Những bài cùng tác giả
Nhân đọc lại vài tác phẩm của Zola
Tấm gương Do Thái
Émile Édouard Charles Antoine Zola (1840-1902) nhà văn viết tiểu
thuyết, nhà phê bình và viết tiểu luận, người bênh vực
công lý và nhân vật văn học
-
- «Je n'ai qu'une passion, celle de la lumière, au nom de
l'humanité
- qui a tant souffert et qui a droit au bonheur.»

E Emile Zola là nhà văn viết tiểu
thuyết, nhà phê bình và viết tiểu luận, người bênh vực
công lý và nhân vật văn học đã đưa trường phái Tự Nhiên
(naturalism) trở thành một phong trào văn chương hàng đầu
tại nước Pháp vào cuối thế kỷ 19. Các nhà văn tự nhiên
đã mô tả đời sống vì các kinh nghiệm sống, do nhìn
thấy tận mắt đời người, họ cho rằng các hành vi của
con người là vì các bản năng di truyền, do môi trường xã
hội và kinh tế và không phải bởi con người được tự
do chọn lựa.
-
Emile Zola sinh tại thành phố Paris vào năm 1840, với tên
đầy đủ là Émile Édouard Charles Antoine Zola, sống thời niên
thiếu tại miền Aix-en-Provence thuộc phía nam của nước Pháp.
Cha của Emile đột ngột qua đời tại Marseilles ở tuổi 51
khi cậu bé này lên 7. Ông Francesco Zola là một sĩ quan công
binh gốc Ý và Hy Lạp, đã rời miền Venice của nước Ý
khi sự áp chế của quân Áo lan tràn trên quê hương của ông
sau khi Hoàng Đế Napoléon III bị thua trận. nhưng Emile vẫn
sống với mẹ tại Aix-en-Provence. Mẹ của Emile là bà Emilie
Aubert (Zola) thuộc một gia đình nông dân Pháp loại khá
giả. Emile là con trai duy nhất trong nhà và hoàn cảnh bần hàn
bắt buộc hai mẹ con phải dọn nhà lên thành phố Paris vào
năm 1858. Các cuốn tiểu thuyết của Emile Zola đã mô tả
nhiều cảnh cơ cực, nghèo khó với hai nhân vật là bà
Chanteu và con trai Lazare trong cuốn "Vui Sống" (La joie
de vivre) và nhân vật Félicité trong truyện "Bác Sĩ
Pascal" (Le Docteur Pascal).
Tại thành phố đô hội Paris, cậu thanh niên Emile phải
kiếm sống bằng nghề thư ký cho nhà xuất bản Hachette đồng
thời viết các bài chính trị và văn học cho các tạp chí
và vào giai đoạn này, Emile Zola làm quen được nhiều người
danh tiếng, trong số này có Hippolyte Taine, một nhà triết
học đã gây ảnh hưởng về nhận thức tính di truyền và
tầm quan trọng của môi trường tới cách hành xử của con
người.
Khi làm việc cho nhà xuất bản Hachette, Emile Zola được
khuyến cáo không nên viết các bài báo hay cuốn truyện gây
ra những vụ tranh cãi, hoặc bị cảnh sát của triều đình
Pháp chú ý, vì vậy nhà văn này đã xin thôi việc để
viết các bài phê bình cho một tờ báo mới là tạp chí
"Sự Việc" (L'Evenement) của ông Villemessant. Trên
tạp chí này và trên nhật báo Le Figaro, Emile Zola đề cập
tới các giá trị thẩm mỹ của một trường phái hội
họa mới cùng các họa phẩm của Edouard Manet và cũng từ
nay, họa sĩ Manet đã là một người bạn thân của nhà văn
Zola. Emile Zola còn có công trong việc tranh đấu cho trường
phái hội họa Ấn Tượng, phá vỡ tập quán mỹ thuật cổ
điển nhờ vậy dân chúng Pháp đã công nhận giá trị của
các họa phẩm của Edouard Manet cùng các họa sĩ Ấn Tượng
khác. Trường phái Ấn Tượng sau nhiều năm xuất hiện
với các họa phẩm đặc sắc và khác lạ, đã được dân
chúng công nhận vào năm 1874.
Năm 1864, Emile Zola cho phổ biến một tập các truyện ngắn
có tên là "Chuyện Kể cho Ninon" (Contes à Ninon, 1864)
và cuốn tiểu thuyết dài "Lời Thú Tội của
Claude" (La confession de Claude, 1865), cả hai cuốn sách kể
trên không được dân chúng chú ý. Qua năm 1867, Emile Zola
viết ra cuốn truyện "Thérèse Raquin", đề cập
tới sự dâm dật và vụ giết người, nên đã bị mang
tiếng xấu và cuốn truyện này tạo nên nhiều trận công kích
do các tờ báo đối nghịch khiến cho từ năm 1868 tới năm
1870, Emile Zola đã trả lời trên các báo Tribune, Rappel, La
Cloche và Gaulois.
Sau cuộc chiến tranh Pháp - Phổ năm 1870, do ảnh hưởng
của bộ tiểu thuyết nhiều tập "Đời Người như Vở
Kịch" (La comédie humaine, 1842-1848) của Honoré de Balzac,
Emile Zola bắt tay vào viết một loạt truyện dài "Les
Rougon-Macquart" với ghi chú là "lịch sử tự nhiên và
xã hội của một gia đình trong Đế Chế Thứ Hai",
tức là thời đại của Hoàng Đế Napoléon III (1852 - 1870).
Qua các cuốn truyện này, tác giả bắt chước phương pháp
khoa học bằng cách quan sát các nhân vật một cách khách
quan, xét từng chi tiết dưới các điều kiện có kiểm soát.
Tác giả muốn chứng minh rằng tính tình và hành vi của con
người do di truyền và môi trường tạo nên. Ý tưởng này
bắt nguồn từ nhà triết học và phê bình người Pháp
Hippolyte Taine, nhà sinh học người Anh Charles Darwin và nhà
khoa học người Pháp Prosper Lucas. Mỗi tiểu thuyết trong toàn
bộ 20 cuốn mô tả các cuộc phiêu lưu của một hay nhiều
nhân vật trong gia đình Rougon-Marcquart với các nét đặc thù
khác nhau về nghề nghiệp và giai tầng xã hội.
Tiểu thuyết đầu tiên của bộ truyện kể trên là
cuốn "Tài Sản của gia đình Rougon" (La Fortune des
Rougon, 1870) đã được nhiều người khen ngợi, kể cả nhà
văn Gustave Flaubert. Sau đó 5 cuốn truyện khác đã xuất
hiện trong thời gian 1881 - 1886 và các cuốn kế tiếp giữa
các năm 1878 và 1893.
Trong cuốn truyện thứ ba "Khu Chợ của thành phố
Paris" (La Ventre de Paris, 1873), tác giả đã mô tả rõ ràng
khu trung tâm của thành phố này. "Nana" (1885) là
một khảo sát về nghề mãi dâm, đã gây nên tai tiếng khi
được phổ biến.
Bộ truyện "Les Rougon-Macquart" gồm nhiều tiểu
thuyết xuất sắc nhưng có hai cuốn biểu hiện thiên tài
của tác giả và được nhiều người coi là hai tác phẩm
hay nhất của nước Pháp vào thế kỷ 19, đó là cuốn
"Quán Rượu Thấp Hèn" (L'assommoir, 1877) và cuốn
"Thợ Mỏ" (Germinal, 1885).
"Quán Rượu Thấp Hèn" là hình ảnh ghê sợ của các
công nhân nghiện rượu trong thành phố, với nhân vật chính
là Gervaise Macquart, người thợ giặt đàn bà sinh sống trong
khu nghèo hèn, là người bị chồng bỏ rơi với hai đứa
con không chính thức. Số phận đau thương của người đàn
bà bất hạnh này khiến cho người đọc phải động lòng
trắc ẩn.
Vào năm 1868 tức là vào cuối của thời Đế Chế Thứ Hai,
Emile Zola đã chứng kiến và ghi chép các vụ đình công đẫm
máu của các công nhân mỏ than tại Aubin và La Ricamerie
thuộc miền bắc nước Pháp. Những người thợ này bị bóc
lột cùng với chủ thuyết xã hội (socialism) đã khiến cho
nhà văn Zola đề cập tới trong cuốn truyện "Thợ
Mỏ" và ông đã so sánh cảnh giàu sang của gia đình Grégoire,
chủ nhân, với các nỗi khổ cực của những người thợ
bỏ xác trong các căn hầm tối tăm. Sự bi quan của tác
giả vào cuối cuốn truyện đã nói lên các bệnh hoạn
của một xã hội bóc lột và báo trước các cuộc cách
mạng sẽ xẩy ra.
Tới năm 1894, đại úy Alfred Dreyfus gốc Do Thái trong bộ
tổng tham mưu Pháp, bị tố cáo bán các tài liệu bí mật và
làm gián điệp cho nước Đức, đã bị kết án và đầy đi
tù trên đảo Devil. Vụ xét xử này gây nên nhiều nghi vấn
về vấn đề kỳ thị người Do Thái và qua năm 1987, tờ báo
Le Figaro đã phổ biến một bài báo của Emile Zola lên
tiếng về vụ án kể trên. Qua năm sau, 1898, tờ báo
"Rạng Đông" (L'Aurore) công bố bức thư ngỏ "Tôi
Tố Cáo" (J'acuse, 1898) của Emile Zola viết ngày 13 tháng
1, coi vụ xét xử kể trên là một hư thai của nền công lý
(a miscariage of justice), vì thế tác giả bị gán cho tội
phỉ báng vào ngày 23 tháng 2, bị kêu án 6 tháng tù giam và
phạt vạ 5,000 quan tiền. Tác giả Zola phải bỏ trốn sang nước
Anh trong một năm nhưng sau khi vụ xét xử được minh xác,
ông đã trở về nước Pháp và được coi như một bậc anh
hùng. Do vụ kiện này mà Emile Zola viết ra cuốn truyện khoa
học giả tưởng "Sự Thật" (La Vérité, 1903).
Emile Zola qua đời tại Paris vào ngày 29 tháng 9 năm 1903
do ngộ độc khí carbon monoxide. Các người dân của thành
phố Paris đã đứng theo hàng dài hai bên đường khi linh
cữu của nhà văn danh tiếng này đi qua.
Các tác phẩm của Emile Zola đã phản ánh cuộc đời
của nhà văn này. Trước hết là hoàn cảnh người cha qua
đời khi cậu Emile còn thơ ấu, khiến cho gia đình này lâm
vào cảnh túng thiếu. Cậu Emile không được cơ hội vui chơi
nơi miền nắng ấm thơ mộng Aix-en-Provence mà phải theo mẹ
và bà ngoại dọn về khu nghèo khó của thành phố Paris.
Kinh nghiệm sống này đã khiến cho tác giả trở nên một
bậc thầy trong cách mô tả cảnh nghèo khó của giới lao động.
Tuy nhiên Emile Zola cũng quen biết giới tư sản do bởi
nguồn gốc gia đình và đã từng làm việc với giới thương
mại, giới luật sư... Sự hiểu biết về các giai tầng xã
hội đã khiến cho tác giả linh cảm được cuộc cách
mạng vô sản, ngoài những chuyện kể về cuộc cách mạng
Pháp năm 1848, ngoài cách chứng kiến các buổi hội họp và
đọc kỹ các tài liệu viết theo chủ thuyết xã hội.
Mỗi cuốn tiểu thuyết của Emile Zola thường duy trì
một biểu tượng (symbol) chẳng hạn như mỏ than là biểu tượng
của tác phẩm "Thợ Mỏ". Thể văn của Emile Zola hơi
nặng nề nhưng nhà văn này rất xuất sắc trong cách mô
tả, đặc biệt về các đám đông. Các nhân vật trong
nhiều truyện không phức tạp và hiện rõ trong các cảnh tàn
phá và chết chóc.
Emile Zola veit bộ tiểu thuyết thứ hai có tên là
"Ba Thành Phố" (The Three Cities) và bộ thứ ba
"Bốn Chân Lý" (The Four Gospels), bộ truyện này bị
dang dở khi nhà văn đột ngột qua đời. Các tác phẩm phê
bình, với chủ trương bênh vực trường phái Tự Nhiên
(naturalism) gồm "Tiểu Thuyết Thực Nghiệm" (The
Experimental Novel, 1880), "Các nhà tiểu thuyết tự nhiên"
(The Naturalistic Novelists, 1881) và "Chủ nghĩa Tự Nhiên
trong Kịch Nghệ" (Naturalism in the Theater, 1881).
Qua cuộc đời và các cuốn truyện, Emile Zola đã
chứng tỏ trí thông minh, lòng cảm thông trước công lý và
lòng can đảm dám đứng lên bảo vệ các kẻ bị áp chế.
Trong bài điếu văn, Văn Hào Anatole France đã ca ngợi Emile
Zola là một "lương tâm của nhân loại"./.
©
http://vietsciences.free.fr và
http://vietsciences.org Pham
Văn Tuấn |