Những bài
cùng tác giả |
Heinrich Schliemann (1822 - 1890)
từ ước vọng
ấu thời
Nhà
nghèo, thể chất yếu ớt, bỏ học năm 14 tuổi, bôn ba phiêu bạt khắp nơi để
tự mưu sinh, nhưng bằng ý chí sắt đá, Heinrich Schliemann tự học thành
công rất nhiều ngoại ngữ. Nhờ đó, ông trở thành một phú thương và thực
hiện được mộng ước ấu thời là khai quật di tích thành Troy. Cuộc khai
quật nổi tiếng nhất của ông là tìm ra di tích thành Troy (1871-1889) và
kế đó là những phát hiện khảo cổ tại Mycenae, quê hương huyền thoại của
Agamemnon, vị lãnh tụ của dân Hi Lạp trong trận chiến thành Troy. Tuy bị
phê bình là đã dùng những phương pháp khai quật thô sơ, nhưng Schliemann
rất xứng đáng được khen ngợi vì những khai quật này không phải là nhằm
tìm kho báu mà chính là nhằm khôi phục lại những tri thức về một nền văn
minh đã mất. Những công trình của ông làm chấn động giới khảo cổ phương
Tây, và giúp soi sáng thêm những hiểu biết về nền văn minh cổ Hi Lạp của
sáu ngàn năm trước, một nền văn minh mà trước những cuộc khai quật của
Schliemann người ta ngỡ rằng chỉ có trong truyền thuyết.
Heinrich Schliemann – tên đầy đủ là Johann Ludwig Heinrich Julius
Schliemann – sinh ngày 06-01-1822 tại một ngôi làng nhỏ tên là
Neu-Buckow, thành phố Mecklenburg, nước Đức. Bố mẹ ông là Ernst và Luise
Therese Sophie Schliemann. Bố ông, một mục sư, nhân dịp lễ Giáng Sinh
năm 1829 đã tặng ông quyển sách nhan đề Weltgeschichte für Kinder (Lịch
sử thế giới dành cho nhi đồng) của Tiến sĩ Georg Ludwig Jerrer. Quyển
sách này từ dạo ấy khiến ông say mê và quan tâm đến cổ thành Troy được
nói đến trong tác phẩm của Homer.
Mẹ ông qua đời năm 1831, sau khi hạ sinh người con thứ 9. Ông được gởi
đến ở nơi nhà người chú, tên là Frederich Schliemann. Thời kỳ này, ông
chú tâm học tập và được xem là một học sinh đầy triển vọng. Năm kế, khi
11 tuổi, ông được gởi đến học tại một ngôi trường trung học danh tiếng
tại Neu Strelitz. Tuy nhiên, giấc mộng học hành của ông đã vỡ tan tành
khi bố ông, một mục sư, bị tố cáo là biển thủ ngân quỹ của nhà thờ.
Không có tiền đóng học phí, ông buộc chuyển sang học ở một ngôi trường
thông thường. Tuy học tập tiến bộ, ông cũng đành bỏ học khi bố ông càng
lâm vào cảnh khó khăn tài chính hơn nữa vào năm 1836.
Buộc phải bỏ học và mưu sinh, ông đến làm thuê trong cửa tiệm tạp hoá
của ông Holtz tại Fürstenberg. Công việc ở đây làm ông ngao ngán. Niềm
vui chính của ông là làm bạn với một anh thợ xay bột tên Hermann
Niederhoffer. Anh ta có thể đọc thuộc lòng 100 câu thơ của Homer thời Hi
Lạp cổ đại. Tuy không hiểu tiếng Hi Lạp, nhưng ông thú nhận rằng những
lời lẽ trong các câu thơ đã cuốn hút hồn ông và ông luôn cầu xin Trời
ban phước cho ông để một ngày nào đó ông sẽ có cơ hội học tiếng Hi Lạp.
Một tai nạn lao động xảy ra trong cửa tiệm khiến Schliemann phải bỏ nơi
đây mà lang thang đến Hamburg và Amsterdam tìm việc làm khác. Năm 1842,
ông tìm được công việc ở công ty F.C. Quien and Co. tại nước Phổ. Ông mơ
ước trở nên giàu có và cuối cùng đã tìm ra lối thoát để biến giấc mơ
thành hiện thực. Ông quyết tâm tiết giảm tối đa các chi tiêu, không vui
chơi giải trí, không giao du phụ nữ, mà chỉ tiêu tiền vào sách vở học
hành. Suốt thời gian này, tài năng ngôn ngữ của ông bộc phát. Ông tự học
thông thạo các ngôn ngữ Hà Lan, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Bồ Đào Nha,
Nga trong vòng hai năm.
Ngày 01-3-1844, Schliemann làm việc cho công ty xuất nhập khẩu Schröder.
Năm 1846, nhờ biết tiếng Nga, ông được công ty phái sang nước Nga để
quản lý văn phòng đại diện của công ty tại đây. Ông làm việc hữu hiệu và
được phái đi giao dịch khắp Âu Châu. Tuy hăm hở muốn mau chóng giàu có,
nhưng cõi lòng Schliemann đã tan nát vì người bạn gái thiếu thời tên là
Minna của ông đã cất bước sang ngang trên một chuyến đò khác. Ông đau
khổ, tinh thần suy sụp, và ông thề rằng rồi một ngày nào đó ông sẽ trở
nên giàu có để cưới bất kỳ người con gái nào ông muốn. Giàu có dường như
là một thần phương diệu dược mà ông khao khát truy cầu để chữa trị mọi
khiếm khuyết bản thân.
Ngày 25-5-1850, người anh tên là Ludwig của ông bỗng qua đời. Ludwig là
chủ một ngân hàng tại Sacramento. Tháng 12-1850, Schliemann qua Mỹ và
tiếp quản ngân hàng. Đầu năm 1851, ông đến Sacramento và quyết tâm phát
triển cơ ngơi bằng các mua mạt vàng của dân đào vàng. Ông phất lên thực
sự, nhưng tâm lý ông lại bất an vì luôn sợ hãi bị trộm cướp.
Ngày 7-4-1852, ông bán lại doanh nghiệp cho người khác và trở về Nga.
Nơi đây, ông sống rất sang trọng. Bề ngoài tỏ ra quyền thế và lịch lãm,
nhưng nội tâm ông luôn bị giày vò giằng xé vì những khát vọng chưa thành
và mối tình đầu tan vỡ.
Ngày 12-10-1852, ông kết hôn với Ekaterina Lishin (tức Katerina Petrowna
Lyshina), cháu gái một người bạn của ông. Cuộc hôn nhân này không được
mỹ mãn như ông tưởng từ đầu, vì Ekaterina không mặn mà với ông, không
chịu chung chăn gối với ông, và cư xử như thể mong đợi ông chết đi cho
rồi. Để mua lấy tình cảm của bà, ông càng lao vào làm giàu. Ông đầu tư
vào thị trường chất màu chàm (indigo) và chẳng mấy chốc nắm trọn quyền
kiểm soát thị trường này. Bà dần bớt lạnh nhạt với ông, và rồi họ có đứa
con trai đầu lòng, tên là Sergey. Trong thời kỳ này, Schliemann tìm hiểu
Hi Lạp cổ đại và hiện đại và ông bị nó ám ảnh.
Mùa hè năm 1858, ông bà có thêm đứa con thứ hai, nhưng gia đình vẫn
không thực sự hạnh phúc. Để tránh không khí nặng nề trong gia đình, ông
đi Hi Lạp. Cuộc thăm viếng Hi Lạp lần đầu này không kéo dài lâu vì ông
phải trở về Nga để hầu một vụ kiện tụng. Ông thắng kiện. Rồi ông có đứa
con thứ ba với Ekaterina, và lưu lại Nga hơn 5 năm.
Sau đó ông du lịch nhiều nước: Ấn Độ, Tân Gia Ba, Java, Trung Quốc,
Nhật, Nicaragua, Havana, Mexico, và Pháp. Cuối cùng ông định cư tại
Paris và cố thuyết phục vợ con sang sống chung với ông, nhưng ông thất
bại. Năm 1868, ông đi sang Mỹ, thu xếp để thành công dân chính thức của
bang Indiana, và ông quyết định ly hôn với Ekaterina. Việc không thành,
ông quay về Paris.
Không lâu sau đó, người em họ tên Sophie mà ông rất mực yêu quý qua đời.
Cái chết của cô làm ông đau đớn và buộc ông phải tự hỏi: Ý nghĩa cuộc
đời là gì? Thực sự ta sống là vì cái gì? Ông tìm đến tác phẩm Odyssey
của Homer và cảm nhận được sự ủi an nơi nhân vật anh hùng Odysseus.
Thiên anh hùng ca khoảng thế kỷ IX-VII TCN của Homer kể lại chuyến hồi
hương của Odysseus – vua cai trị đảo Ithaca – sau mười năm phiêu bạt mặc
dù quân Hi Lạp đã hạ được thành Troy rồi. Mười năm truân chuyên của vua
Odysseus là do thần đại dương Poseidon gây ra, để trả thù Odysseus đã
hại con của thần. Schliemann muốn bắt chước nhân vật Odysseus, lần theo
các chi tiết trong truyện thơ mà tìm về đảo Ithaca. Nhưng chuyến hồi
hương của Odysseus có người vợ trung thành Penelope đón chờ, còn
Schliemann thì nào có ai mong ai đợi?
Homer (tương truyền bị mù) tác giả Hi Lạp của Iliad và Odyssey, hai
thiên anh hùng ca đã thay đổi cuôc đời Heinrich Schliemann
Mùa hè năm 1868, Schliemann đến Hi Lạp và quyết định lao vào ngành khảo
cổ. Khi đến Ithaca, ông tiến hành khai quật tìm kiếm cung điện của vua
Odysseus. Những chi tiết trong thiên anh hùng ca của Homer là kim chỉ
nam cho ông. Ông bắt đầu thuê công nhân khai quật trên eo đất của hòn
đảo và thu được một cụm 20 cái bình. Mỗi bình chứa tro mà ông tin là tro
thiêu hài cốt con người, thậm chí ông nghĩ đó là tro hài cốt của
Odysseus và Penelope, hay của con cháu họ. Ông còn đào được một đoản đao
hiến tế dài khoảng 15 cm, một tượng nữ thần bằng đất sét, và một số
xương thú. Không phát hiện thêm được gì nữa tại Ithaca, Schliemann tiến
hành tìm kiếm di tích thành Troy. Theo truyền thuyết, thành Troy nằm ở
vùng Bunarbashi, nhưng Schliemann đoán rằng nó có lẽ nằm ở ngọn đồi
Hissarlik gần đấy. Người chủ một nửa ngọn đồi về phía Đông là một người
Anh, tên Frank Calvert. Ông cũng đồng ý với Schliemann về vị trí đó và
ông đã phát hiện tàn tích một cung điện xây bằng những khối đá lớn.
Schliemann đề nghị Calvert cộng tác và ngạc nhiên khi thấy Calvert nhận
lời mà không đòi hỏi thù lao gì cả.
Đang lúc tiến hành thủ tục ly hôn với Ekaterina, Schliemann gởi thư cho
một người bạn, nhờ người này tìm giúp một cô gái Hi Lạp nghèo, xinh đẹp,
tóc huyền, nhưng có giáo dục, và đặc biệt là cũng yêu thích tác phẩm của
Homer như ông. Người bạn này hăng hái tìm kiếm và kết quả là cuối tháng
7-1869 Schliemann (47 tuổi) đi đến Colonus để gặp Sophie Engastromenos,
một mỹ nhân 17 tuổi, đúng như yêu cầu của ông. Thế rồi họ kết hôn ngày
24-9-1869 tại Athens (Nhã Điển).
Schliemann trở về Hissarlik năm 1870. Ông thuyết phục mọi người rằng
những phát hiện quan trọng nhất sẽ được tìm thấy ở sườn đồi phía Tây.
Khu vực này thuộc quyền sở hữu của hai người Thổ Nhĩ Kỳ. Họ đồng ý cho
Schliemann khai quật với thoả thuận rằng nếu tìm được thành Troy thì họ
sẽ lấy đá nền thành để xây dựng một chiếc cầu mà họ đang xây dang dở.
Schliemann miễn cưỡng nhận lời. Cuộc khai quật tiến hành đến 21/04/1871
thì hai người Thổ Nhĩ Kỳ bảo ông rằng họ đã đủ đá xây cầu rồi, và ra
lệnh ông phải ngưng khai quật. Từ ngày này đến tháng 10/1871, ông phải
thương lượng nhiều lần với chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ. Cuối cùng, ngày
11/10/1871, ông được phép tiếp tục khai quật, và ông quyết tâm phát hiện
cung điện Priam của thành Troy. Ngày 18/6/1872, ông đào được một phù
điêu (relief) chạm nổi hình thần mặt trời Apollo đi xe tứ mã. Tác phẩm
này theo ông xuất hiện vào thời kỳ theo lý thuyết của nhà thiên văn
Ptolemy (tức là trái đất đứng yên làm trung tâm, còn mặt trời và các
tinh tú thì xoay quanh trái đất), nghĩa là cách rất xa sau thời gian giả
định xảy ra trận chiến thành Troy. Mặc dù Schliemann đã hứa chia phân
nửa cổ vật khai quật được cho chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng ông và
Calvert đã lén đem báu vật phù điêu ấy ra khỏi đất nước này.
|
Homer (tương truyền bị
mù) tác giả Hi Lạp của Iliad và Odyssey, hai thiên anh hùng ca đã
thay đổi cuôc đời Heinrich Schlieman |
|
Sophie
Engastromenos
đeo nữ trang được
khai quật ở thành Troy. |
|
Cuộc
khai quật thành Troy. Hình do chính Schliemann vẽ |
|
Ngọn đồi
Hissarlik, nơi khai quật di tích thành Troy |
|
|
Quang cảnh khu vực khai
quật thành Troy
|
Mặt
nạ của Agamemnon, vị lãnh tụ của dân Hi Lạp trong trận chiến thành Troy.
Mặt nạ được phát hiện trong số các vật tuỳ táng bằng vàng trong 5 mộ
huyệt chôn xác chiến binh, khai quật tại Mycenae (Mykene) từ tháng 8 đến
tháng 12-1876.
Tháng 8-1876,
Schliemann vận dụng những văn bản cổ và các truyền thuyết địa phương
để tiến hành khai quật Mycenae. Ngay từ đầu ông đã xung đột với các
quan chức của Hội Khảo Cổ Hi Lạp vì ông không muốn mình bị giám sát
theo dõi và bị phê bình về các phương pháp khai quật của riêng ông.
Ông bắt đầu cho đào gần cổng Sư Tử (Lion Gate), một cái cổng mà
phiến đá gác bên trên có phù điêu hai con sư tử đâu mặt nhau. Phía
nam của cổng Sư Tử có một sân rộng lớn hình tròn mà ông đoán là nơi
hội họp ngoài trời thời cổ đại. Tại đây ông và các công nhân phát
hiện hai bia mộ. Họ bèn khai quật các ngôi mộ và tìm được vô số vật
tuỳ táng bằng vàng. Schliemann tin rằng ông sẽ đào được hài cốt của
Agamemnon, Cassandra, Eurymedon, Clytemnestra, và Aegisthus, tức là
những nhân vật mà ông đã đọc trong tác phẩm của Homer vài mươi năm
trước.
Schliemann phát hiện ở phía nam của cái sân hình tròn có một dấu vết
của một toà nhà thật lớn mà ông cho rằng đó là một cung điện. Công
nhân của ông đã đào được nơi đây một cái bình cao 30 cm trên có vẽ
hình các chiến binh đang hành quân. Ông cho rằng có thể đó là hình
ảnh các chiến binh của Mycenae.
Tháng 7-1878, Schliemann rời Mycenae và đến khai quật tại Ithaca.
Ông xác định một khu mà ông nghĩ đó là cung điện của Odysseus. Nhưng
ông không tìm thấy cung điện hay kho báu nào cả. Ông đã đào và tìm
thấy di tích 190 ngôi nhà. Nghĩ rằng không tìm được gì có giá trị,
ông bỏ Ithaca và quyết định tập trung vào việc khai quật đồi
Hissarlik một lần nữa.
Tháng 9-1878, Schliemann đến Hissarlik. Ngày 21-10-1878 ông đào được
20 hoa tai bằng vàng, một số nhẫn vàng, 2 xuyến, 11 hoa tai bằng
bạc, 158 nhẫn bằng bạc, và nhiều hạt tròn bằng vàng. Lúc này,
Schliemann chỉ có thể giữ lấy một phần ba cổ vật, số còn lại thì
thuộc sở hữu của Viện bảo tàng Hoàng gia tại Constantinople.
Tháng 4-1879, Heinrich Schliemann phát hiện hai nơi có báu vật, gồm
các thứ bằng vàng như: dĩa, dây chuyền, hoa tai, và xuyến. Ông xây
một ngôi biệt thư tại Athens. Trong nhà ông cai quản như một ông vua
theo mô tả trong anh hùng ca của Homer mô tả. Gia nhân được ông đặt
tên theo tên các nhân vật trong huyền thoại và lịch sử Hi Lạp.
Tháng 5-1881, Schliemann trở về Hissarlik, xác định bằng chứng đây
là di chỉ thành Troy. Ông đào được rất ít nhưng trên đỉnh núi Ida
gần đó ông tìm được một phiến cẩm thạch mà ông nghĩ nó là di tích
ngai vàng của thần Zeus.
Tháng 2-1884, Schliemann khai quật gò Marathon. Theo truyền thuyết
nơi đây chôn xác 192 chiến binh Athens sau một trận đánh với quân Ba
Tư. Những tưởng đào thấy xương người và vũ khí như gươm giáo, khiên,
nón sắt, v.v... nhưng ông chỉ tìm thấy một số mảnh vỡ của đồ vật
bằng gốm.
Tháng 3-1884, Schliemann bắt đầu khai quật thành trì Nauplia tại
Tiryns. Họ phát hiện cái nền của một cung điện. Mùa hè năm này, họ
tìm thấy một bích họa vẽ một thanh niên nhảy qua lưng một con trâu,
rôi tìm thấy một số dao, đầu mũi tên, và một cái rìu vàng nhỏ.
Cuối năm 1886, Schliemann đi tàu ba tháng xuôi dòng sông Nile, Ai
Cập. Nơi đây ông gặp được một nhà nghiên cứu Ai Cập trẻ tuổi tên là
E.A. Wallace Budge. Năm 1888, Schliemann phát hiện được cái mà ông
gọi là ngôi đền của thần Aphrodite trên đảo Cythera. Trên đảo
Sphacteria, ông phát hiện những thành trì cổ mà ông cho là của người
Spartans vào năm 425 tcn. Suốt thời gian này, ông nhiều lần xin phép
nhà chức trách để khai quật Knossus trên đảo Crete, nhưng việc không
thành.
Ngày 01-8-1890, Schliemann trở về Athens, và tháng 10 đi đến Halle
để phẫu thuật tai. Tuy bác sĩ bảo cuộc phẫu thuật này thành công,
nhưng tai trong của ông bị viêm nhiễm nặng. Bất chấp lời khuyên của
bác sĩ là phải nằm viện, Schliemann xuất viện rồi đi Leipzig,
Berlin, và Paris. Từ Paris, ông tính trở về Athens cho kịp lễ Giáng
Sinh, nhưng tai ông đau nhức dữ dội. Đau và mệt nên không thể đi
thuyền từ thành phố Naples (Ý) đến Hi Lạp, Schliemann bèn lưu lại
Naples, nhưng rồi ông lại thu xếp đi thăm tàn tích thành phố
Pompeii. Ngày 26-12-1890, đang mùa Giáng Sinh, ông đột quỵ tại
Piazza della Santa Carita và qua đời lặng lẽ trong một phòng khách
sạn.
Hàng chữ khắc bằng tiếng Hi Lạp
trên lối vào lăng mộ của Heinrich Schliemann: «Nơi dành cho Anh hùng
Schliemann» Phiên âm Latin là: Heroi Schlimannoi
Thi hài Heinrich
Schliemann được đưa về Athens. Tang lễ diễn ra ngày 04-01-1891, và
ông được an táng phía nam thành phố Ilissus, trong một lăng mộ mà
Schliemann đã xây dựng sẵn cho ông trên một ngọn đồi. Hàng chữ khắc
trên cổng đi vào lăng mộ là một tuyên ngôn mạnh mẽ cho thấy ông muốn
hậu thế nhớ mãi đến ông như thế nào. Hàng chữ khắc bằng tiếng Hi Lạp
vỏn vẹn mấy chữ: «Nơi dành cho Anh hùng Schliemann».●
|
Lăng mộ của Heinrich
Schliemann |
GHI CHÚ:
Bài viết trên đây
tổng hợp thông tin từ một số trang web tiếng Anh và tiếng Đức. Các hình
ảnh cũng vay mượn từ những trang web này.
Nhà bảo tàng Heinrich Schliemann, xây năm 1980 trên nền nhà cũ của
bố mẹ ông, tại số 1 đường Linden, 17219 Ankershagen, Mecklenburg.
Ông chỉ sống ở đây đến năm 8 tuổi. Nhà bảo tàng cung cấp thông tin
về cuộc đời và công việc khảo cổ của ông, đồng thời trưng bày khoảng
40 cổ vật do khai quật di tích Troy và Mycenae thí dụ như những đồ
gốm, đồ đồng thau, những mảnh vàng, v.v.
Niên biểu Heinrich Schliemann
6.1.1822 Johann Ludwig Heinrich Julius Schliemann chào đời, là con thứ 5
của mục sư Ernst Johann Adolf Schliemann và bà Therese Sophie.
22.3.1831 Mẹ của Schliemann mất năm bà 38 tuổi, sau khi sinh đứa con thứ
9.
1836 Ông được nhận vào phụ việc mua bán ở một cửa tiệm tại Fürstenberg.
1842 Schliemann làm nhân viên văn phòng tại Amsterdam. Thời gian này,
ông tự học các tiếng Hà Lan, Anh, và Pháp.
1843 Schliemann học các tiếng Tây Ban Nha, Ý, và Bồ Đào Nha.
1844 Schliemann làm nhân viên văn thư và kế toán ở văn phòng của một
công ty thương mại tại Amsterdam và ông học tiếng Nga.
1851 Ông đi California, Mỹ.
24.10.1852 Schliemann kết hôn với Petrowna Lyshina (1826-1892); về sau
ông có 3 con với bà, đó là: Sergej (trai, 1855-1941), Natalia (gái,
1858-1868), và Nadeshda (gái, 1861-1935).
1854 Schliemann học các tiếng Thuỵ Điển, Đan Mạch, Ba Lan, và
Slowenisch.
1856 Schliemann học tiếng Hi Lạp hiện đại.
1857 Schliemann học tiếng Hi Lạp cổ đại và
tiếng Latin.
Tháng giêng 1859 Ông đi sang phương Đông, học tiếng
Ả Rập.
1864 Schliemann giải thể công ty của ông tại St. Petersburg, rồi chu du
thế giới đến Ai Cập, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Bắc Mỹ, và Trung Mỹ.
Ông học tiếng Hindustani (một ngôn ngữ tương cận với Hindi và Urdu).
1866 Ông xác định ngọn đồi Hissarlik có di tích thành Troy mà Homer nhắc
đến.
1866 Tại Paris, Schliemann học các môn: cổ học, ngôn ngữ học, triết học
sử, văn chương, ngữ văn, và khảo cổ học. Ông học
tiếng Phạn (Sanskrit)
và Ba Tư.
1867 Ông viết quyển sách đầu tay, nhan đề «La Chine et le Japon au Temps
Présent» (Trung Quốc và Nhật Bản hiện nay).
1869 Ông viết quyển sách thứ hai, nhan đề «Ithaque, le Péloponèse,
Troie, Recherches archéologiques» (Đảo Ithaque, bán đảo Péloponèse,
thành Troie, nghiên cứu khảo cổ). Ông được Đại học Rostock phong Tiến sĩ
Triết học.
Tháng 3 đến tháng 7-1869 Ông đi Indianapolis, Bắc Mỹ; được nhập tịch Mỹ.
30.6.1869 Ông ly hôn với người vợ đầu (Petrowna Lyshina).
24.9.1869 Tại Nhã Điển (Athen), Schliemann kết hôn với Sophia
Engastromenos (1852-1932), một thiếu nữ Hi Lạp 17 tuổi. Về sau ông bà có
hai con: Andromache (1871-1962) và Agamemnon (1879-1954). Ông di cư sang
Nhã Điển.
Tháng 2 đến tháng 4-1870 Ông khai quật thử nghiệm tại đồi Hissarlik để
khẳng định vị trí các tầng khảo cổ của thành Troy.
1870 Schliemann học tiếng Thổ Nhĩ Kỳ.
Tháng 11-1870 Cha của Schliemann qua đời.
Mùa thu 1871 Ông bắt đầu đợt khai quật thành Troy và bố trí đào con hào
theo trục Bắc Nam.
31.5.1873 Schliemann phát hiện và tẩu tán cái gọi là «Schatz von
Priamos» (Kho báu của vua Priam).
Mùa thu 1875 Ông cho khai quật tại Ý và đảo Sicily của Ý.
13.1.1876 Schliemann trở thành hội viên danh dự của Luân Đôn Cổ Đại Hiệp
Hội (Society of Antiquaries of London).
Tháng 8 đến tháng 12-1876 Tại Mykene, Schliemann phát hiện năm mộ huyệt
chôn xác chiến binh với các vật tuỳ táng bằng vàng, trong số đó có mặt
nạ Agamemnon.
Tháng 9-1877 Schliemann trở thành hội viên danh dự của Hiệp Hội Nhân
Loại Học, Nhân Chủng Học, Cổ Sử Học Đức Quốc (Deutsche Gesellschaft für
Anthropologie, Ethnologie und Urgeschichte).
1878 Schliemann viết cuốn sách thứ tư, nhan đề «Mykenae».
Mùa thu 1878 Ông khai quật thành Troy đợt hai.
Tháng 11 và 12-1880 Ông khai quật đợt đầu tại Orchomenos và trưng bày
«Schatzhaus des Minyas» (Kho báu Minya).
Tháng giêng 1881 Schliemann viết cuốn sách thứ năm, nhan đề «Ilios,
Stadt und Land der Trojaner, Forschungen in der Troas» (Ilios, thành phố
và đất đai của dân thành Troy, khảo cứu thành Troy).
1881 Schliemann hiến tặng bộ sưu tập thành Troy (Trojanische Sammlung)
cho dân tộc Đức.
Tháng 8-1881 Schliemann viết cuốn sách thứ sáu, nhan đề «Orchomenos».
7.7.1881 Schliemann được phong tặng danh hiệu Công dân Danh dự của thành
phố Berlin.
Tháng 3 đến tháng 7-1882 Ông khai quật thành Troy đợt 3, với sự trợ giúp
của W. Dörpfeld.
13.6.1883 Schliemann trở thành Tiến sĩ Danh dự của Đại học Oxford và là
Hội viên Danh dự của Đại học Nữ Vương (Queen´s College).
1884 Ông viết quyển «Troja» (thành Troy).
1885 Ông tiến hành khai quật ở Tiryns.
Tháng 5-1886 Ông viết quyển «Tiryns» kể lại cuộc khai quật này.
Tháng 11-1886 Schliemann học tiếng Hebrew (Hebräisch: tiếng Do Thái) và
đi Ai Cập lần đầu tiên.
Tháng 11-1889 Ông khai quật thành Troy đợt bốn.
Mùa thu 1890 Ông viết quyển sách thứ mười, nhan đề «Bericht über die
Ausgrabungen in Troja im Jahre 1890» (Tường thuật cuộc khai quật thành
Troy năm 1890).
26.12.1890 Schliemann qua đời tại thành phố Neapel (Naples), nước Ý, xa
cách gia đình.
NGUỒN: Niên biểu trên trích dịch từ trang Web Schliemanns Erben (Di sản
Schliemann):
http://www.schliemannserben.de/content/01/biokurz.html
Về việc học ngoại ngữ - Über das Sprachenlernen
Trích dịch từ tự truyện của Heinrich Schliemann: Thời thơ ấu gian khổ
... Trong 5 năm rưỡi tôi làm công trong một cửa tiệm tạp hoá nhỏ tại
Mecklenburg. Công việc của tôi là đứng bán cá mòi, bơ, sữa, đường, muối,
cà phê, dầu ăn, và các thực phẩm khác. Tôi phải quét dọn cửa tiệm và làm
những việc đại loại như thế. Từ 5 giờ sáng đến 11 giờ khuya tôi không hở
tay chút nào để ngó ngàng tới học tập. Do đó tôi quên đi rất mau chóng
những kiến thức đã học ở nhà trường. Tuy vậy, khoa học vẫn hấp dẫn tôi.
Trước mắt, tôi không có lối thoát nào mãi đến khi tôi được giải phóng ra
khỏi tình cảnh tồi tệ ấy như một phép lạ. Một lần vì phải nâng một cái
bình quá nặng nên tôi bị nội thương và thổ huyết. Từ đó tôi không thể
làm việc tiếp được tại cửa tiệm đó.
Trong cơn tuyệt vọng, tôi cuốc bộ đến Hamburg, hy vọng kiếm được một chỗ
làm khác. Cuối cùng tôi cũng tìm được một chỗ làm với tiền lương hậu hĩ.
Những cơn đau ngực dữ dội khiến tôi không thể làm những việc nặng nhọc,
và do vậy chẳng bao lâu tôi lại bị đuổi việc. Sau đó tôi cũng bị đuổi
việc thêm mấy lần. Cứ vào làm ở một chỗ mới không đầy tám ngày là tôi
mất chỗ làm. Thế rồi tôi tìm cách xin làm công trên một con tàu. May mắn
cho tôi là được nhận làm một chân sai vặt trên một chiếc thuyền buồm
nhỏ. Con thuyền này đang chuẩn bị đi Venezuela.
Chưa bao giờ nghèo thế
Tôi vẫn sống nghèo nhưng chưa có lúc nào tôi nghèo như thuở ấy. Đến nỗi
tôi phải bán đi một chiếc quần tây để mua một cái mền len.
Ngày 28 tháng 11 năm 1841, chúng tôi rời Hamburg, thuận buồm xuôi gió.
Nhưng sau vài tiếng đồng hồ thì gió đổi hướng và chúng tôi phải neo lại
suốt ba ngày trên sông Elbe, không xa Blankenese. Sau đó, chúng tôi băng
qua Cuxhaven và giong buồm ra biển khơi. Nhưng đột nhiên gió đổi hướng
về tây. Chúng tôi liên tục day trở buồm, nhưng thuyền không tiến lên
được mấy, thậm chí còn chao đảo. Thế rồi một cơn bão khủng khiếp đổ ập
xuống và chúng tôi bị đắm tàu. Sau muôn vàn nguy hiểm và sợ hãi, chúng
tôi cả đội chín người tự cứu nhau vào bờ. Chúng tôi không biết là dạt
vào bờ biển nào, chỉ biết đó là một đất nước xa lạ. Mãi sau này chúng
tôi mới biết đó là nước Hà Lan. Viên lãnh sự tại Hà Lan khuyên chúng tôi
quay trở về nước Đức. Tôi từ chối lời đề nghị ấy. Thực tình tôi không hề
muốn quay lại cái nơi chốn mà tôi đã sống khổ ải cùng cực. Tôi giải
thích với mọi người rằng tôi muốn ở lại Hà Lan.
Tại thủ đô Amsterdam của Hà Lan, tôi tìm được việc làm trong một phòng
giao dịch thương mại. Công việc của tôi là mang thư từ ra bưu điện và
ngược lại. Công việc này làm tôi ưng ý vì tôi muốn có nhiều thì giờ rảnh
mà nghĩ đến việc học hành bấy lâu bị xao lãng.
Trước hết tôi cố gắng rèn luyện để có một nét chữ viết dễ đọc và đẹp
mắt. Trong vòng 20 tiếng đồng hồ, tôi đã thành công. Sau đó tôi lao vào
việc học các ngoại ngữ hiện đại. Phân nửa tiền lương tôi dành cho việc
học tập, phần còn lại thì dành cho việc nuôi sống cần thiết. Chỗ ở của
tôi là một căn gác xép tồi tàn, không lò sưởi, mùa đông thì rét buốt như
cắt, mùa hè thì nóng bỏng như thiêu. Tôi chỉ ăn hai bữa. Bữa điểm tâm là
một loại bánh bột mì, còn bữa trưa không bao giờ đáng giá quá 16 xu.
Nhưng không có gì thôi thúc tôi học tập cần cù cho bằng niềm tin tưởng:
qua những việc vất vả cực nhọc đó, tôi sẽ tự giải thoát mình ra khỏi
cảnh khốn cùng.
Tôi học ngoại ngữ như thế nào?
Tôi lao vào việc học tiếng Anh vô cùng chăm chỉ. Tôi có một phương pháp
riêng và phương pháp này giúp tôi học tập bất cứ một ngoại ngữ nào một
cách dễ dàng. Phương pháp này là:
Cố gắng đọc thật to. Làm những phiên
dịch nhỏ. Viết luận văn với sự sửa chữa trông coi của một ông thầy. Sau
đó học thuộc lòng các bài luận ấy và vài tiếng đồng hồ sau lại trả bài.
Trí nhớ tôi vốn kém, chẳng qua tôi không được rèn luyện từ nhỏ. Tuy vậy
bất cứ rảnh rỗi phút nào tôi cũng dành cho học tập. Luôn luôn tôi có một
quyển sách bên mình, để học một điều gì trong đó. Tôi học trong ngân
hàng, tại bưu điện, mỗi khi tôi phải chờ đợi. Tôi còn đi đến một nhà thờ
của người Anh, lắng nghe các cha cố giảng đạo bằng tiếng Anh rồi lẩm bẩm
tự điều chỉnh cách phát âm tại đó. Trí nhớ tôi dần dần mạnh mẽ hơn. Tôi
có thể trả bài cho thầy giáo 20 trang giấy in bài văn xuôi tiếng Anh
đúng từng chữ một mà tôi chỉ cần đọc trước chỉ ba lần. Bằng phương pháp
này tôi học thuộc lòng hai quyển truyện tiếng Anh. Mỗi khi xúc động quá
tôi thường mất ngủ, tôi bèn đem bài vở học từ chiều ra xem lại. Tôi đã
thành công, trong vòng nửa năm tôi đã có một kiến thức vững chắc về
tiếng Anh.
Bằng phương pháp đó, tôi chỉ mất sáu tháng là học xong tiếng Pháp. Trí
nhớ tôi bây giờ mạnh mẽ đến nỗi không đầy sáu tuần lễ là tôi có thể nói
và viết lưu loát các tiếng Hà Lan, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Tiếng Hi
Lạp là ngoại ngữ thứ 16 của tôi.
Chắp cánh bay cao
Tuy vậy, tôi vẫn thấy tiếng Nga khó vô cùng. Chẳng qua tại Amsterdam
không có một giáo viên tiếng Nga nào và không ai hiểu được tiếng Nga.
Nhưng theo phương pháp của tôi, tôi chỉ cần một người lắng nghe tôi. Tôi
trả công cho một người nghèo với điều kiện mỗi ngày anh ta đến chỗ tôi ở
trọ, lắng nghe tôi nói tiếng Nga suốt hai tiếng đồng hồ. Anh ta nghe mà
không hiểu một chữ nào. Phương pháp nói lớn tiếng khiến chủ nhà khó chịu
và tôi phải đổi chỗ ở hai lần trong suốt thời gian học tiếng Nga. Sau
sáu tuần lễ, tôi có thể viết một lá thư thương mại đầu tiên bằng tiếng
Nga. Vì tôi biết nhiều ngoại ngữ, nhất là tiếng Nga, nên tôi được công
ty phái sang nước Nga. Trong nhiều năm tôi trở thành triệu phú và bây
giờ tôi có thể tự cho phép mình từ bỏ mọi hoạt động buôn bán mà chỉ nghĩ
đến mục đích đời mình: đó là việc khai quật các di tích. Từ Nga, tôi đi
sang Mỹ. Ngân hàng đầu tiên tại Sacramento là của tôi. sau đó tôi dọn về
Athen (Nhã Điển), bắt đầu khai quật ngọn đồi Hissarlik vào năm tôi 48
tuổi...●
Lê Anh Minh dịch từ tiếng Đức.
=================================
Cảm tưởng của học giả Nguyễn Hiến Lê
khi ông viết về Heinrich Schliemann trong quyển Gương Danh Nhân
«Con người đó thực kỳ dị: sinh trưởng ở Đức, định đi lính cho Hoà Lan,
rồi nhập tịch Huê Kỳ, làm giàu ở Nga, học ở Pháp, nổi danh ở Hi Lạp, du
lịch khắp phương Tây và phương Đông, có lần ghé thăm Sài Gòn, và thông
trên một chục thứ tiếng, vừa sinh ngữ, vừa cổ ngữ, từ tiếng Anh, tiếng
Pháp đến tiếng Hi Lạp, La Tinh, tiếng Ba Lan, Ả Rập...
«Kỳ dị hơn nữa là ông nuôi một cái mộng từ hồi tám tuổi, rồi quyết chí
làm giàu để có phương tiện thực hiện mộng đó, và khi đã thành tỉ phú,
tuổi đã gần năm mươi, mà không chịu hưởng cảnh an nhàn phú quý như người
khác, ông đem hết tất cả sản nghiệp, sinh lực ra để làm một việc mà
nhiều người cho là điên khùng, việc đào đất. Ông đào đất không phải để
tìm mỏ đồng, mỏ sắt, mà chỉ để tìm một cổ tích, tức di tích thành Troie,
một thành ở bờ biển Tiểu Á.
«Rồi chẳng những ông tìm được di tích thành Troie mà còn tìm được nhiều
dấu vết của một nền văn minh cổ, nền văn minh ở miền biển Egée (biển nhỏ
phía đông Hi Lạp); do đó ông chép lại cho nhân loại được nhiều trang cổ
sử và nổi danh là nhà khảo cổ bậc nhất ở thế kỷ trước. Những tìm tòi của
ông và những người nối gót ông đã giúp cho sử học có tính cách khách
quan hơn, khoa học hơn. Về phương diện đó, công của ông với nhân loại
không kém công của Fustel de Coulanges, vị sử gia Pháp đồng thời với
ông, người đã đặt nền tảng cho khoa sử học hiện thời. [...]
«Đọc tiểu sử Heinrich Schliemann tôi thấy rằng hoàn cảnh có ảnh hưởng
rất lớn đến tâm hồn, hành vi con người, nhưng con người cũng phải có đủ
khả năng để tiếp nhận hoàn cảnh rồi sửa đổi, có khi tạo thêm những hoàn
cảnh mới nữa thì mới làm được những việc lớn. Schliemann bẩm sinh đã có
tánh yêu thích cái gì bí mật kỳ dị, cổ kính; nhờ sinh ra ở một miền có
nhiều cổ tích, lại nhờ thân phụ và người bạn gái (tên là Minna) khuyến
khích, lòng yêu thích đó phát triển mạnh mẽ thành một lòng ham mê nồng
nhiệt, nhưng muốn thoả mãn lòng ham mê đó, cần có hai phương tiện: học
rộng và có nhiều tiền, nên ông tạo ra những phương tiện này bằng cách
vừa kinh doanh vừa tự học. Vậy ông vừa được nhờ hoàn cảnh, vừa gây thêm
hoàn cảnh.»
[...]
«...Thi hài ông đưa về Athènes, vua Hi Lạp và các chính khách Đức, Anh,
các nhà bác học khắp thế giới, hoặc lại đưa đám, hoặc tỏ lời thương tiếc
một người đã có công lớn với văn minh nhân loại.
«Công lớn đó, chính ông cũng không ngờ được. Cái mộng của ông và nàng
Minna hồi tám tuổi chỉ là tìm những di tích thành Troie khi Ulysse qua
đó xâm chiếm, những di tích của nền văn minh Hi Lạp cổ. Nhưng ông đã đào
được nền móng của sáu châu thành chồng chất lên nhau ở Troie mà ông chưa
biết rõ là ở những nơi nào. Non nửa thế kỷ sau, năm 1938, nhà khảo cổ
C.W. Blegen đào thêm được ở Troie nền móng ba châu thành nữa, thành thử
trước sau, ở ngọn đồi Hissarlick có hết thảy chín châu thành xây cất
trong khoảng là ba mươi lăm thế kỷ, từ thời đồ đá mài tới thời La Mã.
«Không những vậy, năm 1900, một nhà khảo cổ Anh, ông Arthur Evans, đào
thấy ở đảo Crète nhiều cổ tích chứng minh rằng nơi đó là trung tâm một
nền văn minh mà ông Schliemann đã tìm được ở Mycènes và Tirynthe, song
không biết là nền văn minh nào. Nền văn minh đó là nền văn minh Egée rất
rực rỡ, có trước nền văn minh Hi Lạp khoảng ngàn năm, và làm trung gian
cho văn minh Ai Cập và văn minh Hi Lạp. Vậy nhờ Schliemann, nhờ đức tin
mãnh liệt, lòng kiên nhẫn vô biên của ông mà non hai ngàn năm cổ sử đã
được chép lại cho hậu thế. Khi hạ quan tài ông xuống huyệt, nhà khảo cổ
Đức Dorpfeld, bạn cộng tác của ông, chào ông lần cuối: 'Anh đã cần cù
làm việc, xin chúc anh yên tĩnh nghỉ ngơi.' Có bao nhiêu nguời đáng nhận
một lời khen như vậy?»
Nguồn:
Nguyễn Hiến Lê, Gương danh nhân, Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2000,
tr.12-14, 33-34.
Ghi chú:
Vì các nguồn tư liệu khác nhau, nên tên riêng của cùng một nơi chốn
hay cùng một nhân vật có thể được viết hơi khác nhau theo tiếng Anh,
tiếng Pháp, tiếng Đức, nhưng độc giả có thể so sánh và đoán được dễ
dàng.
|