Biến đổi khí hậu tác động ra sao tới vựa lúa sông Cửu Long?

Vietsciences- Lê Văn Bảnh                  15/12/2009

 

Thưa quý vị, trong khi các nhà lãnh đạo trên thế giới đang tìm kiếm sự đồng thuận về vấn đề biến đổi khí hậu tại hội nghị thượng đỉnh ở Copenhagen, Đan Mạch, cuộc sống của hàng triệu người dân ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam 'hiện bị đe dọa bởi mực nước biển tăng cũng như sự thay đổi thời tiết thất thường'. Trong các phúc trình gần đây, Liên Hiệp Quốc và Ngân hàng Thế giới đã nhận định rằng khu vực được coi là ‘vựa lúa của châu Á’ này là một trong những khu vực ở Việt Nam dễ bị tổn thương và sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì vấn đề biến đổi khí hậu. Trong chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’ tuần này, mời quý vị theo dõi cuộc trao đổi của Nguyễn Trung với tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long, về tác động của tình trạng thay đổi thời tiết đối với nông dân ở vùng châu thổ sông Mekong.

Vietnamese farmers
Ông Bảnh nói tình trạng biến đổi khí hậu 'đã tác động tới đồng bằng sông Cửu Long, tuy không nhiều'.
 
VOA:
Thưa ông, tình trạng biến đổi khí hậu đã và đang tác động như thế nào tới vựa lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long (Mekong)?

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh: Mấy năm qua, tình trạng biến đổi khí hậu đã có tác động tới đồng bằng sông Cửu Long, tuy không nhiều. Điển hình là nước biển xâm nhập sâu vào đất liền. Ví dụ, trước kia nước biển đi sâu vào đất liền khoảng chừng 45 cây số, thì vụ vừa rồi, nước biển xâm nhập vào tới huyện Long Mỹ (Hậu Giang), tức khoảng 60 cây số.

Ngoài ra, chuyện mưa gió thất thường cũng xảy ra. Trong mùa mưa, nhiều khi lại bị hạn hán. Có những lúc lại mưa nhiều, gây ra tình trạng ngập úng. Qua kinh nghiệm sống ở đây lâu năm, tôi thấy đó là những dấu hiệu biến đổi thời tiết khác lạ so với các năm trước.

VOA: Những sự thay đổi như vậy ảnh hưởng ra sao tới cuộc sống của người dân địa phương, thưa ông?

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh: Tới giờ này, cuộc sống của người dân chưa bị ảnh hưởng nhiều, bởi vì nước mặn tràn vào ruộng với tỷ lệ vừa phải, nên lúa còn chịu đựng và thích nghi được. Tuy nhiên, vấn đề hạn hán ở một số nơi như ở tỉnh Kiên Giang đã khiến cho lúa đang trổ giảm năng suất. Bước đầu chúng tôi thấy có những tác động như vậy.

VOA: Trước tình trạng này, ông nghĩ sao về việc triển khai loại lúa chịu mặn ở đồng bằng sông Cửu Long?

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã giao nhiệm vụ và chúng tôi đang triển khai. Trước các hậu quả của biến đổi khí hậu, chúng tôi chọn phương án thích nghi với tình trạng này. Hiện nay chúng tôi đang tiến hành nghiên cứu giống lúa để có thể chống chịu được với độ nhiễm mặn trong ruộng đồng. Chúng tôi đã đi được nửa chặng đường. Chuyện nghiên cứu này không thể xong trong một sớm một chiều, mà kéo dài vài năm.

Chúng tôi đang thử nghiệm giống lúa này và thấy có triển vọng. Ngoài ra, chúng tôi cũng nghiên cứu giống lúa có thể chịu được khô hạn. Chúng tôi đã tập hợp các nguồn gene từ các vùng hay bị hạn hán ở Tây Bắc, Tây Nguyên để làm vật liệu lai tạo. Chúng tôi cũng đang thử nghiệm loại lúa chịu úng ngập, có khả năng chống đỡ lụt lội trong vài tuần hoặc vài tháng. Vài ba năm nữa chúng tôi mới có thể công bố các loại lúa này.

VOA: Thưa ông, về lâu về dài, sự thay đổi thời tiết ảnh hưởng ra sao tới sản lượng lúa ở khu vực này?

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh: Chắc chắn có ảnh hưởng. Theo dự đoán của các nhà khoa học quốc tế, nếu mực nước biển dâng cao khoảng một mét, thì vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ngập khoảng 12%, và như vậy diện tích lúa mất đi khoảng 40%. Như thế là rất lớn.

Đấy là bài toán mà ngành nông nghiệp Việt Nam phải giải quyết. Đó là chuyện đáng lo ngại, nhưng hiện vẫn chưa nói trước được là lúc nào mực nước biển sẽ dâng lên như thế. Nhưng nếu nước biển tăng lên như vậy, chắc chắn sẽ khó có giống nào chống chịu được độ mặn cao như thế.

 
Vietnamese Farmers in Mekong
Ông Bảnh cho rằng an ninh lương thực của Việt Nam trong tương lai 'sẽ bị tác động' bởi tình trạng biến đổi khí hậu.
 
VOA:
Như vậy, an ninh lương thực của Việt Nam có gặp khó khăn không, thưa ông?

Tiến sĩ Nguyễn Văn Bảnh: Chắc chắn là có rồi. Hiện nay đã có những vấn đề như đất đai nông nghiệp càng ngày càng giảm đi do đô thị hóa và công nghiệp hóa. Ngoài ra, dân số tăng cũng tương đối nhanh, khoảng một triệu người một năm.

Nếu giữ nguyên sản lượng xuất khẩu như hiện nay, khoảng sáu triệu tấn, thì tới lúc dân số lên tới 120 triệu người, xuất khẩu gạo sẽ bị ảnh hưởng. Đấy là còn chưa tính tới tình trạng biến đổi khí hậu. Lúc đó, lượng lương thực để đáp ứng nhu cầu trong nước cần nhiều. Vấn đề an ninh lương thực sẽ đáng báo động.

VOA: Thưa ông, đó là dự tính trong khoảng bao nhiêu năm nữa?

Tiến sĩ Nguyễn Văn Bảnh: Theo những cuộc họp tôi tham dự với các nhà khoa học quốc tế, họ dự tính điều đó xảy ra trong vòng 30 tới 50 năm nữa. Mình cũng không đoán trước được nhiều, nhưng theo dự kiến là như vậy.

VOA: Theo quan sát của ông, các nông dân ở vùng sông Mekong đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu như thế nào?

Tiến sĩ Nguyễn Văn Bảnh: Một số chính quyền địa phương chưa quan tâm tích cực lắm. Bộ Nông nghiệp cùng các nhà khoa học đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo về biến đổi khí hậu nhưng mà cả giới chức và nông dân còn thờ ơ vấn đề này. Chúng tôi cũng đã lên tiếng cảnh báo, nhưng họ nói rằng chuyện thay đổi khí hậu còn xa xôi lắm.

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org    N