Alfred Nobel
(1833-1896)
Vua
thuốc nổ, người thành lập
giải thưởng Nobel
Trên thế giới hiện nay có loại giải
thưởng danh tiếng nhất: Giải Thưởng Nobel. Ông
Alfred Nobel đã đặt ra các giải thưởng này để
khuyến khích mọi người mang lại Hòa Bình và Hạnh
Phúc cho Nhân Loại. Trong đời ông, ông Nobel đã
từng bị dày vò vì sự tàn phá của chất nổ dùng
không đúng cách và nhiều lần hối hận về các phát
minh của mình.
1/ Cuộc đời của Alfred
Nobel.
Alfred Nobel là con thứ ba trong bốn người con
của ông Emmanuel Nobel. Alfred ra đời vào ngày
21 tháng 8 năm 1833 tại Stockholm, nước Thụy
Điển. Ngay từ thuở nhỏ, Alfred được mẹ chăm sóc
từng bước vì thể chất mỏng manh. Cha của Alfred
là một kỹ sư tài giỏi, đã truyền lại cho con trí
thông minh, tính cần cù và lòng quả cảm.
Năm Alfred chào đời cũng là năm ông
Emmanuel bị phá sản, gia đình Nobel thường phải
dọn nhà nhiều lần vì không có khả năng trả tiền
thuê nhà. Mấy năm sau, khi ông Emmanuel đang thí
nghiệm về vài hóa chất kỳ lạ thì một tiếng nổ
lớn phát ra, khiến cho các cửa sổ của căn nhà kế
bên bị vỡ tung. Gia đình Nobel vì vậy được lệnh
phải rời khỏi thành phố Stockholm. Trong khi ông
Emmanuel đang lo sợ bị các chủ nợ đưa ra tòa thì
một thám tử người Nga tới gặp ông. Nhân viên này
nghe đồn ông Emmanuel đã làm ra được một thứ
thủy lôi nên mời nhà phát minh tới Saint
Petersburg để trình bày trước Sa Hoàng Nicholas
I. Ông Emmanuel liền mang sáng chế của mình sang
nước Nga. Sau cuộc biểu diễn, chính quyền Nga
bằng lòng xuất tiền cho ông lập ra một cơ xưởng
tại Saint Petersburg nhưng với điều kiện các
phát minh đều thuộc về nước Nga.
Ông Emmanuel tới nước Nga khi Alfred
mới lên 4 tuổi. Trái với các anh em trong nhà,
Alfred rất yếu đuối. Cậu bị yếu xương sống, lại
mắc thêm chứng nhức đầu và đau dạ dày. Năm lên 8
tuổi, Alfred theo học tại một trường tư ở
Stockholm trong một năm rồi ông Emmanuel cho
người về đón cả nhà dọn sang nước Nga. Tại thành
phố Saint Petersburg, ông Emmanuel đã thuê thầy
giáo dạy các con tại nhà về các môn văn chương,
sinh ngữ và toán học. Trong số các con, ông
thương yêu Ludwig vì cho rằng người con thứ hai
này thông minh nhất.
Khi Alfred 16 tuổi, ông Emmanuel
nghe nói một người đồng hương với ông là John
Ericsson đã di cư sang New York và đã thành công
về một thứ động cơ nhiệt. Thêm vào đấy, danh
tiếng của Ericsson về chiếc tầu thủy Monitor đã
khiến cho ông Emmanuel quyết định gửi một đứa
con qua Hoa Kỳ theo học về động cơ dùng cho tầu
biển. Vì không thể sống xa Ludwig, ông Emmanuel
đã cho Alfred đi học cơ khí tại xưởng máy của
Ericsson. Nhưng Alfred đã không sống tại New
York được lâu bởi vì bản tính hay gắt gỏng và
lệch lạc của ông Ericsson trong khi Alfred lại
là con người kém kiên nhẫn.
Sau khi làm xong tờ báo cáo về chiếc
động cơ mà cha đã quan tâm, Alfred trở về Pháp.
Tại thành phố Paris, Alfred đã yêu tha thiết một
thiếu nữ nhưng cô này chết yểu. Quá chán nản,
Alfred quay về cơ xưởng của cha để làm việc cho
quên tất cả nỗi buồn phiền.
Khi gần 20 tuổi, Alfred Nobel đã nói
và viết được nhiều thứ tiếng: Pháp, Anh, Nga rồi
mấy năm sau, lại thông thạo thêm các tiếng Đức
và Ý. Do thể chất còn yếu đuối, Alfred phải nằm
hàng giờ mà đọc sách nhưng chính nhờ thế mà cậu
xuất sắc hơn các bạn. Chính tại nước Nga hồi 20
tuổi, Alfred Nobel đã bị ám ảnh bởi một thứ chất
nổ ghê gớm. Một hôm, trước một số sinh viên
trong phòng thí nghiệm của Đại Học Đường Saint
Petersburg, Giáo Sư Sinin để một chất hơi đặc,
không màu lên trên một cái đe rồi lấy búa đập:
một tiếng nổ phát ra. Đập vào chỗ khác lại có
tiếng nổ khác và Giáo Sư chứng tỏ rằng tiếng nổ
sinh ra tại nơi đập. Giáo Sư Sinin bảo các sinh
viên:"chất nổ trông giống như dầu sà lát này tên
gọi là Nitroglycérine. Vào năm 1846, Giáo Sư
Ascanio Sobrero người Ý, đã phát minh ra nó
nhưng ông ta bỏ dở công trình vì xét ra quá nguy
hiểm".
Cuộc chiến tranh giữa các nước Nga
và Anh Pháp bùng nổ. Alfred cùng ba anh em là
Robert, Ludwig và Emil giúp cha trong việc chế
tạo máy móc và khí giới. Xưởng cơ khí của ông
Emmanuel vào thời kỳ này rất phát đạt, hàng ngàn
thợ làm việc quần quật ngày đêm mà không sản
xuất đủ khí giới tung ra các mặt trận. Alfred
say mê nghề nghiệp, không lúc nào rời cơ xưởng.
Chàng thường ăn và ngủ ngay tại nơi làm việc.
Trận chiến tranh Crimea (1853-56)
[1] đã đến lúc
kịch liệt rồi pháo đài Sebastopol đang bị công
phá càng làm tăng thêm số đơn đặt mua võ khí.
Khi tấn công hải cảng Kronstadt, hạm đội Anh đã
đụng phải thủ lôi của ông Nobel và đành phải rút
lui. Các sáng kiến của ông Emmanuel đã khiến cho
ông được Sa Hoàng gắn huy chương và lại được
trao tặng một chiếc đồng hồ vàng. Gia đình Nobel
vì vậy càng thêm giàu có, sang trọng.
Lúc chiến tranh chấm dứt, chính
quyền Nga không mua võ khí nữa làm cho gia đình
Nobel lâm vào tình trạng khủng hoảng vì ông
Emmanuel đã bỏ rất nhiều tiền vốn vào một cơ
xưởng mới. Người nâng đỡ nhà phát minh là Sa
Hoàng Nicholas I đã từ trần trong khi Sa Hoàng
Alexander lại hủy bỏ các giao kèo chế tạo súng
trường. Thêm vào đó, các người chung vốn hùa
nhau đòi lại tiền làm cho gia đình Nobel thêm
bối rối. Alfred được cha giao việc đi vay mượn
tại châu Âu.
Sau rất nhiều lần thất bại, năm 1861
Alfred vào yết kiến Vua Napoléon Đệ Tam vì vào
thời bấy giờ, vị vua này đang nổi danh là người
hảo tâm. Alfred được trợ giúp 100 ngàn quan
nhưng rồi sang năm sau, ông Emmanuel vẫn phải
nhượng lại cơ xưởng của mình cho các chủ nợ, rời
khỏi nước Nga, cùng vợ và người con út trở về
Stockholm. Alfred lưu lại Nga với hai người anh
lớn.
Khi về tới Thụy Điển, ông
Emmanuel lại bắt tay vào việc tìm kiếm chất nổ
mới để khai phá hầm mỏ và đã tìm ra hai chất
mạnh gấp đôi thuốc súng: một chất là hỗn hợp của
thuốc súng với acít chlorhydric còn chất kia là
thuốc súng trộn với dầu nổ. Khi được thư của cha
cho biết việc này, Alfred vội vàng về
Heleneborg, lòng đầy tin tưởng. Tới nơi, Alfred
thử lại thì bị thất vọng. Chất thứ nhất làm
không xuể còn nitroglycerine trộn với thuốc súng
thì chỉ nổ khi mới pha, hai giờ sau sức nổ giảm
đi rồi để lâu nữa thì chỉ cháy bùng như thuốc
súng vậy. Có khi một lọ đựng chất nitroglycerine
rơi xuống đất mà không phát nổ, lại có khi khẽ
đụng vào lọ đã làm cho chất đó nổ tung rồi.
Alfred Nobel đã làm rất nhiều
thí nghiệm với chất nitroglycerine. Ông đổ chất
này vào ống thủy tinh rồi đậy nút, cho vào một
ống thiếc đựng thuốc súng, châm lửa rồi quăng
vào nước. Một tiếng nổ lớn phát ra, làm bắn vọt
nước lên cao chứng tỏ rằng nitroglycerine và
thuốc súng đã nổ. Ông làm lại thí nghiệm rất
nhiều lần, với các chất pha trộn khác nhau rồi
nghĩ ra cách làm hạt nổ bằng fulminat thủy ngân.
Ngày nay, phát minh này vẫn còn là căn bản cho
việc dùng nitroglycerine và dynamite.
Vào tháng 8 năm 1863, Alfred
Nobel được giấy phép chế tạo chất nổ bằng thuốc
súng theo phương pháp mới song lúc nào ông cũng
lưu tâm đến việc làm nổ nitroglycerine nguyên
chất. Không lúc nào ông ngừng thí nghiệm. Ông
chinh phục dần dần được chất nổ này. Việc sản
xuất chất nổ gia tăng đã mang lại cho ông các
mối lợi lớn. Thụy Điển và Phần Lan là hai nước
đầu tiên dùng chất nổ của Alfred Nobel để khai
phá hầm mỏ. Các nước Anh và Pháp gửi giấy mời
nhà phát minh sang biểu diễn còn các chủ nhân
của những hầm mỏ tại nước Bỉ và xứ Bohême gửi
rất nhiều đơn đặt mua chất nổ. Nhưng chất nổ của
Nobel không phải là không mang lại các tai họa.
Ngày 3 tháng 7 năm 1864,
xưởng của Alfred Nobel tại Heleneborg-sur-Soder
phát nổ, làm cho 4 người chết: Emil, người em
ông, một thợ máy, một người làm công và một bà
giúp việc vặt. Sau cuộc điều tra, Alfred bị cấm
không được chế tạo chất nổ tại nơi này nữa. Tuy
bị đóng cửa xưởng chế tạo nhưng Alfred vẫn cố
gắng. Ông cùng hai người khác lập ra một xưởng
mới với tiền vốn là 125 ngàn đồng kronors. Vì bị
cấm làm xưởng trong khu vực Stockholm, Nobel đặt
xưởng chế tạo trên một chiếc bè nổi giữa hồ. Ông
vừa là hóa học gia, nhà sản xuất, vừa là kế toán
viên. Ông Nobel làm việc không ngừng vì lúc nào
cũng muốn chứng minh rằng dầu nổ của ông không
nguy hiểm. Lúc đầu, tiền vốn cạn hết, rồi tiền
mua quyền khai thác của nước Na Uy đã khiến cho
ông trả hết nợ.
Việc dùng nitroglycerine bắt
đầu thịnh hành. Chính quyền Thụy Điển đã sử dụng
chất nổ này vào việc đào một đường hầm tại
Stockholm. Trong vòng một năm, các nước Na Uy,
Thụy Điển, Phần Lan, Đức, Đan Mạch đã có những
xưởng chế tạo nitroglycerine. Các kết quả mang
lại thực là rực rỡ.
Nhưng từ ngày 11 tháng 12 năm
1865, các thảm họa bắt đầu xẩy ra liên tiếp. Vào
ngày hôm đó, con tầu Mosel đậu tại hải cảng
Bremerhaven phát nổ làm 184 người bị thương, 28
người chết. Gây ra thảm họa này là tên William.
Tên này cũng bị thương nặng nên trước khi chết,
y có thú nhận rằng y làm cho tầu phát nổ vì đã
bảo hiểm hàng hóa trên tầu. Y đã dùng một quả
bom chứa chất nitroglycerine và quả bom này đã
nổ trước kỳ hạn. Tên lưu manh này đã dùng phát
minh của Alfred Nobel vào việc phá hoại.
Lại một buổi sáng khác, xưởng
chế tạo của ông Nobel tại Na Uy nổ tan thành
bụi. Một tuần lễ sau tại Silesie, một nhân viên
hỏa xa chặt một khúc nitroglycerine đông đặc:
người ta tìm thấy chân nạn nhân bị bắn đi quá
một cây số sau tiếng nổ. Vào hai tháng 3 và 4
năm 1866, tại Sydney có 80 người chết vì chất
nitroglycerine, 120 người chết trong một kho
hàng tại San Francisco và các căn nhà kế cận bị
sụp đổ, rồi 70 thùng nitroglycerine nổ tung trên
một con tầu biển bỏ neo trong Kênh Đào Panama
làm 224 người tử thương, bến tầu và các kho chứa
hàng đều bị phá hủy, các con tầu đậu gần đó bị
tổn hại rất nhiều, người ta tính rằng thiệt hại
lên tới hơn một triệu đô la. Nhưng thế vẫn chưa
hết: xưởng Keummel tại Berlin nổ vào tháng 5,
một xưởng khác tại Na Uy nổ ít lâu sau và số
người chết phải kể hàng trăm một.
Vài tháng trước đây, châu Âu
đang hân hoan đón mừng chất nổ nitroglycerine
thì ngày nay, cùng cương quyết cấm hẳn chất này.
Nước Bỉ và Pháp đặt chất nổ đó ra ngoài vòng
pháp luật còn tại hai nước Mỹ và Anh, nếu ai
chứa chất nổ đó sẽ bị treo cổ. Rất nhiều nước
đặt ra luật lệ cấm hẳn việc dùng chất đó và các
con tầu biển từ chối chuyên chở. Tại Turin, Giáo
Sư Sobrero, người đã phát minh ra chất nổ này
nguyền rủa sự khám phá của mình.
Vào mùa xuân năm 1866, Alfred
Nobel tới thành phố New York. Vì báo chí nơi đây
không ngớt đăng tin các tai nạn xẩy ra nên người
ta đã tiếp đón ông như một bệnh dịch. Ai nấy đều
lẩn trốn ông Nobel, các khách sạn không chịu
chứa trọ ông vì trong hành lý của ông bị nghi
ngờ có hai thùng nitroglycerine.
Trở về Hambourg vào tháng 7
năm 1866, Alfred Nobel quyết định làm đặc chất
nitroglycerine trong một thời hạn ngắn nhất. Với
các cộng sự viên, ông Nobel đã dùng hàng trăm
chất khác nhau để trộn với dầu nổ: than, cát,
gạch… và cả xi-măng. Nhiều chất không chịu hòa
hợp với nitroglycerine, có chất lại trở nên quá
nhão.
2/ Chế tạo ra chất nổ
Dynamite.
Một sự bất ngờ đã xẩy ra: tại miền
bắc của nước Đức có một thứ đất sét tên gọi là
Kieselguhr. Tình cờ một hôm, một người thợ của
Nobel lấy chất đất sét này để kê các bình đựng
nitroglycerine và cũng do tình cờ, một trong các
bình đó bị vỡ, để dầu chảy ra ngoài. Alfred
Nobel nhận thấy thứ đất này hút nitroglycerine
như giấy thấm hút mực vậy. Ông bèn nghĩ đến việc
trộn thứ đất sét này với dầu nổ: cứ ba thể tích
dầu nổ thì một thể tích đất sét. Quả nhiên, sau
khi trộn xong, nhiệt độ và sự xô mạnh không làm
cho hỗn hợp phát nổ. Chất mới này mềm dẻo như
mastic, có thể đóng thành thỏi mà gửi đi không
nguy hiểm.
Như vậy trong tháng 12 năm 1867,
Alfred Nobel đã đánh dấu một ngày lịch sử trong
việc chế tạo chất nổ. Ông đã cẩn thận làm lại
hàng trăm thí nghiệm khác nhau trước khi tung
chất nổ mới này ra thương trường. Ông đặt tên
cho chất mới này bằng hai danh hiệu: "Dynamite",
danh hiệu chỉ sức mạnh, và "chất nổ không nguy
hiểm của Nobel".
Sự thành công của chất nổ mới tăng
lên như sóng cồn. Alfred Nobel phái người anh là
Robert sang Mỹ biểu diễn còn chính mình tự sang
nước Anh là quốc gia kỹ nghệ hầm mỏ. Danh tiếng
của Nobel vang lừng. Trong vòng 10 năm, 15 xưởng
chế tạo rải rác khắp châu Âu và châu Mỹ đã sản
xuất hàng năm hơn 3,000 tấn chất nổ Dynamite.
Ông Nobel không ngừng đi từ xưởng này sang xưởng
khác nên người ta gọi ông là "người lang thang
giàu có nhất châu Âu".
Vào năm 1875, Alfred Nobel thiết lập
văn phòng trung ương tại thành phố Paris và mua
biệt thự số 53 đại lộ Malakoff. Ông vẫn không
ngừng làm việc 14 giờ một ngày nhưng cũng có lúc
thảnh thơi, đọc sách và viết truyện. Ông vẫn chú
tâm đến việc hòa thuốc súng bông với
nitroglycerine. Một hôm bị đứt tay, ông Nobel
liền để chất collodion trên vết thương. Vết đau
dịu hẳn về ban đêm. Sáng hôm sau, khi làm thí
nghiệm với nitroglycerine, thì cả hai chất đó
sinh ra một cảm giác lạnh. Nhờ việc bất thường
này, Alfred Nobel đã thấy được thứ mà mình phải
tìm kiếm bấy lâu.
Alfred Nobel có thể kiếm lời trong
vài ngày bằng mấy lần lương bổng của cha ông
trong nhiều năm, nhưng mặc dù giàu có, ông vẫn
sống đơn giản, ít ra ngoài. Ông thường buồn rầu
và là nhà triệu phú cô đơn nhất. Ông đã nghĩ đến
việc lập gia đình nhưng ông là người e dè và lo
rằng người ta chỉ kết hôn với ông vì tiền nên
ông rất phân vân.
Vào một ngày tháng 1 năm 1876, một
tờ báo tại Vienna có đăng vài hàng chữ như sau:
"một người đàn ông đứng tuổi, có học và khỏe
mạnh, sống tại Paris, cần tìm một người đàn bà
cùng tuổi, biết tiếng ngoại quốc, có thể làm thư
ký và lo việc gia đình".
Chính sự việc này đã khiến ông Nobel
được ghi tên vào Lịch Sử vì sau đó, ông nhận
được thư trả lời của bà Bá Tước Bertha Kinsky.
Bà này vốn là người Bohêmien, trạc 30 tuổi, xinh
xắn. Bà ta bị phá sản và muốn rời bỏ Vienna sớm.
Bà ta đã từ chối sự dạm hỏi của người yêu là Nam
Tước Von Suttner. Lúc đầu, bà Bertha tưởng rằng
sẽ gặp một người tàn tật, tóc hoa râm, nhưng khi
đến nơi, bà ta thấy không phải thế. Thời đó
Alfred Nobel 43 tuổi, dáng người tầm thước, mảnh
khảnh, râu đen, tính tình tốt, hơi buồn và có
khi châm biếm nữa. Khi gặp nhau, cả hai người
đều hài lòng và tin tưởng ở nhau. Ông Nobel để
bà Bá Tước ở một phòng trong căn nhà tại đường
Malakoff. Trong thời gian đầu này, Nobel khuyên
bà Bertha không nên viết thư về Vienna nhưng
Bertha vẫn không ngừng được: Nobel đã để bà quá
cô đơn vì trong đầu óc của ông đang dự trù vài
phát minh nữa. Ông cho rằng chất Dynamite chưa
đủ mạnh.
Bà Bertha cư ngụ tại Paris được một tuần lễ thì
ông Nobel đi Thụy Điển. Hai ngày sau, bà nhận
được hai điện tín gửi tới: một chiếc từ
Stockholm, viết: "Đã tới bình yên, một tuần lễ
nữa sẽ trở lại Paris", còn chiếc kia từ Vienna
của người hôn phu cũ, ghi như sau:"Không thể
sống mà không có em !".
Bertha phân vân quá. Bà đã bắt đầu
yêu và kính phục Alfred Nobel, muốn trở nên
người vợ của một nhân vật danh tiếng và đáng tin
cậy như ông Nobel, nhưng bà cũng không thể chống
lại tiếng gọi trở về Vienna được. Cuối cùng, bà
Bertha trở về với vị hôn phu cũ và hàng năm vẫn
trao đổi với Alfred Nobel vài bức thư.
Thời bấy giờ, cuộc chiến tranh
Nga-Thổ đang tiếp diễn. Bà Bertha Kinsky và Nam
Tước Von Suttner làm việc cho hội Hồng Thập Tự.
Bà rất kinh hoàng trước thảm họa chiến tranh nên
đã viết một cuốn sách để đả phá, nhan đề là "Hãy
hạ súng xuống". Các nhà xuất bản Áo và Đức đều
từ chối không nhận in cuốn sách đó khiến bà
Bertha phải nhờ đến ông Nobel. Alfred Nobel rất
sung sướng vì công cuộc đó và nhận lời giúp đỡ
dù cho đôi khi ông còn tưởng rằng chất nổ của
ông càng tàn sát con người mau chóng bao nhiêu,
thì các quốc gia đều sợ hãi khi dùng nó và vì
thế mà chiến tranh giảm bớt.
Nhân dịp Hội Nghị Hòa Bình được tổ
chức tại Berne vào năm 1886, bà Bertha gửi giấy
xin Alfred Nobel giúp tiền vào quỹ của Hội. Ông
Nobel nhận lời và hứa sẵn sàng giúp đỡ. Ông
không biết quỹ cần bao nhiêu nhưng cũng vội vàng
gửi ngay một số tiền đến trước.
Bà Bertha lại gửi giấy mời Nobel đến
họp Hội Nghị rồi chờ mãi mà chẳng thấy, nhưng
vào ngày cuối cùng, bà thấy ông Nobel lại tìm
gặp mình. Alfred Nobel đến họp mà không muốn cho
ai biết. Khi các phiên họp diễn ra, ông đều có
mặt. Ông Nobel rất cảm động trước những lời lẽ
chân thành của Hội Nghị nhưng ông còn do dự về
cách thực hiện kế hoạch. Các tư tưởng về Hòa
Bình càng ngày càng ăn sâu vào đầu óc của ông
Vua Thuốc Nổ. Ảnh hưởng của bà Bertha Kinsky đã
làm ông Nobel dần dần từ bỏ ý định dùng chiến
tranh chấm dứt chiến tranh.
Vào ngày 7 tháng 1 năm 1893, Alfred Nobel viết
cho bà Bertha: "Tôi muốn bỏ ra một phần gia tài
để làm một giải thưởng, 5 năm phát một lần cho
những ai đã phục vụ Hòa Bình tại châu Âu".
Bệnh đau tim của ông Nobel lại phát
khởi. Alfred Nobel sống ẩn dật tại San Remo,
nước Ý. Thời đó, người anh của ông tên là
Ludwig, người đã khai thác các mỏ dầu hỏa, từ
trần. Các báo chí lại tưởng là Alfred Nobel. Ông
Nobel được dịp nghe các báo chí chia buồn nhưng
cũng kém phần ca tụng.
Tại San Remo, Nobel bỏ phần lớn thời
giờ vào việc tìm cách chế tạo cao su và lụa nhân
tạo. Bệnh tim của ông trở nên trầm trọng, nếu
tĩnh dưỡng cẩn thận, ông Nobel chưa đến nỗi sớm
lìa đời nhưng ông không thể sống mà không làm
việc. Alfred Nobel thở hơi cuối cùng vào ngày 10
tháng 12 năm 1896, trong cảnh cô đơn, buồn bã,
với tài sản để lại vào khoảng 9 triệu Mỹ kim.
Các người láng giềng cũng không được biết là ông
đã chết lúc nào. Không ai được chứng kiến lúc
lâm chung của ông vì sáng hôm đó, khi người lão
bộc bước vào phòng thì đã thấy ông tắt thở rồi.
Người bạn độc nhất của ông, bà Bertha Kinsky,
được tin ông qua đời nhờ báo chí.
3/ Đặt ra Giải Thưởng
Nobel.
Trước khi chết, Alfred Nobel đã sợ
hãi các thứ khí giới mới. Ông Nobel đặt hy vọng
vào một tổ chức quốc tế tương tự như Liên Hiệp
Quốc ngày nay. Trên bàn giấy của ông, người ta
tìm thấy lẫn lộn trong chồng giấy tờ khảo cứu về
các chất hóa học mới, bản "chúc thư " liên quan
đến việc trao giải thưởng.
Làm tại Ecrin ngày 27 tháng 11 năm 1895, "chúc
thư " đó đã ghi như sau: "Tất cả gia tài của
tôi để lại sẽ dùng làm vốn lấy lời. Tiền lời này
sẽ dùng làm phần thưởng cho những ai đã giúp ích
cho Nhân Loại trong năm trước. Tiền lời sẽ được
chia đều thành 5 phần, dùng làm các giải thưởng
Vật Lý Học, Hóa Học, Y Học hay Sinh Lý Học, Văn
Chương và sau cùng là giải thưởng cho những ai
lo tài giảm binh bị, gây được tình thân hữu giữa
các dân tộc và tổ chức được nền Hòa Bình Thế
Giới. Giải thưởng Vật Lý và Hóa Học sẽ do Hàn
Lâm Viện Khoa Học Thụy Điển phát, Viện
Karolinska tại Stockholm cho giải thưởng về Y
Học hay Sinh Lý Học, Hàn Lâm Viện Stockholm sẽ
phát giải thưởng về Văn Chương còn giải thưởng
Hòa Bình do một hội đồng gồm 5 nhân viên của
Nghị Viện Na Uy bầu lên".
Alfred Nobel đã quy định rằng: "Các
giải thưởng này sẽ được trao tặng cho những
người xứng đáng mà không được để ý đến quốc
tịch, người nào có công nhất sẽ được tặng thưởng
dù họ sinh ra tại Thụy Điển hay không".
Tờ chúc thư đã làm cho dư luận sôi
nổi. Vì bị mất quyền lợi, gia đình Nobel phản
đối trước tiên. Quốc Vương và báo chí phản kháng
việc người ngoại quốc được lãnh thưởng như người
Thụy Điển còn các Hàn Lâm Viện cũng không chịu
nhận vì phải gánh nhiều trách nhiệm mới. Nhưng
việc thi hành chúc thư được thành công do trí
cương quyết của người cháu của ông Alfred Nobel
và các Giải Thưởng Nobel được cấp phát từ năm
1901.
73 năm về sau lời di chúc của ông
Alfred Nobel, tức là vào năm 1968, Giải Thưởng
Kinh Tế Học được thiết lập bởi Ngân Hàng Trung
Ương Thụy Điển Riksbank và Hàn Lâm Viện Khoa Học
Hoàng Gia Thụy Điển được chỉ định lo phần thưởng
này. Tổ Chức Nobel (The Nobel Foundation) là
pháp nhân sở hữu và quản trị các ngân khoản giải
thưởng nhưng lại không liên quan tới việc tặng
giải. Việc chọn lựa người được giải bắt đầu vào
mùa thu năm trước, cá nhân không có quyền trực
tiếp nạp đơn mà phải qua đề nghị của những cơ sở
khảo cứu, của những tổ chức khoa học của các
quốc gia, và các bản đề nghị (proposals) phải
được nạp cho các ủy ban cứu xét giải thưởng
trước ngày 01 tháng 2 năm phát giải.
Kể từ ngày 01 tháng 2 mỗi năm, sáu
Ủy Ban Nobel bắt đầu làm việc hoàn toàn độc lập
và không chịu áp lực nào về các ủng hộ có tính
ngoại giao, chính trị, đoàn thể… và nếu cần, các
Ủy Ban này có thể mời thêm các chuyên viên,
không phân biệt quốc tịch. Vào tháng 9 hay đầu
tháng 10, các Ủy Ban này nạp các bản khuyến nghị
cho các cơ quan phát giải và quyết định cuối
cùng phải được làm xong trước ngày 15 tháng 11.
Các cách cân nhắc kỹ lưỡng và bỏ phiếu khi cứu
xét đều được hoàn toàn giữ kín tại mọi giai
đoạn.
Các Giải Thưởng Nobel được tặng cho
cá nhân ngoại trừ Giải Hòa Bình có thể được trao
cho một tổ chức. Cá nhân đã qua đời không được
đề nghị tặng giải ngoại trừ giải thưởng đã được
đề nghị khi cá nhân đó còn sống như trường hợp
của ông Erik A. Karlfeldt (Văn Chương, 1931) và
của ông Dag Hammarskjold (Hòa Bình, 1961). Giải
Thưởng Nobel thường được trao tặng cho một người
nhưng cũng có khi được chia đều cho hai người.
Khi không cấp phát giải thưởng hay khi bị trừ
chối thì số tiền thưởng sẽ được hoàn trả ngân
quỹ. Trong thời Thế Chiến Thứ Nhất và Thứ Hai,
vì tình hình thế giới không cho phép các ủy ban
xét giải thu thập đầy đủ các tin tức và tài liệu
để đi đến quyết định phát giải, các giải thưởng
của các năm chiến tranh này đã không được tuyên
bố.
Giải Thưởng Nobel đôi khi cũng bị từ
chối, thông thường vì áp lực chính trị. Năm
1937, Adolf Hitler đã ra một đạo luật cấm người
Đức nhận Giải Thưởng Nobel vì vào năm 1935, giải
thưởng đó đã được đề nghị cho một đối thủ chính
trị của nhà độc tài quốc xã, đó là nhà vận động
hòa bình người Đức Carl von Ossietzky. Tuy
nhiên, những người từ chối Giải Thưởng Nobel vẫn
được liệt kê vào danh sách các nhân vật đoạt
giải. Những người không muốn hay không thể nhận
giải thưởng, sau này có thể nhận Huy Chương và
Bằng Chứng Nhận, như trường hợp của nhà văn
người Nga Alexander Solzhenitsyn đã làm vào năm
1971.
Vào ngày 10 tháng 12 năm 1901, 5 năm
sau ngày ông Alfred Nobel qua đời, các giải
thưởng đầu tiên được cấp phát và còn tiếp tục
cho tới ngày nay. Lãnh giải thưởng là một vinh
dự rất lớn lao cho người được tặng vì đây là
giải thưởng danh tiếng nhất trên Thế Giới, hơn
nữa số tiền thưởng cũng không phải là nhỏ, với
trị giá 40 ngàn đô la vào năm 1901 và lên tới
một triệu đô la vào năm 1997. Ngoài số tiền mặt,
Giải Thưởng Nobel còn gồm một Huy Chương vàng và
một Bằng Chứng Nhận (Diploma) nêu rõ công trình
của người lãnh giải. Hàng năm vào ngày 10 tháng
12, tức là ngày kỷ niệm ông Alfred Nobel qua
đời, tại thành phố Stockholm Vua Thụy Điển trao
tặng các giải thưởng về Vật Lý, Hóa Học, Y Học
hay Sinh Lý Học, Văn Chương và Kinh Tế Học. Lễ
trao Giải Thưởng Hòa Bình được tổ chức tại Đại
Học Oslo và Vua Na Uy trao giải thưởng này. Sau
các buổi lễ trao giải, các nhân vật đoạt giải
thưởng đọc một bài diễn văn nói về công trình
của mình. Các bài diễn văn này về sau được in
trong ấn phẩm hàng năm của Tổ Chức Nobel (The
Nobel Foundation).
Giải thưởng về Kinh Tế Học bắt đầu
được phát ra vào năm 1969, đặt nặng về Toán Học
và Thống Kê hơn là về Chính Trị và Xã Hội Học.
Các giải thưởng về Khoa Học và Y Học ít gây ra
tranh luận nhưng giải thưởng về Văn Chương và
Hòa Bình thường gặp các cơn sóng gió vì bản chất
của hai bộ môn đó và vì các khác biệt đặc thù…
Các giải thưởng về Văn Chương được
trao tặng cho các tiểu thuyết gia đã viết ra các
tác phẩm bất hủ và đôi khi, cho các nhà thơ có
tâm hồn súc tích, đã ca ngợi vẻ đẹp của thiên
nhiên, đề cao các tư tưởng cao thượng của nhân
loại bằng những lời thơ óng chuốt, điển hình.
Giành được giải thưởng là một danh dự rất lớn,
tác phẩm đoạt giải thưởng lại nhờ đó bán chạy
gấp trăm ngàn lần, nên đã mang về cho tác giả
một mối lợi lớn. Trong số các văn nhân được tặng
Giải Thưởng Nobel về Văn Chương, có ba người Á
châu là thi sĩ Ấn Độ Sir Rabindranath Tagore
(1913), văn sĩ Nhật Bản Yasunari Kawabata
(1968), văn sĩ Nhật Bản Kenzaburo Oe (1994) và
văn sĩ Trung Hoa Cao Hành Kiện (2000).
Về ngành Vật Lý Học, các nhà bác học
châu Á được giải thưởng là Yukawa Hideki, người
Nhật (1949), Chen Ning Yang và Tsung Dao Lee,
người Trung Hoa (1957), Tomonaga Shinichiro,
người Nhật (1965), Leo Esaki, người Nhật (1973)
và Abdus Salam, người Pakistan (1979). Về Hóa
Học, có các nhà bác học người Nhật Fukui Kenichi
(1981), Hideki Shirakawa (2000), Ryoji Noyori
(2001) và Koichi Tanaka (2002). Người châu Á
được tặng giải thưởng về Y Học hay Sinh Lý Học
là nhà bác học người Nhật Susumu Tenegawa
(1987).
Các con số về những nhà bác học đoạt
Giải Thưởng Nobel đã chứng tỏ rằng quốc gia nào
có nền Khoa Học mạnh mẽ nhất, sẽ sản xuất được
nhiều nhà bác học tài giỏi nhất. Các nhà bác học
được giải thưởng đều là những người đã giúp ích
rất nhiều cho Nhân Loại: người thì phát minh ra
vô tuyền điện, kẻ lại khám phá ra chất phóng xạ,
cách cấu tạo nguyên tử… Các phát minh về Khoa
Học đã làm cho cuộc sống của con người được dễ
chịu hơn, đầy đủ hơn. Nhiều công cuộc khảo cứu
về Y Học và Sinh Lý Học đã làm giảm bớt bệnh
hoạn, việc tìm ra các sinh tố, thuốc trụ sinh đã
giúp cho cơ thể chống được sự xâm nhập của vi
trùng…
Giải Thưởng Nobel về Hòa Bình ít
được phát ra nhất, điều này không có gì là lạ vì
từ đầu thế kỷ 20 tới ngày nay, tình hình thế
giới không mấy khi sáng sủa, dễ chịu. Trong số
người đoạt giải thưởng này, có bà Bá Tước Bertha
Kinsky lãnh giải vào năm 1905 và thật là đặc
biệt khi Giải Thưởng Hòa Bình của năm 1953 đã về
tay một vị Đại Tướng: Ông George Marshall, Đại
Tướng Hoa Kỳ.
Trong số sáu Giải Thưởng Nobel hàng
năm, quan trọng hơn hết là Giải Thưởng về Vật Lý
Học, và nếu xét các giải thưởng Vật Lý đã lãnh
từ trước tới nay thì đại đa số là về "nguyên tử
lực". Vì vậy đã có người nói một câu mỉa mai như
sau: "Sở dĩ ông Nobel trở nên giàu có là vì ông
đã chế tạo ra chất nổ, rồi vì muốn sám hối, ông
lại dùng số tiền kiếm được để khuyến khích các
công cuộc hòa bình. Nhưng trái ngược thay, ngành
được khuyến khích lại là môn Nguyên Tử Học mà áp
dụng của nó có thể giết hại con người hàng triệu
lần gấp bội thứ Dynamite của ông Nobel khi xưa".
Dù sao chúng ta phải công nhận rằng
ông Alfred Nobel đã có công rất nhiều đối với
Khoa Học. Chất nổ của ông đã bị dùng không đúng
chỗ nhưng lúc nào tâm hồn ông cũng ràng buộc với
ý niệm Hòa Bình và các phần thưởng của ông
Alfred Nobel đã ảnh hưởng rất lớn tới sự cố gắng
của các nhân tài trên các lãnh vực Khoa Học, Y
Học, Văn Chương, Kinh Tế cũng như Hòa Bình./.
[1] Chiến
tranh Crimea: Pháp, Anh và đế quốc
Ottoman chống lại Nga vì Nga có tham vọng
sáp nhập Constantinople và các eo biển vào Nga,
nghĩa là đến Địa Trung Hải.
Súng đại bác Nga mở màn
chiến tranh, 20 phút sau 113 người chết và 247
người bị thương làm tướng Bosquet thốt lên "Thật
là tuyệt nhưng không phải là chiến tranh" . Tuy
thắng trận, nhưng nước Pháp đã mất đi 80.000
người và đội y
khoa chết hàng loạt: 120 bác sĩ và dược sĩ,
thường là do bịnh dịch tả và thương hàn. Tại
thành phố Paris, chúng ta thấy các tên
Le pont de l'Alma
(nơi công nương Diana bị tai nạn), đường
Sebastopol và
Inkerman, phố Malakoff,
đường Crimée... là để kỷ niệm chiến thắng trận
Crimea
Trận chiến
Crimea