Anne Frank và quyển Nhật Ký

Vietsciences- Phạm Văn Tuấn - Võ Thị Diệu Hằng    12/07/2012
1/ Tiểu sử Anne Frank
2/ Tóm tắt cuộc hành trình
3/ Ai là kẻ phản bội ?

'It's time to tell the truth'
4/ Lò hỏa thiêu Holocaust
5/ Căn phòng bí mật.
6/ Cuốn Nhật Ký.
7/ Xuất bản cuốn nhật ký
8/ Một bằng chứng trước tội ác diệt chủng.

 


 

 

1/ Tiểu sử Anne Frank

 

Anneliese Marie Frank sinh ngày 12 tháng 6 năm 1929 tại Frankfurt-on-Main, nước Đức, trong một gia đình Do Thái. Anne là con gái thứ hai của Otto Heinrich Frank và Edith Holländer. Otto Heinrich Frank đã từng là sĩ quan trong quân đội Đức vào thời kỳ Thế Chiến Thứ Nhất, nhưng khi Hitler lên nắm chính quyền và dùng sắc dân Do Thái làm dê tế thần, tức là một loại kẻ thù của nước Đức Quốc Xã, thì ông Otto đã quyết định mang gia đình qua thành phố Amsterdam, nước Hòa Lan năm 1933. Vào tháng 12 năm 1940, ông Otto buôn bán thực phẩm tại một tòa nhà cũ xây dựng vào thế kỷ 17, mang số 263 trên đường Prinsengracht. Các nhân viên làm việc với ông Otto đã coi ông là người công bằng và ân cần.

Đối với Anne Frank, các năm đầu sống tại thành phố Amsterdam là thời gian hạnh phúc. Trong miền ngoại ô vui tươi này, các người trong gia đình đều quên đi quá khứ Đức mà dần dần mang đặc tính Hòa Lan với chị Margot hơn Anne 3 tuổi, là một thiếu nữ thông minh và xinh đẹp, nhưng Anne nhậy cảm, duyên dáng và nói chuyện bộc trực hơn. Anne ưa thích phim ảnh, chuyện thần thoại Hy Lạp và các bạn bè.


 

Peter Schiff

Chữ ký của Anne Franck


Thủ bút của Anne

 

Tháng 2/2008 vừa qua,  người bạn thuở thiếu niên của Peter Schiff tặng cho viện bảo tàng Anne Frank tại Amsterdam, hình Peter Schiff, người yêu của Anne Frank, chụp năm 1939.

 

Vào tháng 5 năm 1940, quân đội của Hitler tràn qua miền đất Hòa Lan trung lập. Gia đình Frank cũng như toàn thể sắc dân Do Thái trở thành nạn nhân của một hệ thống chính trị đàn áp và khủng bố. Đầu tiên, chế độ Quốc Xã cấm đoán các người Do Thái không được ký các hợp đồng thương mại, sau đó các cuốn sách do người Do Thái viết ra bị đốt bỏ, rồi tiếp theo là các đạo luật nghiêm trị các cuộc hôn nhân giữa người Do Thái và người Đức. Người Do Thái không được phép vào các thư viện, công viên, bờ biển, rạp chiếu bóng v.v. Tại Hòa Lan vào tháng 9/1941, chị Margot và Anne bị chuyển qua ngôi trường học gồm toàn học sinh Do Thái. Tới tháng 4 năm sau, mọi người Do Thái nhận được lệnh phải mang ngôi sao 6 cánh màu vàng trên y phục, họ không được phép dùng điện thoại, bị cấm đi xe đạp...

Vào 8 giờ sáng ngày 6 tháng 6 năm 1944, đài BBC loan tin quân đội Đồng Minh đổ bộ lên bờ biển Normandy. Hy vọng đã lóe lên trong căn phòng bí mật. Có thể đây là năm chiến thắng và giải phóng? Nếu như vậy, Anne mơ mộng trở lại trường học trong khóa học tới? Vài ngày sau, Anne kỷ niệm ngày sinh thứ 15.

Thế nhưng khúc cuối bi đát đã tới vào buổi sáng ngày thứ Sáu, tức là ngày 4 tháng 8, sau khi các người ẩn núp đã trải qua 761 ngày dài lâu và đau khổ. (Có tám người cùng sống trong  một nơi giam hãm nhỏ xíu Otto và Edith Frank, cha mẹ Anne, chị cả Margot, nha sĩ Fritz Pfeffer, ông  bà  Van Pels  và con trai Peter của họ). Vào khoảng 10 giờ 30 sáng, một chiếc xe quân đội Đức ngừng lại trước tòa nhà số 263 đường Prinsengracht và các cảnh sát mặc thường phục với một cảnh sát mặc sắc phục dẫn đường chạy vào tòa nhà. Chúng chĩa súng vào Victor Kugler, bắt anh phải dẫn tới tủ sách giả và chúng ra lệnh cho anh mở lối vào. Một lúc sau, tám người Do Thái lẩn trốn đã bị bắt. Một xe tải bít bùng đã chở họ cùng với Kugler và Johannes Kleimann đi mất.

 


Tới xế chiều, hai người thư ký là cô Miep Gies và cô Bep Voskujl đã chờ đợi rồi mới dám vào căn phòng bí mật. Bọn Quốc Xã lục lọi khắp nơi. Trong cảnh hỗn độn này, Cô Miep thu lượm các tờ giấy rải rác trên sàn nhà. Cô đã kiếm được một thứ quý giá hơn cả tiền bạc và nữ trang, đó là tập nhật ký của Anne Frank.

Ngày 27 tháng 1 năm 1945, khi quân đội Xô Viết tràn quân qua trại tử thần Auschwitz thì ông Otto Frank đang nằm trong bệnh viện, nhờ vậy ông đã không bị đưa tới phòng hơi ngạt và được giải thoát. Ông Otto Frank là người duy nhất thuộc nhóm 8 người, còn sống sót từ các trại tử thần, sau đó trở về thành phố Amsterdam, Hòa Lan, rồi trong một lần thăm viếng nơi ở cũ, gặp lại cô Miep Gies, cô này đã trao cho ông một tập giấy viết tay và nói: “Đây là di sản của con gái ông”.

Một tháng sau, 8 người Do Thái lẩn trốn kể trên bị dồn vào toa xe lửa cuối cùng chở các tù nhân từ Hòa Lan tới trại tử thần Auschwitz. Đàn ông và đàn bà bị chia cách nhau, họ không bao giờ gặp lại nhau. Anne và Margot bị đưa tới trại Bergen-Belsen.

Sự nghiên cứu chính xác của Carol Ann Lee từ những tài liệu, những  nhân chứng, đã cho ta biết những gì xảy ra sau cuộc lùng  bắt những  người trốn trong xưởng đó. Sự bắt bớ, cái chết của Anne 15 tuổi và Margot 18 tuổi và Edith, mẹ các cô gái không còn trừu tượng nữa.

Những người thoát nạn từ Auschwitz, cũng  gốc Hòa Lan, diễn tả lại nơi mẹ con Edith ở: Buổi sáng sớm lúc  3 giờ rưỡi bị đánh thức dậy để  làm một việc hết sức vô lý, đó là  xới đất để gom thành đống đất trộn với cỏ. Anne phải đi phân phối bánh mì cho bữa ăn tối. Margot và mẹ bị chọn để làm việc nơi một kho đạn dược Tchèque nhưng  cả hai từ chối không bỏ Anne ở lại một mình, lúc đó Anne  bị  ghẻ lở. Nhưng  sau đó mẹ con lại bị chia rẽ nhau: Anne  và Margot bị gởi tới Bergen-Belsen thuộc về miền trung của nước Đức, tại nơi này, giống như 28,000 tù nhân khác, hai cô gái mắc bệnh thương hàn.. Những người bạn ở chung kể rằng  những tháng cuối cùng của hai chị em, là nỗi đau khổ dai dẳng của họ. Trong  một trong những  căn nhà tồi tàn, quá đông đúc và hôi thối, Margot và Anne hấp hối. Hai người con gái chết vì bệnh thương  hàn nơi một cái giường  thê thảm nhất có thể có được, đặt sát cửa ra vào. Hai chị em gầy còm, hốc hác trông  rất khủng khiếp. Da mọc đầy mụn mủ. Gương  mặt không còn chút thịt nào, chỉ da bọc xương và họ lạnh kinh khủng. Margot chết trước.

 Anne chăm sóc chị tới ngày chót và qua đời sau chị vào tháng 3 năm 1945, vài tuần lễ trước khi quân đội Anh tiến vào trại tử thần ngày 15/4/1945.

Năm 2001,  Carol Ann Lee tác giả Mỹ đã in ra tiểu sử cuộc đời Anne Frank


2/ Tóm tắt cuộc hành trình

12/05/1889 :

Otto Frank sinh tại Franfurt, Đức

16/01/1900 

Edith Holländer  sinh tại Aix-la-Chapelle (Đức)

12/05/1925 :

Đám cưới của Otto Frank Edith Holländer

16/02/1926 :

Margot Frank,  sinh tại Franckfurt , Đức

12/06/1929 :

Anne Frank ,  sinh tại Frankfurt, Đức

8/1933 :

Otto Frank đi đến Hòa Lan và những  người còn lại ở  Aix la Chapelle, nhà bà ngoại Holländer

9/1933 :

Otto Frank mở hãng Opekta Amsterdam .

12/1933 :

Cả gia đình đến Amsterdam

3/1939 :

Bà ngoại Holländer đến ở với các con tại Amsterdam

12/1940 :

Otto Frank thành lận hãng  ở  263 Prinsengracht

5/1941 :

Để tránh sự cướp đoạt, Otto Frank sang nhượng hãng và trở thành « Handelsvereniging Gies & Co »

8/1941 :

Anne Margot bị ép buộc  phải rời trường  Montessori

01/1942 :

Bà ngoại Holländer từ trần

12/06/1942 :

Quà sinh nhật thứ 13 của Anne là một quyển nhật ký.

5/07/1942 :

Margot nhận giấy triệu tập của chính quyền để đến "trại lao động"

6/07/1942 :

Gia đình Frank trở nên vô gia cư và trốn trong căn phòng bí mật

13/07/1942 :

Gia đình  Van Pels gặp Frank nơi căn phòng  bí mật

16/11/1942 :

Fritz Pfeffer vào ở trong căn phòng bí mật, cùng  phòng với Anne

4/08/1944 :

Tám người bị bắt

8/08/1944 :

Chuyển sang trại Westerbork

3/09/1944 :

Bị đày đến Auschwitz , Pologne

6/09/1944 :

Đến Auschwitz, Hermann Van Pels chết trong  phòng  ngạt

10/1944 :

Anne Margot bị chuyển sang Bergen-Belsen, Fritz Pfeffer tới Neuengamme.

20/12/1944 :

Fritz Pfeffer chết trong trại Neuengamme

6/01/1945 :

Edith Frank chết tại Auschwitz-Birkenau

27/01/1945 :

Otto Frank được  giải thoát nhờ các đội Nga tại Auschwitz

3/945 :

Anne Margot chết tại Bergen-Belsen, cách nhau vài ngày

5/1945 :

Peter Van Pels chết tại Mathausen, và mẹ là  Auguste Van Pels chết tại Theresin.

3/06/1945 :

Otto Frank đến Amsterdam

1945 :

Otto Frank hay tin các con đã chết. Miep Gies đưa ông cuốn nhật ký của Anne Frank
 

1946 :

Một bài viết đăng trong  báo Het parool tựa đề "tiếng nói của đứa trẻ đăng trong báo hàng  ngày của Hòa Lan", nói lên  lợi ích của cuốn Nhật ky Anne Frank

8/1947 :

Nhật ký Anne Frank được  đăng tại Hòa Lan, là bản đầu tiên được viết bằng  tiếng  Hòa Lan (bản  gốc).

1950 :

Xuất bản đầu tiên  bằng tiếng Pháp

1952 :

Hoa Kỳ đăng  bằng tiếng Anh dưới tựa đề " Nhật ký của một cô gái trẻ"  (The diary of a young girl)

11/1953 :

Otto Frank cưới Elfriede Geiringer và ở tại Bâle, Thụy sĩ (Suisse)

1955 :

Một vở kịch lấy từ Nhật ký Anne Frank được diễn tại Hoa Kỳ

1959 :

Phim đầu tiên của Hoa Kỳ trích từ Nhật ký Anne Frank, do Georges Stevens thực  hiện

19/08/1980 :

Otto Frank mất tại Suisse, 91 tuổi.

 

3/ Ai là kẻ phản bội ?

Ai là người đã phản bội các người Do Thái đau khổ kể trên tại thành phố Amsterdam?

phải là một công nhân mới của nhà kho đã tò mò vì các tầng lầu ở trên, vì thèm muốn số tiền thưởng do bọn Quốc Xã tặng nếu bắt được người Do Thái?  Mặc dù người chỉ điểm này bị điều tra hai lần nhưng anh ta đã không bị truy tố. Kleiman và Kugler bị tống giam tại Hòa Lan nhưng về sau trở về làm việc tại tòa nhà số 263 đường Prinsengracht. Ông Otto sau này sống với cô Miep Gies và người chồng của cô này tên là Jan tại thành phố Amsterdam rồi qua đời vào năm 1980 ở tuổi 91.

Theo năm tháng, nhiều giả thuyết được đưa ra để thử tìm lý lịch kẻ phản bội. Ba kẻ tình nghi lộ ra:  Wim van Maaren, người làm công cho Otto Frank, Lena Hartog-Van Bladeren người giúp việc nhà và Anthon Ahlers, một lính Hòa Lan nghiên về Đức quốc xã.

Năm 2002, nhà sử học Carol Anne Lee, tác giả của bài tiểu sử Otto Frank đã phỏng đoán là Anthon Ahlers là thủ phạm. Ahlers cộng tác viên cũ của Otto nhưng lại là người bài Do Thái, thêm vào đó ông ta  rất cần tiền và cần sự bảo trợ của Nazi.

Theo nhà văn Áo Melissa Muller thì ngược lại, chính bà giúp việc Lena Hartog-Van Bladeren là kẻ đã tố giác gia đình Frank vì sợ chính mình bị đày đến trại giam.

Trước đó thì Wim van Maaren là kẻ tình nghi chính, nhưng  sau chiến tranh những  cuộc điều tra thất bại không có bằng cớ.

Tuy nhiên năm 2003, một cuộc điều tra toàn bộ của Viện nghiên cứu tư liệu chiến tranh Hòa Lan (NIOD = Het Nederlands Instituut voor Oorlogsdocumentatie) đã kết luận rằng sẽ không thể biết ai đã phản bội gia đình Anne Frank. 
 

4/ Lò hỏa thiêu Holocaust

Vào cuối năm 1944, quân đội Xô Viết tiến vào lãnh thổ Đức qua ngã Ba Lan, họ đã gặp trại tử thần Majdanck bên trong có trang bị nhiều phòng hơi ngạt và nhiều lò hỏa thiêu để tận diệt các người Do Thái. Nhiều phóng viên báo chí đã đi vào trong trại này và đã phổ biến những điều mắt thấy tai nghe. Ký giả H. W. Lawrence đã viết cho tờ báo New York Times: “Tôi đã nhìn thấy một nơi khủng khiếp nhất trên trái đất”.

Tới mùa xuân năm 1945, địa danh của các trại tập trung người Do Thái như Ohrdruf, Buchenwald, Dachau, Nordhausen, Auschwitz... vẫn chỉ là những tên gọi tầm thường trên các bản đồ quân sự nhưng khi đoàn quân Hoa Kỳ đã tiến vào Ohrdruf ngày 6/4/1945, các quân nhân Mỹ đã nhìn thấy nhiều bãi đất chứa thây người chết, đa số thối rữa giữa ánh nắng tháng 4, một số khác là các đống xác người rất lớn, hỏa thiêu giữa trời và cháy dở dang, còn các tù nhân sống sót trông giống như các bộ xương biết đi. Mùi tử khí xông lên nồng nặc. Các cảnh tàn sát các tù nhân, các cảnh giết người dã man tàn ác này đã ra ngoài sức tưởng tượng của các người lính Hoa Kỳ.


Những hình ảnh về  Holocaust nơi trang :  http://shamash.org/holocaust/photos/


Holocaust là hệ thống lò hỏa thiêu 6 triệu người Do Thái do bọn Quốc Xã Đức (the Nazis) và các kẻ cộng tác gây nên trong thời kỳ Thế Chiến Thứ Hai. Bọn Quốc Xã đã gọi công việc tàn sát tập thể này bằng danh từ “Giải pháp cuối cùng của vấn đề Do Thái” (the Final Solution to the Jewish Problem).
 

5/ Căn phòng bí mật.

Tủ sách giả che ngõ vào của nơi Anne trốn, tại Amsterdam

 

Một năm sau cuốn nhật ký được xuất bản dưới nhan đề do Anne chọn lựa là “Căn phòng bí mật”. Lời nói của cô bé cầu mong được sống trước cõi chết trong cuốn nhật ký đã làm rung động lòng thương xót của hàng triệu người gần xa. Từ khi ấn bản tiếng Hòa Lan xuất hiện vào năm 1947, cuốn nhật ký này đã được dịch sang 55 ngôn ngữ và đã bán được trên 25 triệu cuốn. Tại Hoa Kỳ, tác phẩm có tên là “Nhật Ký của một Thiếu Nữ” (The Diarry of a Young Girl), và ước mơ của Anne Frank trở nên một nhà văn, đã thành sự thực.

Nhà số 263 Prinsengracht  nơi mà gia đình Anne Frank trốn trong hai năm và là nơi nhật ký của Anne ra đời (Ảnh của Laurie Williams Sowby)

 

Cuốn nhật ký của Anne Frank đã được phổ biến nên chẳng bao lâu nhiều người muốn được coi căn phòng bí mật. Vào mỗi buổi sáng, dù trời mưa hay nắng, có một đoàn người xếp hàng bên ngoài tòa nhà bốn tầng mang số 263 trên đường Prinsengracht thuộc thành phố Amsterdam, nước Hòa Lan. Đôi khi họ còn xếp hàng hai, kéo dài tới tận góc đường. Họ chờ đợi tới lượt được leo lên một cầu thang nhỏ dẫn tới “căn phòng bí mật”, tại nơi này hơn 50 năm về trước, một cô gái nhỏ tên là Anne Frank đã viết ra một nhật ký làm đau lòng mọi người trên khắp thế giới.

Căn phòng bí mật gồm bốn phòng phụ nhỏ phía sau tòa nhà kể trên, nằm trên hai tầng cao, phía trên là tầng sát mái. Các người Do Thái đau khổ vì bị truy lùng, đã trốn tránh tại nơi đây nhưng rồi họ đã bị phản bội, bị bọn Đức Quốc Xã bắt đi, sau đó nhờ cuốn nhật ký của Anne Frank mà câu chuyện của họ được mọi người biết đến. Họ gồm 8 người,  thuộc hai gia đình và một người trưởng thành khác, ẩn núp tại nơi chật hẹp này trong 25 tháng, họ thức và ngủ trong nỗi lo sợ, trải qua các thời gian dài buồn tẻ, luôn luôn hoảng hốt vì sợ bị khủng bố, nhưng tinh thần của Anne không bị suy sụp. Ba tuần lễ trước khi cuộc ẩn núp chấm dứt, Anne Frank cho thấy niềm tin không lay chuyển: “Mặc dù mọi sự việc, tôi còn tin rằng con người có bản tâm thật tốt. Đối với tôi, tôi không thể xây dựng cuộc đời của tôi trên nền móng hỗn độn, đau khổ và cõi chết. Nhưng tôi đang nhìn thấy thế giới đang chuyển thành hoang dã. Tôi nghe thấy tiếng sấm lại gần. Tôi cảm thấy nỗi đau khổ của hàng triệu người. Nhưng khi tôi nhìn lên trời cao, dù sao tôi còn cảm thấy rằng nền hòa bình và sự yên ổn sẽ trở lại”.

 

 

 

 

6/ Cuốn Nhật Ký.


Những trang nhật ký viết tayTừ ngày 12/6/1942, Anne Frank bắt đầu viết nhật ký. Cô được cha mẹ cho một quyển giấy mỏng có bìa sọc nhiều màu nhân ngày sinh thứ 13. Trên những trang đầu, Anne kể lại nhiều câu chuyện tầm thường về lớp học nhưng sang tuần lễ sau, cô đã ghi: “Ngày 20 tháng 6, các người Do Thái bị bắt buộc phải nộp các xe đạp. Họ không được dùng xe điện, đi xe hơi ngay cả ngồi trên xe của họ. Người Do Thái bị cấm ra đường trong khoảng thời gian từ 8 giờ tối tới 6 giờ sáng, bị cấm không được ngồi trong vườn của họ sau 8 giờ tối”.

Trước các hành động khủng bố này, cha của Anne bắt đầu thu xếp cho gia đình ẩn núp trong các căn phòng không sử dụng nằm dưới mái nhà của tòa nhà số 263 đường Prinsengracht. Vào ngày chủ nhật, ông Otto lén lút mang các vật dụng gia đình, đồ đạc và các lon đồ ăn cất vào trong căn phòng bí mật. Biết rằng cần tới sự giúp đỡ của người bên ngoài, ông đã tin cẩn nhờ bốn nhân viên cũ tên là Johannes Kleiman, Victor Kugler và hai cô thư ký trẻ Miep Gies và Bep Voskuijl. Anne đã ghi trong nhật ký: “Vài ngày trước đây, cha bắt đầu nói tới việc đi trốn với vẻ rất nghiêm trọng làm cho tôi sợ hãi. Ông nói “đừng bận tâm, con hãy hưởng cuộc đời vô lo khi còn có thể hưởng”. Ôi, cầu mong những lời đơn sơ này trở thành sự thật và dài lâu”.

Nhưng chỉ sau ít giờ khi Anne bắt đầu ghi nhật ký thì lệnh của bọn lính Quốc Xã SS được giao cho Margot, 16 tuổi. Chị phải trình diện ngày hôm sau để bị chuyển tới trại lao động cải tạo bên trong nước Đức. Không còn trì hoãn được nữa. Sáng sớm ngày hôm sau, toàn thể gia đình Frank biến mất. Margot đi trước, chị lột bỏ ngôi sao vàng trên áo và đạp chiếc xe đạp ăn cắp, đi trong trời mưa cùng với Miep Gies tới nơi ẩn núp. Anne và cha mẹ đi bộ theo sau. Họ đã ra đi để được sống gần nhau nhưng phải xa lìa mọi thứ trên thế gian. Nhật ký đã ghi: “Mỗi người chúng tôi có một túi đeo và một túi xách đầy ắp những đồ vật cần thiết”.

Do xếp đặt trước, vài người khác cũng tới nơi ẩn núp này. Có 3 người Do Thái khác đang gặp nguy khốn là ông Hermann Van Pels, vợ ông ta và con trai Peter, 15 tuổi. Ông Hermann là đồng nghiệp của ông Otto. Vào lúc này, có tin đồn rằng gia đình Frank đã bỏ trốn qua Thụy Sĩ.

Nhật ký ghi thêm: “Ngày 11 tháng 7. Có vẻ như ngày nghỉ trong một căn nhà trọ lạ lùng. Căn nhà thì ẩm thấp và nghiêng lệch, nhưng trong cả nước Hòa Lan, không có nơi ẩn núp nào tiện lợi hơn nơi này. Phòng ngủ của chúng tôi cho tới nay thì trơ trụi, nhưng nhờ có cha mang về các tờ báo điện ảnh, tôi có thể dán kín các bức tường bằng các hình đẹp mắt”. Margot và Anne ngủ trong căn phòng dài và hẹp này, bên cạnh là căn phòng của cha mẹ. Gia đình Van Pels chiếm hai phòng kia. Cửa vào căn phòng được ngụy trang bằng một tủ sách xoay và trên mỗi cửa sổ đều có màn tối che phủ. Bên trong căn phòng, mọi người phải thật thận trọng khi nấu ăn, xả rác hay dùng chiếc cầu tiêu duy nhất. Vào ban ngày mọi người phải mang vđể di chuyển, phải thì thầm nói với nhau do e sợ bị các công nhân làm trong nhà kho bên dưới nghe thấy, bởi vì các công nhân không biết rằng trên đầu họ đang có những kẻ ẩn núp.

Các ngày buồn tẻ của mùa hè năm 1942 trôi dần qua. Vào tháng 11, cô Miep tới nơi ẩn núp, báo cho mọi người biết tin rằng nha sĩ Fritz Pfeffer đang tuyệt đối cần gấp một nơi trốn tránh vì vậy chị Margot phải dọn vào ngủ trong phòng với cha mẹ và Anne chia phòng với người mới đến. Như thường lệ, bốn nhân viên trung thành thay nhau tiếp tế cho các người ẩn núp sau khi các công nhân làm việc trong tòa nhà đã ra về, họ mang tới đồ ăn và các nhu yếu phẩm rất khó kiếm như xà bông, kem đánh răng, thuốc cảm aspirin. Họ cũng tìm được vài cuốn sách và các tạp chí. Anne đã ghi lại như sau: “họ không hề than phiền về gánh nặng mà họ phải chịu đựng
”.

Anne Frank cũng hỏi tin của các bạn bè cùng gia đình của các người bạn này nhưng không bao giờ có các tin vui cả. Qua chiếc máy truyền thanh lén lút, các người ẩn núp nghe thấy đài phát thanh BBC loan báo về các vụ trục xuất tập thể. Khi tới nơi trú ẩn, ông Pfeffer cũng cho các người trong nhà này biết rằng bọn Đức Quốc Xã đã đi từng nhà săn lùng các người Do Thái.

Nhật ký của Anne Frank ghi như sau: “Vào lúc trời tối, tôi thường trông rõ nhiều hàng dài các con người vô tội bị dẫn đi. Họ đi vào cõi chết. Tôi cảm thấy mắc tội khi còn ngủ trên chiếc giường ấm áp và hết sức hãi hùng khi nghĩ đến các bạn thân hiện nay là nạn nhân của các con quỷ dữ tợn nhất trên mặt đất. Tất cả là nạn nhân, bởi vì họ là các người Do Thái”. Sau này, Anne còn viết rằng: “Nhưng tôi sẽ không nói thêm về đề tài này. Các ý nghĩ này đủ cho tôi các cơn ác mộng”.

Các cơn ác mộng thật sự tới với những người ẩn núp khi có kẻ trộm lẻn vào nhà kho bên dưới và cảnh sát Đức lục lọi tòa nhà trong khi mà tám nạn nhân trốn tránh trong căn phòng bí mật. Nhật ký ghi: “Có chân người bước lên cầu thang, rồi tiếng kẹt kẹt tại tủ sách. Tôi nói “bây giờ tới số rồi”, nhưng sau đó bước chân lui dần, cho tới lúc này chúng tôi thoát hiểm”.

Khi Anne Frank đã ghi hết các trang giấy, cô Miep lại mang tới những tờ giấy trắng rời của các cuốn sổ ngân hàng rồi Anne tiếp tục viết. Cuốn nhật ký là người bạn thân nhất của Anne, cô viết theo trí tưởng tượng: “Tôi cảm thấy mình như một con chim sơn ca có cánh bị chặt bỏ và tự đập mình vào thành của chiếc lồng đen tối”. Hai tháng sau lần viết ra câu này, Anne tự hỏi: “Có ai biết rằng tôi chỉ là một thiếu nữ rất cần tới các trò chơi đơn giản không?”.

Khi mới quen Peter Schiff , Anne được 11 tuổi, còn Peter 13. Năm 1940 Peter đến đón Anne khi tan học và mời Anne tới nhà. Lúc đầu, Anne Frank chê Peter là “một cậu trai vụng về, kết bạn chẳng có lợi gì” nhưng vào mùa xuân năm 1944 khi Anne sắp được 15, hai người trẻ tuổi này đã yêu thương nhau. Họ thường gặp nhau tại tầng sát mái, nơi có cửa sổ nhìn lên bầu trời xanh, nhìn thấy ngọn cây hạt dẻ xanh tươi và các con hải âu bay lượn theo chiều gió.

Ngày 7/1/1944, Anne tả trong nhật ký tình cảm đam mê của mình:

..." Tôi vẫn còn nhìn thấy chúng tôi tay trong tay trên đường phố... Peter cao, đẹp, mảnh với khuôn mặt đoan trang, bình tĩnh và thông minh. Anh có tóc sậm màu, hai má nâu đỏ và cái mũi thanh. Điều mà tôi yêu quý nhất là nụ cười của anh, nụ cười làm anh có vẻ ranh mãnh và tinh nghịch"...

.."Ngày 16 tháng 4. Tôi nhớ lại buổi gặp gỡ hôm qua. Đây có phải là một ngày quan trọng không khi người con gái nhận nụ hôn đầu tiên?... Cha muốn tôi chấm dứt việc tôi lên trên tầng cao nhất đó nhưng tôi thích gần Peter. Tôi tin anh ấy...

Cũng như Anne, Peter Schiff chết trong trại tập trung ở Auschwit  

Anne Frank đọc thật kỹ các cuốn sách do cô Miep mang tới: “Ôi, có quá nhiều để tìm kiếm và để học hỏi” và cô bé này ước mong viết ra một cuốn sách có tên là “Căn phòng bí mật”, tức là cuốn nhật ký của cô. “Tôi muốn trở thành một nhà văn. Tôi biết rằng tôi có thể viết văn. Tôi muốn tiếp tục sống sau khi qua đời! Và đây là lý do tại sao tôi biết ơn Thượng Đế vì đã cho tôi năng khiếu này, nhờ đó tôi có thể diễn tả những gì bên trong tâm hồn của tôi”.

Căn phòng của Anne
 

 

7/ Xuất bản cuốn nhật ký

Tiểu sử Anne Frank chưa dừng sau cái chết của cô mà vẫn tiếp tục với việc xuất bản quyển nhật ký. Qua thư từ của Otto Frank và những  người bạn nhân chứng  của ông, phải mất khá lâu ông Otto mới đọc xong cuốn Nhật Ký của cô con gái Anne Frank rồi dần dần và trong nỗi cực nhọc, ông Otto bắt đầu đánh máy bản viết tay để các họ hàng và bạn bè đọc. Ông kết hợp trang nhật ký và những lời kể của bạn bè và chứng  nhân, xóa bớt vài chỗ (những trang viết thiếu vừa mới được tìm thấy), bớt đi những lời dữ tợn của Anne dành cho mẹ cũng  như những phê phán của Anne về sự quan hệ của cha mẹ. Ngoài ra tờ nhật báo Hòa Lan Het Parool nhận in trang  nhật ký với điều kiện là xóa  bỏ những đọan nói về tình dục.

Trong thập niên 50, đầu tiên quyển nhật ký bị các nhà xuất bản Đức từ chối, cũng các nhà xuất bản Knopf, Simon & Schuster, Viking của Mỹ. Cuối cùng, Doubleday xuất bản tại Hoa Kỳ. Calmann-Lévy in đầu tiên tại Pháp và đến năm 1989 thì nhà xuất bản này in trọn bộ quyển Nhật ký.

8/ Một bằng chứng trước tội ác diệt chủng.


Do cuốn Nhật Ký của Anne Frank, tòa nhà số 263 đường Prinsengracht trở nên một di tích của các lời kêu than vì nạn khủng bố và số du khách viếng thăm căn phòng kỷ niệm lên tới 6,000 người vào năm 1960 khiến cho tòa nhà không bị phá bỏ và một ngân quỹ được thành lập để phục hồi tòa nhà trong đó có cả phòng triển lãm. Vào ngày 3 tháng 5 năm 1960, tòa nhà này đã chính thức mở cửa; trong năm 1994 đã đón tiếp 600,000 du khách từ khắp nơi trên thế giới.

Ngày nay các khách thăm viếng “căn phòng bí mật” khi đi qua cái tủ sách ngụy trang xoay vào căn phòng của Anne, sẽ nhìn thấy tấm bản đồ Normandy trên đó ông Otto đã vạch bước từng tiến của quân đội Đồng Minh. Bên cạnh tấm bản đồ là các nét bút chì mà ông Otto đã ghi lại chiều cao của ba đứa trẻ chẳng bao giờ có được cơ hội trở nên người trưởng thành! Trong căn phòng của Anne, dán trên tường là các hình điện ảnh và các tấm ảnh nhạt màu đã từng làm cho Anne Frank vui tươi và nuôi ảo mộng, nhưng cô bé Anne không còn nữa, nhiều du khách đã rơi nước mắt.

Cô bé Anne Frank là nạn nhân danh tiếng nhất của Lò Hỏa Thiêu Holocaust. Lời văn của Anne vừa mạnh mẽ, vừa thật thà, đã tạo nên sức hấp dẫn của một cuốn tiểu thuyết vì vậy có người đã viết trong cuốn sổ dành cho các du khách tại tòa nhà số 263 đường Prinsengracht như sau: “nếu chỉ có hai cuốn sách dành cho cuối cuộc đời của tôi, hai cuốn này sẽ là cuốn Thánh Kinh và cuốn Nhật Ký của Anne Frank”.

Anne Frank trở nên bất tử do sự nghiệp văn chương của cô. Cô bé này là một nhà văn xuất sắc mặc dù tuổi còn nhỏ. Hàng triệu độc giả đã phải xúc động vì cách mô tả ngây thơ, chân thật của cô. Anne tự hỏi về nhiều vấn đề như sinh lý, tôn giáo, cha mẹ... , cô mô tả sự nhàm chán và buồn tẻ, cô thắc mắc về các đề tài như lòng rộng lượng và tính công bằng trong xã hội loài người. Anne Frank đã cầu mong: “khi nhìn lên trời cao, tôi nghĩ rằng mọi sự việc sẽ trở nên tốt lành, rằng sự tàn bạo sẽ chấm dứt, rằng nền hòa bình và sự yên tĩnh sẽ trở lại...”. Đây không phải là tiếng kêu của một người Do Thái bị nhốt trên tầng chót của một tòa nhà mà là tiếng than của một tâm hồn trong thế kỷ 20, là lời cầu mong của kẻ lạc lõng, bất lực và đau khổ giữa các thảm cảnh đàn áp rất tàn bạo trong thời kỳ Thế Chiến Thứ Hai. Bọn Đức Quốc Xã đã giết chết một cô bé ngây thơ, vô tội, nhưng cuốn Nhật Ký của cô Anne Frank đã là một bằng chứng về loại tội ác diệt chủng.

Cho tới ngày nay, Anne Frank vẫn là một ngọn nến cháy sáng trong đêm tối vì loài người, do cô bé đã ghi nhận: “Tôi còn tin tưởng rằng dù thế nào đi nữa, mọi người đều có bản tâm thật tốt”.

Đăng lần đầu ngày 28/06/05

Bổ sung lần 1 ngày 08/10/2006 

Bổ sung lần 2 ngày 03/03/2008

 

'It's time to tell the truth'

http://www.biblioweb.org/-FRANK-Anne-.html
http://shamash.org/holocaust/photos/
http://annefrank.cidem.org/biographie.php

 

 

©  http://vietsciences.free.fr   , http://vietsciences.org  và http://vietsciences2.free.fr  Phạm Văn Tuấn và Võ Thị Diệu Hằng