Các nhạc khúc mừng lễ đầu năm của sắc tộc Chàm

 

2007.04.15

Thy Nga, phóng viên đài RFA

Chương trình “Âm nhạc cuối tuần” kỳ này đến với quý thính giả giữa lúc nhiều quốc gia bạn trong vùng Á châu như Thái, Lào, Campuchia, Miến Điện, … đang rộn rã mừng lễ đầu năm. Sau đó vài ngày thì đến sắc tộc Chăm, và một số dân ở Vân Nam, ở Sri Lanka, ở Ấn Độ, … Các dân tộc vừa kể ấn định ngày đầu năm khi không còn chút se lạnh nào, và Xuân đã về với muôn hoa nở rộ.

Phụ nữ trong trang phục và điệu múa truyền thống Champa. Photo courtesy CIACWEB.org

Thời xa xưa từng có vương quốc Chiêm Thành nhưng rồi bị người Việt tràn xuống chiếm lĩnh, dân Chàm bị phân tán.

“Hận đồ bàn” nhạc phẩm của Xuân Tiên qua giọng hát Việt Ấn diễn tả cảnh nước mất nhà tan … Theo số liệu thì hiện nay, có khoảng tám chục ngàn người gốc Chàm vẫn sống ở miền Trung Việt Nam, bốn chục ngàn ở vùng Châu đốc, Tây Ninh và Saigon. Bên Campuchia thì có cộng đồng hơn 270 ngàn người gốc Chăm.

Từ biến cố tháng Tư 1975, lối chừng 15 ngàn người gốc Chàm sang Thái Lan tỵ nạn. Hiện, ở quanh Kuala Lumpur, thủ đô Malaysia, có cộng đồng trên 10 ngàn người Chàm; 2 ngàn ở Mỹ; khoảng 400 ở Canada; cũng 400 ở Úc; và 1500 người ở Tây Âu.

Trong nỗ lực bảo tồn văn hóa dân tộc, mà một trong các việc cần phải thể hiện, là cử hành những lễ hội truyền thống của sắc dân mình, người Chàm đang sửa soạn lễ đầu năm.

“Ginang Saranai” hòa tấu …

Theo Chăm lịch thì ngày đầu năm nay nhằm 19 tháng Tư dương lịch nên chương trình kỳ này, Thy Nga xin dành cho các ca khúc Chăm, mời quý vị cùng nghe để góp vui với sắc dân Chàm các nơi …

Trong giới nghệ sĩ Việt Nam, Thy Nga biết chắc chắn là Từ Công Phụng và Chế Linh gốc Chàm. Lâu nay, Chế Linh xúc tiến mạnh mẽ công cuộc giữ gìn và phát huy văn hóa Chăm nên Thy Nga hỏi chuyện anh. “Dạ thưa Chị, cái lễ hội này gọi là “Ri chà nư cơl aro akó thul tức là lễ mừng đầu năm. Lễ hội này là mừng đón năm mới và giải trừ những phiền muộn, thất thóat, lo âu, cãi vã, tranh tụng, v.v… thuộc về năm cũ.

Chủ lễ này cúng vái và cầu nguyện rồi đem xuống giòng nước thả trôi bằng một cái bè nhỏ, ý như muốn mượn giòng nước để tẩy gội sạch những gì xấu trong năm cũ .Mùng 1 tháng Chăm lịch rơi vào tháng Ba, tháng Tư dương lịch, không nhất định.

Những món ăn chính trong ngày lễ này gồm có cá, gà, vịt, dê, rau cải, v.v… không có thịt bò, cũng không có thịt heo vì người Chăm chúng tôi có 2 đạo: đạo Chăm cữ thịt bò, chết thì thiêu. Đạo Bà Ni cữ thịt heo, chết rồi chôn.

Chủ lễ chính của buổi lễ này là ông Ing chuyên cúng vái để truyền đến những thần linh, rồi nhảy múa nghinh đón vị Đô đốc Hải quân, và vinh danh các vị anh hùng đã có công trong lịch sử Champa.

Lễ đầu năm nay, chúng tôi sẽ tổ chức tại Sacramento vào ngày 22 tháng Tư tới đây. Bà con các nơi đổ về dự lễ hội. Làm giống hệt như bên Việt Nam, là cất lên cái rạp lớn đề ăn mừng.”

Thy Nga: Sacramento là nơi qui tụ đông nhất người Chăm đến định cư ở Hoa Kỳ, phải không ạ. Tôi cũng được biết là năm ngoái, tại đó có tổ chức Trại Hè Thanh niên Champa, sinh hoạt rất đông vui. Hình ảnh trên trang web Bingu Champa.

Chế Linh: “Bingu” là “hoa”. “Bingu Champa” là “Hoa Champa” trang web này do chúng tôi chủ trương, ý muốn nói là những người Chăm, chúng tôi mong họ như là những đóa hoa góp phần làm văn hóa dân tộc. Thy Nga: Tôi nghe nói là ban nhạc dân tộc Chăm được thành lập vào năm 1983 tại Paris và do anh hướng dẫn, trình diễn tại một số quốc gia, xin anh cho biết thêm chi tiết.

Lễ hội của dân tộc Chăm. Hình do Chế Linh gửi.

Chế Linh: Ban nhạc này, chúng tôi thành lập với mục đích đi sâu hơn trong giới trẻ Chăm và Việt để hiểu rõ văn hóa và nghệ thuật Chăm rất phong phú. Thế nên, chúng tôi nuôi dưỡng ban nhạc ấy để phổ biến, đem văn hóa nghệ thuật Chăm đi gần gũi với văn hóa nghệ thuật của các dân tộc khác. Chúng tôi cũng đã đi Pháp, Đức, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Mã Lai, Úc, bây giờ là bên Mỹ nhiều hơn.

Thy Nga: Ban nhạc sử dụng các nhạc cụ, nhạc khí nào?

Chế Linh: Nhạc cụ nhạc khí truyền thống của chúng tôi có Ginang (trống đôi, hai người đánh), Pinừng (trống ôm trong lòng ngực), Saranai (kèn), cheng, khèn, lục lặc, chứ không có một nhạc cụ nào của Tây phương cả, và cái chính là đàn Tr’ưng.

Thy Nga: Nghe nói đến đàn Tr’ưng là tôi nhớ lại nhạc sĩ Nguyễn đình Nghĩa đã từ trần. Được biết anh đã cùng với nhạc sĩ Nguyễn Đình Nghĩa nghiên cứu về âm nhạc dân tộc Champa?

Chế Linh: Thưa phải, từ trước 1975 lận. Chúng tôi cũng đã gắn bó với nhau để tìm những âm thanh lạ, nhạc cụ lạ để đưa vào văn hóa nghệ thuật Việt. Khi ra nước ngoài, chúng tôi vẫn còn đeo đẳng. Hai anh em đã đi nhiều quốc gia nhưng mà rất tiếc, anh qua đời quá sớm!

“Urang Nao” (Người đi) … Lời ca diễn tả hoàn cảnh cô gái trông chờ tình lang đi biền biệt Thy Nga: Xin anh cho biết là cuốn CD nhạc dân gian Chăm phát hành cách nay vài năm, đã được phổ biến ra sao?

Chế Linh: CD nhạc dân gian Chăm đã được Viện Viễn đông Bác Cổ Pháp cũng như chính phủ Malaysia tài trợ sản xuất, ra mắt năm 2000 tại Kuala Lumpur. CD này được phổ biến bằng cách gửi cho tất cả các quốc gia chứ không bán.

Trong cuốn CD đó, chỉ mình tôi hát. Có lẽ nay mai, sẽ có một số những CD của các giọng ca, các nhạc sĩ người Chăm viết bài tiếng Chăm.

Thy Nga: Chương trình “Radio Sắp Chăm” tại Phnom Penh hoạt động thế nào?

Chế Linh: “Radio Sắp Chăm” tại Phnom Penh ở Campuchia do các em sinh viên thanh niên Chăm ở đó lập ra từ năm 2004. Chương trình 4 ngày / tuần nói bằng tiếng Chăm cho bên Việt Nam và các vùng lân cận nghe. Trên thế giới thì chúng tôi dự tính cũng sẽ phát thanh như vậy và có khoảng 2 tiếng đồng hồ.

“Katha Daok Cham” (bài ca Chăm) nói lên tâm tình của đôi trai gái yêu nhau nhưng bị cấm đoán vì khác đạo. Theo như anh Chế Linh cho biết thì dân tộc Chăm có hai đạo: đạo Chăm và đạo Bà Ni, đội khăn khác nhau. Đôi trẻ yêu nhau, mong làm sao chập hai khăn lại để cùng đắp.

Thy Nga xin chúc các bạn người Chăm khắp nơi vui thiệt nhiều vào dịp lễ Ró kó thul, và mến chúc những kẻ yêu nhau mau chóng đạt mộng ước chập được hai khăn lại để đắp chung.

“Katha Daok Cham” (bài ca Chăm) …