Richard Wilhelm (1873-1930)
người bắc nhịp cầu tâm linh giữa Đông và Tây
![](images/Wilhelm01.JPG) |
Richard Wilhelm (1873-1930) |
Richard Wilhelm (tên
chữ Hán là Vệ Lễ Hiền
衛禮賢,
1873-1930), đã mở ra cho thế giới Tây phương nhìn thấy một di sản tâm linh
phong phú của Trung Quốc cũng như của Châu Á. Ông đã phiên dịch hầu hết
những kinh điển trọng yếu của Nho giáo và Đạo giáo, cũng như các tác phẩm
triết học của Trung Quốc từ Hán ngữ sang Đức ngữ, và từ đó, các bản dịch từ
Đức ngữ sang Anh ngữ và các ngôn ngữ khác của Âu Châu cũng chào đời. Cho đến
hôm nay, trong số hàng chục bản dịch khác nhau của kỳ thư Kinh Dịch này, bản
dịch xuất bản năm 1923 của Wilhelm vẫn là độc nhất vô nhị, và có lẽ trong
tương lai khó có bản dịch nào vượt qua bản dịch của Wilhelm.
Không chỉ là một học giả và nhà ngữ học, Wilhelm còn
là một người truy cầu về tâm linh. Tuy thâm nhập vào
cõi minh triết của Trung Quốc nhưng ông vẫn không
đánh mất sự liên lạc với cõi Tây phương. Sống tại
Trung Quốc hơn 20 năm, ông đã chứng kiến những biến
chuyển về văn hoá và tâm linh giữa hai thế giới Đông
và Tây. Bấy giờ, người Âu Châu đang chinh phục Trung
Quốc, nhưng họ rất ít hoặc không hề quan tâm đến văn
hoá Trung Quốc. Còn phía dân Trung Quốc thì luôn xem
người Âu Châu là bạch quỷ, do đó họ đã không thể phổ
biến kho báu minh triết của họ cho Tây phương.
Wilhelm là một trong những người tiên phong đã nhận
ra giá trị quý báu của tư tưởng Trung Quốc, nên ông
đã nỗ lực bắc một nhịp cầu tinh thần giữa hai cõi
Đông và Tây.
Richard Wilhelm sinh năm 1873 tại nước Đức. Khi còn
là một học sinh của trường Tubinger Slift danh
tiếng, ông đã quan tâm nhiều đến văn hoá và hết sức
yêu thích các tác phẩm của đại thi hào Johann
Wolfgang von Goethe. Với xu hướng về đời sống tâm
linh, Wilhelm đã chọn ngành thần học (theology). Năm
1895, ở tuổi 22, ông được thụ phong mục sư. Năm 26
tuổi, ông gia nhập Allgemein Protestantischer
Missionsverein (Đức Quốc Cơ Đốc Giáo Đồng Thiện
Hội), và năm 1899 ông được biệt phái đến Thanh Đảo
của Trung Quốc để truyền giáo.
Kể từ khi Wilhelm đến Trung Quốc năm 1899, ông đã
giao tiếp với đủ các thành phần văn nhân học giả tại
đây, kể cả giới huyền bí học, tức những người tu
luyện theo bí giáo (kim đan đạo) hay tu tiên (trường
sinh bất tử). Sau đó, ông thành lập Wilhelms
Bibliothek (Lễ Hiền Thư Viện). Ông đến Thanh Đảo
chẳng bao lâu thì Loạn Quyền Phỉ (tức Nghĩa Hoà
Đoàn) nổi lên. Những người Trung Quốc cấp tiến đã
thành lập phong trào chống chủ nghĩa thực dân Âu
Châu. Tất cả những người Âu Châu tại Trung Quốc đều
có nguy cơ trở thành mục tiêu bị tấn công, sát hại,
nhất là các giáo sĩ, tức những người mà dân bản địa
nghĩ rằng đã gieo rắc tà thuyết chống lại truyền
thống cố hữu của Trung Quốc. Cuối cùng Loạn Quyền
Phỉ cũng bị dẹp tan, và người Âu Châu đã nhận ra nhu
cầu tìm hiểu thêm về Trung Quốc để hiểu biết và giao
tiếp tốt hơn với dân bản địa. Trong tình hình đó,
ngay khi đến Trung Quốc, Wilhelm bắt đầu học Hán
ngữ. Với năng khiếu bẩm sinh về ngôn ngữ, ông nhanh
chóng tinh thông Hán ngữ và những ngôn ngữ liên quan
như Nhật ngữ và Hàn ngữ (Korean). Năm 1905, tức năm
mà người con trai thứ ba (Helmut Wilhelm) của ông
chào đời, ông đã bắt đầu phiên dịch một số tác phẩm
từ Hán ngữ sang Đức ngữ. Công việc biên khảo và dịch
thuật của ông vẫn liên tục miệt mài từ lúc đó cho
đến khi ông lìa đời (1930).
Khi học Hán ngữ, ông tập trung nhiều nhất việc đọc
hiểu và phiên dịch các kinh điển Trung Quốc và ông
càng say sưa tìm hiểu văn hoá của đất nước này. Tại
Thanh Đảo cũng như tại Bắc Kinh, ông luôn quảng giao
với các văn nhân và học giả đương thời. Sự hội nhập
của ông với văn hoá Trung Quốc và Hán ngữ đã chuyển
hoá ông thành một con người mới. Lúc đầu đến Trung
Quốc với sứ mạng truyền giáo cho dân bản địa, nhưng
cuối cùng ông đã bị văn hoá và tôn giáo Trung Quốc
cải hoán lại. Về sau này, ông đã thú nhận với người
bạn chí thân là Carl Gustav Jung (cha đẻ của Tâm lý
học phân tích) rằng suốt 20 năm sống tại Trung Quốc,
ông chưa hề làm phép bí tích cho một người dân Trung
Quốc nào cả. Thay vào sứ mạng truyền giáo đó, ông
nghĩ rằng cái sứ mạng đích thực mà ông phải làm
chính là phải bắc một nhịp cầu tâm linh giữa hai cõi
Đông phương và Tây phương, thông qua việc biên khảo
và phiên dịch kinh điển Trung Quốc.
![](images/laonaituyen.JPG) |
Lao
Nãi Tuyên (1843-1921) |
Năm 1911, lúc 38 tuổi,
Wilhelm có duyên may gặp gỡ Lao Nãi Tuyên
勞乃宣(1843-1921),
vốn là một văn nhân, đã đậu tiến sĩ và từng làm
quan. Lao Nãi Tuyên đã giúp Wilhelm rất nhiều trong
việc nghiên tập Hán học. Đó là một hiền giả đã giúp
Wilhelm hoá giải những xung đột nội tâm giữa hai nền
văn hoá và tư tưởng dị biệt giữa Đông và Tây, và đã
giúp ông tìm sự an tĩnh nội tâm. Sau khi gặp Lao Nãi
Tuyên, Wilhelm thành lập Tôn Khổng Văn Xã (Confucius
Society) tại Thanh Đảo và mời Lao Nãi Tuyên quản lý.
Mối chân tình giữa Wilhelm và Lao Nãi Tuyên ngày
càng gắn bó. Thời gian ở Trung Quốc, ông nhận thấy
Kinh Dịch chiếm địa vị hết sức trọng yếu trong Thập
Tam Kinh của Nho giáo, nên ông đã nhờ Lao Nãi Tuyên
truyền dạy cho. Suốt 10 năm cuối đời của Lao Nãi
Tuyên, nhà hiền triết này đã dạy Kinh Dịch cho
Wilhelm, và cùng thời gian này (kể từ 1913) Wilhelm
đã dịch Kinh Dịch sang Đức ngữ.
Ông viết về công trình phiên dịch công phu suốt 10
năm ấy như sau: «Sau cách mạng Tân Hợi (1911), Thanh
Đảo trở thành nơi tạm cư cho các học giả danh tiếng
nhất thuộc phái cổ học của Trung Quốc. Trong các vị
học giả ấy, tôi quen được Lao Nãi Tuyên. Ông là
người đầu tiên khai mở cho tôi sự bí mật của Kinh
Dịch. Rồi chúng tôi cộng tác với nhau. Ông giảng
Kinh Dịch cho tôi nghe bằng Bạch thoại, và tôi ghi
chú. Sau đó tôi dịch kinh văn sang Đức ngữ cho riêng
tôi. Rồi tôi bỏ văn bản Hán ngữ gốc sang một bên và
dịch ngược từ Đức ngữ sang Hán ngữ, để Lao Nãi Tuyên
xem tôi có hiểu đúng vấn đề không. Sau đó tôi nhuận
sắc lại bản dịch Đức ngữ và viết lời bình một cách
chi tiết. Tôi còn phải hiệu đính ba bốn lần nữa và
ghi thêm những giải thích quan trọng nhất. Bản dịch
đã hoàn thành như thế.» (xem: I Ging, Diederichs,
2001, trang 21)
Wilhelm đã xem Lao Nãi Tuyên như một nhà nho kiệt
xuất đương thời và kính trọng ông như một bậc Đạo sư
(Guru). Lao Nãi Tuyên là một nhà nho thức thời, ông
đã sớm nhận ra rằng sự cách biệt của Trung Quốc với
thế giới bên ngoài đã đến lúc chấm dứt. Không chỉ
thuộc giòng nho gia, Lao còn là người hâm mộ Đạo
giáo và tập luyện tĩnh tọa dưỡng sinh. Tất cả những
điều đó đã ảnh hưởng đặc biệt đến Wilhelm.
Năm 1920, Wilhelm trở về nước Đức, nhưng rồi ông lại
sang Trung Quốc lần nữa vào năm 1922. Năm 1921, khi
những trang cuối cùng của bản dịch Đức ngữ của Kinh
Dịch hoàn thành, Lao Nãi Tuyên tạ thế, và sứ mạng
của bậc hiền giả này đã hoàn thành. Wilhelm tiếp tục
biên tập và ghi thêm lời bình chú bộ sách này cho
đến 1923. Cùng năm này, ông được cử làm Tham tán Văn
hoá cho Sứ quán Đức tại Trung Quốc và được Đại học
Bắc Kinh thỉnh giảng về môn văn học và triết học
Đức. Năm 1924, Wilhelm trở về Đức và nhận dạy Hán
ngữ tại Đại học Frankfurt. Năm 1925 ông sáng lập
Trung Quốc Học Viện (China Institut) tại Frankfurt
am Main và làm việc tại đây cho đến lúc tạ thế
(1930).
Từ 1924 đến 1930, ông chuyên về biên khảo, dịch
thuật, và giảng dạy. Ông đã cố gắng thúc đẩy sự hiểu
biết lẫn nhau về văn hoá tư tưởng giữa Đông phương
và Tây phương. Mọi nỗ lực của ông thoạt đầu đã không
hanh thông. Ông gặp phải sự chống đối từ nhiều phía.
Giới hàn lâm đại học thì không tin ông vì ông vốn là
một mục sư, còn Giáo Hội và cộng đồng tín hữu cũng
không thích ông vì ông đã bỏ đạo. Nhưng ông cũng có
nhiều người ủng hộ, chẳng hạn Bá Tước Keyserling,
vốn là một người cũng bị giới hàn lâm đại học, những
nhà theo chủ nghĩa quốc gia, và giới Thiên Chúa giáo
chính thống tẩy chay. Wilhelm đã chấp bút viết một
chương cho quyển sách của Bá Tước Keyserling nói về
hôn nhân. Ở đây Wilhelm viết về hôn nhân của người
Trung Quốc và nhấn mạnh ý nghĩa tâm linh của hôn lễ.
Wilhelm đã gia nhập một phái bí giáo tức Trường Minh
Triết (the School of Wisdom) tại Darmstadt. Do ảnh
hưởng của Wilhelm đối với Bá Tước Keyserling và con
trai của bá tước là Arnold Keyserling, môn triết học
Trung Quốc, nhất là Kinh Dịch được giảng dạy tại đây
như là một môn học trọng tâm.
Tại Trường Minh Triết (the School of Wisdom),
Richard Wilhelm đã hội ngộ Carl Gustav Jung, nhà
sáng lập môn tâm lý học phân tích (analytical
psychology), và họ đã trở thành bạn thân thiết của
nhau. Jung cũng nhận ra ý nghĩa trọng đại ở những
công trình của Wilhelm, nhất là Kinh Dịch. Jung đã
giúp Wilhelm giành được sự trọng vọng trong giới đại
học Đức. Bản dịch Kinh Dịch của Wilhelm đã giúp Jung
soi sáng thêm về bộ môn tâm lý của chính mình, rồi
ông mời Wilhelm sang Câu Lạc Bộ Tâm Lý
(Psychologischer Klub) tại Zürich để biểu diễn bói
Dịch. Jung đã viết thêm phần dẫn luận rất dài cho
bản Đức ngữ Kinh Dịch của Wilhelm và rồi bảo Cary
Baynes, một học trò của ông, dịch từ Đức ngữ sang
Anh ngữ. Sau đó ông bảo Cary Baynes dịch tiếp bản
Đức ngữ Thái Ất Kim Hoa Tông Chỉ của Wilhelm sang
Anh ngữ nốt, và trong quyển này ông cũng viết thêm
phần dẫn luận rất dài.
![](images/goethe.jpg) |
![](images/HermannHesse.jpg) |
![](images/MartinBuber.jpg) |
Johann
Wolfgang von Goethe |
Herman Hesse |
Martin Buber |
Với sự trợ giúp của Bá Tước Keyserling và Jung, dần
dần tác phẩm của Wilhelm được công
chúng Đức biết đến. Các bài viết và các trứ tác của
ông dần dần thu hút thêm sự tán thưởng và hâm mộ
công chúng. Sách của ông được xuất bản và ông kết
giao thêm nhiều văn nghệ sĩ danh tiếng như nhà văn
Herman Hesse, Martin Buber, nhạc sĩ Joseph Hauer,
v.v... Salome Wilhelm, vợ của Richard Wilhelm, năm
1956 tại Köln đã xuất bản hồi ký Richard Wilhelm,
der Mittler zwischen China und Europa (Richard
Wilhelm, người bắc nhịp cầu tinh thần giữa Trung
Quốc và Âu Châu), kể rằng ông là một nhân cách sôi
nổi, vồn vã, quảng giao. Trứ tác rất nhiều, nhưng
ông không hề cảm thấy mệt mỏi, và nhất là ông không
bao giờ xuôi theo trào lưu chính trị và tư tưởng
đương thời.
![](images/Wilhelm-mochi.JPG) |
Mộ phần của Richard Wilhelm và vợ (Salome
Wilhelm) với hình Thái Cực - Bát Quái. |
Sau chỉ 4 năm tại quê nhà (tức là từ năm 1924), bấy
giờ 55 tuổi, ông lại bị bệnh lỵ amíp (amoebic
dysentery) hành hạ, chứng bệnh đã đeo đuổi ông dai
dẳng kể từ những năm ông sống tại Trung Quốc. Và rồi
ông tạ thế năm 1930.
Trong vô số các trứ tác biên khảo và dịch thuật của
Wilhelm, hai tác phẩm nổi bật nhất (với sự cộng tác
của nhà tâm lý học phân tích Carl Gustav Jung) hẳn
là I Ging – Das Buch der Wandlungen (Dịch Kinh -
Quyển kinh về những biến dịch, tựa tiếng Anh là I
Ching: the Book of Changes) và Das Geheimnis der
goldenen Blüte
(Thái Ất Kim Hoa Tông Chỉ, tựa tiếng Anh là The
Secret of the Golden Flower). Hai tác phẩm này có
thể nói đã bắc được nhịp cầu tâm linh giữa hai cõi
Đông và Tây vậy.
Tác phẩm chính của Richard
Wilhelm:
- Das wahre Buch vom quellenden Urgrund (Xung Hư
Chân Kinh
沖虛真經, tức Liệt Tử
列子),
Jena, 1911.
- Lao-tse, Tao-te-king, Das Buch des Alten vom Sinn
und Leben (Đạo Đức Kinh
道德經), Jena, 1911.
- Kungfutze Gespräche
(Luận Ngữ
論語, dịch ra Đức ngữ và chú thích), Jena,
1910.
- Khung-tse, Leben und Werk (Khổng Tử, Cuộc Đời và
Tác Phẩm), Stuttgart, 1925.
- Mong-dsi (Mạnh Tử
孟子,
dịch ra Đức ngữ và chú thích), Jena, 1916.
- Dschuang-dsï,
das wahre Buch vom südlichen
Blütenland
(Trang Tử Nam Hoa Chân Kinh
莊子南華真經), 1923.
- I Ging, Das Buch der Wandlungen, aus dem
Chinesischen verdeutscht und erläutert
(Dịch Kinh, quyển sách về những biến dịch, phiên
dịch từ Hán văn và chú giải), Jena, 1924.
- Die Seele Chinas (Trung Quốc Tinh Thần), Berlin,
1925.
- Lao-tse und der Taoismus (Lão Tử và Đạo giáo),
Stuttgart, 1925.
- Konfuzius und der Konfuzianismus (Khổng Tử và Nho
Giáo), Stuttgart, 1925.
- Ostasien, Werden und Wandel des chinesischen
Kulturkreises (Đông Á, Chuyển biến của giới Văn hóa
Trung Quốc), Potsdam, 1928.
- Frühling und
Hebrst des Lü
Bu We (Lã Thị Xuân Thu
呂氏春秋),
1928.
- Die Religion und Philosophie Chinas (Tôn Giáo và
Triết Học Trung Quốc), [năm?].
- Geschichte der chinesischen Zivilisation (Trung
Quốc Văn Minh Sử), được G. Lepage dịch ra Pháp văn
Histoire de la Civilisation chinoise, Paris, 1931.
- Das Geheimnis der goldenen Blüte
- Ein chinesisches Lebensbuch (Thái Ất Kim Hoa Tông
Chỉ - Trung Quốc Đan Thư
太乙金華宗旨中國丹書), Stuttgart, 1965. R. Wilhelm dịch
Hán-Đức và chú giải, Carl G. Jung viết lời tổng
luận. Quyển này gồm Thái Ất Kim Hoa Tông Chỉ do Lã
Động Tân (Lã Tổ) giáng bút dạy luyện đan, và một
phần của Huệ Mạng Kinh
慧命經(Das
Buch von Bewußtsein und Leben) của Liễu Hoa Dương
柳華陽,
một tổ sư của phái Ngũ Liễu
伍柳
của Đạo giáo. (Cary F. Baynes dịch ra tiếng
Anh: The Secret of the golden Flower, 1962).
- Wandlung und Dauer (Biến và Hằng), tuyển tập 4 bài
viết của Richard Wilhelm, Irene Eber (nữ đệ tử của
Hellmut Wilhelm) tuyển dịch từ Đức sang Anh, nhan đề
I Ching - Constancy and Change, Princeton, 1979.
- v.v...
TƯ LIỆU THAM KHẢO
1- Richard
Wilhelm, I Ging – Das Buch der Wandlungen
(Dịch Kinh - Quyển kinh về những biến dịch),
Heinrich Hugendubel Verlag,
München, 1973.
2-
Richard Wilhelm, I Ching: the Book of Changes
(Dịch Kinh - Quyển kinh về những biến dịch), trans.
by Cary F Baynes, London, 1969.
3-
Richard Wilhelm & Carl Gustav Jung, Das Geheimnis
der goldenen Blüte
太乙金華宗旨
(Thái Ất Kim
Hoa Tông Chỉ), Rascher Verlag, Zürich und Stuttgart,
1965. Quyển này có kèm theo một phần của quyển Huệ
Mạng Kinh 慧命經
(Das
Buch von Bewußtsein und Leben) của Liễu Hoa Dương
柳華陽,
một tổ sư của phái Ngũ Liễu 伍柳
của
Đạo
giáo.
4- Richard
Wilhelm & Carl Gustav Jung, The Secret of the
Golden Flower
太乙金華宗旨
(Thái Ất Kim
Hoa Tông Chỉ), trans. by Cary F Baynes, New York,
1962.
5-
C.G. Jung, Memories Dreams Reflections (Ký
ức, giấc mơ, hồi niệm), New York, 1963.
6-
Richard Wilhelm, Lectures on the I Ching:
Constancy and Change (Bài giảng về Dịch Kinh:
Hằng và Biến), trans. by Irene Eber, Princeton,
1979.
|
©
http://vietsciences.org
và
http://vietsciences.free.fr
và http://vietsciences2.free.fr
- Lê Anh Minh |