George Eliot |
Vietsciences-Phạm Văn Tuấn 23/09/2004 |
George Eliot (1819 – 1880) tiểu thuyết gia danh tiếng của nước AnhGeorge Eliot là bút hiệu của Mary Ann hay Marian Evans, một tiểu thuyết gia danh tiếng của nước Anh. Các tác phẩm của bà phản ánh đời sống trung lưu tại miền nông thôn, liên quan tới thuở thiếu thời và thanh niên của tác giả, mô tả đời sống đơn giản cùng với các cảm xúc, tình cảm và trí hiểu biết của người dân miền quê và người dân tỉnh nhỏ. George Eliot đã viết ra một cách chân thực về các vấn đề xã hội và đạo đức, các nhân vật trong các tác phẩm của bà là những con người sống động, vì vậy bà thuộc về các nhà văn hàng đầu của nước Anh, trong thế kỷ 19 đạt danh tiếng quốc tế. Các tác phẩm của George Eliot đã ảnh hưởng rất nhiều tới phong trào văn chương tự nhiên (naturalism) của nước Pháp. George Eliot sinh tại Chilvers Coton, thuộc miền Warwickshire, nước Anh, là con gái của một nhân viên địa ốc. Cô bé này đã theo học một ngôi trường địa phương thuộc Nuneaton, rồi về sau ở trong trường nội trú tại Coventry. Vào năm 17 tuổi sau khi người mẹ qua đời và người chị lập gia đình sinh sống tại một nơi khác, Eliot được gọi về nhà để chăm sóc người cha. Kể từ thời gian này, cô đã theo học các thầy giáo dạy kèm và tự học. Do ảnh hưởng của cha, cô đã hấp thụ một nền giáo dục tôn giáo khá nghiêm khắc.
Từ năm 1841, Eliot bắt đầu đọc các sách vở thuộc trường phái Duy Lý (rationalist) nên có các tư tưởng chống đối thứ tôn giáo nặng giáo điều. Sau khi người cha qua đời năm 1849, Eliot đã đi du lịch sang châu Âu trong hai năm từ năm 1851 rồi cuối cùng định cư tại thành phố London. Công trình văn học đầu tiên của George Eliot là bản dịch cuốn sách “Chúa Jesus đang sống” (The Living Jesus, 1835-1836) của tác giả thần học người Đức David Strauss. Tại London, Eliot phụ trách mục điểm sách (book review) cho tạp chí Westminster rồi về sau trở nên người phụ tá chủ bút của tạp chí kể trên. Nhờ công việc văn học, Eliot đã làm quen với nhiều nhà văn, nhà thơ danh tiếng của thời đại, gồm cả Hariet Martineau, John Stuart Mill, James Froude, Herber Spencer và George Henry Lewes. George Lewes là một nhà triết học, khoa học và phê bình, đã gây nhiều ảnh hưởng tới George Eliot. Hai người này đã yêu thương nhau và sinh sống với nhau từ năm 1854 tới năm 1878 mặc dù Lewes là người có vợ và không thể xin ly dị do luật lệ đương thời. Trong thời gian viết ra các tác phẩm chính, Eliot luôn luôn được Lewes khuyến khích và che chở trước các bài phê bình không thuận lợi. Sau khi Lewes qua đời vào năm 1878, George Eliot sống ẩn dật và không cầm bút nữa. Vào tháng 5 năm 1880, nhà văn nữ này kết hôn với ông John Cross, một nhà ngân hàng người Mỹ, nhưng qua đời 7 tháng sau. Ông Cross là một người bạn thân của cả hai, trở thành người đầu tiên viết tiểu sử của George Eliot. George Eliot đã viết nhiều bài cho các tạp chí và dịch một số tác phẩm từ tiếng Đức. Do sự khuyến khích của ông Lewes, Eliot bắt đầu sáng tác loại tiểu thuyết từ năm 1856. Cuốn truyện đầu tiên của bà là truyện “Tài Sản đáng buồn của Linh Mục Amos Barton” (The Sad Fortunes of the Reverend Amos Barton), xuất hiện đầu tiên trên tạp chí Blackwood vào tháng 1 năm 1857. Cùng vào năm này có thêm hai truyện nữa, cả ba được in thành cuốn “Các Cảnh Đời Tu Sĩ “ (Scenes from Clerical Life, 1858). Tác giả đã ký bút hiệu “George Eliot” từ tác phẩm này và đã giữ bí mật về chính mình trong nhiều năm. Các tác phẩm văn chương chính được nhiều người biết tới của George Eliot là cuốn “Adam Bede” (1859), cuốn tiểu thuyết đầu tiên. Đây là một chuyện tình bi đát trong đó người cha của nhà văn là hình bóng của một nhân vật trong truyện. “Thời Niên Thiếu” (The Mill on the Floss, 1860) và “Silas Marner” (1861) là hai cuốn truyện liên quan tới miền quê Warwickshire, được căn cứ vào đời sống thực của tác giả. Silas Marner là câu chuyện của một người già keo kiệt, bị mất vàng nhưng đã sống một cuộc đời nhân đạo hơn nhờ tình yêu thương một cô gái nhỏ. Chuyến du lịch qua nước Ý đã gợi hứng cho tác giả viết nên cuốn truyện “Romola” (1863), một câu chuyện tình lịch sử của một nhà giảng đạo và cải cách Girolamo Savonarola, với khung cảnh là miền Florence thuộc thế kỷ 15. Cuốn truyện Romola được tác giả bắt đầu viết vào năm 1861, đăng nhiều kỳ trên tạp chí Cornhill rồi in thành tập vào năm 1863. Tiếp theo cuốn truyện kể trên là hai tiểu thuyết “Felix Holt, Người Cấp Tiến” (Felix Holt, the Radical, 1866) liên quan tới nền chính trị của nước Anh và “Middlemarch, một Khảo Sát về Đời Sống Tỉnh Lẻ” (Middlemarch: A Study of Provincial Life, 1871-1872). Đây là một truyện dài, với nhiều nhân vật phức tạp tạo ra các ảnh hưởng và phản ứng lẫn nhau. “Daniel Deronda” (1876) là cuốn tiểu thuyết cuối cùng, cho thấy sự hiểu biết của tác giả và tính nhạy cảm đối với nền văn hóa Do Thái. Cuốn truyện này đặc sắc nhờ phần mô tả nhân vật nữ anh hùng Gwendolein Harleth. George Eliot cũng cho xuất bản một tuyển tập các bài tiểu luận (essays) “Các Ấn Tượng của Theophratus Such” (The Impressions of Theophratus Such, 1879). Phần thơ phú của George Eliot không xuất sắc bằng phần văn xuôi, gồm các tập “Người Du Sinh Tây Ban Nha” (The Spanish Gypsy, 1868), “Agatha” (1869), “Truyền Thuyết của Jubal và các Bài Thơ khác” (The Legend of Jubal and other Poems, 1874). George Eliot được nhiều người đương thời kính trọng, và địa vị của nhà văn nữ này giống như của Emily Dickinson và Virginia Woolf thuộc thế hệ về sau./.
© http://vietsciences.free.fr Phạm Văn Tuấn |