Gustave Flaubert

Vietsciences-Phạm Văn Tuấn                26/09/2004
  

Gustave Flaubert (1821 - 1880) nhà văn Pháp trường  phái Hiện thực


Gustave Flaubert là nhà văn danh tiếng người Pháp, được nhiều người biết tới vì các cuốn tiểu thuyết của ông viết theo trường phái hiện thực (realism), mang đặc tính là sự chú ý từng chi tiết, cách quan sát chính xác, sự quan tâm rất nhiều vào ngôn ngữ và hình thức của cách hành văn và tác giả này đã khổ công theo đuổi cách toàn hảo trong văn chương. Cuốn tiểu thuyết nổi danh nhất của Gustave Flaubert là cuốn "Bà Bovary" (1857) được coi là một trong các tác phẩm quan trọng nhất của nền văn chương Pháp.

Gustave Flaubert sinh tại Rouen, thuộc miền Normandy nước Pháp, là con trai của một bác sĩ giàu có, đã trải qua nhiều năm của tuổi thiếu niên tại một căn nhà trong bệnh viện bởi vì người cha là vị y sĩ giải phẫu chính, vì vậy tác giả này đã từng trông thấy nhiều cảnh đau đớn và chết chóc, các kinh nghiệm này khiến cho tác giả bi quan trước cảnh đời. Flaubert đã theo học trường trung học Collège Royal tại Rouen, được huấn luyện kỹ càng về văn chương cổ điển Hy Lạp và La Mã. Vào thời niên thiếu, Flaubert đã đọc nhiều tác phẩm của Johann W. von Goethe người Đức, Lord Byron người Anh, Chateaubriand và Victor Hugo người Pháp... đây là các tác giả theo trường phái lãng mạn (romanticism) với các nét đặc thù về cảm xúc, trí tưởng tượng và chủ nghĩa cá nhân.


 Tới tuổi 14, Flaubert đã gặp bà Elisa Schlésinger, một phụ nữ đã có chồng, 26 tuổi, là người đã mê hoặc và trở nên một mối tình sâu đậm với nhà văn sau này. Bà Schlésinger đã là mẫu người của nhân vật Emma Bovary, là bà Renaude cũng như bà Arnoux trong tác phẩm "Giáo Dục Tình Cảm" (L'éducation sentimentale, 1869).


 Vào năm 1840, Gustave Flaubert theo học Luật khoa tại thành phố Paris nhưng sau khi bị thi trượt vào cuối năm thứ hai, đã du lịch bằng xe ngựa, bị cướp bóc dọc đường và có thể bị động kinh. Do bệnh tật này, Flaubert đã sinh sống như một người ở ẩn, nên được gọi là "ẩn sĩ miền Croisset". Đây là một mảnh đất trên bờ sông Seine do người cha đã mua cho gia đình, và sau khi cha và chị gái qua đời, Flaubert đã sống tại nơi đây với mẹ và một người cháu gái từ năm 1846.


 Gustave Flaubert ít khi viếng thăm thành phố Paris, một lần đi tới miền Trung Đông và Hy Lạp trong khoảng các năm 1849 và 1851. Ông đã sống cô đơn tại Croisset, dành hết thời giờ cho văn chương. Nhà văn này rất ghét chủ nghĩa duy vật (materialism), rất trân trọng vẻ đẹp nghệ thuật (artistic beauty), đã viết ra các tác phẩm nặng về bản chất con người. Ông có khuynh hướng bi quan trước cảnh đời nhưng lại là một nhà văn hiện thực (realist) bởi vì tác giả này chú ý từng chi tiết, đã mô tả một cách khách quan các nhân vật và các sự kiện xẩy ra trong xã hội đương thời. Các câu văn của Gustave Flaubert đã được tác giả viết đi, sửa lại nhiều lần, và nhà văn này đã lớn tiếng đọc từng câu trong vườn cho chính mình nghe, để chải chuốt các đoạn văn. Ông tin rằng nhà văn phải theo kỷ luật để tìm ra các chữ, các danh từ một cách thật chính xác khi mô tả các cảm giác, phải loại bỏ các chữ lặp lại và các chỗ vụng về, phải tìm ra các âm điệu và sự nhịp nhàng của lời văn khi làm công việc truyền thông với các người khác. Cũng vì thế, mỗi tác phẩm chính của tác giả cần tới 5 năm để viết và sửa chữa.


 Tác phẩm đầu tiên của Gustave Flaubert là cuốn "Giáo Dục Tình Cảm" trong đó có kể lại sự thất bại và vỡ mộng của nhân vật Frédéric Moreau trong các quãng đời, kể cả tình yêu lý tưởng với bà Arnoux. Tác giả đã nhìn thấy và mô tả tính tầm thường của xã hội Pháp đương thời qua các đặc tính và đời sống của nhân vật Moreau kể trên, và qua các chi tiết rõ ràng của cuốn tiểu thuyết, độc giả có thể nhìn, nghe, nếm và cảm giác thấy các đường xá của thành phố Paris.


 "Bà Bovary" (Madame Bovary, 1856) là cuốn tiểu thuyết cỡ lớn, mô tả các nhân vật tầm thường mà không thể quên được, là một trường hợp ngoại tình trong một ngôi làng thuộc miền Normandy. Charles Bovary là một bác sĩ miền quê, đã kết hôn với Emma là người được giáo dục trong một tu viện nên có một tâm hồn mơ hồ, bí ẩn, chờ đợi thứ tình yêu lớn lao khác để đền bù cho sự buồn chán của thực tế. Bà Emma này có hai mối tình và sự suy sụp tài chính khiến cho bà ta bị tuyệt vọng, đưa đến cảnh tự sát bằng chất thạch tín (arsenic). Sau khi cuốn tiểu thuyết này được phổ biến, nhà văn Flaubert đã bị đưa ra tòa vì xúc phạm vào nền luân lý công cộng do vấn đề liên quan tới phong tục và các chi tiết thẳng thắn, nhưng rồi về sau, ông đã được tha bổng. Qua tác phẩm này, người đọc có thể nhận ra nơi các nhân vật các đặc tính tầm thường, đôi khi ngu xuẩn (stupidity) và tác giả hầu như muốn nói rằng Thượng Đế không ở trên thế gian. Tác giả đã dùng thể văn gián tiếp tự do (free indirect style) qua đó các tư tưởng của nhân vật được thuật lại bằng người kể chuyện rành mạch và khách quan.


 Gustave Flaubert được nhiều người coi là nhà văn hiện thực rất danh tiếng nhưng trong vài tác phẩm khác, vẫn còn vài nét của trường phái lãng mạn (romantic). 

Tác phẩm "Salammbo" (1862) là một tiểu thuyết lịch sử của thành Carthage cổ, tác phẩm "Sự Cám Dỗ của Thánh Antoine" (La tentation de Saint Antoine, 1874) là một chuyện gỉa tưởng (fiction) đặc sắc, tác phẩm "Hérodias" (1877) gồm ba truyện xẩy ra tại ba giai đoạn lịch sử khác nhau.


 Các đặc điểm trong các tác phẩm của Gustave Flaubert là thể văn sáng sủa, cách kể truyện đổi mới, hình thức hoàn chỉnh, mang tính văn chương hiện thực. Nhiều nhà văn khác như Marcel Proust, Henry James, James Joyce... cũng như các tiểu thuyết gia loại mới đều mắc nợ "vị ẩn sĩ miền Croisset" này rồi qua thập niên 1940 và 1950, hai nhóm nhà văn tiền phong (avant-garde) là nhóm "Tân Tiểu Thuyết" (new novelists) và nhóm "Phi Lý" (absurdists) đều công nhận đặc điểm của Gustave Flaubert trong cách nhìn xuyên thấu vào xã hội, ngôn ngữ và văn chương./.    

 

© http://vietsciences.free.fr  Phạm Văn Tuấn