đã sống và làm việc nhiều thập niên ở đất nước này
ông vẫn không xin nhập tịch. Năm 1952, thừa dịp ông sang Anh quốc, Hoover không
cho ông vào Mỹ trở lại vì lý do "hoạt động chống lại Hoa Kỳ", mặc dù
hoàn toàn không có chứng cớ gì để buộc tội Chaplin. Buồn chán vô hạn, Chaplin và gia đình quyết định
ở lại Âu châu, và từ đó định cư tại Thụy sĩ (vợ ông sau đó đã chính thức từ bỏ quốc tịch Mỹ
để phản đối).
Nhưng không như FBI mong đợi, hình ảnh của Charlie Chaplin vẫn không giảm sút chút nào
trong lòng quần chúng Mỹ. Năm 1963 đại hội phim của Chaplin tổ chức ở New York thành công rực rỡ.
Nhưng mãi đến năm 1972 ông mới quay về Mỹ để nhận giải Oscar danh dự
"về những thành quả vô kể gầy dựng điện ảnh
thành môn nghệ thuật hàng đầu của thế kỷ hai mươi", với sự hoan nghênh lớn nhất và nồng nhiệt nhất trong
lịch sử điện ảnh và các giải thưởng Oscar. Tuy vậy cũng vẫn còn một số người vẫn chống đối ra mặt như
thống đốc California lúc đó là Ronald Reagan (còn tổng thống đương thời Richard
Nixon là người khi xưa đứng đầu HUAC và chính tay làm khó dễ Chaplin rất nhiều thì đang bận rộn với vụ
Watergate nên không thấy lên tiếng).
Báo chí và dư luận Mỹ một phần đề cao những thành công về điện ảnh của Chaplin,
nhưng cũng thường phanh phui chuyện đời tư khá sóng gió của ông. Thời đó xã hội
Mỹ còn khá khắc khe với vấn đề đạo đức chứ không như bây giờ, nhất là đối với
những người công chúng biết đến. Năm 1915 khi vừa bắt đầu nổi tiếng Chaplin đã
bị đồn đại là có quan hệ vụng trộm với cô đào Edna Purviance đóng chung. Rồi
1918 anh thanh niên 28 tuổi Chaplin cưới cô Mildred Harris, khi ấy mới 16 tuổi!
Nhưng chỉ 2 năm sau thì họ đã chia tay. Sau khi quay cuốn phim "Gold rush" năm
1924, Chaplin phải cưới cô Lita Grey cùng đóng trong phim này, khi đó cũng mới
16 tuổi, vì cô đã mang thai với ông! Nhưng cũng chỉ đến 1927 thì hôn nhân này
cũng tan rã, và dịp này báo chí bươi móc các chuyện riêng tư thầm kín của
Chaplin làm dư luận lên án ông gắt gao. Do đó mà khi quen và cưới Paulette
Goddard năm 1936, hai người giữ bí mật cho đến khi chia tay nhau năm 1942. Cuộc
hôn nhân thứ tư với Oona O'Neill mới thực sự đem lại hạnh phúc lâu dài, hai
người có với nhau 8 người con. Con gái đầu lòng của họ chính là Geraldine
Chaplin, sau cũng trở thành diễn viên điện ảnh nổi tiếng.
Chaplin giao lưu với rất nhiều văn nghệ sĩ đương thời khắp thế giới và trong số
này có nhiều người trở thành bạn thân của ông như Pablo Picasso, Louis Aragon, H.G. Wells.
Ngoài ra, trong số thân hữu lâu năm của Chaplin còn phải kể đến Albert Einstein
và Sir Winston Churchill, là những người đã ảnh hưởng không ít đến quan điểm chống phát xít của Chaplin. Tuy vậy, danh tiếng của Chaplin cũng làm cho không ít
người ghen ghét và hãm hại. Trong số này có cả Walt Disney - dù từ thuở nhỏ đã
rất hâm mộ Chaplin và về sau được Chaplin ủng hộ rất nhiều trong sự nghiệp điện
ảnh - là một trong những đồng nghiệp Hollywood cộng tác với FBI để vu cáo cho
Chaplin (như hồ sơ FBI sau này công bố).
Ngoài tài năng diễn xuất, Chaplin còn chơi thông thạo nhiều nhạc cụ như vĩ cầm và cello. Nhà ông ở California còn
có một đại phong cầm mà ông thường đàn khi bạn bè đến thăm. Ngoài ra ông còn sáng tác nhạc, nhất là nhạc phim của chính ông,
nổi tiếng nhất là bài "Eternally" trong cuốn phim cuối cùng ông thực hiện tại Mỹ là "Limelight"
(Ánh đèn màu). Ông còn viết sách (hai cuốn ghi lại những chuyến đi lưu diễn thế giới, viết trước thế chiến thứ hai, và một
hồi ký năm 1964) và xuất bản một tập hình lưu niệm đời làm phim.
Charlie Chaplin mất ngày Giáng Sinh 1977 tại Corsier-Sur-Vevey, Thụy Sĩ, nơi ông cư ngụ cùng gia đình từ ngày rời Mỹ.
Theo dự tính, viện bảo tàng Charlie Chaplin sẽ mở cửa tại đây vào cuối năm 2006.
Năm 1989 nhiều nơi trên thế giới kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chaplin. Ở London, công nương Diana tổ chức dạ hội
vinh danh người nghệ sĩ
kỳ tài này. Ở Pháp, bộ trưởng văn hóa Jack Lang tổ chức một cuộc hội thảo quốc tế về Charlie Chaplin.
Ở Nga, Raisa Gorbachyova
đặc biệt tham dự buổi trình chiếu cuốn phim "The Great Dictator" trong Đại hội phim Moskva (có lẽ đây là lần đầu tiên
công chúng ở Nga được coi phim này). Duy chỉ có thủ đô bên bờ
Potomac là im hơi lặng tiếng...
Mặc dù vậy, Charlie Chaplin vẫn là diễn viên điện ảnh đầu tiên được đăng trang bìa tuần báo Time
(1925) và sau này được báo này bình chọn là một trong 100 danh nhân của thế kỷ 20.
Năm 1931 Chaplin được phong Chevalier de la Légion d'honneur của Pháp (1971 thăng lên Grand
officier), năm 1975 được Nữ hoàng Anh tấn phong Knight Commander of the British Empire. Chaplin còn được tặng học vị
tiến sĩ danh dự của đại học Oxford và đại học Durham năm 1962. Nhưng
chắc điều ông hài lòng nhất vẫn là được vĩnh viễn nhớ tới trong vai trò bất tử của
một chàng lang thang ngờ nghệch giữa "thời đại tân kỳ".
|