William Shakespeare |
Vietsciences- Phạm Văn Tuấn 03/04/05 |
|
![]() |
![]() |
St Paul's Cathedral |
Westminster Abbey |
Vào thập niên 1580, thành phố London với dân số vào khoảng
150,000 người, đã trở nên một nơi thị tứ sầm uất của châu Âu.
Trên giòng sông Thames đã có hàng ngàn con tầu buôn xuôi ngược
và đôi khi Con Phà Hoàng Gia (the Royal Barge) rực rỡ cũng xuất
hiện trên giòng sông này. Cây Cầu London (the London Bridge)
cũng là nơi danh tiếng với trên đầu cầu về phía nam có Tháp
London (the Tower of London), nơi hay trưng bày các đầu lâu của
những kẻ bị xử tội phản bội và đây là dấu tích của cảnh bạo lực
thuộc Thời Đại Nữ Hoàng Elizabeth I. London có hơn 100 nhà thờ
mà danh tiếng nhất là ngôi giáo đường St. Paul cổ kính. Ngoài ra
về phía tây, còn có Inns of Court là một trường đại học đào tạo
các luật sư, còn có Lâu Đài Hoàng Gia Whitehall (the Whitehall
Royal Palace) và Cung Điện Westminster.đã
bị tan tác vào năm 1588. Cảnh thịnh vượng, sang trọng của triều
đình Anh là dấu hiệu về quyền lực của Triều Đại Elizabeth I.
![]() |
![]() |
Nữ Hoàng Elizabeth I |
Nữ Hoàng Mary of Scots |
Trong Thời Đại Elizabeth I, Văn Chương đã phát triển. Triều Đình
Anh đã trợ cấp cho các nhà văn, nhà thơ khi viết ra các tác
phẩm. Một số nhà văn quý tộc như Sir Walter Raleigh, Sir Philip
Sidney… cũng sáng tác ra các áng văn thơ phản ánh vẻ rực rỡ của
triều đại, đồng thời các nhà thơ có nguồn gốc bình dân cũng được
bảo trợ như Christopher Marlowe, Edmund Spencer và Michael
Drayton. Trong hoàn cảnh kinh tế, xã hội này, ngành Kịch Nghệ đã
phát triển và bắt nguồn từ hai chiều hướng. Chiều hướng thứ nhất
hoàn toàn thế tục, bình dân, kể lại các truyền thuyết cổ, các
câu chuyện trong Thánh Kinh, các mẩu chuyện Lịch Sử cổ kim, còn
loại thứ hai do các sinh viên của Trường Inns of Court, họ là
các cựu sinh viên của Viện Đại Học Oxford hay Cambridge, đã từng
hiểu biết Lịch Sử và Kịch Nghệ của các Thời Đại Hy Lạp, La Mã.
Sự phối hợp nền văn học cổ điển với loại sân khấu bình dân hiện
đại đã cho ra đời vào năm 1587 các vở kịch xuất sắc như
"Tamburlaine" của Christopher Marlowe, hay "Bi Kịch Tây Ban Nha"
(the Spanish Tragedy) của Thomas Kyd…
Về môi trường sống, thành phố London vào năm 1600 có độ 200,000
dân. Theo các tiêu chuẩn hiện nay thì thành phố này rất đông
người và thiếu vệ sinh, nhưng do là thủ đô của nước Anh, London
đã thu hút đủ mọi loại người tới đây tìm các cơ hội thăng tiến :
các quan chức, thầy giáo, nghệ sĩ, nhạc sĩ, sinh viên… và các
nhà văn. Việc dấn thân sâu xa vào đời sống của thành phố London
của William Shakespeare đã khiến ông hiểu biết rất rộng rãi, nhờ
đó ông đã tạo ra được nhiều nhân vật đa dạng trong các vở kịch.
Vào cuối thế kỷ 16, khi Shakespeare bắt đầu viết các kịch bản,
người dân nước Anh mang vẻ lạc quan. Năm 1588, nước Anh vừa
chiến thắng Hạm Đội hùng hậu Armada của Tây Ban Nha, tinh thần
ái quốc của người dân Anh lên cao. Qua đầu thế kỷ 17, khi Nữ
Hoàng Elizabeth I qua đời vào năm 1603, tại nước Anh đã xuất
hiện nhiều vấn đề kinh tế và xã hội, các cuộc chiến nhỏ với vài
nước khác đang diễn ra, các bệnh dịch lan tràn, giết hại hàng
trăm người. Đời người trở nên bị đe dọa, ngắn ngủi. Các vụ xáo
trộn chính trị đã gây nên nhiều pháp trường với cảnh chặt đầu
các kẻ phản bội, cảnh treo cổ các phạm nhân nơi công cộng. Vì
thế các kịch bản của William Shakepeare cũng phản ảnh sự thay
đổi, từ lạc quan sang bi quan. Các hài kịch không còn thấy xuất
hiện mà thay vào là các bi kịch như vở "Measure for Measure"
(Mạt cưa, mướp đắng) hay vở "All's Well that Ends Well" (Cây
lành cho quả ngon). Bi kịch "Vua Lear" đã là một tiếng kêu trong
thất vọng.
Nền văn chương của Thời Đại Elizabeth I phản ảnh các cảnh bạo
lực (violence) hay cảnh chết chóc nên đồng thời, các bi kịch của
Shakespeare cũng hàm chứa các cảnh tự sát hay giết người của các
nhân vật chính trong kịch. Nhưng, dù cho mang đặc tính tàn bạo,
người dân của thời đại này vẫn nhậy cảm đối với vẻ đẹp và thơ
mộng. Văn Chương đã mang nhiều hình thức, kể cả kịch thơ (poetic
drama), chuyện giả tưởng và các bài tham luận (essays). Người
dân nước Anh vẫn yêu thích Âm Nhạc với các nhạc sĩ tài danh của
nước Anh đứng ngang hàng với các nhạc sĩ của châu Âu. Âm Nhạc
dùng các nhạc cụ, các bài hát và các bài nhẩy múa là ba yếu tố
quan trọng trong các vở kịch của Thời Đại Elizabeth I.
Cho tới năm 1576, các diễn viên kịch nghệ chưa có các rạp hát cố
định, họ trình diễn trong các ngôi nhà lớn của thành phố. Do Nữ
Hoàng ưa thích các vở kịch từ đầu thập niên 1570 nên các diễn
viên được nâng đỡ và các rạp hát bắt đầu được xây dựng. James
Burbage vốn là một thợ mộc, đã trở thành một diễn viên và mở ra
rạp hát "The Theatre" vào năm 1576 tọa lạc tại vùng đông bắc của
thành phố London. Một rạp hát thứ hai tên là "The Curtain" được
xây dựng vào năm 1577. Tại bờ phía nam của giòng sông Thames,
vào năm 1587 Philip Henslowe đã dựng nên rạp hát thứ ba tên là
"The Rose Theater" (Rạp Hát Hoa Hồng) rồi rạp hát thứ tư "The
Swan Theater" (Rạp Hát Con Thiên Nga) mở cửa vào năm 1596. Cho
tới năm 1596, William Shakespeare cư ngụ tại Bishopgate, gần các
rạp hát và đã theo một trong các công ty kịch nghệ từ trước năm
1594. Các rạp hát ban đầu là các tòa nhà bằng gỗ, hình tròn, ở
giữa là một sân rộng và khán giả (gọi là groundlings) đứng tại
sân coi hát. Nếu chịu mua vé đắt tiền hơn, khán giả có thể ngồi
trên 3 khán đài (galleries) có mái che nắng và che mưa. Vào thời
kỳ đó, khán giả là loại người bình dân, thường uống rượu, nói
năng ồn ào và có cử chỉ thô tục khi coi hát. Người viết kịch có
tài thỉnh thoảng phải xen vào các pha khôi hài để làm cho khán
giả vui thích. Các buổi trình diễn thường được tổ chức vào ban
ngày, khi thời tiết tốt và để báo cho dân chúng quanh vùng biết
có đoàn hát tới trình diễn, một lá cờ được kéo lên trên đỉnh
tháp của rạp hát. Trên sân khấu của rạp hát vào thời đó, không
có màn, không có phông cảnh, trên mái có vẽ các ngôi sao tượng
trưng cho bầu trời và từ phần lầu của rạp hát (gọi là heavens)
có thể hạ xuống sân khấu một thiên thần ngồi trên một cái ghế
buộc bằng các sợi dây thừng. Rạp hát cũng có phần dưới sân khấu
(gọi tên là hell) nhờ đó một diễn viên có thể xuất hiện hay biến
đi khi vở kịch đòi hỏi. Mặc dù thiếu cảnh trí, sân khấu thời đó
cũng dùng tới các dụng cụ phụ như bàn, ghế, ngai vàng, gươm
súng, cờ xí, lều … Cũng có kèn, trống và các nhạc cụ khác. Tiếng
sấm được tượng trưng bằng tiếng động do lăn mạnh các trái cầu
bằng sắt. Có khi một khẩu đại bác bắn ra mà không có đạn, gây
nên tiếng nổ lớn nhưng cũng dễ gây ra hỏa hoạn. Khi một vở kịch
được trình diễn, một chậu cây tượng trưng cho một khu rừng và
đôi khi có một người cầm một tấm bảng viết hàng chữ như "tại một
khu rừng gần thành phố Athens", hay một diễn viên bước ra sân
khấu và nói lớn "nơi đây là khu rừng Arden". Y phục của các diễn
viên thời đó cũng khá lịch sự. Theo tục lệ, các nhà quý tộc khi
qua đời, thường để lại các y phục cho kẻ hầu trung thành và
những người hầu này đã bán loại quần áo đó cho đoàn hát. Vào
thời đại Nữ Hoàng Elizabeth I, các vở kịch thường hay trình bày
cảnh giết người nên diễn viên đeo sẵn một bọc máu heo bên trong
áo ngoài nhờ đó khi nạn nhân bị đâm, mới có cảnh đổ máu trông
giống như thực.
Cũng vào thời đại Nữ Hoàng Elizabeth I, Thanh Giáo (the
Puritans) là nhóm tôn giáo có thế lực mạnh nhất. Họ rất nghiêm
khắc về vấn đề đạo đức và cho rằng các vở kịch chỉ trình bày các
cảnh tội lỗi, không thánh thiện, các rạp hát là nơi tụ họp của
đám đông thiếu kỷ luật và các tội phạm. Cũng do ảnh hưởng của
nhóm Thanh Giáo, các rạp hát chỉ được xây dựng bên ngoài biên
giới của thành phố London và họ muốn chấm dứt hoạt động của các
đoàn kịch nhưng Nữ Hoàng Elizabeth I và một số quan đại thần lại
ưa thích kịch nghệ và đã bảo vệ các diễn viên. Do một đoàn kịch
được một nhà quý tộc bảo trợ nên họ có tên là "The Admiral 's
Men" (Các người của Ngài Đô Đốc) hay "Lord Chaimberlain 's Men"
(Các người của Hầu Tước Chaimberlain), và đôi khi chính Nữ Hoàng
cũng có các diễn viên riêng, được gọi là "The Queen 's Men" (Các
người của Nữ Hoàng). Tên của người bảo trợ từ đó đi theo đoàn
kịch khi họ trình diễn tại các rạp hát hay khi họ đi lưu diễn
tại các tỉnh. Mỗi đoàn kịch thường gồm 12 người đàn ông vừa là
diễn viên, vừa chung cổ phần với nhau trong nhiều năm và cũng có
các trẻ em học nghề, các người phụ việc. Thời đó, phụ nữ không
được làm diễn viên và vai đàn bà do các em trai đóng nhờ giọng
nói thanh và không có râu. Đoàn hát cũng mướn các nhạc công và
các vở kịch với cốt truyện hất dẫn, với các bài thơ hay, được
viết ra do những người có học, hay nhóm nhân tài, được gọi tên
là "The University Wits" (các bậc trí thức đại học). Nhà viết
kịch danh tiếng nhất thời bấy giờ là Christopher Marlowe.
Thời gian sáng tác ra các vở kịch của William Shakespeare được
chia thành 4 giai đoạn : (1) các năm cho tới 1594, (2) các năm
từ 1594 tới 1600, (3) các năm từ 1600 tới 1608 và (4) giai đoạn
cuối cùng là thời gian sau năm 1608. Giai đoạn sáng tác thứ nhất
của William Shakespeare là thời kỳ học nghề, vào tuổi từ 26 tới
30. Shakespeare đã dựa theo các hài kịch và bi kịch La Mã, đặc
biệt là loại bi kịch của Seneca (Senecan tragedy) hay "bi kịch
có máu" (tragedy of blood), đã bắt chước văn phong của các nhà
viết kịch thời trước và đương thời, và có thể tác giả cũng cộng
tác với Christopher Marlowe. Các vở kịch của giai đoạn này nhấn
mạnh tới các biến cố (events) hơn là diễn tả hình ảnh và nội tâm
của các nhân vật.
Giai đoạn sáng tác thứ hai của William Shakespeare nổi danh vì
các vở kịch như "Romeo và Juliet", "Người lái buôn thành Venice"
(the Merchant of Venice), và "Vua Henry IV", với vở hài kịch
xuất sắc tên là "Giấc Mộng Đêm Hè" (A Midsummer Night 's Dream).
Văn phong của William Shakespeare trưởng thành, hàm chứa sức
mạnh và chứng tỏ thiên tài của tác giả do các vở kịch vui tươi,
châm biếm các mối tình lãng mạn, với nhiều bài thơ mô tả xúc
tích.
Vở kịch "Hamlet" viết vào khoảng năm 1601, mở đầu cho giai đoạn
thứ ba. Trong 8 năm, William Shakespeare đã thăm dò các điều ác,
và thế giới của kinh hãi được trình bày bằng các bi kịch lớn vì
tác giả đã bi quan trước các tư tưởng tuyệt vọng của con người,
trước các hoàn cảnh đau thương của xã hội. Trong giai đoạn thứ
tư và cũng là giai đoạn cuối cùng, William Shakespeare dùng tới
một thể văn mới, đó là bi hài kịch (the tragicomedy) hay tình
yêu lãng mạn bi thương (dramatic romance). "Bão Tố" (The
Tempest) có lẽ là vở kịch hay nhất của thời kỳ này, đã kết hợp
cả sức mạnh và sự khôn ngoan.
Các tình tiết, cốt truyện và tâm lý các nhân vật trong các vở
kịch chứng tỏ William Shakespeare là một người uyên bác, hiểu rõ
về con người, biết phối hợp kỹ thuật kịch với khả năng thơ phú,
tất cả đã khiến cho ông trở nên nhà viết kịch bậc nhất (the
greatest of playwrights). Nghệ thuật của William Shakespeare thì
hiện thực (realistic), tức là hàm chứa sự thực của đời người và
đây là sự thực mang tính vĩnh cửu (eternally true). Các nhân vật
trong các vở kịch vừa sống động, vừa có tính ba chiều, họ có thể
là tốt, là xấu, cao cả hay tầm thường, và gồm đủ mọi hạng người
: các vua chúa, quan lớn, nhân viên hàng giáo phẩm, các kẻ gian
tà, mơ mộng, điên khùng, các kẻ hoạt động… nam cũng như nữ, quê
cũng như tỉnh… Cách mô tả các anh hùng của Shakespeare thực là
tuyệt vời, và ngay cả các nhân vật phụ cũng thế, chẳng hạn như
20 phụ nữ trẻ trong các vở kịch đã được tạo dựng nên với tuổi
tác gần bằng nhau, gần có cùng quá trình xã hội, gần có cùng lối
sống bên ngoài, nhưng 20 phụ nữ này lại khác hẳn nhau trong đời
thực. Các vở kịch của William Shakespeare đã làm cho khán giả
coi kịch bị xúc động mạnh, đã gây ảnh hưởng sâu xa tới độc giả
khiến họ phải đọc lại các kịch bản nhiều lần, thí dụ như vở kịch
"Vua Lear" được coi là bi kịch bậc nhất của Shakespeare.
Cuộc đời của William Shakespeare đã không có các biến cố đáng
kể. Shakespeare là một con người chăm chỉ, điều độ, thuộc giai
cấp trung lưu, biết chăm lo gia đình và chịu khó kinh doanh.
Nhiều người đã tin rằng một người với cuộc đời bình thường như
vậy, với thời gian đi học ngắn ngủi như vậy, không thể viết ra
được các vở kịch xuất sắc, không thể có được chiều sâu tư tưởng,
làm sao biết được ngôn từ và các tư cách của giai cấp thượng
lưu, không thể biết được các môn thể thao, săn bắn của giới quý
tộc … Vì thế kể từ các năm 1800, đã có một số người không chịu
tin tưởng rằng "người diễn viên của thị xã Stratford" là tác giả
thực sự của các vở kịch lừng danh. Những người không chịu tin
này được gọi là "anti-Stratfordians" và họ đã đề nghị vài nhà
văn khác của thời đại Nữ Hoàng Elizabeth I, là tác giả đích
thực, bởi vì các tác phẩm kịch lừng danh phải do một người học
cao, uyên bác, thuộc giai tầng thượng lưu. Trong
nhiều năm và
cho tới ngày nay, nhân vật được đề nghị là Sir Francis Bacon. Đã
có rất nhiều sách vở viết về đề tài tranh luận này. Sau Sir
Bacon là Edward de Vere hay Hầu Tước Oxford thứ 7, được cho là
tác giả không chịu đứng tên. Ngoài ra còn có các nhân vật được
đề nghị khác như Roger Manners, Hầu Tước Rutland thứ 5, William
Stanley hay Hầu Tước Derby thứ 6 và ngay cả Sir Walter Raleigh.
Và cũng lại có người cho rằng tác giả chính là Christopher
Marlowe. Nhưng, biện luận rằng một "con người bình thường của
thị xã Stratford" không thể trở nên một "đại văn hào" tức là đã
quên đi các điều bí ẩn của một thiên tài! Kiến thức của một
thiên tài không phải là thứ học được nơi trường học. Thiên tài
học ít, hiểu nhiều, là người biết áp dụng trí tưởng tượng thiên
phú, cách nhạy cảm về nghệ thuật, sự hiểu biết sâu rộng về con
người vào các sáng tạo và đã từng có một số nhà văn danh tiếng
mà học vấn còn thấp hơn William Shakespeare. Hơn nữa, có vài
người quen biết William Shakespeare như Francis Meres vào năm
1598 và Ben Jonson vào năm 1623, đã vài lần xác nhận William
Shakespeare là một nhà văn có tài trong số các nhà văn thường
hay tụ họp tại quán rượu Mermaid (the Mermaid Tavern) và William
Shakespeare đã được nhiều người khác nể trọng vì tài năng, yêu
mến vì lòng tử tế.
All's Well That Ends Well
As You Like It
The Comedy of Errors
Cymbeline
Love's Labours Lost
Measure for Measure
The Merry Wives of Windsor
The Merchant of Venice
A Midsummer Night's Dream
Much Ado About Nothing
Pericles, Prince of Tyre
Taming of the Shrew
The Tempest
Troilus and Cressida
Twelfth Night
Two Gentlemen of Verona
Winter's Tale
Henry IV, part 1
Henry IV, part 2
Henry V
Henry VI, part 1
Henry VI, part 2
Henry VI, part 3
Henry VIII
King John
Richard II
Richard III
Antony and Cleopatra
Coriolanus
Hamlet
Julius Caesar
King Lear
Macbeth
Othello
Romeo and Juliet
Timon of Athens
Titus Andronicus
The Sonnets
A Lover's Complaint
The Rape of Lucrece
Venus and Adonis
Funeral Elegy
Đọc những tác phẩm của Shakespeare nơi đây: http://www.shakespeare.com/
© http://vietsciences.free.fr http://vietsciences.net Phạm Văn Tuấn