Thomas Mann (1875 - 1955) tiểu thuyết gia, nhà viết luận văn và
truyện ngắn người Đức, đoạt Giải Thưởng Nobel Văn
Chương năm 1929.

Trong các tác phẩm của ông, Thomas Mann đã
phối hợp tư tưởng triết học, trí khôn ngoan và tính hài
hước để trình bày một cách rất sâu sắc các vấn đề
tâm lý nội tâm, bởi vì ông hiểu rõ các hoàn cảnh chính
trị và văn hòa của những người chung quanh. Chủ đề
của ông là sự tương phản giữa tinh thần (spirit) và đời
sống (life) và ông thường viết ra cho người đọc nhận
thấy các thái độ của giới nghệ sĩ và giới trung lưu.
Ông đã mạnh dạn chống đối chủ nghĩa Quốc Xã và nhà
độc tài Adolf Hitler trong thời kỳ đen tối nhất của
lịch sử nước Đức. Các tiểu thuyết và truyện ngắn
của Thomas Mann đã được dịch sang nhiều ngôn ngữ và
được hàng triệu người trên thế giới đọc và ngưỡng
mộ.
Thomas Mann sinh ngày 6 tháng 6 năm 1875 trong một gia đình
thương gia đáng kính thuộc tỉnh Lubeck, trên miền Biển
Bắc (the North Sea). Ông là con thứ hai trong năm người con
của thượng nghị sĩ Thomas Heinrich Mann và bà mẹ có tài
về âm nhạc. Nhờ bà mẹ và các nhạc sĩ thường hay
lại nhà mà Thomas rất sớm làm quen với nền âm nhạc
cổ điển, nhất là các nhạc phẩm của Richard Wagner.
Sau khi người cha qua đời vào năm 1891, gia đình này
đã bán đi cơ sở thương mại rồi dọn về thành phố
Munich. Tại nơi này, Thomas Mann bắt đầu làm thơ, viết
một số truyện ngắn và được nhà xuất bản khuyến khích
sáng tác.
Gia đình thương mại giàu có của Thomas Mann theo đạo
Tin Lành rất thuần thành và bảo thủ, đây là căn bản
chính để cho tác giả viết ra tác phẩm "Gia Đình
Buddenbrooks" (1901) qua đó nhà văn đã mô tả nhiều
thế hệ đã bị suy đồi về luân lý do các suy thoái
vật chất và cuốn tiểu thuyết kể trên đã bảo vệ các
truyền thống cổ điển và tác giả đã tự cho mình là
một người đại diện cho môi trường xã hội thời đó.
Cuốn truyện Buddenbrooks vào thời đó thuộc loại bán
chạy nhất (a best-seller), làm nổi danh tác giả dù cho
Thomas Mann mới ở vào tuổi 26 và sự thành công này đã
cho phép nhà văn sống một cuộc đời phong lưu, dồn hết
năng lực vào sự nghiệp sáng tác cho tới cuối đời.
Khi viết xong tác phẩm Buddenbrooks, Thomas Mann bắt đầu
đọc các sách của Schopenhauer và Nietzsche. Do ảnh hưởng
của hai nhà tư tưởng này, ông đã bớt bênh vực giới
trung lưu hạng cao của mình và coi mình thuộc loại tư
sản lạc lõng (lost bourgeois) và nhà văn này đã bị lôi kéo
giữa các cảnh hai cực: cá nhân và cộng đồng, giới
nghệ sĩ và giới tư sản, tinh thần và thiên nhiên, tâm lý
và huyền bí (mythical), đời sống và cõi chết, cũng như
nghi ngờ trước nghệ thuật của mình. Hai chuyện dài
"Tonio Kroeger" (1903) và "Chết tại Venice"
(Death in Venice, 1913) là hai tác phẩm danh tiếng liên quan
tới vấn đề nghi ngờ này.
Vào năm 1905, Thomas Mann kết hôn với cô Katjia
Pringsheim, con gái của một giáo sư Toán tại Munich. Katjia
là bà mẹ xuất sắc với sáu người con, đã giúp chồng
có thể hoàn toàn chuyên tâm vào việc quan sát và ghi chép
từng chi tiết của thế giới chung quanh.
Thomas Mann khâm phục đại văn hào người Nga Leo
Tolstoy và không đồng ý với người anh ruột là Heinrich,
cũng là một tiểu thuyết gia danh tiếng về cách dùng
nghệ thuật văn chương cho các tư tưởng chính trị cấp
tiến. Vào đầu Thế Chiến Thứ Nhất, Thomas Mann đã ca
ngợi "quyền gia tăng sức mạnh" (the right of
ascending power) để bênh vực việc bành trướng quân lực
của nước Đức, sự việc này đã khiến cho hai anh em
bất hòa, cắt đứt liên lạc với nhau. Thomas Mann chỉ
thay đổi quan điểm sau Thế Chiến Thứ Hai với bài viết
tự thuật "Hồi Tưởng của một người không chính
trị" (Reflections of a Non-Political Man, 1918) và kể từ
thời điểm này, hai anh em đã hòa giải và liên lạc với
nhau cho tới khi Heinrich qua đời vào năm 1950.
Sau khi nước Đức bị thua trận Thế Chiến Thứ
Nhất và cũng do ảnh hưởng của tư tưởng nhân bản
(humanistic) của Johann W. von Goethe mà Thomas Mann cố gắng tìm
cách dung hòa hai đối nghịch là nghệ thuật và chính
trị, và tác phẩm sau 12 năm làm việc với ý tưởng
tổng hợp là cuốn tiểu thuyết "Ngọn Núi Huyền
Diệu" (The Magic Mountain, 1924) cùng với bài diễn văn
nhan đề "Nền Cộng Hòa Đức" (The German Republic,
1922) và bài luận văn (essay) "Goethe và Tolstoy"
(1923). "Ngọn Núi Huyền Diệu" là cuốn tiểu
thuyết mô tả cuộc đời của một nhóm bệnh nhân tại
một bệnh viện trên miền núi vào các năm trước Thế
Chiến Thứ Nhất.
Trong thập niên 1920, Thomas Mann đã qua tâm nhiều tới
vấn đề chính trị của thời đại, ông đã đi diễn
thuyết tại nhiều nơi, phản đối nhóm cực hữu đã làm
hại nền Cộng Hòa Weimar và ông bênh vực một nước Đức
dân chủ đứng giữa hai khối Đông và Tây. Ông kêu gọi
hai phe bảo thủ và xã hội phải dàn hòa với nhau và đoàn
kết để chống kẻ thù chung là đảng Đức Quốc Xã.
Năm 1929, Thomas Mann được trao tặng Giải Thưởng
Nobel Văn Chương vì tác phẩm Buddenbrooks, sự việc này đã
bị nhiều người cấp tiến phản đối, họ cho rằng tác
phẩm "Ngọn Núi Huyền Diệu" mang tính nhân bản hơn.
Năm sau, Thomas Mann cho xuất bản cuốn "Mario và nhà
quỷ thuật "(Mario and the Magician, 1930). Đây là cuốn sách
tấn công dữ đội chế độ phát xít (fascism). Năm 1933,
nhân ngày kỷ niệm 50 năm nhạc sĩ Richard Wagner qua đời,
Thomas Mann đã đọc một bài diễn văn xuất sắc, mô tả
sự vĩ đại của nhạc sĩ Wagner cũng như ca ngợi đặc tính
siêu hình của Schopenhauer, coi nhà triết học này là một
người đại diện thiên tài cho nền triết học Bất
Thuần Lý (irrationalism) của nước Đức.
Sau bài diễn văn kể trên, Thomas Mann bị nhiều người
kết án là có thái độ "chống quốc gia"
(anti-nationalistic), đã có nhiều vụ phí báng nhà văn này
rồi 12 ngày sau, khi Adolf Hitler lên nắm chính quyền, Thomas
Mann đã chạy qua Thụy Sĩ. Chính quyền Đức bèn tước
bỏ quyền công dân của ông từ năm 1936 và bằng tiến sĩ
danh dự đã được trao tặng cho ông vào năm 1919. Thomas
Mann sống tại Thụy Sĩ cho tới ngày ông được phép di cư
sang Hoa Kỳ vào năm 1938 và đầu tiên định cư tại
Princeton, New Jersey, rồi dời về Pacific Palisades, thuộc
tiểu bang California. Năm 1944, nhà văn Thomas Mann trở nên công
dân Hoa Kỳ.
Trong thời kỳ lưu vong, Thomas Mann cho mình là người
đại diện của tinh thần Đức chính thực, và ông đã
tấn công dữ dội chủ nghĩa Quốc Xã, đồng thời ông cũng
không che dấu sự không ưa thích các nền dân chủ phương
tây, cho rằng các chế độ này đã không giúp đỡ nền
cộng hòa Weimar non trẻ trong khi còn đủ thời giờ làm
nản lòng nhà độc tài Hitler. Sự lo lắng trước cách hòa
dịu của phe Anh Pháp của ông đã được chứng tỏ là đúng
sau khi Thỏa Hiệp Munich (the Munich Agreement) của năm 1938
được ký kết.
Thomas Mann cũng ca ngợi nền chính trị của Thổng
Thống Franklin D. Roosevelt mà ông gọi là "nền dân
chủ xã hội" (the social democracy) và tình cảm giữa
hai nhân vật danh tiếng này đã tăng thêm. Do sự đề
nghị của Tổng Thống Roosevelt, nhà văn Thomas Mann được
trường Đại Học Harvard trao tặng bằng Tiến Sĩ Danh Dự
và văn hào người Đức này đã đi xa hơn do cách vận động
cho Tổng Thống Roosevelt khi ra tranh cử lần thứ tư.
Năm 1943, cuốn truyện dài 4 tập "Joseph và các
Anh Em" (Joseph and His Brothers, 1943) nói về nhân loại
từ khởi đầu huyền bí, đã đạt tới đỉnh cao khai sáng
(enlightened heights), đây là sáng tác danh tiếng nhất trong
thời kỳ lưu vong của tác giả. Sau đó "Bác Sĩ
Faustus" (Doctor Faustus, 1947) gồm cách diễn tả bán ẩn
dụ. Đây là tiểu sử hư cấu của một nhạc sĩ xuất
sắc, qua lại với một cô gái điếm để rồi mắc bệnh
tình dục và chịu đau khổ trong suốt quãng đời cho
đến khi chàng nhạc sĩ hóa điên và gục chết. Cuốn
truyện đã cố gắng cắt nghĩa toàn cảnh bi kịch của nước
Đức dưới chế độ Quốc Xã và tác phẩm này cũng được
nhiều người ca ngợi.
Sau Thế Chiến Thứ Hai, nhà văn Thomas Mann bị chỉ trích
vì ông đã bỏ xứ ra đi trong hoàn cảnh cần thiết
nhất. Cảm tình của ông đối với hai miền Đông Đức và
Tây Đức đã khiến cho nhiều người nghi ngờ ông về thái
độ chống Đức và thiên Cộng.
Sau đó tại Hoa Kỳ, Thượng Nghị Sĩ Joseph R. McCathy
khuynh đảo Quốc Hội, tạo nên một bầu không khí trấn
áp, chống Cộng Sản và nghi ngờ giới trí thức. Nhà văn
Thomas Mann phải rút lui khỏi chức vụ cố vấn cho bộ môn
Văn Chương Đức tại Thư Viện Quốc Hội. Vào lúc này
ở tuổi 78, nhà văn Thomas Mann đã tỉnh ngộ trước Hoa
Kỳ, ông trở về Thụy Sĩ vào năm 1852 và đã nói rằng
"nền tự do của Hoa Kỳ đang chịu đau đớn do cách
bảo vệ chính mình và vài người e ngại rằng nền tự
do này sẽ vỡ ra từng mảnh".
Tác phẩm sau cùng của nhà văn Thomas Mann là cuốn
"Các Lời Thú Nhận của Felix Krull, Người Tự
Tin" (The Confessions of Felix Krull, Confidence Man, 1952). Ngoài
các cuốn tiểu thuyết, Thomas Mann còn viết nhiều bài
luận văn (essays) liên quan tới nền văn hóa và văn chương
Đức, bàn luận các tư tưởng và thành quả của nhà thơ
Johann W. von Goethe, nhà soạn nhạc Richard Wagner, nhà tâm lý
học Sigmund Freud và nhà triết học Friedrich Nietzsche. Các
nghiên cứu này được coi là các tài liệu văn hóa quan
trọng nhất của thời đại đó. Thomas Mann qua đời tại
Zurich vào ngày 12 tháng 8, 1955.
Ngày nay, cùng với Franz Kafka, Văn Hào Thomas Mann được
coi là nhà viết tiểu thuyết thuộc thế giới nói tiếng
Đức có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trong thế kỷ 20./.
Tác phẩm:
Little Herr Friedemann (1898) = Der
kleine Herr Friedemann
Buddenbrooks (1901) = Buddenbrooks - Verfall einer Familie
Tonio Kröger (1903)
Royal Highness (1909) = Königliche Hoheit
Death in Venice (1912) = Der Tod in Venedig
Reflections of an Unpolitical Man (1918) = Betrachtungen eines
Unpolitischen
The German Republic (1922) = Von deutscher Republik
The Magic Mountain (1924) = Der Zauberberg
Disorder and Early Sorrow (1926) = Unordnung und frühes Leid
Mario and the Magician (1930) = Mario und der Zauberer
Joseph and His Brothers (1933-43) = Joseph und seine Brüder
The Tales of Jacob (1933)
The Young Joseph (1934)
Joseph in Egypt (1936)
Joseph the Provider (1943)
The Problem of Freedom (1937) = Das Problem der Freiheit
Lotte in Weimar or The Beloved Returns (1939)
The Transposed Heads (1940) = Die vertauschten Köpfe - Eine indische
Legende
Doctor Faustus (1947) = Doktor Faustus
The Holy Sinner (1951) = Der Erwählte
Confessions of Felix Krull Confidence Man, The Early Years (1922/1954) =
Bekenntnisse des Hochstaplers Felix Krull. Der Memoiren erster Teil
(unfinished)
©
http://vietsciences.free.fr Phạm
Văn Tuấn |