Lạm phát giảm nhẹ, đầu tư nước ngoài tăng vọt, nhưng khó khăn vẫn tồn tại

Vietsciences- Vũ Quang Việt         Trọng Nghĩa - RFI  30/09/2008

 

Những bài cùng tác giả

Bấm vào để nghe bài phỏng vấn do Trọng Nghĩa thực hiện

 

Bài đăng ngày 29/09/2008 Cập nhật lần cuối ngày 29/09/2008 15:55 TU

 
Qua tháng 9/2008, tỷ lệ lạm phát lên đến 27,9%, nhưng thấp hơn tháng 8 (28,3%). Lượng đầu tư nước ngoài cam kết tiếp tục gia tăng, đạt mức 57,12 US$ tình từ đầu năm. Cho dù vậy, giới quan sát vẫn thận trọng, cho rằng thời kỳ khó khăn tại Việt Nam chưa hẳn là đã kết thúc, trong bối cảnh khủng hoảng tài chánh đang đe dọa các đối tác kinh tế chủ chốt của Việt Nam, đặc biệt là Hoa Kỳ.
 
Về tình hình Việt nam, quả đúng là căng thẳng do lạm phát gia tăng liên tục trong thời gian gần đây đã có dấu hiệu giảm bớt trong tháng 9. Theo số liệu của Tổng Cục Thống Kê, công bố ngày 22/09/2008, tỷ lệ lạm phát trong tháng đã giảm xuống mức 27,9 %, so với 28,3% vào tháng 8, vốn là mức cao kỷ lục từ 17 năm qua.

Theo dự báo lạc quan của phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng Việt Nam Phạm Gia Khiêm tại New York hôm 26/09/2008, thì lạm phát đang trên đường được kềm chế, và hy vọng sẽ giảm xuống dưới mức 10 % vào quý 3 năm 2009. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng trước đó cũng tuyên bố với giới chuyên gia kinh tế ngoại quốc ở Hà Nội là tỷ lệ lạm phát tại Việt Nam sẽ được kềm lại ở mức một chữ số duy nhất vào đầu năm 2010.

Trong thời gian qua, để kềm hãm đà lạm phát phi mã, chính quyền Việt Nam đã tăng lãi suất ngân hàng, đồng thời đình chỉ nhiều dự án đầu tư công cộng được cho là nguyên nhân tạo ra tăng giá.

Còn về phần đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Việt Nam, cũng theo số liệu chính thức, thì trong 9 tháng đầu năm 2008, trị giá các đề án được cấp giấy phép đã lên đến mức 57,12 tỷ đô la Mỹ, tăng gấp năm lần so với cùng kỳ của năm 2007. Chỉ riêng trong tháng 9, các dự án được cấp phép đã lên đến xấp xỉ 10 tỷ đô la.

Điều được giới quan sát chú ý là đà tăng vọt của các đề án đầu tư xây dựng nhà máy thép tại Việt Nam, lên đến hơn 27 tỷ đô la, tức là gần một nửa tổng trị giá đầu tư cam kết trong 9 tháng. Đó đều là nhưng đề án khổng lồ, như liên doanh giữa công ty đóng tàu Việt Nam Vinashin với tập đoàn Lion của Malaysia trị giá 9,8 tỷ đô la, hay là đề án nhà máy thép tại Hà Tĩnh của hãng công nghiệp nặng Đài Loan Formosa, ước lượng khoảng 7,8 tỷ đô. Vào tháng 8, là kế hoạch đầu tư 5 tỷ đô la của tập đoàn thép Ấn Độ Tata.

Vấn đề đang đặt ra đối với Việt Nam là các con số to lớn kể trên mới chỉ là phần đầu tư cam kết, trong lúc các khoản thực sự được giải ngân khiêm tốn hơn nhiều. Theo bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, trong 8 tháng đầu năm nay, trên tổng số hơn 57 tỷ đô la cam kết, chỉ mới có 8 tỷ được thực sự chi ra mà thôi.

Cần phải lý giải ra sao về các tín hiệu kể trên liên quan đến nền kinh tế Việt Nam ? Phải chăng khó khăn tài chánh đã được vượt qua và niềm tin của giới đầu tư ngoại quốc đã được khôi phục ? Cuộc khủng hoảng tài chánh hiện hữu ở Hoa Kỳ, đối tác thương mại hàng đầu, liệu có ảnh hưởng đến Việt Nam hay không ? Để tìm hiểu thêm về các vấn đề này, RFI đã đặt câu hỏi cho ông Vũ Quang Việt, nguyên chuyên viên thống kê tại Liên Hiệp Quốc, một người thường xuyên theo dõi tình hình kinh tế Việt Nam.

Bấm vào để nghe bài phỏng vấn do Trọng Nghĩa thực hiện

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org    Vũ Quang Việt