Joseph Needham

 

Vietsciences- Lê Anh Minh     16 /06/2006
 

 

Cống hiến của Joseph Needham (1900-1995) cho lĩnh vực Trung Quốc học

Joseph Needham (1900-1995)



Joseph Needham (tên chữ Hán là Lý Ước Sắt 李約瑟) là một khoa học gia hiện đại của Anh Quốc, tự là Đan Diệu 丹耀, hiệu là Thập Túc Đạo Nhân 十宿道人 và Thắng Nhũng Tử 勝冗子. Ông sinh 09-12-1900, mất 24-3-1995.

 


Thời niên thiếu đến lúc trưởng thành:



Joseph Needham là con trai duy nhất của một gia đình trí thức trung lưu gốc Tô Cách Lan, sống tại London. Cha ông là một bác sĩ tài giỏi và là một tín hữu giáo phái Quaker, sở hữu một thư viện riêng với vô số sách về tôn giáo và triết học; nhưng đó là một người chồng cộc cằn và hơi bủn xỉn tiền bạc, nên không bao giờ hoà hợp với vợ. Mẹ ông là một nhạc sĩ soạn nhạc có tài. Bà là tác giả của bản nhạc danh tiếng Nellie Dean. Khi thơ ấu, Joseph Needham luôn tránh né đi vào phòng khách để khỏi phải chứng kiến những trận xung đột cãi vã thường xuyên của cha mẹ. Ông đã trải qua thời thơ ấu lẻ loi cô độc, bởi vì cha mẹ ông quan niệm họ thuộc tầng lớp thượng lưu cho nên đã hạn chế sự giao tiếp của ông với mọi người, thậm chí cấm chỉ các bạn học cùng lớp của ông đến nhà chơi.
Thuở nhỏ ông học trường Oundle School mà hiệu trưởng là ông F. W. Sanderson, một người ái mộ và là bạn của H. G. Wells. Sau khi tốt nghiệp trung học, ông học y khoa và hoá học tại Đại Học Cambridge (Anh Quốc Kiếm Kiều Đại Học). Ông đỗ cử nhân tháng 6-1921; đỗ Master tháng 01-1925, và tiến sĩ (Ph.D.) tháng 10-1925. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông vào làm việc trong phòng thí nghiệm sinh hóa của giáo sư F.G. Hopkin thuộc Đại Học Cambridge.
 


Khuynh hướng:


Chủ đề nghiên cứu của ông tập trung vào phôi thai học (embryology) và sự phát sinh hình thái (morphogenesis). Năm 1931, ông xuất bản bộ sách ba tập nhan đề Chemical Embryology (hoá-phôi thai học) với lời dẫn nhập khá dài về lịch sử phôi thai học. Đây là đóng góp đầu tiên của ông về lịch sử khoa học. Không chỉ yêu thích khoa học tự nhiên (y khoa, hoá học, sinh học), Joseph Needham còn thích triết học và tôn giáo nhất là huyền bí giáo (esoterism). Năm 1922-1924, ông là thành viên trong Hội Huynh Đệ Thiên Chúa Giáo (Christian Brotherhood), nhưng rồi từ bỏ tổ chức này để lấy vợ (tháng 9-1924). Vợ ông là Dorothy Moyle (1896-1987), một đồng nghiệp của ông trong khoa sinh hoá của Đại Học Cambridge.
 


Hoạt động:


Suốt Thế Chiến thứ 2, nước Anh là đồng minh của Trung Quốc. Năm 1942, Joseph Needham được chính phủ Anh phái đến Trùng Khánh (Tứ Xuyên) với nhiệm vụ thiết lập quan hệ với các nhà khoa học Trung Quốc tại địa phương, tư vấn và cung cấp tư liệu cho họ.
Từ 1942 đến 1946, ông làm tham tán khoa học tại Sứ Quán Anh ở Trùng Khánh (Tứ Xuyên), và làm quán trưởng của Sino-British Science Co-operation Office (Trung Anh Khoa Học Hợp Tác Quán).
Năm 1946, do một người bạn cũ tiến cử, ông trở thành thủ trưởng của Phân bộ Khoa học UNESCO mới thành lập tại Paris. Năm 1948, ông trở lại Cambridge và giảng dạy môn sinh hoá. Từ 1948, tại Đại Học Cambridge, ông chuyên tâm nghiên cứu về lịch sử khoa học của Trung Quốc.
Ông đã giữ các chức danh như:
* Viện sĩ của Anh Quốc Hoàng Gia Khoa Học Viện,
* Viện sĩ có quốc tịch ngoại quốc (ngoại tịch viện sĩ) của Trung Ương Nghiên Cứu Viện và Bắc Bình Nghiên Cứu Viện,
* Viện sĩ của Anh Quốc Học Thuật Viện,
* Viện sĩ của Quốc Tế Khoa Học Sử Nghiên Cứu Viện,
* Giáo sư danh dự tại Trung Quốc Khoa Học Viện và Trung Quốc Xã Hội Khoa Học Viện, v.v...

 


Quan tâm đến văn hoá Trung Quốc:
 

Joseph Needham đang nghiên cứu



Ông bắt đầu quan tâm đến văn hoá Trung Quốc từ 1937 (tức lúc ông 37 tuổi), do tiếp xúc với ba nhà khoa học Trung Quốc được mời sang nghiên cứu tại Cambridge. Đây là bước ngoặt lịch sử trong cuộc đời ông. Trong những lúc trò chuyện với ông, các nhà khoa học Trung Quốc này nêu vấn đề tại sao trong quá khứ Trung Quốc rất giỏi về các vấn đề khoa học thế mà trong các thế kỷ vừa qua lại thua kém Tây phương quá nhiều. Đây là một câu hỏi rất lớn dành cho Joseph Needham.
Dần dần Joseph Needham bắt đầu yêu mến Trung Quốc. Ông bắt đầu đọc sách về văn hoá và triết học Trung Quốc. Từ 1938 ông bắt đầu học Hán ngữ, mà người dạy cả Hán ngữ cổ đại và hiện đại cho ông chính là Lỗ Quế Trân 魯桂珍 (Lu Gwei-djen, 1904-1991), một trong ba nhà khoa học Trung Quốc nói trên.
Lỗ Quế Trân là con gái của một dược sĩ, nguyên quán Nam Kinh. Bà là một nhà sinh hoá và rất quan tâm đến khoa học cổ truyền của Trung Quốc. Năm 33 tuổi (1937), bà sang Cambridge làm nghiên cứu sinh, và là học trò của nữ giáo sư Dorothy Needham (vợ của Joseph Needham, lúc đó Dorothy 41 tuổi). Năm 1948, khi Joseph Needham từ Paris trở lại Cambridge và giảng dạy môn sinh hoá thì Lỗ Quế Trân sang Paris và làm việc cho UNESCO.
Năm 1989, tức hai năm sau khi vợ qua đời, Joseph Needham đã tục huyền với Lỗ Quế Trân. Ở tuổi xế chiều, Joseph Needham bị bệnh parkinson càng ngày càng nặng và ông ra đi thanh thản tại tư gia
 


Công trình bách khoa Science and Civilisation in China (Trung Quốc Khoa Học Kỹ Thuật Sử 中國科學技術史):

 


Cống hiến lớn nhất của ông là bộ Trung Quốc Khoa Học Kỹ Thuật Sử, giới thiệu toàn diện về văn minh kỹ thuật Trung Quốc suốt mấy ngàn năm, đặc biệt là thuật luyện đan và Đạo giáo Trung Quốc. Công trình này được phác thảo khoảng năm 1939. Ông và các đồng nghiệp Trung Quốc đã xây dựng một đề án viết một bộ toàn thư về khoa học, y dược, và kỹ thuật Trung Quốc.
Trong những năm 1942-1946 tại Trùng Khánh, ông đi tham quan khắp mọi nơi của Trung Quốc, những nơi mà Nhật chưa chiếm đóng. Ông biết được nhiều về văn hoá và lịch sử khoa học của Trung Quốc. Ông hiểu rằng phương pháp in hoạt bản, la bàn, thuốc súng đã được phát minh tại Trung Quốc trước tiên, trước cả Âu Châu. Cùng với vợ (Dorothy Needham), ông xuất bản một quyển sách nhan đề Chinese Science (Khoa học Trung Quốc) năm 1945.
Ông bắt đầu bộ Trung Quốc Khoa Học Kỹ Thuật Sử vào năm 1954. Nữ khoa học gia Lỗ Quế Trân (Lu Gwei-Djien, người đã cộng tác với ông tại Cambridge và dạy Hán ngữ cho ông vào những năm 1930) gia nhập nhóm biên soạn vào năm 1957. Ngoài Lỗ Quế Trân, ông còn có sự cộng tác của học giả Vương Linh (Wang Ling), và họ đã làm việc trong một nơi đầy ắp các tư liệu. Sau Tập IV, họ đã mời thêm các chuyên gia tài giỏi khác.
Tại Trung Quốc, ông kết giao với sử gia Vương Linh, người sau này trở thành một cộng sự thân thiết nhất của ông trong bộ toàn thư Trung Quốc Khoa Học Kỹ Thuật Sử. Trong thời gian chiến tranh, Lỗ Quế Trân di cư sang Mỹ, và năm 1945 bà gia nhập Sino-British Science Co-operation Office (Trung Anh Khoa Học Hợp Tác Quán) của Needham với tư cách là chuyên viên tư vấn về dinh dưỡng.
Trên lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội ông có nhiều đóng góp đáng kể.
 


Trứ tác:


(1) Man, a Machine (Con người: một cỗ máy), New York, 1928.
(2) The Sceptical Biologist (Nhà sinh vật hoài nghi), London, 1929.
(3) Chemical Embryology (Hóa Học Phôi Thai Học), 3 quyển, Cambridge,1931.
(4) The Great Amphibium: 4 lectures on the position of religion in a world dominated by science (Đại lưỡng diện: Bốn bài giảng về vị trí của tôn giáo trong một thế giới bị khoa học thống trị), London, 1931.
(5) A History of Embryology (Lịch Sử Phôi Thai Học), Cambridge,1934.
(6) A Revaluation of the Idea of Progress (Đánh giá lại ý tưởng về sự tiến bộ), Oxford, 1937.
(7) A Biologist’s View of Whitehead’s Philosophy (Quan điểm của một nhà sinh vật về triết lý của Whitehead), Chicago, 1941.
(8) Biochemistry and Morphogenesis (Sinh Vật Hóa Học và Hình Thái Phát Sinh), 1942.
(9) Time, the Refreshing River (Thời gian: Giòng sông làm tươi trẻ), London, 1942.
(10) Chinese Science (Khoa học của Trung Quốc), London, 1945.
(11) History is on our side: a contribution to political religion and scientific faith (Lịch sử ở về phía chúng ta: Sự đóng góp vào tôn giáo chính trị và đức tin khoa học), London, 1946.
(12) Background to Modern Science (Bối cảnh của khoa học hiện đại), 1951.
v.v...

 


Tác phẩm liên quan đến Trung Quốc:
 


(1) Science and Civilisation in China (Trung Quốc Khoa Học Kỹ Thuật Sử), Cambridge University Press, Cambridge, UK, 1954 - 1995. (Xem chi tiết dưới đây)
(2) Science and Society in East and West (Khoa học và Xã hội ở Đông phương và Tây phương), George Allen & Unwin Ltd, London, UK, 1969.
(3) Science in Traditional China (Khoa học Trung Quốc cổ đại), September 1982.
 


Các giải thưởng:


Award of the George Sarton Medal of the History of Science Society (1968), Award of the Bernal Prize of the Society for the Social Studies of Science (1984), v.v.


Cơ cấu bộ Science and Civilisation in China (Trung Quốc Khoa Học Kỹ Thuật Sử):

Bộ sách được xuất bản từ 1954, gồm 7 quyển; từ quyển IV trở đi mỗi quyển lại chia ra làm các tập rời. Công trình khoa học đồ sộ này vẫn còn tiếp tục do Needham Research Institute (Viện Nghiên Cứu Needham) thực hiện.
* Quyển I. (1954) Introductory Orientations (Những định hướng ban đầu); Joseph Needham và Wang Ling (Vương Linh).
* Quyển II. (1956) History of Scientific Thought (Lịch sử tư tưởng khoa học); Joseph Needham và Wang Ling (Vương Linh).
* Quyển III. (1959) Mathematics and the Sciences of the Heavens and Earth (Toán học và khoa học về thiên địa); Joseph Needham và Wang Ling (Vương Linh).


NEEDHAM RESEARCH INSTITUTE (Viện Nghiên Cứu Needham) 8 Sylvester Road, Cambridge CB3 9AF, England


* Quyển IV. Physics and Physical Technology (Vật lý học và kỹ thuật vật lý):
- Tập1 (1962) Physics (Vật lý học); Joseph Needham, Wang Ling (Vương Linh), và Kenneth Girdwood Robinson.
- Tập 2 (1965) Mechanical Engineering (Kỹ thuật cơ học); Joseph Needham và Wang Ling (Vương Linh).
- Tập3 (1971) Civil Engineering and Nautics (Xây dựng công trình công cộng và hàng hải); Joseph Needham, Wang Ling (Vương Linh), và Lu Gwei-djen (Lỗ Quế Trân).
* Quyển V. Chemistry and Chemical Technology (Hoá học và kỹ thuật hoá học):
- Tập1 (1985) Paper and Printing (Giấy và ấn loát); Tsien Tsuen-Hsuin (Tiền Tồn Huấn).
- Tập 2 (1974) Spagyrical Discovery and Invention: Magisteries of Gold and Immortality (Sự khám phá và phát minh của Luyện đan thuật: Những tinh chất hoán đổi của vàng và sự bất tử); Joseph Needham và Lu Gwei-djen (Lỗ Quế Trân).
- Tập 3 (1976) Spagyrical Discovery and Invention: Historical Survey, from Cinnabar Elixirs to Synthetic Insulin (Sự khám phá và phát minh của Luyện đan thuật: Khảo sát lịch sử, từ kim đan đến chất insulin tổng hợp); Joseph Needham, Ho Ping-Yu (Hà Bính Úc), Lu Gwei-djen (Lỗ Quế Trân).
- Tập 4 (1980) Spagyrical Discovery and Invention: Apparatus and Theory (Sự khám phá và phát minh của Luyện đan thuật: Bộ máy và lý thuyết); Joseph Needham, Lu Gwei-djen (Lỗ Quế Trân), và Nathan Sivin.
- Tập 5 (1983) Spagyrical Discovery and Invention: Physiological Alchemy (Sự khám phá và phát minh của Luyện đan thuật: Luyện đan về sinh lý); Joseph Needham và Lu Gwei-djen (Lỗ Quế Trân).
- Tập 6 (1994) Military Technology: Missiles and Sieges (Kỹ thuật quân sự: Hoả tiễn và công thành); Joseph Needham, Robin D.S. Yates, Krzysztof Gawlikowski, Edward McEwen, và Wang Ling (Vương Linh).
- Tập 7 (1987) Military Technology: The Gunpowder Epic (Kỹ thuật quân sự: Bản hùng ca về thuốc súng); Joseph Needham, Ho Ping-Yu (Hà Bính Úc), Lu Gwei-djen (Lỗ Quế Trân), và Wang Ling (Vương Linh).
- Tập 9 (1986) Textile Technology: Spinning and Reeling (Kỹ thuật dệt: Se chỉ và đánh chỉ); Dieter Kuhn.
- Tập 12 (2004) Ceramic Technology (kỹ thuật gốm); Rose Kerr, Nigel Wood, Ts’ai Mei-fen, và Zhang Fukang.
- Tập 13 (1999 [?]) Mining (ngành khai mỏ); Peter Golas.
(Chưa có các tập 8, 10, 11)
* Quyển VI. Biology and Biological Technology (Sinh vật học và kỹ thuật sinh vật)
- Tập 1 (1986) Botany (Thực vật học); Joseph Needham, Lu Gwei-djen (Lỗ Quế Trân), và Huang Hsing-Tsung.
- Tập 2 (1988) Agriculture (Nông nghiệp); Francesca Bray.
- Tập 3 (1996) Agroindustries and Forestry (các ngành nông học và lâm nghiệp); Christopher.A. Daniels, Nicholas .K. Menzies.
- Tập 5 (2000 [?]) Fermentations and Food Science (Sự lên men và khoa học thực phẩm); H.T. Huang.
- Tập 6 (1999 [?]) Medicine (Y học); Joseph Needham, Lu Gwei-djen (Lỗ Quế Trân), và Nathan Sivin.
* Quyển VII ([?]): The Social Background (Bối cảnh xã hội):
- Tập 1 (1998) Language and Logic (Ngôn ngữ và lôgíc); Christof Harbsmeier.
- Tập 2 (2004) General Conclusions and Reflections (tổng luận và suy tư); Joseph Needham, biên tập: Kenneth Girdwood Robinson, Ray Huang, phần dẫn nhập của Mark Elvin.
(Các tập kế tiếp đang được thực hiện)

o0o
Nguồn tham khảo
Bài viết trên tổng hợp thông tin và sử dụng hình ảnh từ các trang web sau đây:
The Needham Research Institute
http://www.nri.org.uk/joseph2.html
http://iias.leidenuniv.nl/iiasn/iiasn5/eastasia/needham.html
http://www.riseofthewest.net/thinkers/needham01.htm
http://www.riseofthewest.net/thinkers/needham02.htm
http://www.edp.ust.hk/math/history/3/3_167.htm
http://homepage2.nifty.com/shigeru-histsci/needham.html
 

           © http://vietsciences.free.fr  http://vietsciences.org  Lê Anh Minh