Willa Cather

Vietsciences- Phạm Văn Tuấn   09/11/2006
 

Những bài cùng tác giả

Nhà văn  Willa Cather tác phẩm Nàng Antonia

 

1/ Cốt truyện "Nàng Antonia".

            Jim Burden là một đứa trẻ mồ côi, 10 tuổi, cùng Jacke Marpole đang ở trên một chuyến xe lửa hướng về cánh đồng nơi ông bà nội của Jim sinh sống. Thời điểm là vào đầu thập niên 1880. Cả hai cậu thiếu niên này từ tiểu bang Virginia tới thị xã Black Hawk, thuộc tiểu bang Nebraska. Hai cậu thiếu niên nhìn thấy một gia đình di dân cùng đi. Đây là gia đình người ngoại quốc trong đó chỉ có một cô gái nhỏ biết nói tiếng Anh, cô nàng Antonia này, 14 tuổi, trông hấp dẫn và "sáng sủa như đồng bạc một đô la".

            Gia đình Shimerda đã từ xứ Bohemia di cư tới Hoa Kỳ bởi vì bà Shimerda đã năn nỉ, cho rằng tới xứ sở xa lạ này, người con trai lớn của bà ta tên là Ambrosh mới có cơ hội tiến thân. Giống như mẹ, Ambrosh là một con người sáng trí nhưng tham lam, còn cha của Ambrosh là một người thợ dệt, có văn hóa và ưa thích chơi đàn vĩ cầm.

            Trong 2 ngày đầu tiên sinh sống tại nhà ông bà nội, Jim Burden bắt đầu tìm hiểu miền nông trại thuộc vùng viễn tây, cảm thấy trời đất bao la, thông cảm được sự tranh đấu của người di dân trên mảnh đất canh tác. Phong cảnh của miền đồng quê này đã thay đổi theo bốn mùa và Jim thấu hiểu được hoàn cảnh của con người trước thiên nhiên. Ông nội của Jim là một người chăm chỉ, mộ đạo, đã cùng bà vợ tạo dựng nên một nông trại có lợi tức và một căn nhà đủ tiện nghi. Nông trại này tương phản với mảnh đất mà gia đình Shimerda đang sinh sống: họ có một căn nhà bằng đất tồi tàn, không có gia cầm, không có bò ngựa, không thu hoạch được gì. Các người di dân này sống rất vất vả trong mùa đông đầu tiên.

            Jim quen với Antonia, dạy tiếng Anh cho cô nàng và cả hai đã từng lang thang trên cánh đồng cỏ vào mùa hè, trượt tuyết vào mùa đông. Ông bà nội của Jim đã giúp đỡ gia đình Shimerda qua khỏi mùa đông bằng một số thực phẩm nhưng ông Shimerda đã tự sát vì quá cực khổ trước các gian nan phải vượt qua. Thay vì được đi học, các đứa trẻ của gia đình Shimerda phải làm việc đồng áng. Ông nội của Jim đã thuê mướn Ambrosh phụ việc trong mùa gặt và Antonia giúp việc bếp núc cho bà nội. Antonia là một con người vui vẻ, dễ mến.

            Do chán cảnh nông trại và muốn cho Jim, đứa con trai 13 tuổi được đi học, gia đình Burden đã dọn nhà lên thị xã Black Hawk. Bà nội của Jim lo cho Antonia một công việc nơi người hàng xóm là gia đình Harling. Vào thời gian này, có một số cô gái di dân từ miền quê lên tỉnh để kiếm sống, họ được gọi là "các cô gái làm mướn" (the hired girls). Antonia khi phụ giúp công việc cho gia đình Harling, đã thấy bà Harling là một phụ nữ mẫu mực cho mình. Vào mùa hè, nàng ưa thích tham gia vào cuộc sống xã hội, cộng đồng, kể cả các lần đi khiêu vũ và rồi nàng Antonia quá nổi tiếng khiến cho ông Harling vốn là một người cứng dắn, đã bắt nàng phải chọn hoặc là làm việc đàng hoàng, hoặc là khiêu vũ. Antonia đã xin nghỉ việc để làm công cho Wick Cutter, biết đâu rằng đây là một con người dâm đãng.

            Sau khi thoát khỏi một vụ hãm hiếp bởi tên Wick Cutter, Antonia trở về nhà nơi miền quê, còn Jim theo đại học thuộc thành phố Lincoln. Tại nơi này, Jim quen với một người bạn gái của Antonia là Lena Lingard, rồi thấy nàng sau này hấp dẫn, đam mê và bỏ bê việc học hành. Giáo sư của Jim khuyên chàng nên đổi qua Đại Học Harvard để theo đuổi nền học vấn có quy củ hơn. Sau khi đã tốt nghiệp từ Đại Học Harvard, Jim Burden trở về nhà trong dịp hè và được biết rằng Antonia bị Larry Donovan, người tài xế xe lửa lường gạt. Nàng đã bị hất hủi, sinh ra một đứa con gái và làm việc cho người anh.

            Jim Burden trở nên luật sư của thành phố New York. Sau 20 năm, chàng gặp lại Antonia. Bây giờ cô nàng này kết hôn với một người Bohemian tử tế, có 10 đứa con và là bà chủ một nông trại có nhiều sản phẩm. Lần gặp lại Antonia đã làm Jim vui sướng vì tìm lại được bản chất của tuổi trẻ vui tươi. Đối với Jim, Antonia tượng trưng cho con người và cánh đồng của miền quê.

 

2/ Vài nhận xét về tác phẩm "Nàng Antonia".

            "Nàng Antonia" là cuốn truyện gồm các hồi tưởng không được kể lại theo thứ tự thời gian mà phần lớn qua trí nhớ và tâm hồn của nhân vật chính là Jim Burden. "Nàng Antonia" cũng không đặt nặng về cốt truyện bởi vì trong đó không có chuyện tình yêu, không có việc tán tỉnh, không có đám cưới, không có cảnh chia ly tuyệt vọng hay cách tranh đấu để thành công. Tác giả Willa Cather đã không theo mẫu mực thông thường của một cuốn truyện hư cấu, nhưng cốt truyện đã trải dần ra như một tấm thảm, cho thấy toàn cảnh và hậu cảnh, rồi xen vào là các sự việc bất thường, xa lạ, như câu chuyện về Peter và Pavel, như các cuộc phiêu lưu của Tiny Soderball tại Alaska. Sự thống nhất về chủ đề (unity) còn do các cảm xúc và quan điểm của Jim Burden. Nhân vật này có khi kể về câu chuyện, có khi nghe người khác thuật lại.

Một yếu tố khác mà tác giả đã dùng để kết hợp các nhân vật trong truyện, các sự việc xẩy ra, là ý thức của tác giả về thời tiết, về 4 mùa và về đất đai. Qua cuốn truyện, độc giả đã thấy các mùa thay đổi với vụ trồng hoa màu, thời kỳ cây trái tăng trưởng, vụ thu hoạch rồi tới mùa đông nghỉ ngơi. Đất đai và bốn mùa đều hàm chứa các ý nghĩa riêng. Mùa xuân tượng trưng cho sự hứa hẹn nhưng con người cũng có thể gặp thất vọng. Antonia đi xa với Larry vào tháng 3; tháng 4 cô nàng gặp cảnh cô đơn. Mùa hè là của đời sống. Antonia tự hỏi liệu có ai muốn chết vào mùa hè không? Chính vào mùa hè, Jim đã bắt đầu một cuộc đời mới tại Nebraska. Antonia tới với gia đình Harling cũng vào mùa hè. Mùa thu là thời gian hoàn thành. Jim đã học xong đại học và trở lại với Antonia vào mùa thu. Còn mùa đông tượng trưng cho sự qua đời. Ông Shimerda đã tự sát vào mùa đông. Đứa bé của Antonia sinh ra vào tháng 12 và đây là dấu tích bị lường gạt của người thiếu nữ. Ngoài ra còn có các biểu tượng khác như con rắn là hình ảnh của những người lường gạt các kẻ ngây thơ hay các kẻ bần cùng, các con cú sống trong hang giống như Antonia trước khi nàng vượt qua được các hoàn cảnh bi thương.

Willa Cather đã dùng thể văn và kỹ thuật viết văn như một người nghệ sĩ, tác giả đã mô tả thật đầy đủ rồi tỉa dần từng câu văn cho tới độ đơn giản. Tác giả đã bỏ bớt nhiều trạng từ (adverbs), dùng tới các động từ mạnh và dùng nhiều hình ảnh của ngôn từ. Để diễn tả cảm xúc, tác giả dùng tới tính từ chứa màu sắc hay các chữ chứa đựng các trạng thái vui, buồn …

Các nhân vật trong cuốn truyện "Nàng Antonia" là các di dân thuộc nhiều quốc gia, họ phải vượt qua nhiều trở ngại, sống còn sau nhiều gian nan. Đầu tiên là hàng rào ngôn ngữ. Những người mới tới Hoa Kỳ định cư như gia đình Shimerda đã không thể xin trợ giúp, không thể kết bạn dễ dàng, dễ bị lường gạt. Vấn đề thứ hai là khí hậu khắc nghiệt về mùa đông của miền Nebraska. Sự thiếu cộng tác giữa các sắc dân di cư là vấn đề thứ ba. Thành kiến của những người cũ đối với các di dân mới là vấn đề thứ tư và tác giả Willa Cather đã đề cao các đức tính đáng khâm phục của những con người từ các miền đất không nói tiếng Anh.

Antonia là hình ảnh của một thiếu nữ với các đức tính tử tế, độ lượng, cam đảm, kiên nhẫn, có bản chất tốt, tương phản với các cư dân của thị xã Black Hawk, đây là loại người xanh xao, buồn tẻ, hẹp hòi hay đài các dỏm. Khi phải từ bỏ miền chôn rau cắt rốn và định cư trên một vùng đất hoang dã, các di dân đã vui thích vì các công việc thám hiểm và khai phá.

Chủ đề của tác phẩm "Nàng Antonia" là trình bày một cuộc hành trình từ một nền văn hóa cổ, đã ổn định, tới một miền đất mới còn chưa khai thác. Các kinh nghiệm trong đời sống của Jim Burden đã mang nhiều ý nghĩa, đây là một loại phiêu lưu (odyssey) của người khẩn hoang để đi tìm sức mạnh, đời sống và sự ra hoa kết trái.

Qua các tác phẩm, Willa Cather đã khai thác sự tương phản giữa các giá trị và lối sống của các gia đình nông dân so với các gia đình sống tại các thị xã, thành phố. Tác giả đã kể về tiểu bang Nebraska và miền tây nam Hoa Kỳ, bộc lộ niềm yêu mến sâu đậm tới các miền đất đó, đồng thời rất ghét chủ nghĩa vật chất (materialism) và lối sống theo thời (conformism) của đời sống mới.

 

3/ Cuộc đời của Nữ Văn Sĩ Willa Cather.

            Mặc dù đã dùng Nebraska làm địa phương của các cuốn truyện danh tiếng, Nữ Văn Sĩ Willa Cather (1873-1947) không phải là người sinh ra tại miền Trung Tây Hoa Kỳ. Willa Cather chào đời vào ngày 7 tháng 12 năm 1873 trong làng Back Creek, nay gọi là Gore, gần thị trấn Winchester, thuộc tiểu bang Virginia. Willa là con gái đầu lòng của gia đình, sống tại Back Creek tới năm 9 tuổi thì cha mẹ với tất cả 7 đứa con, di chuyển về một nông trại của ông bà nội tại miền biên giới tiểu bang Nebraska, vào khoảng 20 dặm phía tây của thị xã Red Cloud. Sở dĩ gia đình Cather đông con này đã ra đi, tìm nơi đất mới để lập nghiệp bởi vì đa số người trong nhà gần như mắc bệnh lao phổi và họ hy vọng rằng khí hậu khô ráo của miền Nebraska có thể sẽ thuận lợi hơn thứ khí hậu ẩm thấp của miền Virginia.

            Vào cuối thập niên 1870, các người khẩn hoang can đảm, một số từ miền Đông Hoa Kỳ, một số di cư từ các xứ như Na Uy, Thụy Điển, Bohemia… đang khai phá các phần đất còn hoang dã. Vào thời điểm này không còn cảnh các toa xe ngựa nặng nề di chuyển về hướng tây, không còn cảnh các đàn trâu rừng hay những người da đỏ tấn công các người khẩn hoang, nhưng Nebraska vẫn là các cánh đồng mênh mông, cỏ dại màu đỏ trải dài tới tận chân trời.

Năm lên 10 tuổi, Willa Cather bắt đầu được bà ngoại dạy tập đọc tại nhà rồi khi sống tại Nebraska, học tập đọc với bà nội. Các kỷ niệm của các năm định cư ban đầu này đã là chất liệu để Willa Cather viết ra nhiều cuốn tiểu thuyết danh tiếng, như cuốn "Các người khẩn hoang" (O Pioneers!, 1913), cuốn "Nàng Antonia" (My Antonia, 1918) cũng như các cuốn tiểu thuyết khác nói về miền Trung Tây Hoa Kỳ. Căn nhà của ông bà nội đúng là thứ mà Jim Burden mô tả, và cô bé Willa cũng đáp xe lửa rồi ngồi xe ngựa về nông trại của ông bà nội giống như nhân vật Jim Burden. Cô bé Willa cũng làm quen với nhiều gia đình hàng xóm trong đó có gia đình Sadilek từ xứ Bohemia, ngày nay thuộc nước Tiệp Khắc. Gia đình này là hình ảnh của gia đình Shimerda với ông Sadilek cũng là một nhạc sĩ, đã đập vỡ cây đàn vĩ cầm rồi tự sát vì tuyệt vọng do khí hậu lạnh lẽo của miền Nebraska. Cô con gái của ông này tên là Annie, là nhân vật Antonia pha trộn trong đó có cả hình ảnh và tiểu sử của chính tác giả, đã làm công cho gia đình Miner mà tác giả mô tả bằng gia đình Harling trong cuốn truyện "Nàng Antonia".

Sau khi sinh sống trong nông trại, mẹ và Willa đều nhớ nhà và mắc bệnh trong khi người cha không chịu nổi lối sống lao động vất vả nơi miền quê. Ông Jasper Cather bèn đi mượn tiền rồi dọn gia đình về thị xã Red Cloud. Khi sống tại thị xã này, Willa Cather được đi học và gặp may mắn khi làm quen với ông William Ducker là một người gốc Anh, ham thích nền văn chương La Tinh và Hy Lạp. Cô bé Willa cũng học đàn dương cầm với giáo sư Shindelmeisser, một nhạc sĩ có tài nhưng về sau nghiện rượu, và hình ảnh ông thầy này là giáo sư Wunsch trong cuốn tiểu thuyết "Giọng hót của con chim Sơn Ca" (The Song of the Lark, 1915). Ông bà Wiener hàng xóm của Willa là hai người Do Thái gốc Đức, cũng hướng dẫn Willa bước vào nền văn chương của châu Âu rồi về sau, trong tác phẩm "Bà Harris già" (Old Mrs. Harris, truyện ngắn, 1931), hai ông bà này thể hiện bằng gia đình Rosens.

Tại thị xã Red Cloud, Willa Cather là một thiếu nữ khác thường. Cô ăn mặc giống các em trai, có mái tóc cắt ngắn và được gọi bằng tên Willie, thường làm quen với các người trí thức lớn tuổi hơn. Nhiều lần cô Willa tham gia vào nhóm các bác sĩ, theo họ đi chữa bệnh tại nông thôn và giúp công vào các ca cấp cứu.

Năm 16 tuổi, Willa Cather rời Red Cloud để theo học trường La Tinh tại thủ phủ Lincoln trong một năm trước khi ghi danh vào đại học Nebraska. Tại trường đại học, Willa Cather tiếp tục lối sống độc lập, khác người, không chấp nhận ý kiến của đa số người đương thời là phụ nữ phải thụ động, chăm nom việc nhà và không nên học lên cao, và trong số các bạn quen, Willa có 2 người thuộc gia đình chủ báo. Kể từ năm 1893, Willa Cather bắt đầu đóng góp cho tờ Báo Tiểu Bang Nebraska (the Nebraska State Journal) bằng các bài phác thảo, nhận xét và phê bình kịch nghệ, văn chương (sketches, observations, and theatrical and literary comment). Willa Cather đã trình bày lối nhìn của mình về nghệ thuật và đời sống, muốn thăm dò chiều sâu của trí tưởng tượng, muốn rằng người nghệ sĩ là kẻ truyền lại sự thực tối hậu, thực tế tối hậu (ultimate reality).

Sau khi tốt nghiệp đại học vào năm 1895, Willa Cather sống tại thành phố Lincoln, viết các truyện ngắn và các bài bình luận cho tờ báo Nebraska và tờ tuần báo Courier mới xuất bản. Năm 1896, Willa di chuyển tới thành phố Pittsburgh thuộc tiểu bang Pennsylvania, đầu tiên viết bài cho tạp chí Home Monthly rồi cho tờ nhật báo Daily Leader.

Các năm viết bài cho ngành báo chí khiến Willa Cather thấy rằng nên quay sang phạm vi tiểu thuyết, nên hoạt động như một nghệ sĩ văn chương (a literary artist) vì thế kể từ năm 1900, Willa Cather dành thời giờ viết truyện, gửi bài cho các tạp chí phát hành khắp nước, đồng thời nữ văn sĩ này kiếm sống bằng nghề dạy văn tại trường trung học trong 5 năm.

Tại thành phố Pittsburgh, Willa Cather được gặp Isabelle McClung, con gái của một vị thẩm phán uy tín. Dù cho không phải là một nghệ sĩ, Isabelle là một người đam mê nghệ thuật và đã tìm thấy ở Willa Cather một người giống mình, nên đã khuyến khích nữ văn sĩ trong việc viết văn. Mùa xuân năm 1901, Isabelle cho sửa lại căn phòng gần mái và mời Willa tới cư ngụ chung nhà, rồi tình bạn giữa 2 người bền lâu mãi mãi.

Tập thơ đầu tiên của Willa Cather xuất hiện vào năm 1903 có tên là "Hoàng Hôn Tháng Tư" (April Twilights) đã nhận được nhiều bài nhận xét khen ngợi về cách khéo léo trong kỹ thuật nhưng vẫn còn thiếu thứ "tiếng nói cá nhân" (individual voice) mà tác giả Willa sau này cho rằng đây là tiêu chuẩn của một nghệ sĩ đích thực. Hai năm sau, 1905, tới tập truyện ngắn đầu tiên "Khu Vườn Thần Thoại" (The Troll Garden) cho thấy ảnh hưởng của các nhà văn danh tiếng đương thời, đặc biệt là Henry James.

Tập thơ và các truyện ngắn của Willa Cather đã khiến cho nhà xuất bản S. S. McClure của thành phố New York phải chú ý. Năm 1906, Willa Cather rời Pittsburgh tới New York, tham gia vào ban biên tập của tạp chí danh tiếng McClure rồi tới năm 1909, trở thành biên tập viên quản trị (managing editor) với công việc là tìm đọc các bài viết, tìm kiếm các nhà văn có tài của châu Âu và châu Mỹ, gặp gỡ các người sống trong nghề xuất bản, nhưng Willa Cather vẫn giành thời giờ để viết, và cuốn tiểu thuyết đầu tiên có tên là "Cây Cầu của Alexander" (Alexander 's Bridge) xuất hiện vào mùa thu năm 1911, mang ảnh hưởng từ các tác phẩm của Henry James và Edith Wharton, là hai văn hào mà Willa ngưỡng mộ. Sau đó Willa Cather lại gặp Sarah Orne Jewett, một nhà văn nữ của miền Tân Anh Cát Lợi và Sarah đã khuyến khích Willa nên viết về miền đất quen thuộc cũng như phát triển lối viết văn riêng. Willa nhờ vậy đã tìm ra các đề tài và thể văn cá nhân và sau này, đã bình luận rằng "cuộc đời của tôi bắt đầu khi tôi ngừng ngưỡng mộ và khởi sự hồi tưởng".

Ký ức về các cánh đồng mênh mông của miền đất Nebraska và các cuộc đời khẩn hoang trở về với Willa Cather và nhà văn nữ này đã viết về vùng đất và con người mà chính mình hiểu rõ nhất. Nhiều cuốn tiểu thuyết của Willa Cather đã trở thành các tác phẩm cổ điển trong nền Văn Học Hoa Kỳ, với "Nàng Antonia" có lẽ là tác phẩm danh tiếng nhất.

Willa Cather bắt đầu một hành trình vào mùa xuân năm 1912, đi thăm người em trai Douglas sống tại thị trấn Winslow, tiểu bang Arizona, rồi qua Santa Fe và Albuquerque, tới Grand Canyon. Tại Winslow, Willa làm quen với một tu sĩ Cơ Đốc (Catholic) và từ vị này, hiểu được lịch sử và các giai thoại của địa phương, của người Tây Ban Nha và người Da Đỏ. Các tác phẩm văn chương của Willa Cather viết trong các năm từ 1913 tới 1920 thuộc về 2 loại chính: loại tiểu thuyết đề cập đến các người khẩn hoang trong quá khứ, như O Pioneers! và My Antonia, và một loại truyện thứ hai thực tế hơn, nói về sự tương phản giữa người nghệ sĩ và thế giới của người đó, chẳng hạn như cuốn "Giọng hót của con chim Sơn Ca" (The Song of the Lark, 1915) và các truyện ngắn trong tập "Tuổi Trẻ và Nữ Quái Medusa" (Youth and the Bright Medusa, 1920).

Cuốn tiểu thuyết thứ năm, "Một trong Chúng Ta" (One of Ours, 1922) của Willa Cather đã phối hợp khung cảnh các người khẩn hoang và cánh đồng với thế giới đương thời, đề cập tới chủ trương lý tưởng (idealism) trong một xã hội nông cạn. Sự tương phản giữa lý tưởng và vật chất, sự làm mất nhân bản của thời hiện tại đã được Willa Cather khai thác trong tác phẩm "Phu Nhân bị thất lạc" (A Lost Lady, 1923).

Như vậy, giống như nhiều người Mỹ tỉnh ngộ khi Thế Chiến Thứ Nhất đã không mang lại hòa bình mà chỉ là một xã hội vật chất, Willa Cather đã phản ảnh nỗi buồn trong "thời kỳ thứ hai" của cuộc đời viết văn của mình, và nữ văn sĩ đã cố tạo nên một thế giới của các cảm xúc với các hình ảnh, biểu hiệu và nhân vật. Willa Cather luôn luôn đề cao các giá trị truyền thống như sự quan trọng của gia đình, phẩm cách con người, niềm hy vọng và lòng cam đảm, đặc biệt còn tạo nên các nhân vật nữ trong các truyện với sức mạnh và lòng cương quyết, hai thứ mà các nhà văn trước kia chỉ dành cho nam giới. Willa Cather sống trong thời gian của thập niên 1920 cùng với người bạn tên là Edith Lewis, đã đi du lịch nhiều lần qua New Hampshire, New Brunswick (Canada), châu Âu và miền Tây Nam Hoa Kỳ.

Các tiểu thuyết về sau của Willa Cather là cuốn "Căn nhà của ông Giáo Sư" (The Professor 's House, 1925) mô tả sự tương phản giữa một con người theo lý tưởng đối với một xã hội vật chất, cuốn "Kẻ Tử Thù của Tôi" (My Mortal Enemy, 1926) bàn tới ý muốn về một tâm hồn bất tử. Hai cuốn tiểu thuyết "Cõi Chết đến với Vị Tổng Giám Mục" (Death comes to the Archbishop, 1927) được xếp hạng xuất sắc, được viết căn cứ trên các nhân vật lịch sử, nói về 2 nhà truyền giáo người Pháp lặn lội trong miền New Mexico sau cuộc chiến tranh Mễ Tây Cơ. Cuốn "Bóng Đen trên Tảng Đá" (Shadows on the Rock, 1931) có chủ đề tương tự, trình bày sự phát triển của đạo Cơ Đốc thuộc Pháp trên miền đất hoang vu của lãnh thổ Quebec vào thế kỷ 15. Tác phẩm này đoạt Giải Thưởng Prix Femina Americain.

Willa Cather cũng cho xuất bản 3 truyện ngắn xuất sắc dưới nhan đề "Các định mạng u ám" (Obscure Destinies, 1932) rồi tiếp theo là 2 cuốn truyện "Người láng giềng Rosicky" (Neighbor Rosicky) và "Bà Harris già" (Old Mrs. Harris), đây là phần sau của tác phẩm "Nàng Antonia". Tiểu thuyết cuối cùng của Willa Cather là cuốn "Sapphira và người con gái nô lệ" (Sapphira and the Slave Girl) xuất bản vào năm 1940.

Trong 15 năm cuối đời, Willa Cather vẫn sống độc thân trong căn nhà tại địa chỉ số 570 Đại Lộ Park, thành phố New York, rồi qua đời vào ngày 24-4-1947 vì bị xuất huyết não, hưởng thọ 73 tuổi. Tình yêu đối với đất đai của Willa Cather, phản ảnh qua tác phẩm "Nàng Antonia" bằng câu văn được khắc trên ngôi mộ của Nữ Văn Sĩ: " … hạnh phúc là được hòa tan vào thứ gì toàn hảo và vĩ đại" ( … that is happiness; to be dissolved into something complete and great).

Willa Cather đã nhận được nhiều phần thưởng văn chương, 9 văn bằng danh dự từ các trường đại học Columbia, Yale, Princeton, University of California … cùng với Huy Chương Vàng của Hàn Lâm Viện Nghệ Thuât và Mỹ Tự Hoa Kỳ (the American Academy of Arts and Letters).

Willa Cather đã chọn cách hồi tưởng rồi sáng tác ra các tác phẩm nói về cuộc đời khẩn hoang (pioneer life) và các công trình tương tự là của một số tiểu thuyết gia Hoa Kỳ như O.E. Rolvaag mô tả các người Na Uy trên miền đất Minnesota trong cuốn "Các người khổng lồ trên trái đất" (Giants in the Earth, 1927), như Conrad Richter qua tập 3 cuốn tiểu thuyết "Mảnh Đất thức dậy" (The Awakening Land, 1940-50) nói tới các người khẩn hoang trong tiểu bang Pennsylvania và trong thung lũng giòng sông Ohio, và các hồi tưởng về nơi vùng đất biên giới của Laura Ingalls Wilder, với tác phẩm "Căn nhà nhỏ trên cánh đồng" (Little House on the Prairie, 1935) rồi từ tác phẩm này đã xuất hiện một loạt tiểu truyện phóng tác trình chiếu trên vô tuyến truyền hình Hoa Kỳ./.

 

 

           © http://vietsciences.free.fr  http://vietsciences.org  Phạm Văn Tuấn.