Orhan Pamuk

Vietsciences-Phạm VănTuấn       27/04/2007
 

Những bài cùng tác giả

ORHAN PAMUK (1952- ) Văn Hào Thổ Nhĩ Kỳ, Giải Nobel Văn Chương 2006

Vào ngày 12 tháng 10 năm 2006, Giải Thưởng Nobel Văn Chương đã được trao tặng cho Nhà Văn Orhan Pamuk, người Thổ Nhĩ Kỳ, bởi vì tác giả đã mô tả các tác động qua lại rất phức tạp giữa các giá trị cổ truyền của đạo Hồi và thế giới phương tây. Văn Hào Orhan Pamuk là nhân vật Thổ Nhĩ Kỳ đầu tiên nhận được danh dự kể trên.
Các công trình văn học của ông Pamuk thuộc về loại văn chương hậu hiện đại (post-modern literature). Orhan Pamuk là một trong các nhà văn hàng đầu của nước Thổ Nhĩ kỳ và các tác phẩm của ông đã được chuyển dịch sang hơn 40 ngôn ngữ. Ông Pamuk đã nhận được rất nhiều giải thưởng văn chương quốc gia và quốc tế. Nhà văn này rất nổi danh trong nước sau vụ án hình sự (criminal case) vào năm 2005 rồi sau đó, danh tiếng đã lan tràn và lớn mạnh trên khắp thế giới.


I/ Cuộc đời của Văn Hào Orhan Pamuk.

Orhan Pamuk chào đời tại thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, vào năm 1952, đã lớn lên trong một gia đình giàu sang, theo nếp sống tây phương. Ông nội của Pamuk là một kỹ sư kiêm kỹ nghệ gia, có tài sản lớn do xây dựng đường xe lửa. Orhan Pamuk trải qua phần lớn cuộc đời tại thành phố Istanbul, môi trường và lịch sử của thành phố này đã ảnh hưởng rất nhiều tới tác giả và đã có lần, ông Pamuk đã thú nhận: "vận mệnh của Istanbul là vận mệnh của tôi, tôi gắn liền với thành phố này bởi vì nó đã tạo ra tôi ngày nay". Các kinh nghiệm khi sinh sống nơi thị tứ này đã được tác giả trình bày trong các cuốn tiểu thuyết "Cuốn Sách Đen" (the Black Book) và "Cevdet Bey và các Con Trai" (Cevdet Bey and His Sons), cũng như trong cuốn truyện hồi tưởng "Istanbul".
Vào tuổi 15, Orhan Pamuk ưa thích học vẽ và có lúc chàng thiếu niên này muốn trở thành một nghệ sĩ, nhưng do áp lực gia đình, Pamuk đã theo học trường Đại Học Kỹ Thuật (the Istanbul University School of Technology). Tại nơi đây, Pamuk theo ngành Kiến Trúc (architecture) nhưng đã không tốt nghiệp. Sau đó, Orhan Pamuk chuyển sang theo học Viện Báo Chí (the Institute of Journalism) của trường Đại Học Istanbul rồi ra trường vào năm 1976.


Pamul và con gái lúc dự giải NobelNăm 1982, Orhan Pamuk kết hôn với cô Aylin Turegen, một nhà sử học, nhưng họ đã ly dị nhau vào năm 2001. Họ có một con gái tên là Ruya, theo tiếng Thổ Nhĩ Kỳ có nghĩa là "Giấc Mơ". Ông Pamuk có một người anh tên là Sevket Pamuk, là một nhà sử học, giảng dạy tại Đại Học Bogazici ở Istanbul và tác giả Pamuk đôi khi cũng nói tới người anh này qua một nhân vật hư cấu trong vài tác phẩm.
Từ năm 1985 tới năm 1988, nhà văn Orhan Pamuk đã là học giả thỉnh giảng (a visiting scholar) tại trường Đại Học Columbia của Hoa Kỳ, và đôi khi ông cũng giảng dạy tại trường Đại Học Iowa.

 

II/ Các công trình văn học của Nhà Văn Orhan Pamuk.


Orhan Pamuk bắt đầu viết văn đều đặn từ năm 1974. Cuốn tiểu thuyết đầu tiên của ông có tên là "Cevdet và các Con Trai", đã kể lại câu chuyện của ba thế hệ của một gia đình giàu sang, sinh sống trong khu vực Nisantasi của thành phố Istanbul. Đây cũng là nơi mà Orhan Pamuk trưởng thành. Lịch sử giòng họ của gia đình Thổ Nhĩ Kỳ này được mô tả theo truyền thống, giống như trong tác phẩm Buddenbrooks của Thomas Mann, và Orhan Pamuk đã lãnh Giải Thưởng Tiểu Thuyết Kemal vào năm 1983 (the Orhan Kemal Novel Prize).
Cuốn tiểu thuyết thứ hai của Orhan Pamuk tên là "Căn Nhà Yên Lặng" (The Silent House = Sessiz Ev, 1983) là một câu chuyện về xung đột thế hệ được kể từ 5 quan điểm khác nhau. Cuốn truyện này đã được nhiều nhà phê bình văn học chú ý, đoạt Giải Thưởng Tiểu Thuyết Madarali năm 1984 (the 1984 Madarali Novel Prize), và do công cuộc chuyển ngữ sang tiếng Pháp, cũng đã mang lại cho tác giả Phần Thưởng Khám Phá Châu Âu Năm 1991 (Le 1991 Prix de la Découverte Européenne).
Trong cuốn tiểu thuyết lịch sử "Lâu Đài Trắng" (The White Castle = Beyaz Kale, 1985), nhà văn Pamuk đã không viết theo truyền thống hiện thực. Khung cảnh của cuốn truyện được đặt vào thành phố Constantinople thuộc thế kỷ 17, và người kể truyện là một học giả người Ý trẻ tuổi, đã bị bán làm nô lệ cho một nhân vật Ottoman quyền thế, tên là Hoja. Sự việc bất ngờ và ngạc nhiên đã tới, khi Hoja lại muốn học hỏi mọi điều hiểu biết về thế giới phương tây. Hoja đã trở nên người học trò của kẻ nô lệ bác học, để rồi trở thành con người bắt chước bậc thầy của mình. Nhà phê bình văn học John Updike khi viết về cuốn tiểu thuyết này trên tờ báo The New Yorker, đã nói rằng sự tương tác giữa Đông và Tây, giữa niềm tin định mệnh và nền khoa học đang tiến lên, đã khiến cho nhiều người phải đặt lại câu hỏi về bản dạng (identity) của nhân vật, của địa phương...
Vào năm 1990, Giải Thưởng Độc Lập dành cho Các Truyện Hư Cấu Ngoại Quốc (the 1990 Independent Award for Foreign Fiction) đã được trao về cho Orhan Pamuk và danh tiếng của nhà văn này đã lan truyền ra nhiều nước ngoài. Bài viết "Điểm Sách" của tờ báo New York Times (the New York Time Book Review) đã xác nhận rằng "Orhan Pamuk là một ngôi sao đang lên", và từ nay, nhà văn này bắt đầu chuyển cách viết văn của thời ban đầu theo trường phái tự nhiên (naturalism) sang kỹ thuật hậu hiện đại (post-modern techniques).
Năm 1988, Orhan Pamuk là Giáo Sư Thỉnh Giảng (visiting fellow) của Chương Trình Viết Văn Quốc Tế (International Writing Program) của trường Đại Học Iowa, rồi sau đó, ông qua cư ngụ trong trường Đại Học Columbia. Tại nơi này, Pamuk bắt đầu viết nửa đầu cuốn tiểu thuyết "Cuốn Sách Đen" (The Black Book = Kara Kitap, 1990) trong đó tác giả quay trở lại thành phố Istanbul tân tiến, và tác phẩm kể trên đã trình bày một chuyện bí mật, các chuyện kể phức tạp, các nghịch lý của điều bí ẩn Sofi, mê cung Borgesian cùng các chuyện nhỏ hư cấu khác. Orhan Pamuk đã quan sát, nhận xét, suy nghĩ về thành phố Istanbul của mình, giống như Văn Hào James Joyce đối với thành phố Dublin hay Văn Hào Gunter Grass đối với thành phố Danzig.
Do các đặc tính phức tạp và phong phú, cuốn tiểu thuyết "Cuốn Sách Đen" đã trở nên một tác phẩm phổ biến nhất nhưng cũng gây nên nhiều tranh cãi nhất trong nền Văn Học Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 1992, Orhan Pamuk đã viết kịch bản cho cuốn phim "Bộ Mặt Bí Mật" (Secret Face = Gizli Yuz) căn cứ vào cuốn tiểu thuyết "Cuốn Sách Đen" và cuốn phim đã do nhà đạo diễn danh tiếng Omer Kavur thực hiện.
Tác phẩm thứ tư của Orhan Pamuk là cuốn tiểu thuyết "Cuộc Đời Mới" (The New Life = Yeni Hayat, 1995), đề cập tới sự ám ảnh (obsession) và một quan niệm sai nhầm về hiện thực (reality) do các lời viết. Người kể chuyện là một thanh niên trẻ, bắt đầu cuộc hành trình trên các con đường của đất nước, rồi sau đó đã phải đối diện với nhiều hoàn cảnh châm biếm.
Từ khi được xuất bản vào năm 1995, cuốn tiểu thuyết "Cuộc Đời Mới" này đã gây nên cuộc xúc động của quần chúng và đã trở thành tác phẩm bán chạy nhanh nhất trong lịch sử của xứ Thổ Nhĩ Kỳ. Cũng vào thời gian này, Orhan Pamuk đã đứng lên, kêu gọi công việc ủng hộ các quyền tự do chính trị của sắc dân Kurd. Ông đã cùng với các tác giả khác, viết ra các bài bình luận để chỉ trích chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ trong cách đối xử với giống người Kurd, rồi qua năm 1999, Orhan Pamuk cho xuất bản cuốn truyện "Các Màu Sắc Khác" (The Other Colors = Oteki Renkler).
Một tác phẩm khác của Orhan Pamuk viết vào năm 1998, có tên là "Tên Tôi là Màu Đỏ" (My Name is Red = Benim Adim Kirmizi) cũng đã là một thành công lớn tại xứ Thổ Nhĩ Kỳ, với 85,000 ấn bản được bán hết trong 3 tuần lễ. Cốt truyện chứa đựng cuộc sát nhân bí mật diễn ra tại Istanbul vào thế kỷ 16, và các nhân vật kể truyện đã thay đổi từ chương này qua chương khác, trong số này có cả cái cây, con chó... và người đọc đã nghe được tiếng nói bất ngờ từ xác chết của một người bị giết, từ một đồng tiền, từ nhiều chủ đề hội họa và từ màu đỏ. Cuốn tiểu thuyết đã pha trộn nhiều thứ: sự bí mật, chuyện tình lãng mạn cùng các bài toán triết học rắc rối..., tất cả đã mở cửa vào thời kỳ của Vua Hồi Giáo Murat III trong 9 ngày tuyết phủ mùa đông tại Istanbul vào năm 1591. Trong cuốn truyện, người bị giết đã kể lại rằng: "Tôi chẳng là gì cả, mà bây giờ chỉ là một xác chết nằm dưới đáy giếng", và người bị giết này đã vi phạm các lời giảng dạy của đạo Hồi do tạo nên một thứ nghệ thuật tượng hình (figurative art). Cuốn tiểu thuyết "Tên Tôi là Màu Đỏ" đã dẫn dắt người đọc tới các kinh nghiệm căng thẳng giữa phương Đông và phương Tây do một thứ toàn cảnh khẩn cấp và căng thẳng.
Tác phẩm "Tên Tôi là Màu Đỏ" đã được chuyển dịch sang 24 ngôn ngữ và đoạt được vào năm 2003 phần thưởng văn chương quốc tế có giá trị cao nhất: Phần Thưởng IMPAC Dublin (The IMPAC Dublin Award).
Cuốn tiểu thuyết gần đây nhất của nhà văn Orhan Pamuk là cuốn "Tuyết" (Snow = Kar), xuất bản năm 2002, được Maureen Freely dịch sang tiếng Anh vào năm 2004. Đây là cuốn truyện của tác giả mang đặc tính chính trị nhất cho tới nay. Tác phẩm đã tóm lược rất nhiều căng thẳng (tensions) chính trị và văn hóa của xứ sở Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay, được diễn tả xẩy ra trong một ít ngày tuyết phủ tại một thị trấn nhỏ và cuốn truyện đã phối hợp một cách thành công sự khôi hài, tính bí ẩn, các bình luận xã hội và một niềm thông cảm sâu xa đối với các nhân vật.
Nhân vật chính trong truyện là một nhà thơ và cũng là một người tị nạn chính trị, tên là Ka, đã trải qua 12 năm sinh sống tại nước Đức. Một người bạn của Ka cư ngụ tại thành phố Istanbul và làm việc cho một tờ báo, đã khuyên anh chàng Ka nên tới thị trấn Kars, gần biên giới phía đông của nước Thổ Nhĩ Kỳ, để điều tra như là một nhà báo đi tìm sự thật, bởi vì tại địa phương nhỏ bé này, một số phụ nữ trẻ đã bị giết, họ đã bị cấm đội loại khăn chùm đầu tại các trường học. Phóng viên Ka đã phỏng vấn các cư dân và tìm hiểu nguyên do các vụ giết người đang gây tranh luận trong số các dân theo đạo Hồi, bởi vì sát nhân là một tội bị tôn giáo cấm đoán. Phóng viên Ka cũng gặp lại Ipek, người yêu cũ của thời niên thiếu. Thế rồi tuyết trắng đã bao phủ thị trấn Kars giống như loại khăn chùm đầu và trước khi bị ám sát, Ka đã lấy lại được giọng nói như lời thơ.
Cuốn tiểu thuyết "Tuyết" đã khai thác sự xung đột giữa thể chế Hồi Giáo và thể chế Phương Tây tại xứ Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay. Tác giả Margaret Atwood, người Canada, trên tờ báo The New York Times ra ngày 15/8/2004, đã nói rằng "cuốn tiểu thuyết thứ bẩy này của nhà văn Orhan Pamuk không những là một thành công về kể chuyện, mà còn là cuốn sách đáng đọc chính của thời đại chúng ta" và tờ báo kể trên đã liệt kê tác phẩm "Tuyết" (Snow) là một trong mười cuốn sách hạng nhất của năm 2004 (one of its Ten Best Books of 2004). Vào năm 2005, Orhan Pamuk đã nhận được giải thưởng uy tín Medicis (the prestigious Medicis Prize) do tác phẩm kể trên.
Tại xứ sở Thổ Nhĩ Kỳ, Orhan Pamuk đã trở thành nhà văn danh tiếng rất lớn nhưng ông cũng bị người ta tố cáo là đã khai thác các chủ đề tôn giáo và lịch sử để làm hài lòng các độc giả phương tây. Năm 1998, Orhan Pamuk đã từ chối danh dự rất uy tín, đó là một nghệ sĩ quốc gia (a state artist) và ông đã nói rằng "tôi không biết tại sao người ta đã cố tình tặng tôi phần thưởng đó".
Năm 2005, nhà văn Orhan Pamuk được trao Giải Thưởng Hòa Bình của Ngành Mậu Dịch Sách Tiếng Đức (The Peace Prize of the German Book Trade), trị giá E$ 25,000 đồng Euros, vì công trình văn học của ông, nhờ đó "Châu Âu và nước Thổ Nhĩ Kỳ theo đạo Hồi đã tìm được một nơi cho cả hai". Đây là giải thưởng uy tín nhất được trao tặng tại Nhà Thờ Paul của thành phố Frankfurt.
Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 2 năm 2005 của Tạp Chí Thụy Sĩ Das Magazin, nhà văn Pamuk đã nói tới vụ tàn sát, diệt chủng, xẩy ra trong các năm 1915-17 tại miền đất Anatolia: "Có 30,000 người Kurds và 1 triệu người Armenians đã bị giết trên vùng này và không ai dám nói tới sự việc này, ngoại trừ tôi".
Sau khi cuộc phỏng vấn được phổ biến, nhà văn Pamuk đã gặp phải một phong trào căm thù khiến cho ông phải trốn ra khỏi xứ. Ông trở lại nước Thổ Nhĩ Kỳ vào gần cuối năm 2005 rồi bị 2 luật sư cực hữu (ultra-nationalist) kiện ra tòa vì lời tuyên bố kể trên. Nhà văn Orhan Pamuk nói rằng ông chỉ muốn bảo vệ quyền tự do ngôn luận (freedom of speech) và "chúng ta có thể nói về quá khứ".
Cuộc khởi tố bắt đầu vào tháng 10/2005 và ông Pamuk vẫn xác nhận nhân dịp lễ trao giải thưởng tại nước Đức: "Tôi lặp lại, tôi đã nói lớn tiếng rằng một triệu người Armenians và 30,000 người Kurds đã bị giết tại xứ Thổ Nhĩ Kỳ".
Vụ kết án nhà văn Orhan Pamuk kể trên đã gây nên các vụ phản đối kịch liệt trên thế giới. Ngày 30/11/2005, Quốc Hội Châu Âu công bố sẽ gửi một phái đoàn 5 nhân viên dẫn đầu bởi ông Camiel Eurlings, tới quan sát vụ xét xử, còn ông Ủy Viên Olli Rehn của Quốc Hội Châu Âu nói rằng vụ kết án ông Pamuk sẽ là một loại giấy thử (a litmus test) để cứu xét việc nước Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Cộng Đồng Châu Âu.
Các đoàn thể khác như Hội Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International), Trung Tâm Văn Bút Hoa Kỳ (PEN American Center) và Đại Hội Châu Âu về Nhân Quyền (The European Convention on Human Rights) cũng lên tiếng ủng hộ nhà văn Pamuk và coi quyền tự do ngôn luận của nhà văn này là chính đáng. Đồng thời vào ngày 13/12/2005, 8 Văn Hào danh tiếng trên thế giới là các ông José Saramango, Gabriel Garcia Márquez, Gunter Grass, Umberto Eco, Carlos Fuentes, Juan Goytisolo, John Updike và Mario Vargas Llosa, cũng ủng hộ nhà văn Orhan Pamuk và coi việc kết tội là một vi phạm vào các nhân quyền.
Cuối cùng vào ngày 16/12/2005, Bộ Tư Pháp Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố việc xét xử không hợp lệ rồi qua ngày 29/12/2005, các công tố viên đã hủy bỏ vụ kiện, mặc dù một số người vẫn cho rằng đây là vụ "làm ô danh xứ Thổ Nhĩ Kỳ" (insulting Turkishness).
Các tiểu thuyết của nhà văn Orhan Pamuk đã mang đặc tính về sự lẫn lộn (confusion) hay sự đánh mất bản dạng (loss of identity) do nhiều xung đột giữa các giá trị của châu Âu và của đạo Hồi. Những xung đột này thường khi chưa được giải quyết, và các tác phẩm đã bao gồm bên trong các cốt truyện phức tạp, nhiều mưu đồ và các nhân vật có các chiều sâu đáng kể. Các sáng tác của Orhan Pamuk đã đề cập tới các căng thẳng sâu xa giữa phương Đông và phương Tây, giữa tập quán và thế tục, đã khiến cho người đọc bị ám ảnh, phải tranh luận, giống như trong bộ môn nghệ thuật sáng tạo là Hội Họa.
Vào ngày 12 tháng 10 năm 2006, Hàn Lâm Viện Thụy Điển đã trao tặng Văn Hào Orhan Pamuk Giải Thưởng Nobel Văn Chương, bởi vì "trong việc đi tìm kiếm thứ tâm hồn u buồn của thành phố sinh trưởng, tác giả Pamuk đã tìm thấy các dấu hiệu mới của sự va chạm và sự ràng buộc của các nền văn hóa"./.
 

©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Phạm Văn Tuấn