Mstislav Leopoldovich Rostropovich

Vietsciences-Phạm Văn Tuấn     17/08/2007
 

Những bài cùng tác giả


Mstislav Leopoldovich Rostropovich (1927-2007) Nhạc Sĩ Hồ Cầm Danh Tiếng kiêm Chiến Sĩ của Tự Do

 

Mstislav L. Rostropovich là nhạc sĩ kiêm nhạc trưởng người Nga, được giới âm nhạc kính trọng, coi ông là một trong vài nhạc sĩ hồ cầm (cellist) tài giỏi bậc nhất trên thế giới. Ông Rostropovich nổi danh vì đã trình diễn bản nhạc concerto dành cho đàn hồ cầm cung Si thứ của Dvorák (Dvorak B minor cello concerto), các cello concertos cung Đô và Rê của Haydn (Haydn's cello concerto in C and D) cũng như các chương trình biểu diễn bằng đàn hồ cầm các sáng tác của các nhạc sĩ lừng danh Shostakovich, Prokofiev, Britten, Lutoslawski, Penderecki và Dutilleux...


Nhạc sĩ Rostropovich thường được các người yêu mến gọi một cách thân mật bằng tên "Slava". Ông chào đời vào ngày 27/3/1927 tại Baku, thuộc nước Azerbaijan, vào thời kỳ đó còn thuộc về Liên Xô. Vào tuổi lên 4, ông đã được mẹ dạy cho đàn piano, bà là một nhạc sĩ dương cầm có tài, rồi khi lên 10 tuổi, theo học đàn hồ cầm (cello) với cha, trình diễn trước công chúng lần đầu tiên vào tuổi 13 rồi về sau là học trò của nhạc sĩ hồ cầm danh tiếng nhất trên thế giới: Pablo Casals.

 

 

 


 

Pablo Casals và gia đình TT Kennedy

Mstislav Rostropovich theo học Nhạc Viện Moscow (the Moscow Conservatory) khi 16 tuổi, tại nơi này, ông không những học đàn dương cầm và hồ cầm, mà còn học hỏi thêm về sáng tác âm nhạc và điều khiển dàn nhạc (conducting). Tại Học Viện Âm Nhạc này, Rostropovich được học với các giáo sư danh tiếng như Dmitri Shostakovich và Sergei Prokofiev. Năm 1945, Mstislav Rostropovich đoạt huy chương vàng trong kỳ thi biểu diễn âm nhạc đầu tiên tại Liên Xô dành cho các nhạc sĩ trẻ, được chính quyền Xô Viết cử đi trình diễn âm nhạc tại một đại nhạc hội ở Florence, nước Ý và từ nay, được giới âm nhạc trên thế giới chú ý.
Mstislav Rostropovich đã trình diễn bằng đàn hồ cầm vào năm 1942 và đã đoạt các Phần Thưởng Âm Nhạc Quốc Tế (the International Music Awards) của thành phố Prague, và của thành phố Budapest vào các năm 1947, 1949, rồi vào năm 1950 ở tuổi 23, ông Rostropovich đã nhận lãnh một danh dự cao cấp nhất của Liên Xô vào thời kỳ bấy giờ, đó là Phần Thưởng Stalin. Vào giai đoạn này, ông Rostropovich đã nổi tiếng trong nước Liên Xô, đã tiếp tục theo đuổi công việc trình tấu đàn hồ cầm và dạy nhạc tại Nhạc Viện Leningrad (bây giờ là Saint-Petersburg) và Nhạc Viện Moscow. Năm 1955, Mstislav Rostropovich kết hôn với cô Galina Vishnovskaya, một danh ca giọng soprano của Nhà Hát Lớn Bolshoi.
Từ năm 1964, nhạc sĩ Rostropovich đã thực hiện nhiều chuyến đi biểu diễn đàn Hồ Cầm tại các nước Tây Âu và đã gặp các nhà soạn nhạc danh tiếng khác trong đó có nhạc sĩ Benjamin Britten. Vào năm 1967, Mstislav Rostropovich đã điều khiển dàn nhạc trình diễn bản vũ nhạc kịch (opera) Eugene Onegin của nhạc sĩ danh tiếng người Nga Peter I. Tchaikovsky tại Nhà Hát Lớn Bolshoi rồi kể từ nay, ông tiếp tục làm nhạc trưởng và điều khiển việc trình tấu các nhạc kịch Opera.
Trong thập niên 1970, nhạc sĩ Rostropovich đã tranh đấu cho nhân quyền, cho nền nghệ thuật không bị giới hạn, tranh đấu vì sự tự do bày tỏ tư tưởng, ông kết bạn với các nhân vật bất đồng chính kiến, chống đối chế độ độc tài, tàn ác của Stalin. Ông Rostropovich đã phản đối các nhà lãnh đạo Cộng Sản bởi vì trong thời đại Stalin này, họ đã ra lệnh cho các nhạc sĩ phải sáng tác để phục vụ các chính sách và đường lối của Đảng Cộng Sản, và họ đã từng tố cáo và lên án các nhạc sĩ danh tiếng Shostakovich và Prokofiev. Dưới thời Tổng Bí Thư Leonid Brehzhnev, ông bà Rostropovich đã ủng hộ một nhà văn bất đồng chính kiến, đó là Văn Hào Alexander Solzhenitsyn, đã giúp đỡ Văn Hào này sinh sống trong nông trại của mình. Khi Văn Hào Solzhenitsyn đoạt Giải Thưởng Nobel Văn Chương vào năm 1970 và đã bị chính quyền Cộng Sản Liên Xô gây khó khăn và nói xấu, ông Rostropovich đã viết một bức thư công khai phản đối chính quyền Xô Viết.
 

Văn Hào Alexander Solzhenitsyn

Kết quả của các hoạt động vì nhân quyền, vì các giá trị dân chủ, vì sự tự do văn hóa và sáng tạo kể trên, là ông Rostropovich bị chính quyền Liên Xô loại ra khỏi các ban nhạc và bị quản chế trong các hoạt động khác như ghi âm các trình diễn. Cuối cùng vào năm 1974, ông bà Rostropovich và 2 người con gái đã tìm cách trốn chạy qua thành phố Paris, nước Pháp và 4 năm sau, 1978, quốc tịch Xô Viết của ông bà đã bị chính quyền Liên Xô tước bỏ. Sự việc này đã làm buồn lòng ông Rostropovich. Nhạc sĩ Mstislav Rostropovich đã nói: "Nước Nga ở trong trái tim của tôi, ở trong tâm hồn tôi. Tôi đau khổ bởi vì biết rằng cho tới khi qua đời, tôi sẽ không bao giờ nhìn lại được nước Nga hay gặp lại các người bạn cũ của tôi". Quả vậy, ông Rostropovich đã không thể tham dự đám táng của nhạc sĩ Dmitri Shostakovich vào năm 1975. Sau khi qua Pháp, gia đình ông bà Rostropovich đã sang Hoa Kỳ định cư.

 


Giới âm nhạc đã coi ông Mstislav Rostropovich là nhạc sĩ kế thừa của Nhạc Sư Pablo Casals, nhạc sĩ Hồ Cầm bậc nhất trên thế giới (the world's greatest cellist). Tại Hoa Kỳ, nhạc sĩ Rostropovich đã được hoàn toàn tự do trong việc sáng tạo và huấn luyện, ông đã đào tạo được rất nhiều nhạc sĩ tài giỏi thuộc thế hệ trẻ, chẳng hạn như nhạc sĩ hồ cầm Jacqueline du Pré. David Finckel là nhạc sĩ hồ cầm trong Ban Nhạc Tứ Hòa Emerson (the Emerson String Quartet), là học trò của ông Rostropovich trong 9 năm, đã ca ngợi vị Thầy này như sau: "Ông Rostropovich có cách truyền lại năng lực cho các người khác và điều này thật là tuyệt vời". Trên tờ báo "Người Độc Lập" (the Independent) của thành phố London, ký giả Julian Lloyd Webber đã nhận xét về nhạc sĩ Rostropovich: "Không một nhạc sĩ nào đã làm được các công trình cho đàn Hồ Cầm nhiều như ông Rostropovich". Nhạc trưởng danh tiếng người Ý Ricardo Muti cũng nói rằng ông Rostropovich là "một trong các nhân vật đặc sắc nhất của thời đại chúng ta" (one of the most extraordinary figures of our time).


Vì cảm hứng trước các nhạc sĩ Shostakovich, Khachaturian, Prokofiev, Britten, Dutilleux, Bernstein, Penderecki..., và do tài năng thiên phú sẵn có, nhạc sĩ Rostropovich đã tạo nên được các sáng tác âm nhạc xuất sắc. Ông cũng trình diễn lần đầu tiên các concertos của nhạc sĩ Shostakovich, và trong lần giới thiệu Concerto Thứ Nhất (First Concerto) của Shostakovich tại thành phố London, ông Rostropovich đã quen thân với nhạc sĩ Benjamin Britten và ông Britten này đã đề tặng cho ông Rostropovich bản Cello Sonata, 3 Tổ Khúc Độc Tấu (3 Solo Suites) và Bản Giao Hưởng Cello (the Cello Symphony), và nhạc sĩ Rostropovich cũng là người đầu tiên đã diễn tấu các sáng tác này.
Nhạc sĩ Rostropovich cũng trình diễn nhiều lần tại thành phố Madrid của nước Tây Ban Nha và ông là bạn của Hoàng Hậu Sophia của quốc gia này.
Từ năm 1977 tới năm 1994, Nhạc Sĩ Mstislav Rostropovich là giám đốc âm nhạc và nhạc trưởng của Dàn Nhạc Đại Hòa Tấu Quốc Gia Hoa Kỳ tại Thủ Đô D.C. (the U.S. National Symphony Orchestra in Wash. D.C.). Ông Rostropovich đã sở hữu cây đàn Hồ Cầm Duport Stradivarius 1711, một trong các nhạc cụ bậc nhất của nhà làm đàn danh tiếng nhất trên thế giới là Antonio Stradivarius. Trong giai đoạn này, ông Rostropovich đã trình diễn các tác phẩm âm nhạc của nhiều nhạc sĩ danh tiếng khác như Sviatoslav Richter và Vladimir Horowitz. Ông Rostropovich cũng là người sáng lập và giám đốc của nhiều đại nhạc hội (music festivals), chẳng hạn như Đại Nhạc Hội Aldeburg Rostropovich.


Vào tháng 11 năm 1989, khi Bức Tường Bá Linh (the Berlin Wall) bị phá bỏ, nhạc sĩ Mstislav Rostropovich đã tới chân Bức Tường và trình diễn các Tổ Khúc Cello của J.S. Bach. Hình ảnh của vị nhạc sĩ danh tiếng này đã được các đài truyền hình chiếu nhiều lần trên khắp thế giới.
Trước kia vào năm 1978, ông Mstislav Rostropovich đã bị chính quyền Cộng Sản Liên Xô tước bỏ quyền công dân, tới năm 1990, chính quyền mới của nước Nga đã phục hồi lại quốc tịch Nga cho ông bà Rostropovich mặc dù gia đình này đã trở nên các công dân Hoa Kỳ. Nhạc sĩ Rostropovich sau đó đã trở về nước Nga và trình diễn âm nhạc với Ban Nhạc Đại Hòa Tấu của Thủ Đô Washington (Washington's National Symphony Orchestra).


Nhạc Sĩ Mstislav Rostropovich đã nhận được rất nhiều văn bằng Tiến Sĩ Danh Dự của nhiều trường Đại Học trên thế giới, kể cả Huy Chương Tự Do (Medal of Freedom) của Tổng Thống Hoa Kỳ vào năm 1987 và năm sau, được phong tước Hiệp Sĩ do Nữ Hoàng Anh Elizabeth II nhân ngày sinh thứ 60 của ông, được trao tặng Bắc Đẩu Bội Tinh của nước Pháp (the French Legion of Honor). Ông cũng là Đại Sứ của Cơ Quan UNESCO của Liên Hiệp Quốc và ông đã từng yểm trợ rất nhiều dự án về giáo dục và văn hóa.


Nhạc Sĩ Mstislav Rostropovich và bà vợ Galina Vishnevskaya đã tài trợ cho một chương trình chủng ngừa tại nước Azerbaijan, và ông Rostropovich đã giảng dạy đàn Hồ Cầm tại Nhạc Viện Quốc Gia Azerbaijan (the Azerbaijan State Conservatory). Tại thành phố Baku, vào ngày 4 tháng 3 năm 2002, đã khánh thành Viện Bảo Tàng Rostropovich (the Rostropovich Home Museum).
Vào các năm cuối đời, nhạc sĩ Mstislav Rostropovich đã trải qua nhiều năm tháng tại thành phố Paris, nhưng ông cũng có các căn nhà và cư ngụ tại các thành phố Moscow, St. Petersburg, London và Lausanne, Thụy Sĩ.


Nhạc sĩ Mstislav Rostropovich qua đời vào ngày 27 tháng 4 năm 2007 trong bệnh viện của thành phố Moscow vì bệnh ung thư ruột, hưởng thọ 80 tuổi.
Trong suốt cuộc đời, nhạc sĩ danh tiếng Mtislav Rostropovich đã nhận được hơn 50 phần thưởng, đáng kể là: Phần Thưởng Grammy vì trình diễn Nhạc Thính Phòng, Phần Thưởng Âm Nhạc Polar năm 1995, Phần Thưởng Danh Dự (Honor Award) của nước Cộng Hòa Azerbaijan, Công Dân Danh Dự của các quốc gia Vilnius, Lithuania, Bằng Danh Dự vì Phục Vụ Tổ Quốc (Order of Service to the Fatherland) do Tổng Thống Vladimir Puttin trao tặng vào ngày 26 tháng 2 năm 2007 vì "Sự đóng góp xuất sắc vào công trình phát triển Âm Nhạc thế giới và vì nhiều năm hoạt động sáng tạo".

 

Trong buổi Lễ Cầu Nguyện vào ngày 29/4/2007 tại Nhà Thờ "The Church of Christ the Saviour" của thành phố Moscow, ngoài hàng ngàn người thăm viếng, còn có Tổng Thống Nga Vladimir Putin, Hoàng Hậu Sophia của nước Tây Ban Nha, Đệ Nhất Phu Nhân Bernadette Chirac của nước Pháp, Tổng Thống Ilham Aliev của nước Azerbaijan, bà Naina Yeltsina, quả phụ của ông Boris Yeltsin...
Nhạc sĩ Mstislav Rostropovich được chôn cất trong Nghĩa Trang Novodevichy, cũng tại nơi này và 4 ngày trước đó là Lễ An Táng của ông Boris Yeltsin. Nơi đây còn là chốn an nghỉ của hai nhạc sĩ lừng danh trên thế giới: Dmitri Shostakovich và Sergei Prokofiev./.

 

            ©  http://vietsciences.free.frr  và http://vietsciences.org Phạm Văn Tuấn