Piotr Ilyich Tchaïkovski

Vietsciences-Võ Thị Diệu Hằng        07/05/2009

 

Piotr Ilyich Tchaïkovski (07/05/1840-06/11/1893) nhà soạn nhạc thiên tài Nga

Xem video

Piotr Ilyich Tchaïkovski ( Пётр Ильич Чайкoвский) là một nhà soạn nhạc cổ điển Nga thời kỳ lãng mạn, sinh ngày 25 tháng tư theo lịch Julien (tức là 7 tháng năm 1840 tại Votkinsk và mất ngày 25 tháng mười (theo lịch Julien) tức ngày 6 tháng mười một 1893 tại St Petersburg.

Cùng với Rimsky-Korsakov, ông là một trong những nhà soạn nhạc lớn nhất của hậu bán thế kỷ thứ XIX. Tchaïkovski là một nhà soạn nhạc rộng mở. Tác phẩm của ông, thấm nhuần tình yêu  với Mozart và chịu ảnh hưởng từ những nhà soạn nhạc nổi tiếng ở Tây Âu hơn các tác phẩm đương thời, đặc biệt là âm nhạc Pháp của Bizet và Saint-Saëns, nhưng ông phối hợp được âm điệu các nước trên thế giới với âm điệu dân gian nước Nga. Tchaïkovski đã rút ra vẻ đẹp từ những nguồn cảm hứng dân gian với thực tế.

Là nhạc trưởng tài ba, với một cảm giác tuyệt vời về giai điệu, Tchaïkovski sáng tác được tất cả các thể loại, đặc biệt là các bản nhạc giao hưởng (symphonies), các tổ khúc (suites), ballets và Concertos. Chính ông đã đưa văn chương quí tộc vô nhạc ballet, thêm một hướng giao hưởng mới cho vũ điệu mà trước đó không được xem trọng.

Tchaïkovski được xem như là một trong những nhà soạn nhạc lớn nhất trên thế giới.

Tiểu sử

Piotr đứng bên trái

 

Sinh ra từ một gia đình trưởng giả quí tộc cỡ nhỏ, cuộc sống của ông là một chuỗi tương phản thường trực giữa lối sống xa hoa với sự túng bấn.

Tchaïkovski sinh ngày 7 tháng năm 1840 tại Votkinsk, một thị trấn nhỏ ở Oudmurtie miền Oural, con trai thứ hai của Ilya Petrovich Tchaïkovski, một kỹ sư mỏ, và Alexandra Andreïevna d'Assier gốc Pháp.

Những nỗ lực đầu tiên về âm nhạc của Tchaïkovski là những khúc ứng tấu trên piano. "Tôi bắt đầu soạn nhạc khi tôi biết sự hiện hữu của âm nhạc" ông nói. Thực vậy, chỉ mới bốn tuổi khi cậu cùng với em  gái Alexandra lúc đó mới lên hai, soạn một bài hát về mẹ, khi bà đi Saint-Petersbourg vào tháng 9 năm 1844. Bản nhạc có tên Mẹ chúng tôi ở St Petersbourg. Sau đó mẹ ông trở về với bà quản gia người Pháp tên là Fanny Durbach. Fanny ở bốn năm với gia đình Tchaïkovski, "đó là thời gian hạnh phúc nhất đời  tôi", Fanny nói. Fanny đã bù đắp cho Piotr sự thiếu thốn tình mẹ. Alexandra là một phụ nữ không hạnh phúc, lạnh lùng, xa cách. Sau này Modeste, em của Piotr kể rằng hiếm khi mẹ bày tỏ tình cảm ấm áp. Bà tốt nhưng khô khan.

Có lẽ đó là nguyên do khiến ông bị mê hoặc bởi số phận những người đàn bà bị thất bại, đau khổ và không may mắn (Romeo và Juliet, Francesca da Rimini, Hồ Thiên nga).

Lúc bốn tuổi rưỡi, Piotr, luôn xin Fanny được phép tham dự các bài học của anh chị. Vì vậy, mới sáu tuổi, Piotr đã nói tiếng Pháp và tiếng Đức dễ dàng.

Lúc năm tuổi cậu học piano với Maria Paltchikova. Chưa tới ba năm sau, cậu xướng âm hay bằng cô giáo. Thế kỷ thứ 19, các gia đình khá giả gởi con của họ đến những trường học đặc biệt để có một nền văn hóa rộng lớn, trong khi đó chúng vẫn được học nghề riêng. Anh cả của cậu, Nicolas, được gửi đến Viện Công nghệ Saint-Peterburg.

Năm 1850, lúc Piotr 10 tuổi, cậu chưa đủ tuổi để đi học bất cứ trường nào, nên cậu vô trường nội trú học hai năm để chuẩn bị. Đó là một kinh nghiệm đau khổ. Piotr yêu mẹ và rất dễ xúc động. Cậu thiếu tự tin muốn núp dưới bóng mẹ. Sự xa cách mẹ gây thương tổn lớn vvậy mà chỉ bốn năm sau cậu đã phải vĩnh viễn xa mẹ.

Âm nhạc

Âm nhạc là một phần trong chương trình học vấn của Tchaïkovski. Cậu thường đi từ lớp học đến rạp hát và opera. Piotr tham dự đội hợp xướng của trường và học đàn dương cầm. Và kỳ lạ thay, cô giáo dạy đàn của cậu chê rằng cậu không có khiếu.

Để giải trí với bạn bè, Piotr ứng tấu trên đàn piano những giai điệu mà các bạn cậu hát. Cậu đặc biệt thích đàn trên bàn phím phủ bằng một cái khăn.

Năm 1852, Piotr vô trường Cao đẳng Luật Jurisprudence ở Petersburg, cách nhà 1.200 km. Cậu học nơi này đến năm 1858. Nhà trường rất quan tâm tới nghệ thuật. Các học sinh có giờ học hát và chơi các dụng cụ âm nhạc khác nhau. Họ thường xuyên đi đến nhà hát, rạp chiếu phim hay concert.

Tháng Sáu năm 1854, lúc đó Piotr được 14 tuổi, mẹ bị thổ tả và mất, làm cậu đau khổ vô cùng. Lúc bấy giờ, có rất nhiều người bị chết vì đại dịch này. Trong suốt hai năm, cậu viết thư kể cho Fanny Durbach những mất mát lớn của mình. Piotr nhớ ngày đại tang đến suốt đời. Mẹ cậu đã luôn luôn khuyến khích về sở thích âm nhạc của cậu và phản ứng tức thì của cậu sau sự mất mát lớn đó, là đến với âm nhạc. Cậu bắt đầu nỗ lực sáng tác thực sự và riêng tặng cho bản valse Anastasie cho em trai cậu và Fanny, bà quản gia. Tchaïkovski bắt đầu hút thuốc lá.

 Piotr điều khiển môn  soprano  trong ban hợp xướng của trường, dưới sự chỉ đạo của Gavril Lomakin. Piotr cũng đã từng hát solo khi có lễ lạc. Cậu được mọi người tán thưởng mặc dù thiếu trật tự và thường hay đãng trí. Piotr nhận được một nền giáo dục tốt, trong khi theo học chương trình giáo dục phổ thông, cậu vẫn học piano. Ông hướng hẳn về âm nhạc. Nhiều nhạc sĩ trẻ vừa sáng tác, vừa hành nghề hoàn toàn trái ngược. Chẳng hạn Glinka làm việc tại Bộ Truyền thông ; Borodine là nhà hóa học; Cui là kỹ sư; Rimsky-Korsakov là một sĩ quan hải quân.

Trở về Petersbourg mùa thu, cậu bắt đầu đi học hát với Gavril Lomakin, vừa là chỉ huy trưởng dàn nhạc nổi tiếng vừa là giáo sư.

Năm1855, cha của Piotr cho con học với giáo sư dương cầm nổi tiếng Rudolph Kündinger. Kündinger cho rằng Piotr ngoài trí nhớ tốt, cái tai tốt, thì không có gì đặc biệt để khiến Piotr sẽ trở thành một nhà soạn nhạc giỏi, hay một nhạc sĩ dương cầm giỏi.

 

Nhờ Tchaïkovski, nền âm nhạc Nga tiến triển.

Vào thời Tchaïkovski, âm nhạc không được coi là một nghề đáng kính ở Nga. Âm nhạc chỉ được xem như một giải trí khi rảnh rỗi cho con các gia đình khá giả. Các bài hát dân gian của MOUJIK và những bản hợp xướng là cốt lõi cho các nghi lễ Nga. Có ít trường dạy âm nhạc tại Nga. Âm nhạc Nga tiến triển dần trong suốt cuộc đời của Tchaïkovski.

Năm 22 tuổi, Piotr Tchaïkovski trở thành sinh viên chuyên âm nhạc.

Ông ghi danh vào Viện Âm nhạc Nga như  thể ghi danh đại học. Sau khi đậu xong, ông chuyển đến Moscou để giảng dạy tại Nhạc viện. Vào thời điểm đó, ông làm thân với các nhạc sĩ khác: Nikolai Rubinstein.

 

 

 

Ngay cả những người nổi tiếng cũng lo lắng .

Tchaïkovski sợ không dám điều khiển dàn nhạc. Ông cảm thấy một nỗi lo sợ không thể giải thích nổi, hình như đầu ông bị tách rời ra khỏi cơ thể. Khi chỉ huy dàn nhạc, ông phải dùng một tay giữ chặt cằm, còn tay kia điều khiển. May thay cuối cùng, ông đã khắc phục được.

 Tchaïkovski rất thích sáng tác. Ông đổ hết những khả năng của mình cho sáng tạo. Ông đau khổ mỗi  khi biết có người không thích tác phẩm của mình bởi  ông rất quan tâm đến những điều người khác nghĩ về những công trình của mình.

Khởi đầu sự nghiệp, Tchaïkovski làm nhà phê bình âm nhạc cho một tờ báo tại Moscou nên ông đã phải đối mặt với các nhạc sĩ và tác phẩm của họ vì những lời chỉ trích của mình.

 

 

Bạn bè và những người hâm mộ Tchaïkovski

Khi Alexandra, em của Piotr, lập gia đình với người trong họ Davidov, Tchaïkovski trở thành bạn thân của gia đình này. Chính ở nơi đây ông tặng tác phẩm cuối cùng và lớn nhất đời mình

Piotr Tchaïkovski soạn nhạc kịch, nhạc cho ballet, cho dàn nhạc, nhạc thính phòng, khúc khai tấu, nhạc cho piano và những bài ca. Modest, em của ông thường xuyên cung cấp ý tưởng cho ông. Tchaïkovski sử dụng những đề tài dân gian Nga trong các tác phẩm của ông. Piotr thích đọc sách. Một hôm, đại văn hào Leo Tolstoy tới thăm, Piotr rất sung sướng và hãnh diện được biết Tolstoy yêu nhạc của mình.

Năm 1876, bà Nadezhda von Meck (1831-1894), một góa phụ lớn hơn Tchaïkovski 9 tuổi, giàu, mê âm nhạc, đàn piano khá, có 11 người con, rất hâm mộ Tchaïkovski. Từ năm 1877 bà cấp dưỡng mỗi năm 6000 rouble trong suốt 13 năm liền để Tchaïkovski khỏi phải làm việc cho Nhạc viện Moscou, dành hết thì giờ cho sáng tác. Số tiền này rất lớn, bởi một công chức trung bình chỉ chi tiêu mỗi năm từ 300-400 rouble cho gia đình. Cũng trong năm này, Tchaïkovski ký tặng bản Symphonie thứ tư cho bà von Meck. Họ thường xuyên thư từ với nhau đến năm 1890 thì Nadezhda không viết thư được nữa bì bà  bị lao đến thời kỳ cuối, tay bị liệt. Họ đã gởi cho nhau trên 1200 bức thư. Năm 1890, Nadezhda von Meck gặp khó khăn về vấn đề tài chính vì con trai cả ăn xài quá mức, và cũng vì Tsar Alexandre III đã trợ cấp cho ông 3 000 rouble mỗi năm nên bà không gởi tiền cấp dưỡng cho ông nữa. Ngoài ra bà nghe những tin đồn về chuyện ông đồng tính luyến ái làm bà quyết định cắt đứt liên lạc với ông. Cũng có thể bà muốn gả một trong các cô con gái của bà cho nhà soạn nhạc, nhưng thấy dự định của mình không thành nên bà phải bỏ. Tchaïkovski bị giáng một đòn nặng nề vể tài chánh lẫn tinh thần..

 

Tháng bảy năm 1877, Tchaïkovski bắt đầu sống trong những thời kỳ đen tối nhất: để "chữa bệnh" đồng tính luyến ái của mình, ông nhận lời kết hôn với Antonia Milioukova, một trong những học trò cũ của ông khi cô này, vì yêu ông cuồng nhiệt, đã hăm doạ sẽ giết ông nếu ông không cưới cô ta. Nhưng cuộc hôn nhân là một thất bại lớn. Antonina khiến cho Tchaïkovski và chính bà cùng gia đình đều đau khổ. Liền sau đó, Tchaïkovski không chịu nổi vợ, đã có ý định tự tử bằng cách xuống sông Moskova  tắm vào một đêm đông để tự tạo cho mình chứng viêm phổi. Sau vài tháng, ông chia tay với Antonia và cuối cùng bà chết trong một bệnh viện tâm thần.

Pyotr Tchaïkovski ghi lại trong nhật ký một số quan sát thú vị khác về các nhà soạn nhạc. Ví dụ năm ông 32 tuổi và Saint-Saëns được 40. Cả hai đều thực hiện được một trong những tham vọng thầm kín của họ: trở thành vũ công ballet. Họ tạo ra một nhạc khúc ballet cho hai vũ công. Không có ai được mời xem họ trình diễn, nhưng họ vui chơi một cách thích thú.

 

  Nghề nghiệp

Anton RubinsteinTchaïkovski tốt nghiệp trường Cao đẳng Luật ngày 25 tháng năm 1859, và được nhận làm chân thư ký cho Bộ Tư pháp. Ông không quan tâm đến công việc của Bộ, và viết thư tâm sự với em gái: "Họ bắt anh làm công chức, và là một tên công chức tệ nhất nơi này". Cuối cùng, năm 1863, ngược với quyết định của gia đình, ông đã bỏ việc để học âm nhạc dưới sự hướng dẫn của Anton Rubinstein (1829-1894). Ông chơi piano, flute và đàn orgue..

  Năm 1866 Tchaïkovski được nhận làm giáo sư tại Nhạc viện Moscou lúc ông vừa mới học xong âm nhạc. Em của Anton Rubonstein, Nicolaï giao cho ông chức giáo sư âm nhạc lý thuyết (mà ông tiếp tục dạy đến năm 1878) trong một trường hoàn toàn mới tại Moscou. Trường này từ năm 1940 mang tên ông, Nhạc viện Tchaïkovski. Chính trong trong giai đoạn này ông sáng tác rất say mê bản giao hưởng đầu tiên mà ông đặt tên là "Giấc mộng mùa đông". Làm việc quá mức khiến ông suýt bị bệnh trầm uất. Làm bạn với những hội viên "Nhóm Năm người" (1), ông riêng tặng cho trưởng nhóm, Mili Balakirev, khúc khai tấu Fantaisie ouverture Romeo và Juliet. Tchaïkovski viết bài Symphonie thứ hai vào mùa hè 1872 và bắt đầu viết bản Concerto Si giáng thứ đầu tiên cho piano vào mùa đông 1874. Mùa hè 1875, ông biết bản giao hưởng thứ ba.

 Từ năm 1940 Nhạc viện Moscou mang tên ông:  Nhạc viện Tchaïkovski

 

Tuy vậy, ngay sau đó, ông cũng sáng tác nhạc cho vở Ballet đầu tiên, Hồ Thiên nga, đã thất bại vì sự dàn cảnh không thích hợp. Hồ Thiên nga là một vở kịch vũ ballet gồm 4 màn, diễn tại rạp hát Bolchoï , Moscou ngày 4 tháng 3 năm 1877 dưới sự điều khiển của Semen Riabov và nhà biên đạo múa Julius Reisinger. Âm nhạc do Tchaïkovski biên soạn từ sách của Vladimir Begichev kể về một huyền thoại Đức. Rủi thay, vào thời đó, công chúng không quen với nhạc giao hưởng cho ballet, không hiểu ý nghĩa của bản dàn bè, thêm nữa, sự dàn cảnh của Julius Reisinger tệ đến nỗi Tchaïkovski phải than là "một sự thất vọng nhục nhã". Sau đó nhà hát Mariinski tại Saint-Petersbourg phải bảo ông nhờ Marius Petipa và Lev Ivanov điều chỉnh lại sự dàn cảnh và Riccardo Drigo, nhạc trưởng của nhà hát Mariinski sửa lại bản dàn bè. Ngày 15 tháng Giêng 1895 vở Hồ Thiên nga được thành công, sau 18 năm sửa đổi. Hiện nay, vũ ballet Hồ Thiên Nga là tác phẩm nổi tiếng, được cả thế giới yêu chuộng.

Vũ ballet Hồ Thiên Nga

Tháng ba 1878, trong chuyến đi sang Thụy Sĩ, ông bị bản Symphonie espagnole của Edouard Lalo quyến rũ và quyết định soạn một Concerto cho vĩ cầm. Với sự giúp đỡ của nhạc sĩ vĩ cầm Josef Kotek, ông học thêm về kỹ thuật. Concerto được đề tặng cho Leopold Auer, nhưng ông này từ chối vì nó quá rắc rối. Năm 1881 Adolf Brodsky đàn solo cho bản Concerto Ré trưởng cho violon đầu tiên.

Khoảng năm 1880, uy tín Tchaïkovski được nâng cao ở Nga, và thậm chí tên ông đã bắt đầu được các nước ngoài biết đến vì chính ông đã nhận thấy khi đi du lịch sang các nước. Ông đoạt được nhiều thành công và gặp các nhà soạn nhạc nổi tiếng cùng thời: Johannes Brahms, Antonín Dvorák...

    

Ông vẫn thường xuyên ở Paris và có thói quen đến ngồi quán Café de la Paix.

Nhân chuyến du lịch sang Ý, cái đẹp của thành phố này gây cảm hứng cho ông. Ông sáng tác một số nhạc kịch trong đó có Capriccio italien, bản Serenade nổi tiếng cho đàn dây và Ouverture 1812. Một năm sau, Nikolai Rubinstein (1835-1881), bạn thân nhất của ông mất. Xúc động khôn cùng, Tchaïkovski soạn Trio cho piano, vở nhạc kịch riêng tặng cho người bạn đã khuất.

Viện bảo tàng Tchaïkovski

Tchaïkovski thuê một căn nhà gần Klin, không xa Moscou. Nhà này trở thành viện bảo tàng dành riêng cho ông. Ông soạn bản Manfred (1885), Bản giao hưởng thứ 5 (1888), bản ballet thứ 2, Cô bé ngủ trong rừng (1889), và một opera dựa trên truyện ngắn của Pushkin: Đầm Bích ( 1890).

Năm 1891 ông du lịch sang Hoa Kỳ. Ông chỉ đạo các nhạc sĩ biểu diễn các tác phẩm của mình cho lễ khánh thành Carnegie Hall và đoạt được thành công lớn. Thậm chí ông còn qua biên giới Canada để xem thác Niagara..

Năm 1892, bản ballet thứ ba ra đời, Casse-noisette (The Nutcracker), nhưng không gặt hái thành công như ông mong đợi. Phải mất nhiều thập kỷ để Nutcracker thành công. Bây giờ nó là một trong những ballet được công chúng tán thưởng.

Một thời gian ngắn trước khi ông chết, Tchaïkovski, trong khi đi du lịch từ Berlin, ngang qua Paris và dừng lại Montbéliard ngày 1 và 2 tháng một 1893 để thăm Fanny Durbach (1822-1901) người quản gia ngày xưa, khi về già, đã trở về quê hương mình.

Ngày 6 tháng mười một năm1893, chín ngày sau khi viết bản Giao hưởng số 6, "Pathétique", một tác phẩm mà ông để tất cả trái tim và tâm hồn mình.

 

Tchaïkovski bị  buộc phải tự tử?

 Tchaïkovski chết vì bệnh dịch tả sau khi uống nước sông Neva chưa được nấu chín. Tuy nhiên, có người nghi ngờ nhưng không có bằng chứng, rằng sau khi khám phá các mối quan hệ của ông với của người cháu trai vị thành niên của một nhà quý tộc Nga, Tchaïkovski bị tòa án danh dự buộc phải tự tử. (Đây là cốt truyện của một cuốn tiểu thuyết của nhà văn hàn lâm Dominique Fernandez). Dù sao đi nữa, tang lễ của Piotr Ilyich Tchaïkovski cử hành tại tiểu bang St Petersburg rất trọng thể, có  gần 8 000 người tham dự và ông được chôn tại Tu viện Alexander Nevsky, trong ngôi làng nhỏ của nước Nga mà ông yêu mến.. Mọi người đều tỏ lòng tôn kính một nhạs sĩ thiên tài.

Tác phẩm của Tchaïkovski là một tổng hợp của nhạc cổ điển phương Tây và nhạc truyền thống Nga, được giới thiệu một cách hiện đại, với sự góp ý của Modest Mussorgsky và Nhóm Năm người. Âm nhạc của ông phản ánh tâm trạng vô cùng nhạy cảm, đảo lộn và riêng tư của ông. Nó cần một sự phối hợp dàn nhạc thật phong phú và đa dạng. Tchaïkovski là một trong những nhà soạn nhạc nổi tiếng nhất và chắc chắn ông là nhà soạn nhạc Nga được biết nhiều nhất. Âm nhạc của ông đã bay ra khỏi biên giới Nga và được cả thế giới thưởng thức và ca ngợi.

Cuộc sống chao đảo của Tchaïkovski gây cảm hứng cho Ken Russell dựng lên cuốn phim The Music Lovers (1970). Tương tự, Klaus Mann viết cuốn tiểu thuyết Symphonie pathétique (1935) đặc biệt dành cho ông.

 

Các tác phẩm
 

Ballets
Hồ Thiên nga, (Lac de cygnes)op. 20 (1875-76)
Người đẹp ngủ trong rừng (la Belle au bois dormant), op. 66 (1888-89)
Casse-Noisette, op. 71 (1891-92)

Nhạc giao hưởng (Symphonies)

nº 1  Sol thứ: Những giấc mơ Đông (Rêves d’hiver), op. 13 (1866)
nº 2  Do thứ : Nước Nga nhỏ (Petite Russie), op. 17 (1872)
nº 3  Ré trưởng Polonaise), op. 29 (1875)
nº 4  Fa thứ, op. 36 (1877)

Manfred, op. 58 (1885)
nº 5 Mi thứ, op. 64 (1888)
nº 6 Si thứ (Pathétique), op. 74 (1893)
Bản giao hưởng  mi giáng trưởng (1891-1892, bỏ)

Nhạc mở màn (Ouvertures) và các tác phẩm cho dàn nhạc (Opéra)

Cơn giông (L'Orage), op. 76 (1864)
Nhạc mở màn  fa trưởng (1865, rev. 1866)
Nhạc mở màn long trọng cho quốc ca Đan Mạch op. 15 (1866, rev. 1892)
Fatum, op. 77 (1868)
Roméo và Juliette (1869, rev. 1870, 1880)
Bão tố (La Tempête), op. 18 (1873)
Hành khúc dân tộc Slave ( La Marche Slave), op. 31 (1876)
Francesca da Rimini, op. 32 (1876)
Capriccio Italien, op. 45 (1880)
Khúc nhạc chiều cho đàn dây (Sérénade pour cordes), op. 48 (1880)
Khúc nhạc mở màn (Ouverture) 1812, op. 49 (1880)
Hamlet, op. 67 (1888)
La Voïvode, op. 78 (1890-91)
 

Concertos

Concerto cho piano nº 1 Si giáng thứ, op. 23 (1874-75, rev. 1879 et 1889)
Khúc nhạc chiều buồn (Sérénade mélancolique), op. 26 (1875)
Biến tấu trên chủ đề rococo (Variations sur un thème rococo), op. 33 (1876)
Valse-Scherzo, op. 34 (1877)
Concerto cho vĩ cầm (Concerto pour violon) Ré trưởng, op. 35 (1878)
Concerto cho dương cầm (Concerto pour piano) nº 2 Sol trưởng, op. 44 (1879-80)
Buổi hòa nhạc độc đáo (Concert fantaisie), op. 56 (1884)
Pezzo Capriccioso, op. 62 (1887)
Concerto cho dương cầm nº 3 Mi giáng trưởng, op. 75 (1893)
Andante & Finale, op. 79 (1893)

Tổ khúc (Suites)

nº1 Ré thứ, op. 43 (1878-1879)
nº2 Do trưởng, op. 53 (1883)
nº3 Sol trưởng, op. 55 (1884)
nº4 Sol trưởng « Mozartiana », op. 61 (1887)

Tchaïkovski gom  góp 8 tiết mục trích từ vũ nhạc ballet Casse-Noisette của ông thành những tổ khúc cho ballet Op. 71a (1892) . Có những tổ khúc cho vũ  ballet là Hồ Thiên nga  (tổ khúc 20a) và Người đẹp ngủ trong rừng (tổ khúc 66a), nhưng những tổ khúc  này không được chính thức  bởi chúng  không  được sưu tập bởi chính nhà soạn nhạc cho dù ông đã có ý định làm, và chúng chỉ được in ra sau khi ông mất.

Nhạc thính phòng (Musique de chambre)

Bộ tư đàn dây (Quatuor à cordes) Si giáng trưởng (1865)
Quatuor à cordes nº 1 Ré trưởng, op. 11 (1871)
Quatuor à cordes nº 2 Fa trưởng, op. 22 (1873-74)
Quatuor à cordes nº 3 Mi giáng thứ, op. 30 (1876)
Souvenir d’un lieu cher, op. 42 (1878)
Bộ  ba cho dưong cầm (Trio pour piano) La thứ, op. 50 (1881-82)
Kỷ niệm thành phố Florence (Souvenir de Florence), op. 70 (1890)

Pièces pour piano

Tchaïkovski viết 100 vở cho piano, mà những vợ nổi tiếng nhất là Các mùa (Saisons) op. 37a.


Nhạc cho màn kịch (Musique de scène)

Snégourotchka, op. 12 (1873)


Nhạc kịch (Opéras)

Tchaïkovski sáng tác 10 nhạc kịch trong số đó hai bài nổi tiếng là Eugène Onéguine và  La Dame de Pique (Đầm Bích). Những nhạc kịch khác của ông mặc dù rất ít được biết (hiếm khi được trình diễn ngoài nước  Nga) nhưng  phần đông đều rất hay.

Danh sách các nhạc kịch trình diễn:

Le Voïevode 1869
Ondine Ундина Vladimir Sologoub
L'Opritchnik Опричник 1874
Vakoula le Forgeron
Eugène Onéguine Евгений Онегин 1879
La Pucelle d’Orléans Орлеанская дева  1881
Mazeppa Мазепа 1884
Tcherevitchki Черевички Iakov Polonski 1887 Moscou
L'Enchanteresse Чародейка 1887
La Dame de Pique Пиковая дама 1890
Yolande Иоланта 1892

__________

(1) Nhóm nhỏ nhưng mạnh, gồm nhạc sĩ Mili Balakirev (1837-1910), trưởng nhóm và bốn nhạc sĩ


 

           © http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org  Võ Thị Diệu Hằng